Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

3 Cuốn Sách Về Tâm Lý Không Thể Không Đọc

1. KHÔNG THỂ BỊ DỐI LỪA (TS David J. Lieberman)

Tất cả mọi người, vì những lý do khác nhau, ít nhiều đều nói dối, nhưng không ai thích thú khi bị lừa dối. Những lời nói dối có thể vô hại nhưng cũng có thể làm chao đảo cuộc sống của một cá nhân hay hoạt động của một tổ chức. Cách tự vệ, tránh bị sập bẫy hay xoay chuyển tình thế hiệu quả nhất, trong mọi hoàn cảnh, là nhận thức đúng đối phương, phán đoán đúng sự việc và chủ động kiểm soát tình hình. Xa hơn, muốn trở thành người luôn nắm giữ sự thật, chúng ta cần phải điều khiển đối phương thay vì chịu ảnh hưởng của họ.

Trang bị cho bạn những “vũ khí” giao tiếp sắc bén, Không thể bị lừa dối của Tiến sĩ David J. Lieberman, chuyên gia hành vi học nổi tiếng, chính là một công cụ đặc biệt thú vị giúp bạn khám phá sự dối trá một cách nhanh chóng và chính xác. Cuốn sách cung cấp các chiến thuật phát hiện và sử dụng manh mối thường bị bỏ qua hoặc chưa được biết đến – hành vi phi ngôn từ. Khi chúng ta trò chuyện, 7% sự thật ẩn chứa trong lời từ, 38% trong giọng nói, 55% trong hành vi và cử chỉ. Tuy nhiên, chúng ta thường chỉ chú ý đến lời từ và bỏ quên phần thông điệp thể hiện qua các nhân tố phi ngôn từ – phần lớn nhất và có thể nói là chân thực nhất. Đó chính là lý do bạn cần đến những ví dụ sinh động, những tình huống và kịch bản điển hình, dễ tiếp thu và dễ áp dụng mà Lieberman đưa ra cùng những phân tích cặn kẽ và xác đáng.

Khi nhận ra người ta đang nói dối mình, mù quáng lao vào cuộc khẩu chiến là hạ sách. Điều cần làm là nghe ý nhưng hiểu tứ, là khơi gợi đối thoại theo chiều hướng mà bạn muốn để thu thập thông tin. Áp dụng những kỹ thuật mang tính đột phá và tiên tiến của Lieberman, bạn sẽ thấy không có rào cản nào trên hành trình đi tìm sự thật. Những chiến thuật như kíp nổ, viên đạn bạc, phương án tấn công… hoàn toàn không hiếu chiến, không công kích đối phương một cách trực diện hay làm họ tổn thương như tên gọi của chúng có thể hàm ý. Chúng chỉ thuần túy giúp bạn nhận biết sự dối trá và đối phó với nó một cách kín đáo, khéo léo, mềm dẻo nhưng hiệu quả tức thì, mà không để đối phương nhận ra là mình đang bị khai thác và điều khiển.

Giúp bạn tự vệ chính là mục tiêu của Không thể bị lừa dối. Đọc một trang hay chỉ một đoạn khoảng chục dòng bất kỳ trong cuốn sách, bạn cũng đều thu được một công cụ, một kinh nghiệm có thể áp dụng ngay vào thực tế. Là một độc giả say mê nhưng hiếm khi tôi gặp được một cuốn sách cô đọng mà hiệu nghiệm và có ý nghĩa thực tiễn đối với cuộc sống hàng ngày cũng như công việc của chúng ta đến thế. Không hoàn toàn như tiêu đề của nó, Không thể bị lừa dối không chỉ giúp chúng ta nhận biết sự lừa dối, mà còn đưa chúng ta đến với nghệ thuật phi ngôn từ, bộ môn nghệ thuật mà nếu chúng ta thấu hiểu và áp dụng nhuần nhuyễn chắc chắn sẽ giúp chúng ta đàm phán vô cùng hiệu quả. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi Việt Nam đã là thành viên chính thức của WTO, khi chúng ta tiếp xúc nhiều hơn với thế giới bên ngoài, thế giới của ngôn ngữ cử chỉ. Chúc các bạn hội nhập thành công vào thế giới phẳng, với cẩm nang Không thể bị lừa dối!

Không thể bị lừa dối bao gồm tám chương, mỗi chương khám phá một khía cạnh của việc nói dối. Các kỹ thuật mới mẻ trong cuốn sách này sẽ giúp bạn xác định được mình có bị lừa dối hay không. Nếu bạn là nạn nhân của một sự lừa dối, chúng sẽ giúp bạn tìm ra chân lý và giành quyền kiểm soát tình hình. Nhiều ví dụ trong cuốn sách này rút ra từ các mối quan hệ cá nhân và các tình huống trong công việc; chắc chắn hầu hết chúng ta có thể đồng cảm với những tình huống này.

David J. Lieberman là chuyên gia đẳng cấp quốc tế trong lĩnh vực hành vi học, Tiến sĩ ngành Tâm lý học, với nhiều tác phẩm đã được dịch ra 11 ngôn ngữ trên thế giới. Ông đã xuất hiện trên hơn 200 chương trình, là khách mời thường xuyên của các chương trình phát thanh và truyền hình nổi tiếng ở Mỹ như: The Today Show, National Public Radio, The View, PBS, The Montel Williams Show và A&E. Ông là một diễn giả, giảng viên và là chuyên gia tư vấn rất ăn khách, hiện sống tại thành phố New York, Mỹ.

2. NGỪNG LỆ THUỘC (Melody Beattie)

“Không để mình lệ thuộc người khác và không để người khác lệ thuộc mình."

Melody Beattie là một trong những tác giả được yêu thích nhất trong lĩnh vực phát triển bản thân ở Mỹ, và là một trong những nhân vật nổi tiếng đề cập đến các chứng nghiện và biện pháp hỗ trợ cai nghiện. Năm 1986, bà viết quyển sách Ngừng Lệ Thuộc và nó trở thành quyển sách bán chạy nhất thế giới. Hàng triệu độc giả đã tin tưởng vào lời khuyên và hiểu biết sáng suốt của Melody vì bản thân bà hiểu được những gì họ đang trải qua. Trong đời mình, Melody đã từng bị bỏ rơi, bị bắt cóc, bị lạm dụng tình dục, nghiện rượu và thuốc kích thích, ly hôn và mất đi đứa con.

Melody chào đời tại St. Paul, bang Minnesota, Hoa Kỳ vào năm 1948. Cha bà bỏ đi lúc bà còn đang chập chững; Melody lớn lên trong vòng tay của mẹ. “Mẹ tôi là một người đồng phụ thuộc điển hình,” bà kể lại. Trong hơn 20 năm, bà đã cho ra đời 15 quyển sách được xuất bản bằng 20 ngôn ngữ, cùng hàng trăm bài viết trên báo và tạp chí. Bà là khách mời thường xuyên của nhiều chương trình truyền hình quốc gia, bao gồm chương trình Oprah. Bà và các quyển sách của bà được đăng đều đặn trong các ấn phẩm quốc gia bao gồm Time, People và nhiều tạp chí lớn khác trên khắp thế giới.

Lòng trắc ẩn và quan điểm sáng suốt của Melody Beattie về tình trạng đồng phụ thuộc – khái niệm về việc đánh mất bản thân trên danh nghĩa giúp đỡ người khác – đã tác động mạnh mẽ đến những người đang chật vật khổ sở vì hành vi tự làm hại bản thân của người mà họ yêu thương. Ngừng Lệ Thuộc đã giúp hàng triệu độc giả hiểu rằng họ không thể thay đổi bất kỳ ai ngoại trừ chính họ.

Trích đoạn sách:

"Một người bạn của tôi có chồng nghiện rượu. Mỗi khi anh ta đi uống rượu thì cô sẽ lái xe khắp phố, nhờ bạn bè giúp đỡ và không ngừng tìm kiếm cho đến khi tìm được chồng mình. Cô luôn tử tế, quan tâm và tội nghiệp anh ta – dấu hiệu cảnh báo cho thấy một cuộc giải cứu sắp xảy ra – cho đến khi cô đưa anh về nhà và đỡ anh lên giường – chịu trách nhiệm cho anh và trạng thái tỉnh táo của anh. Nhưng đến khi anh nằm lên giường thì mọi chuyện thay đổi. Cô nhập vào vai người giày vò. Cô không muốn thấy gã đàn ông này trong nhà mình. Cô mong anh ta rên rỉ suốt nhiều ngày rằng anh ta bệnh nặng ra sao. Anh ta không có khả năng gánh trách nhiệm trong gia đình, và thường tỏ ra đáng thương. Anh ta đã làm vậy quá nhiều lần rồi! Thế nên cô bắt đầu trách móc anh ta, nói xiên nói xỏ rồi chuyển thành cơn thịnh nộ.

Chồng cô lúc đầu sẽ chịu đựng sự đay nghiến của cô một chút rồi chuyển từ một nạn nhân bất lực sang kẻ giày vò muốn trả đũa, còn cô thì tuột xuống vai người bị hại. Trong cô xuất hiện cảm giác bất lực, xấu hổ, tuyệt vọng và thương hại bản thân. Cô sẽ kêu than rằng đây là câu chuyện đời mình. Sau tất cả những gì cô đã làm cho anh ta, sao anh ta có thể đối xử với cô như vậy? Tại sao chuyện này luôn xảy đến với cô? Cô cảm thấy mình bị chồng nhẫn tâm ngược đãi, là nạn nhân của hoàn cảnh, của cuộc đời. Cô chưa từng nghĩ rằng cô cũng là nạn nhân của chính mình và của những hành vi mình gây ra.

Đây là một ví dụ khác. Mùa hè nọ, một người bạn muốn tôi đưa cô ấy đến nông trại táo. Lúc đầu, tôi thật sự muốn đi nên chúng tôi hẹn nhau ngày đi. Tuy nhiên đến ngày hẹn thì tôi lại bận tối mắt tối mũi. Tôi gọi điện cho cô bạn và thay vì bảo rằng mình không muốn đi nữa, tôi lại đề nghị dời ngày. Tôi thấy có lỗi và có trách nhiệm với cảm xúc của cô ấy – một cuộc giải cứu sắp diễn ra. Tôi không thể làm cô ấy thất vọng vì tôi nghĩ rằng bạn mình không thể chịu đựng nổi cảm giác đó. Tôi không thể nói sự thật vì tôi nghĩ rằng có thể cô bạn sẽ giận tôi – đặt nặng tình cảm hơn – cứ như thể cơn giận của người khác là vấn đề của tôi vậy. Cuối tuần tiếp theo thậm chí còn bận rộn hơn nhưng tôi vẫn cố xếp ngày đi. Thật ra, tôi đâu cần mua thêm trái táo nào nữa; hai ngăn chứa trong tủ lạnh của tôi đầy táo.

Trước khi dừng xe trước nhà cô bạn, tôi đã chuyển sang vai kẻ giày vò. Tôi tỏ vẻ bực tức, căng thẳng khi lái xe đến vườn táo. Đến nơi, chúng tôi bắt đầu nếm và ngắm nhìn mấy trái táo nhưng rõ ràng là chẳng ai trong chúng tôi cảm thấy thích thú cả. Sau vài phút, cô bạn quay sang nói với tôi, “Thật sự thì mình không muốn mua táo đâu. Tuần trước, mình đã mua rồi. Mình đến đây chỉ vì nghĩ rằng cậu muốn mua, và mình không muốn làm cậu buồn.”

Đây chỉ là một trong hàng ngàn cuộc giải cứu mà tôi đã dốc sức thực hiện trong đời. Khi bắt đầu hiểu được tiến trình này, tôi nhận ra mình đã dành phần lớn thời gian trong ngày để nhảy hết góc này sang góc khác của Tam Giác Karpman, gánh trách nhiệm thay mọi người trừ bản thân mình. Đôi lúc, tôi xoay sở hoàn thành được những cuộc giải cứu quan trọng; đôi lúc là những cuộc giải cứu nhỏ. Các mối quan hệ bạn bè của tôi bắt đầu, duy trì và cuối cùng là kết thúc theo tiến trình giải cứu này. Hành động giải cứu phá hoại mối quan hệ giữa tôi với người thân và khách hàng. Nó khiến tôi hầu như lúc nào cũng trong trạng thái kích động."

3. TÂM LÝ HỌC HÀI HƯỚC (Richard Wiseman)

Cuốn sách này hàm chứa những nghiên cứu, những thí nghiệm độc đáo, lạ thường của những nhà khoa học tò mò bậc nhất trên thế giới. Trong đó có rất nhiều điều chúng ta cũng thường xuyên tự hỏi mỗi ngày. Mỗi chương sách đều hé lộ một mảng tâm lí học bí mật nằm dưới những khía cạnh khác nhau trong cuộc sống của chúng ta, từ sự lừa dối cho đến việc ra quyết định, từ tính ích kỉ cho đến sự mê tín. Trong quá trình này, chúng ta sẽ bắt gặp một vài mảnh ghép ưa thích về sự kì lạ nhưng hấp dẫn đến lạ kỳ.

Liệu tên của những đứa trẻ có ảnh hưởng tới cuộc đời của chúng hay không? Các thống kê xã hội đã cho thấy, những đứa trẻ có tên tiêu cực, thường xuyên nhận được cái nhìn tiêu cực từ bố mẹ, người xung quanh khi trưởng thành có tỷ lệ phạm tội cao hơn những đứa trẻ có tên tích cực và nhận được cái nhìn tích cực từ những người xung quanh.

Liệu số vụ tự tử có liên quan đến các bài báo, truyền hình về các vụ việc có liên quan đến tự tử không? Các thống kê xã hội đã cho thấy, trong hai tuần sau khi có một bài báo, thông tin truyền hình về một vụ tự tử, thì số lượng các vụ tự tử tăng cao đột biến, đặc biệt nếu các thông tin, bài báo đó mô tả cụ thể hình thức tự tử.

Đàn ông và phụ nữ có sự hài hước khác nhau trước các câu chuyện cười như thế nào? Các nghiên cứu chỉ ra rằng, đàn ông thường cười trước những câu chuyện có những phụ nữ ngớ ngẩn và phụ nữ thích những câu chuyện cười có những gã đàn ông ngu ngốc.

Liệu có thật có người sinh ra đã may mắn, và nhiều người thì “xui tận mạng” suốt cuộc đời không? Liệu mọi người có thể thay đổi vận may của mình không? Các nghiên cứu cho thấy, bạn có thể thay đổi vận may của mình. Những người may mắn là những người luôn vui vẻ, năng động và biết tạo ra cơ hội cho chính mình. Ngược lại, những người kém may mắn là những người hay lo lắng, lúng túng, khép kín và không sẵn sàng đón nhận cơ hội đến với mình.

Mỗi chương của sách sẽ là một cánh cửa mở ra hàng loạt những nghiên cứu dị thường của những nhà khoa học tò mò, giúp cho lá cờ của ngành khoa học không chính thống này được tiếp tục tung bay cũng như mang đến cho độc giả những hiểu biết mới lạ về ngành khoa học đặc biệt, tính chất công việc của các nhà khoa học cũng như tự khám phá ra nhiều điều thú vị của cuộc sống quanh mình.

Richard Wiseman - tác giả Tâm lý học hài hước - sinh năm 1966 tại Anh. Ông là giáo sư tâm lý học của Đại học Hertfordshire, được tờ Scientific American mô tả là “nhà tâm lý học thực hành thú vị nhất thế giới hiện nay”. Các nghiên cứu của ông được sử dụng trong hơn 150 chương trình truyền hình tại Vương quốc Anh.

Trích đoạn sách:

"Trong một nghiên cứu mà tạp chí chiêm tinh Phenomena gọi là "bước phát triển quan trọng nhất của chiêm tinh học trong thế kỉ 20", giáo sư tâm lý học Hans Eysenck, một nhà tâm lý học nổi tiếng của thế kỉ 20 trong lĩnh vực phân tích tính cách con người, đã so sánh kết quả dự đoán nhân cách giữa 2 nguồn. 1 bên là bảng Đánh giá nhân cách do Eysenck tự phát triển (Đo mức độ hướng nội- hướng ngoại bằng câu hỏi như "Tôi cảm thấy thoải mái ở nơi đông người" và Đo mức bộ bất ổn tâm lý như "Tôi hay lo lắng nhiều thứ"). 1 bên dựa vào dự đoán từ cung hoàng đạo.

Hơn 2000 học viên thuộc trường chiêm tinh Mayo đã tham gia bằng việc cung cấp ngày sinh và hoàn thành bảng khảo sát đánh giá tâm lý. Sau khi đối chiếu, Eysenck thu được kết quả hoàn toàn phù hợp với thuyết chiêm tinh (1-0 cho đội chiêm tinh). Đúng là sáu cung được liên tưởng đến sự hướng ngoại (Bạch Dương, Song Tử, Sư Tử, Thiên Bình, Nhẫn Mã và Bảo Bình) thường hướng ngoại cao những người khác, và những người thuộc nhóm nguyên tố NƯỚC (Cự Giải, Bọ Cạp và Song Ngư) đúng là có nhạy cảm hơn nhóm nguyên tố ĐẤT (Kim Ngưu, Xử Nữ, Ma Kết).

Tuy nhiên, mọi chuyện chưa dừng lại ở đây. Eysenck còn tiến hành thêm 2 nghiên cứu bổ sung, với 2 nhóm mà ông cho rằng ít bị thiên kiến hơn, gồm 1,000 trẻ em và những người trưởng thành có ít hiểu biết về chiêm tinh. Kết quả là chẳng có sự liên quan gì giữa mức độ hướng ngoại và bất ổn tâm lý với những hình mẫu mà chiêm tinh học dự đoán. Ngoài ra, ông còn thấy rằng những người càng hiểu biết nhiều về nhiều về chiêm tinh thì kết quả càng phù hợp, và ngược lại. Nó đúng với nghi ngờ trước đó của ông cho rằng có lẽ chính những hiểu biết về chiêm tinh của nhóm 2000 học viên kia đã làm thiên lệch kết quả cuộc cuộc khảo sát tâm lý. (2-1 cho đội khoa học)."


Theo Tâm Lý Học Ứng Dụng

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

16,312 lượt xem