Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

8 Quyển Sách Hay Về Hà Nội

8 quyển sách hay về Hà Nội là món quà dành cho những tâm hồn đã, đang và sẽ yêu Hà Nội, là một tấm vé cho những trái tim luôn da diết nhớ về Hà Nội được quay về với những kỷ niệm thật đẹp tại nơi này, và đây cũng là ngọn lửa thắp lên những tình yêu lứa đôi thật đẹp, thật nồng thắm, thật cháy bỏng và trong tình yêu đó, luôn gắn với Hà Nội mến yêu!

Hà Nội Băm Sáu Phố Phường

sach ha noi bam sau pho phuong 8 quyển sách hay về Hà Nội

Văn học Việt Nam thời xưa có nhiều tác phẩm có giá trị to lớn về mặt nhân văn và nghệ thuật, đã được công nhận và chứng thực qua thời gian. Bộ sách Việt Nam danh tác bao gồm loạt tác phẩm đi cùng năm tháng như: Số đỏ (Vũ Trọng Phụng), Việc làng (Ngô Tất Tố), Gió đầu mùa, Hà Nội băm sáu phố phường (Thạch Lam), Miếng ngon Hà Nội (Vũ Bằng), Vang bóng một thời (Nguyễn Tuân). Hy vọng bộ sách sau khi tái bản sẽ giúp đông đảo tầng lớp độc giả thêm hiểu, tự hào và nâng niu kho tàng văn học nước nhà.

Trích đoạn

“Có ai buổi trưa vắng hay buổi đêm khuya, đi qua các nhà cô đào, và các chị em thanh lâu, thấy họ ăn cái quà ấy một cách chăm chú và tha thiết đến đâu không? Nước ốc chua làm nhăn các nét mặt tàn phấn và mệt lả, miếng ớt cay làm xoa xuýt những cặp môi héo hắt, và khiến đôi khi rỏ những giọt lệ thật thà hơn cả những giọt lệ tình. Cô hàng ốc có một cái dụng cụ, một đầu là búa, một đầu là dùi nhọn. Một cái gõ nhẹ, và một cái trở tay, là con ốc nguyên cả ruột đã gọn gàng rơi mình vào bát nước. Cô thoăn thoắt rút ốc không kịp, trông thấy người ta ăn ngon lành, chính cô cũng sinh thèm.”

Đi Ngang Hà Nội

sach di ngang ha noi 8 quyển sách hay về Hà Nội

Một cuốn sách không chỉ mang lại cho bạn đọc yêu Hà Nội những cảm xúc, mà còn mang lại những hiểu biết các câu chuyện, cuộc đời của người Hà Nội theo chiều dài lịch sử.

Qua ngòi bút của Nguyễn Ngọc Tiến, người Hà Nội cùng thời lại có thể hình dung về tiếng chuông tàu điện leng keng và vợ chồng người hát xẩm ủ ê, ai oán cùng tiếng nhị cò cưa. Rồi những ngày người Hà Nội tìm cách chế biến bột mỳ sao cho ngon miệng. Rồi những giai thoại dân gian, những bài văn vần từng lưu truyền một thuở về Hà Thành, về tem phiếu, về những nghệ sĩ đậm “chất Hà Nội” bên ly cafe cũng đậm “chất Hà Nội” trong một thời khốn khó…

Hà Nội Cũ

“Giời cao, bể rộng, đất dày

Núi Nùng, sông Nhị, đất này làm ghi.

Thương ôi trong buổi lưu ly

Tấm riêng ai chẳng thương người vì trung.”

Hai câu thơ trên được trích trong bài “Cây cổ thụ với ông Hoàng Diệu”, một bài viết cảm động mà tác giả Sở Bảo Doãn Kế Thiện dành cho vị Tổng đốc đã tuẫn tiết để chứng tỏ tấm lòng son với đất nước. Với hơn hai mươi bài viết đầy những chi tiết cụ thể và thú vị về các chuyện xưa tích cũ của Hà Nội như vậy, Hà Nội Cũ được xem là tác phẩm nổi tiếng nhất của Doãn Kế Thiện từ trước năm 1945. Một tác phẩm đầy dấu tích thời gian, không thể thiếu đối với những người yêu mền Hà Nội và muốn tìm hiểu lịch sử thành phố.

Ở Hà Nội

Một cuốn sách có tên là “Ở Hà Nội” thì sẽ có gì nhỉ? Có những điều rất Hà Nội – tất nhiên rồi. Và với Yuki, thì đó còn là về tình yêu của cô, tình bạn của cô, về những điều nho nhỏ lớn lớn quẩn quanh cô mỗi ngày. Yuki cho rằng đây không phải là cuốn sách về tình yêu, về sự đổ vỡ, hay những gì đó cao siêu lắm, mà tất cả “đều chỉ bắt đầu từ những lời tự sự không biết phải viết vào đâu mà thôi”.

Những trang sách là những ký ức về những chàng trai đi cùng Yuki suốt những tháng năm tuổi trẻ, những kỷ niệm vui buồn, những nỗi niềm chông chênh, có ngọt ngào lẫn đắng cay. Đó là một “cậu ấy”, người mà nếu “lấy làm tâm, quay một vòng và bỗng nhiên cả trái tim tôi, cả Hà Nội của tôi được gói trọn trong vòng tròn đó”. Đó là một “anh ấy”, người khiến “những điều nhỏ nhặt nhẹ nhàng len lỏi vào trái tim tôi”, như là nắm lấy bàn tay, như là hôn dịu dàng lên những ngón tay gầy, như là nụ hôn nhẹ thoáng qua mỗi lúc dừng đèn đỏ… Đó là những chàng trai, xuất hiện tại một thời điểm nào đó trong cuộc đời Yuki, và để lại trong trái tim cô những vệt màu khác nhau của tuổi trẻ.

Hà Nội Thanh Lịch

sach ha noi thanh lich 8 quyển sách hay về Hà Nội “Các dãy làng quanh thành có tên là Kẻ Bưởi, Kẻ Mọc, Kẻ Lủ, Kẻ Mơ, thì bà con nông thôn cũng hay gọi Hà Nội là “Kẻ Chợ”. Vì là kẻ chợ, nên lịch lãm có khi hóa ra kênh kiệu, buôn bán cũng có lúc lá phải, lá trái.

 

Nhưng ‘người Tràng An’ rõ ràng là người cần cù, cứng rắn, vẻ thanh lịch, đôi lúc hào hoa, yêu văn, yêu hoa, sành mỹ thuật, ăn mặc đơn sơ và trang nhã, nói lời văn vẻ dễ nghe, dễ hòa hợp với bà con phường, xóm, hay động lòng vì việc nghĩa, tình người, ghét cay ghét đắng những chuyện tục tằn kệch cỡm, hoạnh họe, lố lăng, đê tiện. Người Tràng An ở với nhau, ‘biết nhịn’, ‘biết nể’, ‘biết ngượng’, ‘suy bụng ta ra bụng người’. Trong thôn phố, có việc là chạy sang thăm hỏi ngay, ở với nhau chu tất, ăn ý, không ‘bỏ được lòng nhau’ […]

Khách nhà quê ra, đi mãi, nóng, nhọc thì thấy ngay bên đường một vại nước vối ngon với mấy cái bát sạch. Người ta tóm cả cái thanh, cái cao, cái lịch sự, ẩn ý vào hai chữ ‘thanh lịch’.

Và khi đón bà con các tỉnh về, tiếp các khách phương xa đến, người ta nhắc nhau giữ lấy ‘vẻ thanh lịch của người Tràng An’.”

Yêu Hà Nội Thích Sài Gòn

Một là nhà, nơi có cha mẹ, bà con, bạn bè chung thủy, một là thời niên thiếu nhiều kỷ niệm… Một là nơi sống, làm việc, được thấy cuộc sống rộng hơn, bầu trời lớn hơn và được là mình hơn. Một là cảm xúc và mơ mộng, một là lý trí và thực tế. Một là sương giăng phố vắng, một là nắng gió xôn xao. Một là bún riêu cua ốc, một là hủ tiếu bún bò. Một là hoa đào năm ngoái, một lại là mai cúc chói chang… Dễ tới cả trăm lần, dân xa xứ ngay trên chính quê hương mình như tôi, tự hỏi: phải nghiêng về nơi nào?

Thôi thì đành Yêu Hà Nội Thích Sài Gòn

Hẹn Gặp Anh Ở Hà Nội!

“Hẹn gặp anh ở Hà Nội” là những xúc cảm yêu thương, nỗi nhớ và cả trăn trở của những tình yêu, những tâm hồn hướng về Hà Nội. 37 tác phẩm trong cuốn sách là những bài viết ngắn, nhưng phong phú về thể loại: truyện ngắn, tản văn, tạp bút, nhật ký…

Các tác giả đều là những cây bút không chuyên, nhưng có một tâm hồn đồng điệu, chung một tình yêu Hà Nội. Họ đã gặp nhau ở một điểm hẹn có tên Blog Việt tại địa chỉ blogviet.com.vn (trước là chuyên trang Blog Việt của báo điện tử Vietnamnet). Cuốn sách này là món quà tặng cho những người yêu Hà Nội và cũng là sự tri ân của Blog Việt với bạn đọc sau 5 năm đồng hành cùng bạn đọc cả nước.

Người đọc sẽ gặp lại và tìm thấy những không gian, những góc nhỏ của Hà Nội, những dấu ấn tuổi thơ, kỷ niệm tình yêu đầu đời… trong nhiều cung bậc cảm xúc ngọt ngào thương nhớ. Nội dung sách được chia làm 3 phần: Này anh, hãy hỏi vì sao em yêu Hà Nội; Chỉ là em đang nhớ Hà Nội có anh; Hẹn gặp anh ở Hà Nội.

Hà Nội Lầm Than

“Tác giả Trọng Lang cũng là cây bút viết phóng sự sớm và chuyên nhất với thể văn này trong một thời gian dài. Các tác phẩm chính của Trọng Lang có Trong làng chạy, Đời bí mật của sư, vãi, Gà chọi (1935), Đồng bóng (1935-1936), Hà Nội lầm than (1937), Làm dân (1938), Làm tiền (1939); và sau này còn có thêm Thầy “lang”, Vợ lẽ nàng hầu, Những đứa trẻ (1941-1944)… Các phóng sự, ghi chép của Trọng Lang in khá rõ phong cách điều tra, kể chuyện, khai thác tư liệu thực tế. Nhà văn đã mở rộng diện đề tài, bao quát cả những khía cạnh đời sống tinh thần, phong tục tập quán và thực trạng những lối sống mới đang nảy sinh. Ở đây có cả thế giới muôn màu vẻ của bọn trộm cắp (Trong làng chạy), đời sống nhếch nhác cùng cực nơi thị thành (Hà Nội lầm than, Làm tiền) và muôn mặt những tệ nạn sau luỹ tre làng (Làm dân, Xôi thịt)… Nhiều trang viết thực sự sinh động, phô bày được những góc khuất tối của bọn người trộm cắp, đồng cốt, gái làm tiền, tệ nạn thuốc phiện… Không chỉ phản ánh và bộc lộ thái độ trước các vấn đề xã hội mà Trọng Lang còn tỏ bày khuynh hướng tư tưởng, chỉ ra những nỗi cơ cực, đau xót của lớp người “làm dân” dưới đáy xã hội. Nhà phê bình Vũ Ngọc Phan từng khái quát ý nghĩa sáng tác của Trọng Lang: “Trong số các nhà văn viết phóng sự gần đây, Trọng Lang có óc phê bình hơn cả. Văn ông đanh thép và sắc cạnh, chuyên về tả cảnh nhiều hơn tả tình… Muốn hiểu tâm hồn những hạng dân quê đã bị “lây” ít nhiều thói tỉnh thành, phải đọc những phóng sự của Trọng Lang; nhưng muốn hiểu tâm hồn những người dân quê còn đặc quê mùa, cần phải đọc những tập phóng sự và tiểu thuyết phóng sự của Ngô Tất Tố”.

Theo vnwriter.net

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,639 lượt xem