Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

5 Bộ Phim Truyền Cảm Hứng Cho Nữ Giới Về Sự Nghiệp

Trên con đường đạt đến đỉnh cao sự nghiệp, phụ nữ vấp phải không ít chông gai và thử thách bởi những định kiến xã hội và quan niệm bất bình đẳng dai dẳng.

5 bộ phim sau đây là 5 câu chuyện về cuộc sống và sự nghiệp của người phụ nữ (nội dung bài viết có thể tiết lộ cốt truyện). Họ phải đối diện với những thử thách rất riêng nhưng cũng rất điển hình, và đã nỗ lực để đạt được thành công theo cách của mình. Mong rằng những nhân vật nữ này và câu chuyện của họ sẽ là nguồn cảm hứng để nữ giới tiếp tục kiên định với mục tiêu sự nghiệp mình đã chọn lựa.

  1. The Proposal – Lời tỏ tình (2009)

“Tôi chạy vào phòng vệ sinh và khóc nức nở sau khi Bob gọi tôi là con quỷ độc địa” – Margaret Tate

Nữ diễn viên hài kỳ cựu Sandra Bullock vào vai Margret Tate - một biên tập viên sách đầy đam mê đang ở đỉnh cao sự nghiệp. Nhưng không hiểu sao tất cả đồng nghiệp trong văn phòng đều ghét cay ghét đắng cô. Tuy nhiên điều đó cũng chưa phải là "vấn đề" lớn nhất của cô. Margaret đứng trước nguy cơ bị trục xuất khỏi Mỹ vì visa quá hạn. Cô đã nghĩ ra một kế sách - buộc anh chàng trợ lý Andrew phải kết hôn với mình, để cô có quốc tịch Mỹ, bù lại tương lai nghề nghiệp của Andrew sẽ được Margaret bảo đảm. Họ đã đạt được thỏa thuận.

Cả hai về quê nhà của Andrew ở Alaska để làm thủ tục. Và chính ở đây, Margaret đã nhận ra rất nhiều bài học cho bản thân và tìm thấy tình yêu của đời mình.

Có ý kiến cho rằng, bộ phim cũng chỉ là một cách kể khác của câu chuyện cô bé Lọ Lem, khi phụ nữ phải cần đến sự xuất hiện của một người đàn ông để giúp cô ta thoát khỏi những vấn đề của mình. Tuy vậy, ở một góc nhìn khác, bộ phim phản ánh một bức tranh xã hội phương Tây: dù được đánh giá là khá công bằng với nữ giới nhưng vẫn tồn tại những định kiến khó xóa bỏ ngày một ngày hai, đơn cử như việc cha của Andrew chế nhạo anh khi biết sếp anh là nữ.

Margaret trên con đường đến thành công buộc phải tập trung cao độ cho công việc, phải chọn cho mình phong thái lãnh đạo cứng nhắc, vì hoàn cảnh riêng mà không biết cách quan tâm đến mọi người. Cô tỏ ra lạnh lùng để điềm tĩnh giải quyết các vấn đề trong công việc, che giấu cảm xúc lâu đến nỗi đồng nghiệp nghĩ rằng cô vô cảm.

Và thật may mắn là chính tình yêu và tình cảm gia đình đã nhắc nhở Margaret về những giá trị mà cô lãng quên, cũng như khuyến khích cô dũng cảm từ bỏ mục đích ích kỷ của mình, vì những người mà cô yêu mến.

  1. The Devil Wears Prada - Yêu nữ mặc đồ hiệu (2006)

“Cô biết vì sao tôi thuê cô không? Tôi luôn thuê những cô gái giống nhau: sành điệu, mảnh khảnh, và dĩ nhiên… luôn tôn thờ tờ tạp chí. Nhưng thường thì họ làm tôi thất vọng. Tôi không biết nữa, họ rất đáng thất vọng và ngu ngốc. Còn cô, với lý lịch ấn tượng và bài phát biểu về thứ mà cô gọi là đạo đức nghề nghiệp đó, tôi đã nghĩ là cô sẽ khác biệt. Tôi đã tự nhủ, cứ thử đi. Thuê một cô gái thông minh và béo tròn. Tôi đã hy vọng. Ôi Chúa ơi, tôi đã tin như vậy. Dù gì, thì cô cũng làm tôi thất vọng hơn bất kỳ cô gái ngu ngốc nào khác” – Miranda Priestly

Bộ phim tập trung làm nổi bật hình tượng Tổng biên tập Miranda Priestly thông qua câu chuyện của cô trợ lý trẻ Andy Sachs. Mọi chi tiết về Miranda trong phim cho thấy bà là một cơn ác mộng với đồng nghiệp. Bà chẳng có chút thân thiện và chỉ quan tâm đến sự thành công của tờ tạp chí, sẵn sàng làm người khác thất vọng để đạt được mục đích. Tuy vậy, nếu thay thế Miranda bằng một lãnh đạo nam, chắc chắn hình mẫu này không lạ.

Đứng ở góc độ kinh doanh, Miranda gánh vác trên vai một công ty trị giá nhiều triệu đô la với quyết tâm và đam mê rất lớn. Bà lãnh đạo theo phong cách riêng, vừa nghiêm khắc vừa hài hước. Miranda duy trì các tiêu chuẩn cao trong công việc, luôn trực tiếp bắt tay vào làm và giành được sự tôn trọng xứng đáng. Bà cũng là một cố vấn đáng tin cậy, luôn tách bạch cuộc sống cá nhân ra khỏi công việc và chấp nhận trả giá để giữ cho mình địa vị mà bà luôn khao khát. Dù luôn khó khăn với cấp dưới, rốt cuộc bà cũng công tâm đánh giá đúng năng lực của Andy để cô tìm việc mới sau khi rời khỏi Runway. Miranda chính là hình mẫu doanh nhân thành đạt tiêu biểu.

Về phần Andy, cô gái trẻ tài năng, cá tính đã luôn nỗ lực làm việc chăm chỉ để chứng minh bản thân. Tuy vậy, thành công quá sớm khiến cô bị cuốn vào cuộc sống hào nhoáng rất đặc thù của một biên tập viên thời trang và đôi lúc khiến cô xa rời những giá trị mà mình theo đuổi. Đây là chuyện rất thường gặp trong cuộc sống, nhưng cũng là "vết xe đổ" có thể tránh...

  1. Legally Blonde – Nữ luật sư tóc vàng (2001)

“Không còn những bộ vest buồn chán hay vớ da, tôi đang cố trở thành một ai đó khác với chính mình” – Elle Wood

Bộ phim hài tình cảm xoay quanh nhân vật Elle - một cô gái vốn chỉ quen ăn chơi và mua sắm bỗng quyết tâm học ngành Luật ở Đại học Havard với mục tiêu lấy lòng bạn trai, người đã nói chia tay với Elle bởi vì cô có mái tóc vàng. Xã hội phương Tây vốn có định kiến với những cô gái tóc vàng xinh đẹp, cho rằng họ là những người kém cỏi, ngốc nghếch.

Dù mục tiêu ban đầu của cô nàng không phải là sự nghiệp, mà vì si tình, nhưng rốt cuộc trong hành trình lạ lùng này, Elle đã tìm thấy được chính mình, nỗ lực học tập, làm việc để khẳng định được bản thân: xinh đẹp, điệu đà không đồng nghĩa với ngu ngốc và thiếu bản lĩnh.

Thành công trong sự nghiệp đến với Elle khi cô chọn thấu hiểu khách hàng bằng sự đồng cảm của nữ giới, tự tin thể hiện cá tính riêng chứ không đóng khung mình vào hình ảnh một nữ luật sư nghiêm trang với bộ trang phục buồn chán.

  1. The Intern - Bố già học việc (2015)

“Jules: Ai là người truyền cảm hứng cho ông? Ben: Jules Ostin, chính cô đã truyền cảm hứng cho tôi”

Bên cạnh bác Ben tuy lớn tuổi nhưng vẫn tràn đầy nhiệt huyết với công việc là sếp trẻ Jules Ostin - năng động, sành điệu và đầy đam mê. Sau 10 năm, diễn viên Anne Hathaway từ vai cô trợ lý trẻ trong phim Yêu nữ thích hàng hiệu giờ đây thủ vai nhà sáng lập của một công ty thời trang trực tuyến - Jules.

Jules xinh đẹp, giỏi giang nhưng cũng có những tật xấu như hay quên, suốt ngày ôm máy tính, điện thoại và có nhiều sở thích lạ lùng.

Giống với nhiều phụ nữ thành công khác, Jules quyết đoán và chú tâm cho công việc nhưng cũng vì thế mà cô quá bận rộn và không có đủ thời gian cho gia đình. Nhưng cô cũng khác với họ ở chỗ, cô thành đạt hơn chồng và chồng cô là người chịu trách nhiệm chăm sóc con cái.

Tuy nhiên, “đồng vợ đồng chồng" chưa hẳn lúc nào "tát biển Đông cũng cạn”, hôn nhân của cô lung lay ngay lúc những khó khăn trong việc điều hành một doanh nghiệp non trẻ ập đến. Ánh mắt kỳ thị của những bà nội trợ dành cho phụ nữ thành đạt, sự thiếu lòng tin của nhà đầu tư dành cho CEO nữ là những thử thách không hề dễ dàng cho Jules.

  1. Joy – Người phụ nữ mang tên niềm vui (2016)

Joy là một trong những tác phẩm điện ảnh đáng chú ý đầu năm 2016 và đã mang về cho nữ diễn viên trẻ Jennifer Lawrence đề cử Oscar 2016 cho vai nữ chính xuất sắc nhất. Bộ phim được ví như một câu chuyện cổ tích lấy cảm hứng từ những sự kiện có thật của nhân vật Joy Mangano - người phát minh ra "Miracle Mop" – "Cây lau nhà kỳ diệu" và là Chủ tịch của Công ty Ingenious Designs, LLC.

Bố mẹ ly dị, bản thân cũng thất bại trong hôn nhân, Joy phải vất vả gồng gánh cả gia đình, mất hơn một thập kỷ tủi khổ mưu sinh và chôn vùi niềm đam mê thuở nhỏ. Nhưng chính trong giờ phút khổ cực nhất, cô có đã nảy ra một ý tưởng và có một quyết định đổi đời.

Ngoài tài năng thiên phú và đam mê cháy bỏng thì ý chí mãnh liệt, khát khao thành công, niềm tin vào hạnh phúc đã giúp cô kiên cường lèo lái công việc kinh doanh từ con số 0, vượt qua những ngày đen tối nhất để trở thành một công ty trị giá hàng tỷ đô la.

Đâu là bộ phim truyền cảm hứng cho bạn?

Nguồn: doanhnhansaigon.vn

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

13,999 lượt xem