Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

35 Thứ Bạn Cần Học Cách Từ Bỏ Để Đạt Được Thành Công (Phần 1)

Mọi thứ đều có giá của nó, và thành công cũng vậy. Để đạt được thành công, chúng ta phải học cách từ bỏ nhiều thứ. Bạn thì sao, bạn có sẵn sàng chấp nhận cái “giá” của thành công không?  Con đường dẫn đến thành công có lẽ là rất dài nữa, nhưng bạn có thể bắt đầu bằng cách từ bỏ 35 điều sau.

1. Lãng phí thời gian – dù chỉ là 5 phút

Bạn làm gì mỗi khi mình có 5 phút rảnh rỗi? Hầu hết mọi người sẽ sử dụng nó như một cái cớ để nghỉ ngơi hoặc lười biếng. Cứ mỗi “5 phút nghỉ” đầy lười biếng, thưc chất chúng ta đã lãng phí tận 25 phút mỗi ngày. Nghĩa là ta sẽ lãng phí tới 9.125 phút mỗi năm (25 X 365). Thật đáng buồn, trên thực tế thì chúng ta thậm chí còn đang lãng phí nhiều thời gian hơn thế.

Tôi đã từng được một giáo viên dạy tiếng Anh lớp 9 khuyên rằng, khi nghỉ giữa giờ, hãy dành ra một chút thời gian để đọc sách - dù chỉ là một vài phút - và tôi sẽ đọc được nhiều hơn dự kiến. Cô giáo tôi đã đúng. Và tới bây giờ, mỗi khi tôi hoàn thành công việc sớm, hoặc có chút thời gian rảnh rỗi, tôi sẽ đọc sách.

Việc chúng ta dành 5 phút nghỉ giữa giờ vào điều gì là một yếu tố quyết định đến những gì chúng ta đạt được trong cuộc sống. Tích tiểu thành đại. Và hãy đừng biện minh cho sự lãng phí quá nhiều thời gian vào những việc vô bổ nữa.

2. Không coi trọng đồng tiền nhỏ

Gần đây, tôi có cùng mẹ vào siêu thị BigC mua một ít đồ tạp hoá. Và lúc chúng tôi đang ở xếp hàng chờ thanh toán, tôi chỉ vào một món đồ (mà bây giờ tôi cũng không thể nhớ nó là gì nữa).

Và mẹ tôi nói "Nó có giá tận một đô đấy con ạ”. Gia đình tôi không phải là thiếu tiền. Nhưng mẹ tôi vẫn luôn như vậy, tiết kiệm và quý trọng từng đồng một.

Trân trọng giá trị của đồng tiền cho dù nó chỉ là một đô cũng giống như việc đánh giá đúng giá trị thời gian. Không suy nghĩ gì khi tiêu tốn một đô nghe có vẻ không nghiêm trọng nhưng thực tế, nó là một vấn đề lớn đấy. Khoản chi nhỏ đó nhưng nếu bị hoang phí trong một thời gian dài có thể lên đến con số hàng triệu. Và nó cũng phản ánh sự thờ ơ  của chúng ta đến những chi tiết, nơi mà nghệ thuật và giá trị thực sự trú ngụ. Nếu bạn không thể để tâm đến chi tiết, bạn sẽ không thể thành công được.

Hơn nữa, hầu hết các triệu phú trên thế giới đều là tự vươn lên từ nghèo khó, 80% trong số họ trước kia chưa từng có một cuộc sống sung túc, và 75% trong số họ tự làm chủ và lập công ty riêng. Việc không được nhận lương theo giờ buộc họ phải có trách nhiệm nhiều hơn cho mỗi phút và mỗi đồng bỏ ra. Do đó, đại đa số các triệu phú đều sống tiết kiệm - hoặc ít nhất là rất lưu tâm – tới tiền bạc của họ.

3. Tin rằng sự thành đạt sẽ mang lại hạnh phúc

Tiến sĩ Thomas Gilovich, nhà tâm lý học tại Đại học Cornell, người đã nghiên cứu mối quan hệ giữa tiền bạc và hạnh phúc trong hơn hai thập kỷ, nói rằng: "Một trong những kẻ thù của hạnh phúc là sự thích nghi.”

"Chúng ta chi tiền ra mua những thứ để khiến bản thân hạnh phúc, và chúng ta đã thành công. Khi bạn mua được những thứ bạn thích, bạn sẽ cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc, nhưng sự vui vẻ và hạnh phúc ấy thật sự ngắn ngủi. Những thứ mới mẻ sẽ rất thú vị và hấp dẫn những phút ban đầu, nhưng sau đó chúng ta sẽ dần thích nghi với chúng và sau cùng sẽ chả có gì đặc biệt với bạn nữa".

Trên thực tế, việc thưởng thức cái cảm giác mong đợi hoặc ý nghĩ sắp đạt được kết quả thường thỏa mãn hơn cả chính kết quả đó. Một khi chúng ta đã đạt được những thứ mình muốn - cho dù đó là sự giàu có, sức khoẻ, hoặc các mối quan hệ - theo thời gian, chúng ta sẽ thích nghi và sự vui vẻ, cảm giác phấn khởi sẽ dẫn biến mất. Thông thường, những trải nghiệm chúng ta tìm kiếm cuối cùng vẫn sẽ trở nên nhàm chán và thậm chí đáng thất vọng.

Chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy điều này ở bọn trẻ con. Chúng thường tha thiết muốn có một món đồ chơi nào đó, nếu không được thì thật sự vũ trụ sẽ nổ tung. Cả thế giới của chúng chỉ xoay quanh điều đó. Tuy nhiên, một khi chúng ta mua món đồ chơi đó cho chúng, thì chả mấy chốc niềm vui sướng nhạt dần và bọn trẻ lại muốn đồ chơi mới.

Nếu bạn không thể trân trọng những gì bạn đang có, thì đạt được nhiều thứ hơn cũng sẽ không làm cho cuộc sống của bạn tốt hơn đâu.

4. Tin rằng mình chưa sẵn sàng đối mặt với thách thức

Cũng giống như việc chúng ta tự lừa dối bản thân mình tin rằng có được một thứ gì đó sẽ làm chúng ta cảm thấy hạnh phúc hơn, chúng ta cũng đang huyễn hoặc mình tin rằng cuộc sống này thật khó khăn và mệt mỏi (hơn mức độ thực sự của nó).

Bạn càng trì hoãn hoặc trốn tránh làm điều gì đó thì nó lại càng nhức nhối (trong đầu bạn). Tuy nhiên, một khi bạn hành động, sự khó chịu thực chất ít hơn rất nhiều so với những điều bạn tưởng tượng. Con người chúng ta sinh ra là để thích ứng, ngay cả khi phải đối mặt với những điều cực kỳ khó khăn.

Gần đây tôi có ngồi trên máy bay với một người phụ nữ có 17 đứa con. Vâng, bạn đã đọc đúng rồi đấy. Sau khi hạ sinh 8 người con, cô ấy và chồng cảm thấy cực kỳ phấn khởi và muốn nhận nuôi thêm 4 đứa trẻ nữa. Vài năm sau, họ lại tiếp tục nhận nuôi 5 đứa trẻ khác.

Tất nhiên, những cú sốc, khủng hoảng ban đầu khi gia đình lớn thêm như vậy đã thực sự tác động mạnh đến toàn bộ thành viên. Nhưng họ đã xử lý được. Và tin hay không, bạn cũng có thể xử lý được nếu bạn phải làm như vậy.

Vấn đề với sự sợ hãi là nó khiến con người ta trở nên chùn bước và nhu nhược trước thách thức lớn. Nhưng một khi bạn chấp nhận đương đầu với nó, bạn rồi sẽ phát hiện ra rằng, bất kể thách thức gì, dù lớn hay nhỏ, bạn sẽ thích ứng với nó thôi.

Khi bạn sẵn sàng thích ứng với căng thẳng lớn, bạn sẽ “tiến hóa”.

5. Theo đuổi "Hạnh phúc"

"Chẳng có con đường nào dẫn đến hạnh phúc. Hạnh phúc chính là con đường" - Thích Nhất Hạnh

Hầu hết mọi người tin rằng:

●     Đầu tiên, họ phải có thứ gì đó (ví dụ: tiền bạc, thời gian hoặc tình yêu) trước tiên.

●     Sau đó họ mới có thể làm những gì họ muốn (ví dụ: du lịch thế giới, viết sách, bắt đầu kinh doanh hoặc có một mối quan hệ lãng mạn)

●     Cuối cùng, điều này mới đưa họ đến với những thứ như hạnh phúc, tĩnh tâm, niềm vui, động lực hoặc tình yêu.

Nhưng nghịch lý thay, quy trình “có - làm - trở thành” này phải được đảo ngược thì bạn mới có thể đạt được hạnh phúc, thành công hay bất cứ điều gì khác mà bạn mong muốn.

●     Đầu tiên hãy là bất cứ điều gì bạn muốn trở thành (ví dụ: hạnh phúc, từ bi, tĩnh tâm, khôn ngoan, hay yêu thương).

●     Sau đó, bạn hãy bắt đầu làm những việc nằm trong phạm vi này.

●     Và gần như ngay lập tức, những gì bạn làm sẽ đem lại những thứ bạn muốn có.

Bạn có thể hấp dẫn con người bạn muốn trở thành. Khi bạn hạnh phúc, bạn sẽ nhận lại được những điều hạnh phúc. Nếu bạn muốn trở nên giàu có, hãy sống như những người giàu có - sống sang trọng và làm việc hết sức.

Kết quả là sự chuyển hóa của thái độ và hành động, chứ không phải thứ gì khác.

6. Không trân trọng những gì đang có

Năm 2013, trong một cuộc phỏng vấn tại sự kiện Genius Network thường niên, Tim Ferriss - một nhà văn người Mỹ, doanh nhân, diễn giả nổi tiếng toàn cầu, khi được hỏi ", ông có bao giờ bị căng thẳng khi đảm nhận nhiều vai trò cùng lúc? Ông có bao giờ cảm thấy như là mình đã ôm đồm quá nhiều?".

Và Ferriss trả lời:

"Tất nhiên là tôi có căng thẳng. Nếu tôi nói rằng tôi không bị stress tức là tôi đang nói dối. Nhưng tôi có một cách làm giảm nhẹ căng thẳng, đó là vào mỗi buổi sáng, tôi đều dành ít phút để tự tuyên bố và tập trung vào một thực tế là 'tôi chịu đủ rồi.' Tôi chịu đủ rồi. Tôi sẽ không lo lắng về việc trả lời tất cả email mỗi ngày nữa. Nếu có ai nổi điên thì đó là vấn đề của họ."

Ferriss sau đó đã được hỏi:

"Sau khi đọc cuốn sách “The 4 Hours Workweek” (Tuần làm việc 4 giờ) của ông, tôi đã có ấn tượng rằng tác giả Tim Ferriss không quan tâm đến tiền bạc. Ông đã nói về thời gian ông đi du lịch khắp thế giới mà không phải trả bất kỳ khoản nào. Ông nói về sự cân bằng và sự sẵn sàng buông bỏ, không quan tâm về việc kiếm tiền. "

Ferriss trả lời:

"Việc bạn muốn kiếm thật nhiều tiền để mua những thứ tốt nhất chả có gì là xấu cả. Nhưng nếu như mong muốn đó trở thành nỗi ám ảnh về tiền bạc và giàu có như các nhân vật trong bộ phim Fight Club, thì những thứ mà bạn sở hữu cuối cùng sẽ chiếm hữu bạn, nó sẽ trở thành một căn bệnh. Nhưng nếu bạn có thể sở hữu những thứ tốt đẹp mà không quá ám ảnh hay lo sợ rằng chúng có thể bị lấy đi mất, thì đó là một điều tốt. Bởi vì tiền là một công cụ thực sự có giá trị."

Nếu bạn trân trọng những gì đang có, thì việc có thêm sẽ là một niềm vui trong cuộc sống của bạn. Nếu bạn cảm thấy cần phải có nhiều hơn để bù đắp cho một thứ đang thiếu, bạn sẽ luôn mắc kẹt trong nỗi thèm khát, không bao giờ thỏa mãn cho dù bạn đã đạt được bao nhiêu thứ đi chăng nữa.

7. Đánh giá thấp vị trí hiện tại của bản thân

Thật dễ dàng để than phiền về cuộc sống, nó khó khăn, mệt mỏi ra sao, bất công như thế nào và rằng chúng ta luôn bị đối xử tệ. Nhưng liệu cách nói này thực sự có ích không?

Khi chúng ta cảm thấy hoàn cảnh bản thân mình tồi tệ hơn người khác, chúng ta - một cách vô minh và lệch lạc, sẽ nói rằng "Bạn đạt được nó thật dễ dàng. Bạn không giống tôi. Thành công đến với bạn thật dễ dàng bởi bạn không phải đối mặt với những gì tôi đã phải trải qua."

Thế giới quan sai lệch này chính thức được đặt tên là “tâm lý nạn nhân” (Victim mentality) và nó thường dẫn đến mong muốn được hưởng quyền lợi.

Thực tế, cuộc sống này chẳng nợ bạn gì cả. Cuộc sống không thể hoàn toàn công bằng với tất cả mọi người. Tuy nhiên, cuộc sống cũng đã cho bạn mọi thứ bạn cần. Sự thật là, bạn có mọi lợi thế để có thể thành công. Và bằng cách khắc cốt ghi tâm điều này, bạn sẽ thấy mình phải có trách nhiệm to lớn với chính bản thân mình và với cuộc sống.

Bạn đã được đặt vào một vị trí hoàn hảo để thành công. Mọi thứ trong vũ trụ đã đưa bạn đến thời điểm này để bạn có thể chiếu sáng và thay đổi thế giới. Thế giới trong tầm tay bạn. Trạng thái tự nhiên của bạn là để phát triển. Tất cả những gì bạn phải làm là thể hiện.

8. Chia ngăn cuộc sống

Con người là tổng thể hoàn hảo. Khi bạn thay đổi một phần bất kỳ của hệ thống, bạn sẽ đồng thời thay đổi toàn bộ. Bạn không thể thay đổi một phần mà không làm thay đổi toàn bộ được.

Mỗi ý nghĩ, tư duy - dù là vụn vặt hay tầm thường - vẫn sẽ tạo ra những đợt sóng bất tận của hậu quả. Ý tưởng này đã đặt tiền đề cho hiệu ứng cánh bướm của nhà toán học Edward Lorenz, nó xuất phát từ phép ẩn dụ về hình ảnh cơn bão lớn nhưng lại bị ảnh hưởng bởi các tín hiệu nhỏ, chẳng hạn như cái vỗ cánh của một con bướm cách xa, hay từ vài tuần trước đó. Những điều nhỏ bé tích tụ lại sẽ trở thành những điều lớn lao.

Khi một phần trong cuộc sống của bạn lộn xộn, mọi lĩnh vực khác trong cuộc đời bạn đều chịu ảnh hưởng. Bạn không thể phân tách hệ thống vốn liên kết rất chặt chẽ này. Khi bạn gạt một số phần nhất định trong cuộc sống - như sức khoẻ hay các mối quan hệ - sang một bên, bạn đã vô tình “lây nhiễm” cả cuộc đời bạn. Cuối cùng thì, chắc chắn rằng, những điều quan trọng bạn trì hoãn hoặc tránh né không làm sẽ gây tổn hại cho bạn.

Ngược lại, khi bạn cải thiện một phần của cuộc sống, tất cả các phần khác đều có được ảnh hưởng tích cực. Như James Allen đã viết trong cuốn "Khi con người suy ngẫm" (As a man thinketh) rằng "Khi một người có thể thanh lọc suy nghĩ của mình, anh ta sẽ không còn tham muốn những thứ ô uế nữa."

Chúng ta đều là những chỉnh thể toàn diện.

Toàn thể nhân loại cũng giống như vậy. Tất cả mọi thứ bạn làm đều tác động đến toàn thế giới, khiến nó tốt hơn hoặc tồi tệ hơn là lựa chọn của bạn. Vì vậy, hãy thử suy nghĩ xem:

"Tôi là một phần của phương thuốc chữa bệnh? Hay tôi là một phần của căn bệnh?" - Coldplay

9. Cạnh tranh với người khác

"Tất cả các công ty thất bại đều giống nhau: họ không thể thoát khỏi sự cạnh tranh." - tỷ phú Peter Thiel

Cạnh tranh là việc rất tốn kém, khi bạn đã lún sâu vào việc cạnh tranh, bạn sẽ khó tối ưu hóa được lượng sản phẩm hay tạo ra và tích lũy tài sản. [3] Thị trường trở thành một trận chiến giữa những kẻ có thể làm được với giá rẻ hơn và rẻ hơn nữa. Đó là cuộc chạy đua đến tận cùng của tất cả các doanh nghiệp trên thị trường.

Thay vì cố gắng để cạnh tranh với người khác hoặc doanh nghiệp khác, tốt hơn hết là bạn nên làm một cái gì đó hoàn toàn mới hoặc tập trung vào một thị trường ngách đã xác định. Một khi bạn đã thiết lập được hình ảnh của mình như là một chuyên gia về một lĩnh vực nào đó, bạn có thể tự tạo ra luật chơi thay vì cố gắng chạy theo cuộc cạnh tranh. Đó là lý do ai cũng muốn độc chiếm một thị trường do chính bạn tạo ra.

Cạnh tranh với những người khác khiến chúng ta hàng ngày phải bỏ thời gian đi theo đuổi những mục tiêu không thực sự là của mình - nhưng được xã hội coi là quan trọng. Bạn có thể dành cả cuộc đời bạn cố gắng theo kịp, nhưng có lẽ bạn sẽ phải chấp nhận, chịu đựng một cuộc sống hời hợt. Hoặc, bạn có thể tự định nghĩa thành công cho chính mình dựa trên các giá trị của riêng bạn và tách mình ra khỏi những xô bồ đó.

10. Cố gắng có tất cả mọi thứ

Mỗi quyết định đều có chi phí cơ hội trong nó. Khi bạn chọn một thứ, bạn đồng thời phải bỏ mất một vài thứ khác. Khi ai đó nói rằng bạn có thể có tất cả, họ đang nói dối bạn thôi. Họ không hề làm những gì họ rao giảng và chắc chắn chỉ là đang cố gắng bán cho bạn một thứ gì đó.

Sự thật là, bạn không hề muốn có tất cả mọi thứ đâu. Và ngay cả khi bạn muốn, thì sao chứ? Thực tế cuộc sống không vận hành theo cách đó. Ví dụ, tôi đã xác định rằng tôi muốn gia đình mình là trung tâm trong cuộc sống của tôi, tôi muốn dành phần lớn thời gian với chồng và các con, tôi muốn họ là ưu tiên hàng đầu. Thế nên, tôi không thể bỏ ra 12 hay 15 giờ một ngày để làm việc như một số người khác. Nhưng với tôi, điều đó hoàn toàn ổn. Tôi đã có lựa chọn của mình.

Và đó chính là vấn đề. Tất cả chúng ta cần phải lựa chọn những gì quan trọng nhất đối với mình, và cố gắng giành lấy nó. Nếu chúng ta cố gắng trở thành mọi thứ, chúng ta cuối cùng sẽ không có gì cả. Mâu thuẫn nội tâm khi phải hy sinh một thứ để lựa chọn thứ khác sẽ chẳng dễ dàng.

Mặc dù quan điểm truyền thống nói về sự sáng tạo là không có cấu trúc và không tuân theo quy tắc nào, nhưng thực tế, sự sáng tạo thường được tạo ra bằng cách nghĩ sâu về một cơ sở có từ trước, chứ không phải nghĩ hời hợt bên ngoài nó. Con người thể hiện sức mạnh sáng tạo của mình khi họ bị hạn chế, chứ không phải khi có nhiều lựa chọn. Do đó, càng xác định rõ ràng và càng hạn chế các mục tiêu trong cuộc sống của bạn càng tốt, bởi vì nó cho phép bạn cắt đứt những thứ bên ngoài, không liên quan.

11. Lãng quên nơi mình bắt đầu

Khi con người đạt được thành công, chúng ta thường nghĩ rằng thành công đó hoàn toàn do bản thân tự đạt được. Thật dễ dàng để lãng quên chúng ta đến từ đâu.

Thật dễ dàng để quên đi tất cả những hy sinh mà những người khác đã cho đi để giúp bạn đạt đến vị trí hiện tại.

Thật dễ dàng và thoải mái khi nghĩ rằng mình ở đẳng cấp cao hơn người khác.

Cứ “Qua cầu rút ván” đi rồi bạn sẽ không còn bất kỳ một mối quan hệ nào nữa. Trong góc sâu thẳm của sự cô lập trong lòng, bạn sẽ phát điên và dần đánh mất bản thân, trở thành một người mà bạn không bao giờ muốn trở thành.

Sự khiêm tốn, lòng biết ơn và sự tự nhận thức về những may mắn của mình sẽ giữ cho thành công của bạn đi theo hướng đúng. Bạn không thể đạt được những gì bạn đang có nếu không nhờ đến sự giúp đỡ của vô số người khác. Bạn đã rất may mắn khi có thể được đóng góp bằng những gì mình có.

12. Chờ đợi sự cho phép từ người khác

Bố vợ tôi là một nhà đầu tư bất động sản rất thành công. Trong suốt sự nghiệp của mình, có hàng trăm người đã hỏi ông: ông nghĩ sao nếu họ định đầu tư vào lĩnh vực bất động sản. Ông đã nói với mọi người cùng một điều giống nhau, rằng họ không nên làm điều đó. Và trên thực tế, ông thực sự đã cố gắng thuyết phục phần lớn trong số họ đừng làm. Và trong hầu hết các trường hợp, ông thành công.

Tôi hỏi bố tại sao bố lại làm vậy?

"Những người sẽ thành công vẫn sẽ cứ làm bất kể bố có nói gì đi chăng nữa". Bố nói

Tôi biết có rất nhiều người cố gắng đuổi theo bất cứ thứ gì đem lại thành công cho người khác với hy vọng họ cũng sẽ thành công. Họ không bao giờ thực sự quyết định những gì họ muốn làm, và cuối cùng chỉ là nhảy từ điều này sang điều khác mà thôi - cố gắng để đào được vàng một cách nhanh chóng. Và lặp đi lặp lại, họ dừng đào chỉ vài mét và cho rằng đó chỉ là một vùng đất cằn cỗi.

Không ai có thể giúp bạn sống với những giấc mơ của mình. Như nhà văn Ryan Holiday đã nói trong sách “Trở ngại trở thành con đường” (The Obstacle is the Way), "Hãy ngừng tìm kiếm các thiên thần, và bắt đầu tập tìm kiếm những góc nhìn." Thay vì hy vọng một điều gì đó bên ngoài sẽ xảy ra và giúp bạn thay đổi hoàn cảnh của mình, hãy tự mình làm mới tinh thần và hoàn cảnh của bản thân.

"Khi bạn thay đổi cách bạn nhìn nhận mọi thứ, những điều bạn nhìn thấy cũng sẽ thay đổi." - như nhà văn, nhà triết học người Mỹ Wayne Dyer từng nói.

Bạn hoàn toàn có thể. Bạn có thể làm bất cứ điều gì bạn muốn. Hãy tự quyết định và quên đi những gì mọi người nói hoặc nghĩ về nó.

13. Để người khác quyết định bạn có thể kiếm được bao nhiêu tiền

Hầu hết mọi người nói rằng họ muốn thành công. Nhưng nếu họ thực sự muốn, họ sẽ thành công.

Tôi thường nói với mọi người rằng, "Ước gì tôi có thể chơi được đàn piano." Sau đó bạn tôi chỉ cười "Không, không. Nếu cậu muốn, thì cậu đã dành ra chút thời gian để luyện tập." Kể từ đó, tôi không còn nói như thế nữa, bởi vì bạn tôi đã đúng.

Cuộc sống là câu chuyện đặt ưu tiên và quyết định. Và khi nói đến tiền - trong một nền kinh tế thị trường tự do - bạn có thể kiếm được nhiều tiền như bạn muốn. Câu hỏi đặt ra là bạn thực sự muốn kiếm được bao nhiêu tiền?

Thay vì lướt facebook ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác, bạn có thể dành một hoặc hai giờ mỗi ngày phát triển một cái gì đó có giá trị - bản thân bạn chẳng hạn.

Trong cuốn sách “Nghĩ giàu làm giàu” (Think and Grow Rich), tác giả Napoleon Hill đã bảo độc giả thử viết số tiền họ muốn có lên trên một mảnh giấy, và đặt một thời gian cụ thể xem bao giờ có được  nó. Hành động này sẽ thúc đẩy bạn suy nghĩ và hành động theo những cách mới để tạo nên tương lai mong muốn của chính mình.

Ví dụ như diễn viên Jim Carrey, mặc dù lớn lên trong cảnh nghèo khó, đến mức mà trong một khoảng thời gian dài, gia đình ông phải sống trong chiếc xe tải Volkswagen và ở nhờ trên bãi cỏ của người thân, thế nhưng Jim vẫn luông tin tưởng vào tương lai của mình. Mỗi đêm vào cuối những năm 1980, ông đều lái xe lên đỉnh ngọn đồi lớn rồi nhìn xuống thành phố Los Angeles, hình dung những đạo diễn nổi tiếng nhất sẽ đánh giá cao vai diễn của mình như thế nào. Tại thời điểm đó, ông chỉ là một diễn viên hài trẻ măng, nghèo và đầy đam mê.

Một đêm vào năm 1990, khi nhìn xuống Los Angeles và mơ về tương lai của mình, Carrey đã tự viết cho mình một tấm séc trị giá 10 triệu đô la và viết vào dòng chú thích dòng chữ "cho các dịch vụ diễn xuất." Ông đã đặt ngày nhận tấm séc đó vào Lễ Tạ ơn năm 1995 và luôn giữ nó trong ví tiền. Ông đã tự cho mình năm năm. Và ngay trước Lễ Tạ ơn năm 1995, anh ta đã được trả 10 triệu đôla cho bộ phim Dumb and Dumber.

14. Lơ là tầm nhìn bạn vẽ ra cho tương lai của mình

"Hãy vẽ ra viễn cảnh đẹp nhất, vĩ đại nhất cho cuộc sống của bạn, bởi vì bạn sẽ trở thành những gì mà bạn tin tưởng." - như Oprah Winfrey đã nói.

Không quan trọng bạn đang ở hoàn cảnh nào, bạn vẫn có thể với tới bất kỳ tương lai nào mình muốn. Nhưng có điều này là tôi rất chắc chắn, bạn trồng cây gì, bạn sẽ thu hoạch quả đấy. Thế nên, hãy “trồng” có chủ ý. Sự sáng tạo trí óc luôn đi trước khi vật chất được tạo ra. Kế hoạch chi tiết mà bạn thiết kế trong đầu sẽ trở thành cuộc sống mà bạn xây dựng.

Đừng để xã hội quyết định tương lai của bạn nên như thế nào. Bạn là một nghệ sĩ và là một nhà sáng tạo. Cuộc sống của bạn có thể chính xác như bạn muốn, đừng bận tâm chuyện được người đời công nhận hay không.

15. Chỉ bắt chước, mà không trở thành

Có một ví dụ về một người cha giàu có, ông do dự xem có nên để cho đứa con khờ dại của mình được thừa kế gia sản, trong khi ông biết rằng con mình chắc chắn sẽ lãng phí công sức cả đời của ông. Người cha cuối cùng nói với đứa con rằng:

"Bố thực sự muốn cho con tất cả những gì bố có - không chỉ là của cải, mà còn cả vị trí của bố nữa. Điều mà bố có, bố có thể dễ dàng cho con, nhưng để trở thành một con người khôn ngoan, thì con phải học bằng chính sức lực của mình. Con sẽ đủ điều kiện thừa kế nếu học những gì bố đã học và sống như bố đã sống. Bố sẽ cho con biết các luật lệ và nguyên tắc mà nhờ nó, bố đã có được sự khôn ngoan và tầm vóc của mình. Hãy theo gương của bố, thông thạo kiến thức như bố đã thông thạo, và con sẽ được giống như bố, và tất cả những gì bố có lúc này chính thức là của con."

Chỉ bắt chước các hành động là không đủ. Trên đời này, không có check-list nào liệt kê cho bạn những thứ phải làm để thành công. Bạn phải thay đổi - một cách tận gốc rễ - con người mình để đạt đến mức cao hơn. Bạn phải thay đổi từ chỉ bắt chước đến thực sự trở thành con người bạn muốn - để những điều bạn làm phản ánh bạn là ai và con người bạn đang trở thành. Một khi bạn đã trải nghiệm sự thay đổi này, thành công sẽ là điều tự nhiên. Trở thành, sau đó hẵng làm, và cuối cùng bạn sẽ có (xem lại mục số 3 ở trên).

"Sau khi bạn đã trở thành một triệu phú, bạn có thể cho đi tất cả số tiền đó vì điều quan trọng không phải là hàng triệu đôla kia; điều quan trọng là con người mà bạn đã trở thành trong quá trình trở thành một triệu phú "- Jim Rohn

16. Cho rằng tiền là xấu xa

"Không quan trọng xấu hay tốt, con người là một tổng thể toàn diện. Thậm chí cơ thể con người cũng làm việc tốt hơn khi các khía cạnh tinh thần và thể chất được đồng nhất ... Cơ thể con người hoạt động tốt nhất khi bộ não của chúng ta sẵn sàng với chương trình ... Để tâm trí của bạn tin rằng những gì bạn đang làm là tốt, cao quý và có giá trị sẽ giúp bạn nạp thêm năng lượng và sức mạnh để nỗ lực hơn. "- Học giả Rabbi Daniel Lapin

Tôi biết rất nhiều người thực sự tin rằng kiếm tiền là vô đạo đức, và rằng những người có tiền là xấu. Họ tin rằng những người tìm kiếm lợi nhuận buộc những người yếu thế hơn phải mua sản phẩm của họ.

Tiền không hề xấu, nó trung tính. Nó là một biểu tượng cho giá trị nhận thức.

Nếu tôi bán một đôi giày với giá 20 đô la và có người quyết định mua chúng, thì tức là họ nhận thấy đôi giày đó phải có giá hơn 20 đô la, hoặc họ sẽ không mua. Tôi không ép họ phải mua đôi giày của tôi. Đó là sự lựa chọn của họ. Do đó, trao đổi giá trị là đôi bên cùng có lợi và dựa hoàn toàn vào sự nhận thức. Giá trị là chủ quan! Nếu bạn trả cho người mua đó 20 đô la để mua lại đôi giày, có lẽ họ sẽ không bán chúng. Họ thấy chúng có giá trị hơn 20 đô la. Nhưng nếu bạn trả $ 30 thì sao? Có thể họ vẫn không bán.

Không có giá "chính xác" đối với hàng hoá và dịch vụ. Giá đúng là giá trị được nhận thấy từ khách hàng. Nếu giá quá cao, khách hàng sẽ không mua nó.

Chúng ta cực kỳ may mắn khi được sống trong một xã hội có một hệ thống tiền bạc. Nó cho phép chúng ta vay, cho vay, và tận dụng. Chúng ta sẽ bị giới hạn khả năng rất nhiều nếu vẫn còn sử dụng hệ thống hàng đổi hàng.

Kiếm tiền là một sự theo đuổi hoàn toàn hợp đạo đức khi nó được thực hiện với sự trung thực và liêm chính. Trên thực tế, nếu bạn cảm thấy trái với lương tâm khi làm công việc bạn đang làm, có lẽ bạn nên từ bỏ.

Nếu bạn thực sự tin tưởng vào giá trị mà mình mang lại, tin rằng nếu bạn dừng cung cấp, nhiều người khác sẽ bị ảnh hưởng, bạn đang đi đúng đường và tạo ra giá trị khổng lồ cho xã hội đó. Công việc của chúng ta nên là sự phản ánh con người mình. Việc người khác nhận thức được giá trị trong những gì chúng ta cung cấp và mua nó hay không luôn là lựa chọn của họ.

17. Liên tục bị phân tâm

"Bạn không nên lưu tâm đến tất cả mọi thứ, vì thực tế chúng thường không quan trọng" - Greg McKeown

Hầu hết mọi thứ đều gây phân tâm, ngăn chúng ta giải quyết những việc thực sự quan trọng. Bạn thực sự không thể đặt nhãn giá vào một số điều nhất định. Đơn giản vì chúng mang một giá trị đặc biệt đối với bạn. Bạn có thể từ bỏ mọi thứ, ngay cả cuộc sống của bạn, cho những điều đó.

Các mối quan hệ và các giá trị cá nhân của bạn không có một nhãn giá nào. Và bạn không nên trao đổi những điều vô giá đó dù là ở bất cứ cái giá nào.

Việc giữ mọi thứ theo đúng quan điểm cho phép bạn loại bỏ những cái không cần thiết khỏi cuộc sống. Nó giúp cuộc sống của bạn đơn giản và tập trung, và tránh được những con đường cụt không dẫn đến đâu cả.

Theo saga.vn

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

222 lượt xem