Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

9 Lý Do Phổ Biến Khiến Chúng Ta Trì Hoãn

Mọi người đều trì hoãn. Ngay từ khi bắt đầu, người ta đã dời các các công việc sang một bên. Thi thoảng thì việc trì hoãn vô hại. Ví dụ như việc giặt giũ. Chả ai thích giặt giũ cả, cho đến khi đống quần áo dơ bắt đầu bốc mùi khiến bạn không thèm mặc lại chúng nữa, thì bạn vẫn là một công dân có trách nhiệm nếu bạn trì hoãn việc giặt quần áo thêm vài tiếng đồng hồ (hoặc là vài ngày).

Với mục đích nghiên cứu chủ đề này, tôi đã trì hoãn viết bài này cho đến gần sát thời hạn nộp (haha đùa thôi, biên tập viên đừng sa thải tôi nhé). Và bạn biết gì không? Cho dù tôi có dời lại thêm một xíu (cũng với mục đích nghiên cứu nha), thì mọi thứ vẫn đâu vào đấy. Dưới đây là 9 lý do thường khiến bạn trì hoãn công việc mà bạn có thể mắc phải, bên cạnh cái lý do nghiên cứu cho chủ đề bài viết này.

 1. Bạn muốn kiểm soát mọi thứ

Nếu bạn dời mọi thứ lại, chúng sẽ không thể đi chệch hướng, đúng không? Thật không may là bạn không thể nào trì hoãn chúng mãi. Bằng việc trì hoãn, bạn nắm kiểm soát ở mức cao nhất với bất kỳ công việc nào bạn đang đảm nhiệm. Tuy nhiên điều này rõ ràng cũng có nghĩa là cái công việc cụ thể đó vẫn chưa được làm.

2.  Bạn xem mỗi một công việc giống như một dự án lớn.

Thật lòng mà nói, mọi công việc ta làm đều có thể chia nhỏ ra thành từng phần có thể kiểm soát được. Hãy xét lại ví dụ giặt giũ tôi vừa đề cập ở trên. Nếu cái trò giặt giũ có vẻ là một công việc gây nản, hãy chia nhỏ nó ra thành từng bước. Gom hết quần áo dơ lại. Phân loại ra đồ trắng và đồ màu. Bỏ chúng vào lồng giặt. Bỏ chúng vào lồng sấy. Gấp chúng lại. Việc giặt giũ rõ ràng là một ví dụ cơ bản nhưng có thể áp dụng cho rất nhiều trường hợp khác. Bằng cách phân nhỏ thành công đoạn, bạn sẽ nhận thấy công việc sẽ khả thi hơn nhiều.

3. Bạn là người theo chủ nghĩa hoàn hảo

Đôi lúc,  bạn thích cầu toàn. Thế nhưng, điều này sẽ dẫn đến việc dời nhiều thứ lại, hoặc trì hoãn việc hoàn thành những công việc đơn giản bởi vì bạn lo ngại một kết quả không đạt mức hoàn hảo. Hãy nhớ rằng sẽ ổn thôi nếu mọi thứ không diễn ra chính xác như những gì bạn nghĩ trong đầu. Hơn nữa, một công việc hoàn tất, mặc dù không hoàn hảo, vẫn tốt hơn một công việc dở dang chưa hoàn thành.

4. Bạn lo sợ thất bại

Nỗi sợ thất bại có thể lôi kéo bạn trì hoãn công việc. Lẽ dĩ nhiên bạn sẽ không thể nào thất bại  một khi mà bạn không hề bắt tay bắt tay vào làm. Không may là lối suy nghĩ này rất kém hiệu quả. Việc đối mặt với nỗi sợ hãi về sau sẽ giúp bạn vượt qua nỗi sợ đó, hoặc giúp bạn học cách chế ngự nó. Vậy nên lần tới khi bạn nghĩ đến việc trì hoãn một việc đơn giản gì đó để trốn tránh khả năng thất bại, hãy dẹp ngay ý nghĩ đó đi. Rồi bạn sẽ trưởng thành và đầy kinh nghiệm.

 

5. Bạn không có khả năng tự chủ tốt.

Chắn chắn là có rất nhiều mức độ tự chủ. Mỗi người mỗi khác. Tuy vậy, bạn cần đạt được một mức độ tự chủ nhất định để làm việc có hiệu quả. Con ma trì hoãn dễ dàng tìm đến những người thiếu kỷ luật trong việc hoàn thành công việc đúng thời hạn và làm việc thiếu tổ chức.

 

6. Bạn không lập danh sách.

Đôi lúc, trì hoãn là một hệ quả của việc bỏ dở giữa chừng. Nếu bạn gác một việc gì đó sang một bên và quên ghi chú lại là mình cần phải làm nó sau, thì rất có khả năng bạn sẽ hoàn toàn quên khuấy công việc ban đầu. Nếu bạn là một kẻ hay quên, hãy có một danh sách các việc cần làm, ghi vào đó tất cả các nhiệm vụ, và chỉ gạch ngang chúng khi chúng đã được hoàn tất 100%.

7. Bạn ước định thấp về thời gian cam kết

Sẽ rất nản khi bạn phải mất đến hai tuần để hoàn thành một dự án trong khi bạn nghĩ nó chỉ tốn một tuần. Thường xuyên ước lượng sai thời hạn sẽ rất dễ dẫn đến việc bạn trì hoãn nhiều hơn bình thường.

Bạn sẽ có xu hướng trì hoãn khi bạn nghĩ bạn có thời gian, nhưng việc nhận ra bạn không có nhiều thời gian như bạn tưởng có thể dẫn đến một “cuộc đua gian khổ” thực sự để hoàn thành công việc.

8. Bạn (đơn thuần là) có năng lực

Trì hoãn một công việc không phải lúc nào cũng tệ. Nhiều người làm việc rất tốt dưới áp lực và có thể làm việc có hiệu suất tốt, trong khi một số khác chỉ đơn giản là may mắn. Tuy nhiên, xét cho cùng, sẽ đến một lúc nào đó việc trì hoãn không diễn ra suôn sẻ đến thế. Hãy lưu tâm đến chất lượng công việc và phải chắc chắn rằng dấu vết của những phút chạy nước rút cuối cùng của bạn không bị lộ ra.

9. Bạn lười

Đây là nguyên nhân số 1 khiến hầu hết chúng ta trì hoãn. Chúng ta không thấy thích làm điều gì hết và ta hoãn lại. Lười biếng không phải lúc nào cũng xấu. Lâu lâu bạn lười biếng nằm coi truyền hình mà không thèm đi cắt cỏ thì cũng chả sao. Chỉ là đừng để hành động đó trở nên quá thường xuyên.

Theo Lifehack

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

350 lượt xem