Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

5 Thói Quen Dễ Mắc Phải Khiến Bạn "Mãi Không Giàu"

Hoặc ít nhất là luôn trong tình trạng "cháy túi" dù đã chăm chỉ cày cuốc, vất vả đã lâu.

Nếu bạn là người không phải lo nghĩ gì về tiền thì xin chúc mừng. Còn lại, chúng ta đều nên hình thành những thói quen tài chính “khỏe mạnh” càng sớm càng tốt. Dùng tiền và tiết kiệm tiền hiệu quả không chỉ giúp bạn đỡ đau đầu hơn, sống thoải mái hơn mà giúp bạn vượt qua những lúc “thất cơ lỡ vận” dễ dàng hơn.

Nếu đang có một hoặc nhiều trong số những thói quen dưới đây, có thể đó là lí do khiến bạn chưa tự chủ được với tiền nong của mình:

1. Mua đi nghĩ làm gì

Chắc bạn cũng từng trải qua ít nhất một lần cái cảm giác “hiu hắt” chỉ vài ba ngày sau khi nhận lương? Đến lúc nhận ra mình đã “vung tay quá trán” thì đã muộn. Nhất là đối với những người có thói quen mua sắm vô tội vạ chỉ để “xả stress”, thường xuyên lâm vào tình trạng không còn đồng nào là một điều dễ hiểu. Thói quen mua không cần nghĩ đôi khi có thể gây nghiện, nhưng không phải là không dừng lại được. Hãy thử lập một danh sách những thứ bạn chi tiêu hàng ngày để nhìn lại và thấy liệu mình có đang lãng phí không. Đưa “thẻ lương” cho ai đó trong gia đình giữ hộ cũng là một cách.

2. Mua thẻ tập gym, yoga,… rồi không dùng đến

Tập luyện là một thói quen tốt, nhất là trong đời sống hiện đại, nơi người ta thường dành quá nhiều thời gian bên máy tính. Nhưng nếu bạn đã từng mua một chiếc thẻ gym 30 ngày chỉ để tập được vẻn vẹn… 2 ngày, thì đã đến lúc bạn nên xem lại. Không chỉ gym, yoga nói riêng mà tất cả các loại thẻ thành viên (dùng để sử dụng dịch vụ nhiều lần liên tiếp) dường như đều “kích thích” cho bạn chi nhiều hơn mà thực tế chưa chắc đã sử dụng hết. Hãy cân nhắc kĩ lại các lựa chọn: Nếu đã mua thẻ, dùng nó triệt để bằng mọi giá; còn không thì đừng mua.

3. Mua bất cứ thứ gì đang “giảm giá”

Tậu được đồ đẹp giá đẹp là một món hời chẳng mấy ai muốn từ chối, nhưng đấy là khi bạn đang mua những thứ mình thực sự cần. Với xu thế cạnh tranh, các nhãn hàng ngày càng thường xuyên đưa ra những hình thức khuyến mại hấp dẫn với người mua. Làm thế nào để không “sa đà” vào việc mua hàng giảm giá? Hãy dừng lại cân nhắc trước khi mua, và xem xét ngân sách của bạn.

4. Bỏ qua việc thanh lý đồ cũ 

Bạn từng mua một chiếc váy, đôi giày về nhưng chưa kịp dùng lần nào đã cảm thấy không thích, hoặc nhầm màu, nhầm size? Hãy nhanh chóng tìm người cần chúng để bán lại, hoặc nếu cửa hàng có chính sách đổi trả thì quá tốt. Những món đồ cũ bạn không còn dùng đến có thể là thứ người khác cần, vì vậy hãy dành thời gian khoảng 1 tháng/lần để sắp xếp và tiễn chúng đến ngôi nhà mới. Việc thường xuyên sắp xếp lại đồ đạc và thanh lý đồ cũ cũng sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn mình đang có gì, thiếu gì, tránh việc mua “nhầm” phát sinh sau này.

5. Không lập kế hoạch chi tiêu và tiết kiệm 

Nếu không có kế hoạch ngân sách cụ thể, bạn sẽ dễ dàng tiêu đến đồng cuối cùng mà mình có. Hãy lập kế hoạch dùng tiền và đề ra mục tiêu tiết kiệm mà bạn muốn hướng đến. Nếu cảm thấy việc ghi chép và lập kế hoạch quá “nhiêu khê”, bạn cũng có thể bắt đầu với một ứng dụng quản lý tài chính cá nhân trên điện thoại. Dần dần, với những kinh nghiệm tích lũy được, bạn sẽ trở thành “chuyên gia” trong việc phân định nên chi tiền vào việc gì.

Theo bookaholic.vn

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

153 lượt xem