Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

20 Cuốn Sách Kinh Điển Từng Bị Vướng Vào Lệnh Cấm Phát Hành

Tháng 10/1960, Nhà xuất bản Penguin Books phải ra tòa vì đã cho phát hành Lady Chatterley’s Lover, và dưới đây là những cuốn sách nổi tiếng khác cũng từng vướng phải lệnh cấm.

1. Belle et Bête – Marcela Iacub

Lý do bị cấm: phỉ báng giám đốc Quỹ tiền tệ thế giới IMF

Tác phẩm của Marcela Iacub, thường được dịch sang tiếng Anh là Beauty and Beast hay Beautiful and Stupid, kể lại câu chuyện tình kéo dài bảy tháng của bà với Dominique Strauss-Kahn. Dù ông không được nêu đích danh trong tiểu thuyết, nhưng Iacub từng chia sẻ với một nhà xuất bản tại Pháp rằng nhân vật chính của cuốn sách đúng là cựu giám đốc IMF.

Một thẩm phán người Pháp đã từ chối mọi yêu cầu của Strauss-Kahn nhằm cấm xuất bản cuốn sách, trong đó mô tả nam chính như thể “nhà vua của loài lợn” và “nhà thơ của sự bẩn thỉu.” Giờ đây Belle et Bête đã được phát hành, nhưng Iacub và nhà xuất bản của bà đã bị buộc phải bồi thường cho Strauss-Kahn 50.000 euro.

2. The Spycatcher – Peter Wright

Lý do bị cấm: tiết lộ các thông tin mật của chính phủ

Cựu đặc vụ MI5, Peter Wright, đã vạch trần cơ quan tình báo Anh trong cuốn sách viết về thời gian ông làm “spycatcher” – bằng cách tiết lộ các âm mưu ám sát, những phi vụ hợp tác với CIA, và các kỹ thuật thu thập thông tin phi đạo đức. Năm 1987, cuốn sách bị chính quyền Anh cấm xuất bản, nhưng nó vẫn được phát hành tại Scotland và Úc và đã bán được 2 triệu bản.

* spycatcher là một từ của người Anh, chỉ những người chuyên hoạt động phản gián, phát hiện các gián điệp của địch.

3. Wild Swans – Jung Chang

Lý do bị cấm: chính trị tại Trung Quốc

Cuốn hồi ký của Jung Chang (Trương Nhung) được kể qua ba thế hệ phụ nữ trong gia đình bà, đã đem đến cho nhiều độc giả phương Tây cái nhìn sâu sắc về cuộc sống tại Trung Quốc dưới sự cai trị của Đảng Cộng sản và Mao Trạch Đông. Với hơn 13 triệu bản được bán ra, Wild Swans được xem là cuốn sách phi tiểu thuyết (dạng bìa thường) bán chạy nhất mọi thời đại, nhưng nó vẫn bị cấm ở Trung Quốc kể từ lần đầu tiên phát hành vào năm 1991.

4. Lady Chatterley’s Lover – D H Lawrence

Lý do bị cấm: khiêu dâm

Câu chuyện khiêu dâm mà Lawrence viết về ngoại tình đã bị cấm ở Anh từ khi phát hành vào năm 1928. Mãi cho đến năm 1960, Penguin mới giành được quyền xuất bản cuốn sách theo Đạo luật Xuất bản Ấn bản Đồi trụy 1959. Trong phiên toà, một công tố viên đã đặt câu hỏi: “Liệu đây có phải là cuốn sách mà anh muốn vợ hay người giúp việc của mình đọc hay không?” – nhưng sau đó, Penguin đã đạt doanh số 200.000 bản trong ngày đầu tiên xuất bản cuốn sách.

5. All Quiet on the Western Front – Erich Maria Remarque

Lý do bị cấm: không ủng hộ quân đội Đức

Được viết bởi một cựu binh từng tham gia Thế chiến I, bức chân dung có chút thản nhiên về sự tàn bạo của cuộc chiến này đã bị chính quyền Đức Quốc xã cấm vào năm 1933, vì nó rõ ràng là không ủng hộ quân đội Đức. Tuy vậy, All Quiet on the Western Front (Phía Tây không có gì lạ) vẫn là một trong những tác phẩm được tôn trọng và nổi tiếng nhất trong số các tiểu thuyết về Thế chiến I.

6. Doctor Zhivago – Boris Pasternak

Lý do bị cấm: chính trị tại Liên Xô

Tác phẩm mô tả cuộc sống của người dân sau Cách mạng Bolshevik đã bị cấm phát hành ở Liên Xô cho đến năm 1988. Sự thù địch của chính quyền trong nước đối với những lời chỉ trích mà cuốn sách dành cho Đảng Bolshevik đã buộc Pasternak phải từ chối giải Nobel Văn học năm 1958, sau khi bị đe doạ trục xuất khỏi Liên Xô.

7. The Wonderful Wizard of Oz – L Frank Baum

Lý do bị cấm: quảng bá nhân vật nữ anh hùng?

Dù đối với hầu hết chúng ta, cuốn sách chỉ là một câu chuyện cổ tích rất bình thường, nhưng The Wonderful Wizard of Oz (1900) đã từng bị cấm ở nhiều thư viện và trường học Mỹ vào thập niên 1930, và tiếp tục bị cấm thêm lần nữa vào thập niên 1950, với lý do nó quảng bá cho các giá trị “không lành mạnh” thông qua nhân vật nữ chính độc lập và các nhân vật “trái với lẽ thường” như phù thủy và khỉ bay.

8. 1984 – George Orwell

Lý do bị cấm: lên án về chính phủ độc tài

Dự báo năm 1949 của George Orwell về một tương lai u tối, nơi mà tất cả hoạt động của con người đều bị theo dõi và mọi suy nghĩ độc lập đều bị đàn áp, đã bị Hiệp hội Thư viện Mỹ cấm vì nó là “cảnh báo mơ hồ về chính phủ độc tài và kiểm duyệt.” Trớ trêu thay, dù 1984 được dán nhãn là ủng hộ cộng sản, nó cũng bị cấm ở Liên Xô vì đã ngầm phê phán chế độ Xô Viết.

9. Ulysses – James Joyce

Lý do bị cấm: tục tĩu

Cuốn tiểu thuyết sử thi của Joyce từ lâu đã được xem là một trong những tác phẩm quan trọng nhất của văn học hiện đại, nhưng nhiều nhóm chống đồi bại tại Mỹ lại chỉ trích ẩn dụ về việc thủ dâm mà cuốn sách đề cập. Sau một phiên tòa năm 1921, Ulysses bị tuyên bố là tục tĩu và bị cấm ở Mỹ cho đến năm 1933. Được xuất bản lần đầu tiên ở Paris, nhưng cuốn sách vẫn bị cấm ở Anh cho đến những năm 1930.

10. The Diary of Anne Frank – Anne Frank

Lý do bị cấm: mô tả tích cực về người Do Thái?

Nhật ký của một thiếu nữ người Đức đã kể lại những tháng ngày chạy trốn khỏi Đức Quốc xã, và sau đó là cuộc sống ở trại tập trung Bergen-Belsen, đã được dịch sang 60 ngôn ngữ và bán được hơn 30 triệu bản trên toàn thế giới kể từ khi lần đầu xuất bản năm 1952. Tuy nhiên, cuốn sách bị cấm ở Lebanon vì đã mô tả người Do Thái cách tích cực; Schindler’s Ark (của Thomas Keneally) và Sophie’s Choice (của William Styron) cũng bị cấm vì lý do tương tự.

11. The Satanic Verses – Salman Rushdie

Lý do bị cấm: xúc phạm tôn giáo

Lấy cảm hứng từ cuộc đời của Tiên tri Mohammed, cuốn sách nổi tiếng của Rushdie đã khiến tác giả bị lãnh tụ tối cao của Iran, Ayatollah Khomeini, tuyên án tử hình vì “xúc phạm Hồi giáo.” Biểu tình bạo lực đã nổ ra trên khắp thế giới nhằm chống lại Rushdie, và một số nhà sách ở Anh đã bị đánh bom vì dám bán The Satanic Verses. Điều đáng sợ nhất là người dịch phiên bản tiếng Nhật của cuốn sách đã bị giết, dịch giả của bản tiếng Ý thì bị thương sau một vụ tấn công bằng dao, còn dịch giả bản tiếng Na Uy thì bị bắn trọng thương.

12. Going Clear – Lawrence Wright

Lý do bị cấm: đe dọa hoạt động pháp lý của giáo phái Scientology

Dù câu chuyện gây nhiều tranh cãi của Lawrence Wright về cuộc sống bên trong giáo phái Scientology (Khoa học giáo) không bị cấm cách công khai, nhưng nhà xuất bản Transworld đã rút khỏi thỏa thuận phát hành sách tại Anh sau khi được tư vấn pháp lý. Dường như mối đe dọa về hành động pháp lý của giáo phái khét tiếng Scientology là điều khiến các nhà xuất bản lo ngại.

13. Operation Dark Heart – Anthony Shaffer

Lý do bị cấm: tiết lộ thông tin tình báo

Cuốn hồi ký xuất bản năm 2010 của cựu sĩ quan tình báo Mỹ – Trung tá Anthony Shaffer – đã trở nên nổi tiếng bởi hành động mà Bộ Quốc phòng đã thực hiện để ngăn chặn việc tiết lộ các thông tin nhạy cảm: gần 10.000 ấn bản của đợt đầu tiên đã được Lầu Năm Góc mua và tiêu hủy. Cuốn sách kể lại thời gian 5 tháng Shaffer ở Afghanistan, bao gồm các thông tin chiến dịch và mô tả hoạt động bên trong các cơ quan tình báo của Mỹ.

14. The Da Vinci Code – Dan Brown

Lý do bị cấm: xúc phạm tôn giáo?

Cuốn sách “hiện tượng” của Dan Brown – trong đó chứa đựng chi tiết Chúa Jesus kết hôn với Mary Magdalene và trở thành cha của một đứa trẻ – đã bị cấm ở Lebanon vào năm 2004, bị các nhà lãnh đạo Công giáo lên án là “xúc phạm tôn giáo.”

Năm 2008, Giáo hội Công giáo đã ngăn cản việc quay The Angels and Demons, phần tiếp theo của The Da Vinci Code, tại các nhà thờ Công giáo. Phát ngôn viên của Tòa thánh Vatican, Cha Marco Fibbi, đã nói về quyết định này: “Thông thường thì chúng tôi sẽ đọc kịch bản, nhưng trong trường hợp này thì không cần thiết, chỉ cần tên Dan Brown là đủ.”

15. Lolita – Vladimir Nabikov

Lý do bị cấm: ấu dâm

Tác phẩm nổi tiếng về quan hệ tình ái giữa một người đàn ông trung niên và một cô bé 12 tuổi đã được xuất bản vào năm 1955. Dù giờ đây nó được coi là một trong những tiểu thuyết hay nhất được viết vào thế kỷ 20, nhưng Văn phòng Nội chính (Bộ Nội vụ Anh) từng ra lệnh cho hải quan tịch thu bất kỳ bản sao nào được đem vào nước này. Lệnh cấm kéo dài cho đến năm 1959. Việc Weidenfeld and Nicolson cho phát hành cuốn sách tại Anh đã gây ra một vụ bê bối và ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh tiếng của nhà xuất bản và chính trị gia Nigel Nicolson.

16. Minin Kampf – Adolf Hitler

Lý do bị cấm: Đức Quốc Xã

Tự truyện đồng thời là tuyên ngôn của Hitler đã bán được hàng triệu bản trong suốt thời kỳ Quốc xã, nhưng nó đã bị cấm ở Đức vào năm 1945. Năm 2010, người ta đưa ra thông báo rằng một phiên bản diễn giải cuốn sách sẽ được xuất bản vào năm 2015, khi mà bản quyền vốn đang thuộc về chính phủ Bavarian hết hạn. Trên khắp thế giới đã có rất nhiều hạn chế và lệnh cấm hoàn toàn việc phát hành cuốn sách. Ví dụ, nó đã không được xuất bản ở Ba Lan mãi cho đến năm 1992; còn ở Argentina, việc xuất bản hoặc nhập khẩu với cuốn sách với số lượng đáng kể bị xem là bất hợp pháp.

17. Harry Potter (1997 – 2007) – J K Rowling

Lý do bị cấm: quảng bá cho phù thủy

Loạt truyện Harry Potter đã bán được hơn 450 triệu bản, vậy nên J K Rowling có lẽ sẽ không quá quan tâm đến việc bỏ lỡ độc giả. Tuy nhiên, dù Harry Potter rất nổi tiếng với khán giả trên toàn thế giới, thì bốn tập đầu tiên trong bộ truyện vẫn bị gán cho danh hiệu những cuốn sách bị cấm nhiều nhất ở Mỹ.

Bị buộc tội quảng bá cho phù thủy và sức mạnh siêu nhiên, bị dán nhãn là “kiệt tác lường gạt của quỷ Satan,” bốn tập truyện này đã bị cấm và bị đốt trên khắp nước Mỹ, dù nhiều trường học đã kiên quyết không chấp nhận yêu cầu của nhiều phụ huynh về việc loại bỏ bốn tập truyện này khỏi thư viện của họ.

18. The Well of Loneliness – Radclyffe Hall

Lý do bị cấm: đồng tính nữ

Xuất bản lần đầu tiên vào năm 1928, câu chuyện về một phụ nữ trẻ giàu có bị hành hạ bởi tình yêu dành cho một phụ nữ khác giờ đây được coi là phiên bản tự truyện của chính Hall về cuộc đấu tranh với thiên hướng tình dục của mình. Dù không có hình ảnh gây tranh cãi nào khác ngoài một nụ hôn giữa hai người phụ nữ, The Well of Loneliness đã bị đưa ra tòa xét xử ấn phẩm đồi trụy và bị cấm bởi vì nó có thể “làm hư hỏng những người có tâm trí cởi mở đối với những hành động phi đạo đức như vậy.”

Cuốn sách được xuất bản trở lại năm 1949 và đã bán được hàng triệu bản; nó vẫn được coi là một tác phẩm đột phá về đồng tính nữ.

19. The Dark – John McGahern

Lý do bị cấm: khiêu dâm

Tiểu thuyết thứ hai của McGahern – xuất bản năm 1965, miêu tả việc bị lạm dụng bởi cha mẹ và các giáo sĩ ở vùng nông thôn Ireland – đã gần như ngay lập tức bị các nhà kiểm duyệt của chính phủ Ireland cấm vì lý do khiêu dâm. McGahern bị mất công việc giáo viên do các tranh cãi, và đã phải trốn tránh, từ chối xuất bản tác phẩm mới trong vòng 5 năm tiếp theo.

Các nhà văn nổi tiếng như Samuel Beckett đã lên tiếng bảo vệ McGahern, và lệnh cấm của The Dark đã kết thúc vào năm 1972. McGahern sau đó đã tiếp tục viết thêm bốn cuốn tiểu thuyết, bao gồm cả tác phẩm đạt giải Booker – Amongst Women.

20. Alice’s Adventures in Wonderland – Lewis Carroll

Lý do bị cấm: ám chỉ đến các chất gây nghiện làm người ta lú lẫn?

Đối với hầu hết độc giả, cuốn sách xuất bản năm 1865 của Carroll là chuyến phiêu lưu khám phá, vốn đã thu hút trí tưởng tượng của trẻ em nhiều thế hệ. Tuy nhiên, đối với một vị tỉnh trưởng của Trung Quốc, nó lại là mối nguy.

Năm 1931, cuốn sách bị cấm ở tỉnh Hồ Nam, nhưng không phải vì nó ám chỉ đến các chất gây nghiện làm người ta lú lẫn, mà bởi vì nó bao gồm những con vật biết nói chuyện. Tỉnh trưởng Hồ Chiến nói rằng “thật tai hại khi miêu tả con người và loài vật ở cùng một cấp độ.”

Theo Bookaholic.vn

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

5,050 lượt xem