Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

17 Cơ Chế Phòng Vệ Phổ Biến Để Đối Phó Với Lo Âu

1. Cơ chế phòng vệ 

Chắc chắn bạn đã từng nghe đến khái niệm cơ chế phòng vệ, hoặc cách mà chúng ta bảo vệ bản thân khỏi những việc mà ta không muốn nghĩ đến hay không muốn đối mặt. Thuật ngữ này bắt nguồn từ phân tâm học, nhưng dần dần nó đã trở thành một thuật ngữ quen thuộc trong đời sống. Hãy nghĩ đến lần gần nhất bạn cho rằng một ai đó đang “phủ nhận” hoặc kết tội người khác rằng người đó đang “hợp lý hóa”.Cả hai ví dụ trên đều là đại diện cho các cơ chế tự vệ.

Trong mô hình cấu trúc nhân cách của Freud, cái tôi (ego) là phần nhân cách đương đầu với thực tế. Trong quá trình này, cái tôi phải dung hòa mâu thuẫn giữa cái ấy và cái siêu tôi. Cái ấy tìm cách để thỏa mãn mọi mong muốn, nhu cầu và cảm hứng trong khi đó cái siêu tôi thì lại cố hướng cái tôi tới những lý tưởng và hành động chuẩn mực.

Chuyện gì xảy ra nếu cái tôi không thể giải quyết những ham muốn, giới hạn của thực tế và những chuẩn mực đạo đức của riêng ta? Theo Freud, lo âu là một trạng thái khó chịu bên trong mà con người luôn tìm cách để né tránh. Những hành vi lo âu là những dấu hiệu cho thấy cái tôi đang đi không đúng hướng. Vì vậy, cái tôi phải “thuê” một cơ chế tự vệ để giảm thiểu lo âu.

Freud định nghĩa 3 loại lo âu:

Lo âu loạn thần kinh là khi vô thức lo lắng rằng ta sẽ mất kiểm soát trước sự thúc giục của cái ấy, dẫn đến việc bị trừng phạt hoặc những hành vi không phù hợp.

Lo âu thực tế là nỗi sợ trước những sự kiện xảy ra trong cuộc sống. Nguyên nhân của loại lo âu này thường rất dễ để xác định. Ví dụ như một người sợ bị chó cắn khi đứng gần một con chó hung dữ. Cách thông thường nhất để giảm thiểu loại lo âu này là né tránh nhân tố gây ra sự hoảng sợ.

Lo âu đạo đức là nỗi sợ vi phạm những chuẩn mực đạo đức của mình.

Để giải quyết những lo âu này, Freud tin rằng cơ chế tự vệ như một cái khiên bảo vệ cái tôi khỏi cuộc mâu thuẫn giữa cái ấy, cái siêu tôi và hiện thực cuộc sống

 

2. Cơ chế tự vệ là gì?

Được sử dụng nhiều trong thuyết Phân tâm học của Sigmund Freud, một cơ chế tự vệ là một chiến thuật của cái tôi nhằm chống lại lo âu. Cơ chế tự vệ bảo vệ tâm trí con người khỏi những cảm xúc và suy nghĩ mà ý thức không thể chống đỡ nổi. Trong một vài trường hợp, cơ chế tự vệ có nhiệm vụ ngăn chặn những suy nghĩ sai lệch, không mong muốn hoặc những xung năng xâm nhập vào ý thức.Vì cái ấy, cái siêu tôi và hiện thức thôi thúc sự hình thành của lo âu nên cái tôi phải phát triển hàng loạt cơ chế tự vệ để ứng phó với lo âu. Mặc dù ta đều biết cách sử dụng những cơ chế này, nhưng có nhiều trường hợp những cơ chế tự vệ này do vô thức điều khiển để làm sai lệch thực tiễn.

Ví dụ nếu bạn phải đối mặt với một bài tập cực kì khó chịu, tâm trí của bạn có thể chọn cách quên đi trách nhiệm của mình để tránh phải hoàn thành bài tập đáng sợ đó. Bên cạnh cơ chế tránh né còn có những cơ chế tự vệ khác như “hợp lý hóa”, “phủ nhận”, “dồn nén”, “phóng chiếu”, “chối bỏ” và “tổ chức phản ứng” (phản ứng ngược).

Mặc dù tất cả những cơ chế này đều không tốt, nhưng chúng ta có thể thích nghi với chúng và sử dụng chúng để có một cuộc sống ổn định. Vấn đề lớn nhất xuất hiện khi cơ chế tự vệ bị lạm dụng để trở thành cách con người né tránh giải quyết các vấn đề của mình. Mục đích trong phân tâm học là giúp mọi người nhận ra những cơ chế tự vệ trong vô thức của họ và tìm những cách tốt hơn, lành mạnh hơn để ứng phó với lo âu và phiền muộn.

Các nhà nghiên cứu đã mô tả hàng loạt những cơ chế tự vệ khác nhau. Con gái của Sigmund Freud, Anna Freud đã mô tả 10 cơ chế tự vệ khác nhau của cái tôi.Nhấp vào những liên kết bên dưới để tìm hiểu thêm về từng loại cơ chế tự vệ được mô tả bởi nhiều nhà tâm lý học khác nhau.

3. Cơ chế phủ nhận

Phủ nhận là một trong những cơ chế tự vệ phổ biến nhất, dùng để diễn tả những tình huống mà con người không thể đối mặt với thực tế hoặc không thể chấp nhận một sự thật hiển nhiên (“Anh ấy đang có cơ chế phủ nhận.”). Cơ chế phủ nhận là lời phủ nhận hoàn toàn những gì đã xảy ra hoặc đang xảy ra. Những người nghiện thuốc hoặc rượu thường phủ nhận rằng họ đang có vấn đề, trong khi những nạn nhân gặp sang chấn vì một sự kiện nào đó thường sẽ phủ nhận rằng sự kiện đó chưa từng xảy ra.Cơ chế phủ nhận bảo vệ cái tôi khỏi những việc mà cá nhân không thể ứng phó. Mặc dù cơ chế này có thể giúp chúng ta thoát khỏi lo âu hoặc đau đớn nhưng nó cũng đòi hỏi một nguồn năng lượng bền bỉ. Vì cơ chế này có thể tạo điều kiện thuận lợi cho những cơ chế khác đẩy lùi những cảm giác khó chịu ra xa ý thức.

Trong nhiều trường hợp, cho dù có rất nhiều bằng chứng thể hiện rằng một điều gì đó là có thật nhưng cá nhân có cơ chế phủ nhận sẽ vẫn phủ nhận sự thật vì nếu thừa nhận thì lại cảm thấy rất khó khăn.

Người có cơ chế phủ nhận có thể sẽ hoàn toàn chối bỏ sự thật. Hoặc mặt khác, họ sẽ thừa nhận rằng việc gì đó đã thật sự xảy ra nhưng lại coi rằng việc đó không quan trọng. Đôi lúc họ sẽ chấp nhận sự thật và tính nghiêm trọng của vấn đề nhưng họ sẽ rũ bỏ trách nhiệm và thay vào đó là đổ lỗi cho ai khác hoặc những yếu tố bên ngoài.

Những tên nghiện là ví dụ điển hình cho cơ chế phủ nhận. Những người lạm dụng chất sẽ thường không thừa nhận hành vi của mình. Nhưng cũng có những người sẽ thừa nhận rằng mình lạm dụng thuốc hoặc rượu nhưng lại cho rằng việc lạm dụng chất là không sao.

4. Dồn nén và kiềm chế

Dồn nén là một cơ chế phổ biến khác. Hành động dồn nén là không cho phép thông tin xâm nhập vào ý thức. Tuy nhiên những kí ức này không biến mất, chúng tiếp tục ảnh hưởng đến hành vi của chúng ta. Ví dụ như một người dồn nén kí ức bị lạm dụng lúc nhỏ sẽ gặp khó khăn trong việc tạo dựng mối quan hệ sau này.

Đôi khi chúng ta sẽ cố buộc những thông tin không mong muốn ra khỏi ý thức, hay nói cách khác là chối bỏ chúng. Nhưng trong đa số các trường hợp thì việc loại bỏ những yếu tô gây lo âu ra khỏi kí ức được xem là hành động vô thức.

5. Chuyển di

Có khi nào bạn về nhà rồi hằn học với cả gia đình và bạn bè sau một ngày làm việc tồi tệ chưa? Nếu bạn đã từng như vậy thì bạn có cơ chế chuyển di.Chuyển di là cơ chế chuyển dời những cảm xúc, cơn giận dữ lên những người hoặc những vật ít tổn thương đến bạn hơn. “Giận cá chém thớt” là ví dụ điển hình cho cơ chế này. Thay vì bùng phát cơn giận bất chấp hậu quả tiêu cực (cãi nhau với sếp) thì chúng ta lại trút cơn giận của mình lên một người hoặc một vật nào đó mà ta biết se không gây tổn hại gì cho ta (chẳng hạn như người bạn đời, con cái, hoặc thú cưng)

6. Thăng hoa

Thăng hoa là cơ chế cho phép chúng ta chuyển những hành vi tiêu cực không thể chấp nhận sang những hành vi chấp nhận được. Ví dụ, một người đang cực kì tức giận có thể tập kick-boxing như một cách giải tỏa xung năng. Freud tin rằng cơ chế thăng hoa là một cơ chế trưởng thành giúp con người giải tỏa cảm xúc bằng những cách được xã hội chấp nhận.

7. Phóng chiếu

Phóng chiếu là cơ chế mà ta lấy những suy nghĩ, những tiêu chuẩn không thể chấp nhận ở bản thân mình và áp đặt chúng lên người khác. Ví dụ, nếu bạn cực kì không thích một ai đó, có thể bạn sẽ nghĩ rằng người đó cũng không thích mình. Phóng chiếu cho phép chúng ta bộc lộ những ham muốn hoặc xung năng nhưng lại theo cách mà cái tôi không thể nhận ra và tất nhiên là giảm thiểu lo âu.

8. Lý trí hóa

Cơ chế lý trí hóa làm giảm lo âu bằng cách để chúng ta nghĩ về những việc đã xảy ra theo một cách cứng nhắc và lý thuyết. Cơ chế này không để ta nghĩ đến khía cạnh căng thẳng và xúc động của sự việ mà chỉ tập trung vào những yếu tố về mặt tri thức. Ví dụ như một người vừa mới bị chẩn đoán mắc một căn bệnh ở giai đoạn cuối có thể sẽ tập trung vào việc tìm hiểu tất cả mọi thứ về căn bệnh để tránh lo âu và duy trì khoảng cách với thực tại.

9. Hợp lý hóa

Hợp lý hóa là cơ chế giải thích những hành vi hoặc những cảm xúc không thể chấp nhận bằng một cách hợp lý và có logic, đồng thời tránh đi động cơ thật sự của những hành vi đó. Ví dụ như một người thất vọng trong buổi hẹn hò sẽ hợp lý hóa tình huống bằng cách nói rằng họ cũng chẳng thích người bạn của mình, hay một học sinh bị điểm kém sẽ trách thầy hơn là tự trách sự chuẩn bị thiếu cẩn thận của mình.

Hợp lý hóa không những ngăn cản lo âu mà còn bảo vệ hình ảnh bản thân và hình tượng. Giữa khi thất bại và khi thành công, con người sẽ cho là mình giỏi và có kĩ năng khi thành công và sẽ trách mắng những người khác khi mình thất bại.

10. Thoái lui

Khi phải đối mặt với những tình huống căng thẳng, con người đôi lúc sẽ bỏ qua chiến lược ứng phó mà sẽ quay về hành vi trước đây đã làm trong giai đoạn sớm của tiến trình phát triển. Anna Freud gọi cơ chế này là thoái lui và khi có cơ chế này người ta sẽ có những hành vi của một giai đoạn phát triển tính dục mà họ bị mắc kẹt. Ví dụ như một cá nhân bị kẹt ở giai đoạn phát triển trước đó có thể sẽ khóc hoặc giận dỗi khi nghe những điều mình không thích.

Những hành vi trong cơ chế thoái lui rất đa dạng tùy thuộc vào giai đoạn cá nhân bị mắc kẹt:

Một cá nhân bị kẹt ở giai đoạn môi miệng có thể sẽ bắt đầu ăn, hút thuốc vô độ, hoặc sẽ trở thành một người ăn nói độc địa.

Nếu bị kẹt ở giai đoạn hậu môn có thể sẽ trở thành người cực kì dơ bẩn hoặc cực kì sạch sẽ.

11. Phản ứng ngược

Phản ứng ngược giảm lo âu bằng cách thể hiện những cảm xúc, hành vi ngược lại với cảm xúc bên trong. Một ví dụ của phản ứng ngược là bạn sẽ đối xử cực kì tốt với người bạn cực kì ghét để giấu đi cảm xúc thật của mình. Tại sao người ta lại hành xử như vậy? Theo Freud, họ dùng phản ứng ngược như một cơ chế tự vệ giúp họ giấu những cảm xúc thật của mình bằng những hành vi hoàn toàn ngược lại.

12.Những cơ chế tự vệ khác

Sau khi Freud giới thiệu một vài cơ chế tự vệ điển hình thì những nhà nghiên cứu khác cũng tiếp tục phát hiện ra những cách thức giảm lo âu khác. Những có chế đó bao gồm:Hành động: Trong cơ chế này, cá nhân ứng phó với căng thẳng bằng cách thể hiện ra hành động bên ngoài nhiều hơn là tự cảm nhận những cảm xúc bên trong.Sát nhập: Tìm đến sự ủng hộ của mọi ngườiGiảm mục tiêu: Cá nhân chấp nhận một kết quả thấp hơn so với dự định ban đầu của họ (ví dụ như trở thành một huấn luyện viên bóng rổ tại trường cấp ba thay vì trở thành một vận động viên chuyên nghiệp)

13. Giả vị tha: Thỏa mãn nhu cầu bản thân bằng cách giúp người khác

14. Né tránh: Từ chối việc đối mặt với những sự vật hoặc tình huống khó xử

15. Đền bù: Lấy kết quả của việc này bù đắp cho lỗi lầm của việc khác

16. Hài hước: Chỉ ra khía cạnh hài hước hoặc mỉa mai của tình huống

17. Gây hấn thụ động: Bộc lộ cơn tức giận một cách gián tiếp

Mặc dù những cơ chế tự vệ thường bị cho là những phản ứng tiêu cực nhưng có một vài cơ chế lại hữu ích. Ví dụ như lợi dụng tính hài hước để vượt qua những tình huống căng thẳng và khơi gợi lo âu có thể trở thành một cơ chế thích nghi. Mặt khác, chúng còn giúp con người tạm thời xoa dịu sự căng thẳng trong những lúc cấp bách và giúp con người tập trung vào những thứ quan trọng hơn.

Nguồnhttps://www.verywell.com/defense-mechanisms-2795960

Theo whypsy.com

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

2,430 lượt xem