Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

7 Sự Thật Về Não Bộ Quyết Định Hạnh Phúc Của Bạn

Hầu như mỗi trạng thái tinh thần chủ quan đều tương ứng với một trạng thái khách quan, cụ thể của não bộ.

Sự Thật #1: Tâm trí và não bộ gần như là một thể thống nhất.

Hầu như mỗi trạng thái tinh thần chủ quan đều tương ứng với một trạng thái khách quan, cụ thể của não bộ.

Tình cờ, tôi tin quả thật có những yếu tố siêu nhiên huyền bí đang tác động vào thực tế khách quan và chủ quan một cách rất tinh tế và sâu sắc. Tuy nhiên, đối với tôi và các nhà khoa học thần kinh, rõ ràng là hầu hết, nếu không muốn nói là tất cả, những suy nghĩ và cảm xúc, những đam mê thầm kín nhất và những ước mơ cao vời nhất, các bài thơ và các bức họa, những nước cờ và số liệu thống kê trong môn bóng chày, các công thức nấu ăn và các mẫu hoa văn trên chăn, những ký ức gần đây nhất của chúng ta về cảnh tuyết rơi – và mọi kết cấu, mùi hương và sắc thái của sinh vật sống – đều cần và phải có hoạt động của hệ thần kinh.

Hãy xem xét nó theo góc độ này: mỗi điều mà ta ý thức được, bao gồm nhận thức về bản thân, đều có tương ứng với từng cấu trúc và quá trình cụ thể đằng sau theo quy luật tự nhiên của não bộ. Cũng như một lá thư gửi cho bạn bè hay một bức ảnh chụp cảnh hoàng hôn trên máy tính đều đòi hỏi và đại diện cho một điện từ trong ổ cứng của bạn.

Đầu tiên, điều này nghĩa là khi trải nghiệm thay đổi, não bạn cũng thay đổi. Nó vừa thay đổi tạm thời, mỗi một phần nghìn giây, LẪN – như ta sẽ thảo luận bên dưới – vừa thay đổi lâu dài. Ví dụ, theo phân tích mẫu, các nhà nghiên cứu đã phát hiện:

Các hoạt động tinh thần khác nhau làm thay đổi các kiểu sóng não.

Những người tập thiền có nhiều chất dẫn truyền thần kinh serotonin cần cho sự sống hơn.

Não của các nghệ sĩ piano dày hơn ở những vùng chức năng vận động tinh.

Não của người tập thiền dày hơn ở các vùng liên quan đến nhận thức giác quan và kiểm soát sự chú ý.

Não của những tài xế taxi tại Luân Đôn dày hơn ở những vùng quan trọng với trí nhớ thị giác – không gian.

Những trải nghiệm gây sốc tâm lý làm co rút phần não bộ chịu trách nhiệm lưu trữ những ký ức mới.

Các cơn trầm cảm lặp đi lặp lại tạo ra những thay đổi rõ rệt trong não bộ khiến một người dễ mắc trầm cảm hơn sau này.

Tiếp theo, khi não bạn thay đổi, trải nghiệm của bạn cũng thay đổi. Ví dụ, như những gì hầu hết chúng ta từng trải qua mỗi ngày, chất caffeine làm bạn cảm thấy hứng khởi và tỉnh táo trong khi rượu bia làm bạn cảm thấy thư giãn và thậm chí là buồn ngủ. Các nghiên cứu phát hiện những điều kỳ lạ hơn một chút:

Việc kích hoạt các vùng não trước trán bên trái sẽ tạo cho ta cảm giác vui tươi hơn và tâm trạng tích cực hơn – trong khi những cơn đột quỵ xảy ra ở đây sẽ khiến người bệnh đặc biệt dễ bực dọc và phiền muộn.

Sự tăng vọt chất dẫn truyền thần kinh dopamine làm ta cảm thấy rất hưng phấn (đó là lý do vì sao dopamine liên quan đến các chứng nghiện).

Khi bị tổn thương khoảng một xen-ti-mét mô tại một chỗ nhất định ở phần não trái, bạn vẫn có thể hiểu ngôn ngữ nhưng không thể nói được, trong khi nếu bị tổn thương cách đó vài xen-ti-mét thì ảnh hưởng gây ra sẽ ngược lại.

Việc kích điện các phần của não bộ có thể kích hoạt trí nhớ hoặc thậm chí là những trải nghiệm thoát xác.

Và nghiên cứu này còn chưa đến 20 năm tuổi. Hãy nghĩ về chuyện sự ra đời của chiếc kính hiển vi vào đầu những năm 1600 đã giúp hé lộ một thế giới hoàn toàn mới gồm những “quái thú tí hon” được tìm thấy trong một giọt nước mắt hoặc trong một vũng nước nhỏ như thế nào mà xem. Tuy nhiên, phải mất 400 năm để ta mở rộng vốn hiểu biết hiện đại về sinh học phân tử và sự tiến hóa, những kiến thức này đã chứng minh rõ ràng rằng cuộc sống cần có và bao gồm các cấu trúc và quy trình của vật chất.

Các công nghệ quan sát não bộ có thể so sánh được chỉ mới xuất hiện khoảng vài chục năm, vậy hãy tưởng tượng 400 năm sau, hay thậm chí chỉ 40 năm thôi, chúng ta sẽ hiểu biết thêm điều gì...

Sự gắn kết mật thiết giữa tâm trí và vật chất, tinh thần và thể xác, bản ngã và não bộ này thoạt đầu có thể khiến ta thấy bối rối và giản lược quá; tức là ta có thể thắc mắc: “Ý anh là sao? Tôi chỉ là miếng thịt thôi ư?!”

Tuy nhiên đối với tôi, hiểu biết này thật sự làm tôi thấy cực kỳ kính nể, cũng như biết ơn rằng chúng ra đã thừa hưởng tinh hoa từ 3,5 tỷ năm tiến hóa của bộ máy ẩn sau tâm trí. Sự trân trọng đó đòi hỏi ta phải có ý thức trách nhiệm sống hết mình, không lãng phí món quà tuyệt vời, đáng kinh ngạc này.

Và hiểu biết về tính thống nhất giữa tâm trí và não bộ này nêu bật cơ hội tuyệt vời giúp ta được hạnh phúc, phát triển tâm lý, và chiều sâu suy tư: Trong hàng trăm cách, bất kể lớn nhỏ, bạn có thể sử dụng tâm trí để thay đổi bộ não nhằm giúp ích cho chính tâm trí.

Sự thật #2: “Các tế bào thần kinh nào truyền tín hiệu cho nhau thì củng cố cho nhau.”

Câu nói nổi tiếng của nhà tâm lý học Donald Hebb ám chỉ sự kích hoạt một mạch thần kinh sẽ giúp củng cố các kết nối trong mạch đó.

Sự tăng cường này xảy ra cả trong những khoảnh khắc chớp nhoáng – qua những thay đổi điện hóa ngắn ngủi – lẫn trong những khoảng thời gian dài hơn như những thay đổi có thể quan sát được trong não bộ, nhất là:

Các liên kết xi-náp giữa các tế bào thần kinh tăng lên (xi-náp là khớp nối giữa các tế bào thần kinh: những khe hở li ti chứa nhiều chất dẫn truyền thần kinh hoạt động như những công tắc cực nhỏ)Tăng cường độ dày của các tế bào thần kinh đệm vốn có chức năng như một “giàn giáo” hỗ trợ các tế bào thần kinh

Mật độ của các mạch máu dày hơn giúp mang ô-xy, glu-cô, v.v. đến các tế bào thần kinh

Sự thật #3: Những trải nghiệm thoáng qua để lại dấu ấn lâu dài trong tâm trí.

Vì tâm trí và não bộ là một, nên luồng thông tin trong tâm trí đòi hỏi một luồng xung điện tương ứng qua hệ mạch thần kinh của não. Nói cách khác, “dòng ý thức” thoáng qua sẽ để lại dấu ấn lâu dài trên não, giống như cơn mưa rào mùa xuân để lại những dòng chảy nhỏ trên sườn đồi. Hãy nghĩ đến những ví dụ từ các nghiên cứu được đề cập bên trên về những thay đổi trong não bộ của các nghệ sĩ piano, những người tập thiền, những nạn nhân bị tổn thương tâm lý và các tài xế taxi.

Điều này nghĩa là những trải nghiệm của bạn không chỉ quan trọng vì những tác động nhất thời của nó đến chất lượng cuộc sống của bạn, mà còn vì nó sẽ tạo ra những thay đổi lâu dài trong các cấu trúc vật lý của bộ não. Và những điều này ảnh hưởng đến hạnh phúc, sinh hoạt, và đôi khi cả sức khỏe thể chất của bạn trong nhiều ngày và nhiều năm. Dĩ nhiên, nó cũng ảnh hưởng đến những người xung quanh bạn nữa.

Sự thật #4: Hầu hết những thay đổi trong các mô não nằm ở trí nhớ tiềm ẩn.

Có 2 dạng trí nhớ: Hiện Hữu và Tiềm Ẩn

Hiện hữu: Hồi ức về những sự kiện cụ thể.

Tiềm ẩn: Các cảm xúc, cảm giác của cơ thể, các mô thức quan hệ, nhận thức về thế giới.

Trí nhớ tiềm ẩn không phải là ghi nhớ những ý tưởng hoặc khái niệm: dạng trí nhớ này thuộc về “trực giác” của bạn. Nó dựa theo bản năng, cảm giác, mạnh mẽ, và bắt nguồn từ các cấu trúc não cơ bản và cổ xưa – như của loài bò sát và động vật hữu nhũ giai đoạn đầu. “Trạng thái” bên trong tâm trí bạn – cảm nhận về việc sống – phụ thuộc rất nhiều vào những gì được lưu trong trí nhớ tiềm ẩn.

Về cơ bản, ta là những gì mà (trí nhớ tiềm ẩn của) ta ghi nhớ – sự ghi nhận những trải nghiệm sống được tích lũy dần dần. Đó là những gì ta đã “hấp thu” để trở thành một phần con người mình. Cũng như thức ăn giúp tạo nên phần cơ thể, ký ức giúp tạo nên phần bản ngã.

Sự thật #5: Không may là bộ não thường tập trung vào những trải nghiệm tiêu cực.

Chính những trải nghiệm tiêu cực giúp báo hiệu những mối đe dọa lớn nhất đến khả năng sinh tồn. Vì thế, từ xa xưa, tổ tiên ta đã truyền lại loại gien chú ý nhiều đến những trải nghiệm tiêu cực.

Xét khoảng 80 triệu năm tiến hóa của loài động vật hữu nhũ, bắt đầu từ những sinh vật giống loài gặm nhắm nhỏ lẩn tránh các con khủng long để sống sót và sinh sản trong phim Công Viên Kỷ Jura thường ngoái đầu ra sau, cảnh giác với những tiếng động nhỏ nhất từ bụi cây, mau chóng đứng yên hoặc bỏ chạy hoặc tấn công tùy tình huống, nó cũng như bất kỳ con thỏ hoặc con sóc nào bạn có thể nhìn thấy trong thế giới hoang dã ngày nay. Nhanh thì sống, chậm thì chết.

Hệ mạch tương tự cũng được “cài đặt và vận hành” trong bộ não của bạn khi bạn lái xe, tranh cãi với bạn đời, nghe một tiếng ồn lạ vào ban đêm... Trước tiên, hạch hạnh nhân – trung tâm tạo ra một cung bậc cảm xúc kích thích đi qua não bộ (vui vẻ, khó chịu, và bình thường) và đưa ra một phản ứng (đến gần, tránh xa, rời đi) – vốn thường “dán nhãn” các trải nghiệm là đáng sợ và tiêu cực. Nói cách khác, nó được thiết kế để tìm những điểm tiêu cực. Ví dụ, khi một người nào đó – cha mẹ, bạn bè, người yêu, hoặc cấp trên – cho bạn thông tin phản hồi, chẳng phải tâm trí bạn có khuynh hướng tập trung vào ẩn ý phê bình trong lời khen của họ sao? (Tâm trí của tôi thường làm thế.)

Thứ hai, khi một sự việc bị dán nhãn là tiêu cực, hồi hải mã ngay lập tức lưu trữ nó làm “thông tin tham khảo”. Sau đó, nó sẽ so sánh các sự việc trong hiện tại với ghi nhận về các sự việc không vui trước đó, và nếu có bất kỳ sự tương đồng nào, những hồi chuông cảnh báo sẽ vang lên. Đạp phải vỏ dưa, thấy vỏ dừa sẽ sợ. Não bạn không chỉ tìm những điều tiêu cực; nó còn được xây dựng để ghi khắc thông tin đó.

Đúng là ta có thể chú ý đến trải nghiệm tích cực và ghi nhớ nó. Nhưng trừ khi bạn bỗng có một triệu đô-la, nếu không thì những gì hệ mạch của não bộ lưu lại về chuyện tích cực sẽ giống như nét bút chì trên tập giấy vẽ, chứ sẽ không rõ ràng như những hình ảnh tiêu cực mà nó quay lại bằng chiếc máy quay phim cực “xịn” và lưu trong một máy tính tốc độ cao có bộ nhớ hàng terabyte. Mỗi tối, khi nhìn lại một ngày bình thường, bạn thường suy ngẫm về điều gì: những giây phút vui vẻ êm đềm, hay những lúc khó khăn, phiền muộn? Khi nhìn lại đời mình, bạn ngẫm nghĩ về điều gì: rất nhiều niềm vui và thành quả, hay một vài mất mát và thất bại?

Thứ ba, những điều tiêu cực thường lấn át những điều tích cực: Một sự việc không vui với một con chó khiến ta ghi nhớ nhiều hơn ngàn sự việc tốt đẹp. Nói về loài chó, có thể bạn đã biết những nghiên cứu về tâm lý chán nản do học được của Martin Seligman và các đồng nghiệp đã giúp làm rõ điểm này: loài chó rất dễ bị tác động khiến cho chán nản, hệ mạch trong não bộ của chó đối với trí nhớ cảm xúc rất giống với hệ mạch trong não bộ của chúng ta. Nhưng phải mất rất nhiều công sức để giúp con chó quên đi trải nghiệm đó. Điều này như thể ta có thành kiến tin những điều tồi tệ nhất về thế giới và bản thân mình, và nghi ngờ những điều tốt đẹp nhất.

Thứ tư, xu hướng bạn đối phó với những điều tiêu cực – bất bất kể nó là gì – định hình thế giới quan và con người, tính cách, phong cách tương tác với người khác của bạn và cách tiếp cận cuộc sống của bạn. (Trong trường hợp cực đoan, chẳng hạn như bạn từng bị tổn thương về mặt cảm xúc hoặc bị trầm cảm nghiêm trọng, hồi hải mã có thể thật sự co lại 10 – 20%, làm suy yếu khả năng não bạn ghi nhớ những trải nghiệm tích cực.)

Tất cả những điều đó dẫn đến việc bạn dễ phát hiện nhiều điều tiêu cực hơn – vì bạn chủ động tìm kiếm nó hoặc vô tình làm tăng xác xuất những điều tiêu cực xảy đến với bạn. Và vòng lặp tai hại này cứ tái diễn, nó có thể khiến bạn thậm chí muốn nhìn thấy hoặc tạo ra những điều tiêu cực trong khi phần lớn các sự việc và trải nghiệm trong cuộc sống của bạn thật ra lại bình thường và tích cực. Hàng ngày, tâm trí của đa số mọi người thường đưa ra những nhận định sai lệch về tính cách, cuộc sống, và tương lai của họ.

Đâu là giải pháp?

Sự thật #6: Bạn có thể làm nổi bật và lưu giữ những trải nghiệm tích cực qua việc chú ý có ý thức.

Như đã được học ở trường – và được chứng thực bởi hàng trăm nghiên cứu – bạn ghi nhớ một điều gì đó tốt nhất khi bạn làm cho nó trở nên sống động nhất có thể, rồi sau đó tăng cường chú ý đến nó trong thời gian dài.

Đó chính xác là cách bạn khắc ghi những trải nghiệm tích cực vào trí nhớ tiềm ẩn. Dạng trí nhớ sẽ “chuyển hóa ý nghĩa” trong tâm trí bạn một cách chậm rãi nhưng chắc chắn.

Ba bước đơn giản:

(1) Biến các sự việc tích cực thành những trải nghiệm tích cực.

Bạn có thể làm điều này bằng cách:

  • Chú ý đến những điều tốt đẹp trong thế giới và trong chính bạn. Đôi khi, ta vô tình lướt qua những điều tốt đẹp mà không hay biết.
  • Mỗi ngày bạn có thể đặt ra một mục tiêu để chủ động tìm kiếm vẻ đẹp của thế giới, hoặc những dấu hiệu cho thấy bạn được người khác quan tâm chăm sóc, hoặc những phẩm chất tốt đẹp bên trong bạn, v.v.
  • Lựa chọn để bản thân cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc, thay vì cảm thấy đau khổ hoặc tội lỗi về việc tận hưởng cuộc sống. Đặc biệt là đừng chống lại cảm giác hài lòng về bản thân mình.

Bạn xứng đáng có được những giờ phút vui vẻ, hãy tận hưởng nó!

Bạn chỉ là đang hành xử công bằng khi nhìn nhận mọi việc theo đúng bản chất của nó mà thôi. Bạn không phải tự cao hay kiêu ngạo – bóp méo sự thật trong mọi việc.

Cởi mở đón nhận các khía cạnh cảm xúc và tình cảm trong phản ứng của bạn với các sự việc tích cực, vì đó là cách giúp bạn trải nghiệm.

Đôi khi, hành động có chủ đích giúp tạo ra những trải nghiệm tích cực cho bản thân. Ví dụ, bạn có thể đảm nhận một thử thách, hoặc làm việc gì đó tử tế cho người khác, hoặc khơi dậy tình yêu thương và sự quan tâm bên trong mình, hoặc nhớ lại cảm giác hay kỷ niệm về những việc làm bạn cảm thấy vui, bình yên và hạnh phúc.

(2) Mở rộng trải nghiệm này về mặt thời gian và không gian:

Thời gian: Tập trung vào trải nghiệm tích cực đó để nó kéo dài thêm; đừng phân tâm. Lưu ý bất kỳ cảm giác không thoải mái nào xuất hiện trong lúc đó.

Không gian: Đắm mình vào cảm giác và cảm xúc tích cực mà trải nghiệm mang lại.

(3) Hiểu rằng trải nghiệm này sẽ ngấm vào não bộ và cơ thể bạn – khắc sâu trong trí nhớ cảm xúc.

Hãy tưởng tượng nó sẽ thấm vào lồng ngực, vào lưng và vào cuống phổi của bạn. Hình dung mình có một chiếc rương chứa đầy châu báu trong tim.

Hãy dành ra 5 hoặc 10 hoặc 20 giây để làm việc này. Tiếp tục thư giãn cơ thể và “thưởng thức” trải nghiệm tích cực này.

Sự thật #7: Trải nghiệm tích cực mang lại nhiều lợi ích quan trọng.

Nói chung: Cảm xúc tạo nên tâm trí, vì thế cảm xúc tích cực cũng có tác động toàn diện.

Giúp giảm bớt phản ứng căng thẳng trong cơ thể bằng cách kiềm chế sự trỗi dậy của hệ thần kinh giao cảm (phản ứng “chiến đấu hoặc bỏ chạy”) và bằng cách kích hoạt hệ thần kinh đối giao cảm (thư giãn và vui vẻ). Ví dụ, cảm xúc tích cực giúp giảm ảnh hưởng của stress đến hệ tim mạch.

Gia tăng khả năng phục hồi về mặt tâm lý.

Cải thiện tâm trạng và bảo vệ bạn khỏi trầm cảm.

Thúc đẩy sự lạc quan – một bức tường thành khác giúp chống lại trầm cảm.

Qua thời gian, giúp giảm bớt ảnh hưởng của những cú sốc tâm lý hoặc những trải nghiệm đau buồn khác. Khi nhớ về điều gì đó khiến bạn đau khổ trong quá khứ, trước tiên não bạn tái hiện ký ức đó – kể cả những cảm xúc liên quan – từ vài yếu tố then chốt. Điều này nghĩa là nếu cứ nhớ đi lại nhớ lại một sự việc với tâm trạng u sầu, buồn bã, thì ký ức của bạn về trải nghiệm đó sẽ ngày càng thêm tiêu cực. Thay vì vậy, khi nhớ lại trải nghiệm này với tâm trạng lạc quan và chấp nhận thực tế, thì dần dần tâm trí bạn sẽ càng thấy nó bình thường: bạn sẽ không quên đi thực tế về sự kiện đã xảy ra, nhưng gánh nặng cảm xúc sẽ dần phai nhạt – và đó có thể là cách tuyệt vời giúp vơi đi đau khổ.

Làm nổi bật trạng thái tinh thần then chốt để bạn có thể tìm lại trạng thái đó trong tương lai. Vì thế, bạn có thể bước vào trạng thái bình yên, vui vẻ, mạnh mẽ, hạnh phúc, yêu thương trìu mến... dễ dàng hơn.

Tưởng thưởng cho bạn vì đã có một hành động cao quý nhưng không phải lúc nào cũng dễ dàng (yêu thương bản thân), và vì thế liên tục củng cố động lực cho bạn.

Đối với trẻ em

Tất cả những lợi ích ở trên cũng có thể áp dụng cho trẻ em.

Đặc biệt, những trẻ có tính hiếu động thật sự được hưởng lợi từ việc chủ động tiếp nhận các trải nghiệm tích cực chậm rãi hơn, vì trẻ có khuynh hướng nhanh chóng chuyển sang hoạt động tiếp theo trước khi những cảm xúc tích cực trước đó có cơ hội được não ghi khắc. Tương tự, những trẻ có tính hay lo sợ/dè dặt cũng nhận được lợi ích từ việc ý thức đắm mình vào những cảm xúc tích cực, vì trẻ có xu hướng phớt lờ hoặc xem nhẹ dấu hiệu của những trải nghiệm đó.

Đối với việc luyện tập

  • Giúp tâm trí thêm tĩnh lặng, góp phần quan trọng để hoạt động thiền định có kết quả.
  • Củng cố trạng thái tinh thần tập trung sâu giúp mang đến cảm giác hạnh phúc lẫn nhận thức sâu sắc. Ví dụ, mức dopamine cao đi liền với niềm vui giúp duy trì ý thức tạm thời hạn chế có các trải nghiệm mới, và vì thế giúp củng cố sự tập trung.
  • Xây dựng sự tự tin của một người từ những thành quả có được nhờ nỗ lực. Niềm tin là động cơ chính trong việc luyện tập và tính kiên trì; ví dụ, trong đạo Phật, đó là một trong những nhân tố của sự giác ngộ. Về cơ bản, bạn đang tu dưỡng những phẩm chất tốt đẹp trong tâm trí và trái tim, đồng thời loại bỏ và thay thế những tính tiêu cực.

Kết luận

Hệ mạch thần kinh bẩm sinh của tâm trí đặt ra một thử thách rất thực tế: tâm trí thường lờ đi những kích thích tích cực trong khi chú ý đến những kích thích tiêu cực, lưu giữ và ghi khắc nó. Nhưng bạn có thể chủ động kiểm soát những xu hướng đó một cách đơn giản và hiệu quả mỗi ngày, bằng việc tập trung vào những trải nghiệm tích cực, trân trọng nó, và giúp nó ngấm vào tâm trí mình.

Đó là phương pháp rất khôn ngoan và tuyệt diệu. Và thật may mắn, cách này phù hợp với bản chất sâu kín nhất của bạn: ý thức, quan tâm, nhân từ, bình yên, và thầm lặng hướng đến niềm vui.

Theo ubrand.global

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

362 lượt xem