Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Ai Mới Là "Người Phán Xử"

Xã hội được hình thành và phát triển nhờ con người. Từ thuở sơ khai, con người đã luôn làm mới mình để từ đó có thể làm mới xã hội. Xã hội ngày nay đề cao hai từ “bình đẳng“, điều đó thể hiện rằng mọi người nhận thức được rằng tất cả công dân đều cùng nhau góp công phát triển toàn xã hội. Song, bình đẳng không phải là tất cả đều “bằng vai phải lứa”, tất cả đều được tự do muốn làm gì thì làm! Phải chăng bởi vậy mà luật pháp ra đời. Luật pháp được đưa ra để giúp cho xã hội trở nên công bằng hơn. Khi một công dân trong xã hội phạm tội, thì không phải những công dân khác, không phải những người còn lại trong xã hội ấy được quyền kết tội con người. Quyền kết tội con người thuộc về pháp luật. Đó là một sự thật và là một điều đúng đắn sẽ không bao giờ thay đổi để duy trì một xã hội ổn định về trật tự và phát triển về kinh tế.

Thế nhưng, đôi khi xã hội lại không tuân theo những điều mà tưởng như đã trở thành “chân lí” ấy. Trong xã hội, từ xưa đến nay, vẫn còn rất nhiều bất công, rất nhiều trái ngang chưa được sáng tỏ, còn nhiều uẩn khúc và chưa được đưa đến pháp luật thì nó đã bị kết tội bởi chính những công dân trong xã hội. Những người ngoài lề tưởng như không liên quan ấy bằng một cách gián tiếp (đôi khi là trực tiếp) đã và đang là những “Người phán xử” mới của xã hội. “Người phán xử” cho mọi tội ác giờ đây, đôi khi đã không còn là cơ quan pháp luật, cơ quan thẩm tra mà chính là toàn xã hội!

Bộ phim “The Hunt” là một bộ phim tâm lý Đan Mạch năm 2012 do Thomas Vinterberg đạo diễn, đã từng được đề cử giải Oscar cho “Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc”, là một bộ phim xuất sắc về việc kết tội con người mà bất cứ ai cũng nên xem, để biết và nhận ra hậu quả nghiêm trọng của việc không suy xét kĩ mà kết tội con người chỉ dựa vào những chứng cớ chưa thực sự đầy đủ.

Mở đầu bộ phim, đạo diễn cho chúng ta ngắm nhìn hình ảnh một làng quê ở Đan Mạch yên bình. Người xem như đắm chìm trong một bức tranh tĩnh lặng mà ở đó chỉ có sự bình dị, gần gũi của một cộng đồng nhỏ. Ở đó có Lucas đang làm một người trông trẻ, sau khi trường trung học ông dạy đóng cửa. Ông đã ly dị vợ và giành quyền sống với cậu con trai Marcus. Lucas thích vui đùa với trẻ em và có một tình yêu mới từ cô bạn đồng nghiệp, cũng là một người ở trại trẻ nơi ông làm việc. Lucas có một người bạn thân là Theo. Người dân trong làng đầu quen biết với nhau và đều là những người bạn của nhau. Họ đang đón chờ Giáng Sinh sắp đến. Liệu có bất cứ ai khi xem phim, cảm tưởng như rơi vào một không gian đầy chất thơ ấy lại nghĩ được bất ngờ đang đổ ập bất cứ lúc nào?

Bất ngờ xảy đến khi Lucas bị buộc tội lạm dụng tình dục. Klara, con gái bạn thân của Lucas trong một lần hờn dỗi vì thầy giáo vì có cảm tình với thầy giáo và muốn chơi với thầy nhưng đã bị thầy từ chối bởi thầy đã nhận ra tình cảm ấy. Klara đã làm cho cô hiệu trưởng Grethe hiểu lầm là Lucas cho cô bé xem dương vật của mình. Cô hiệu trưởng nhờ một người bạn hỏi lại Klara nhưng câu trả lời không thay đổi, vẫn là như vậy. Vậy là Lucas bị kết tội như một kẻ ấu dâm, bị xa lánh, bị khinh bỉ, bị nguyền rủa. Mất người yêu, mất bạn thân, mất đi lòng tin của cả một xã hội vì một lời nói dối của một đứa trẻ. Một người đàn ông chính trực phải chịu đau khổ và bị coi như một tù tội như vậy liệu có xứng đáng? Tôi cứ mãi băn khoăn với câu hỏi: Thay vì nghe theo lời một đứa trẻ, phải chăng mọi người cần suy xét và tìm thêm chứng cứ trước khi buộc tội Lucas, buộc tội một con người? Tại sao con người lại có thể dễ dàng trở thành “Người phán xử” đến như vậy?

“Chỉ vì lời 1 cô gái mà họ lao vào đấm, đá túi bụi chúng tôi”

Đó là lời của một người phụ nữ nghèo làm nghề bán tăm kiếm sống, bị mọi người xông vào đánh trong ngày đầu tiên đi làm vì tưởng rằng bà là người bắt cóc trẻ em!

Mạng xã hội phát triển, mọi người đều có nhu cầu sử dụng mạng xã hội và nhiều người trong số đó đã lợi dụng điều ấy để đăng những thông tin không đúng sự thật về việc bắt cóc trẻ em, cướp giật,… nhằm câu like và khiến người dân hoang mang. Những câu chuyện về những người bán hàng bắt cóc trẻ em, câu chuyện về những người hỏi đường cướp giật điện thoại,… đầy rẫy trên mạng và dường như nó để lại hiệu ứng khôn lường: Mọi người dân luôn nghi ngờ về con người mà họ tình cờ gặp trên đường. Họ sợ rồi mình sẽ trở thành nạn nhân của những câu chuyện mà họ đã tình cờ đọc trên trang báo mạng thường ngày. Họ sợ cả một xã hội và hàng ngày vẫn không ngừng phàn nàn về chính xã hội ấy. Và hậu quả của nỗi sợ vô hình ấy là bà Nguyễn Thị Phúc (52 tuổi, xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) đi lên xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn, Hà Nội bán tăm cho Hợp tác xã tình thương huyện Mỹ Đức, để rồi bị đánh đập ngay trong ngày đầu tiên đi làm, chỉ vì một lời nói của một người phụ nữ hiểu nhầm bà bắt cóc trẻ con!

Một người phụ nữ đứng tuổi, đang phải sống trong căn hộ tồi tàn, vừa mới kiếm được công việc bán tăm cho hợp tác xã tình thương, vậy mà bị đánh đập đến nỗi phải nhập viện. Hơn hết, trận đánh này không phải một trận đánh được chỉ đạo bởi pháp luật. Đây đơn giản chỉ vì sự bốc đồng không đáng có của những người dân xung quanh khi thấy một người phụ nữ lạ mặt đến, cộng với lời dèm pha chưa được xác minh rõ ràng của một phụ nữ. Bấy nhiêu thôi cũng đã khiến những người dân kia trở thành “Người phán xử” và đẩy người phụ nữ này đến hoàn cảnh tủi nhục như vậy!

 

Cũng mới gần đây, ngày 20/7 những trang báo mạng còn đưa thông tin nhiều người dân ở Thanh Hà, Hải Dương đã xông vào đập phá, đốt xe vì tình nghi chủ xe bắt cóc trẻ con!

Mới chỉ tình nghi nhóm người trên xe có hành vi thôi miên, bắt cóc trẻ con nhưng những người dân xã Hồng Lạc, huyện Thanh Hà, tình Hải Dương đã nhảy vào đập phá và đốt một chiếc xe Fortuner. Cuối cùng, ông Vũ Xuân Hào, Chủ tịch UBND xã Hồng Lạc, huyện Thanh Hà đã khẳng định qua điều tra, việc tình nghi những người trong ô tô bắt cóc trẻ em là không chính xác. Một xã hội mà một chiếc xe ô tô đáng giá trở thành một “bãi phế liệu” chỉ bởi lí do hết sức giản đơn: sự tình nghi của một bộ phận công dân. Không thể phủ nhận mạng xã hội ngày nay đang đưa tin quá nhiều về những vụ bê bối bắt cóc trẻ con. Mỗi công dân trong xã hội có quyền lo lắng, có quyền sợ hãi. Nhưng trước những lo lắng, sợ hãi ấy, việc mỗi người cần làm là thay đổi nhận thức, cảnh giác hơn đối với những người xung quanh, chứ không phải vô cớ gây ra những hành động như vậy! Chúng ta cần có một “cái đầu lạnh” để phân biệt đúng – sai, để tỉnh táo trước những thông tin “rác” trên mạng chứ không phải vì sự bốc đồng mà gián tiếp biến xã hội thành một nơi mà con người tự cho mình quyền phán xử, trước cả pháp luật.

Trước đó, ngày 16/7, một clip ghi lại cảnh người dân đang giữ một đứa bé nghi bị cho uống thuốc mê bắt cóc khiến dư luận hoang mang. Tuy nhiên, cơ quan công an đã vào cuộc và xác minh người phụ nữ ấy chính là mẹ ruột của cháu bé. Trước đó, người dân đã giữ cháu bé lại mặc dù người phụ nữ liên tục khẳng định đó là con mình và cố gắng giành lại đứa bé trên tay người dân!

Và còn rất nhiều, rất nhiều sự việc tương tự như những sự việc trên vẫn diễn ra hàng ngày, hàng giờ. Những sự việc ấy diễn ra chỉ vì sự tắc trách của con người và sự tình nghi không chính đáng của những con người khi nhìn nhận sự việc chỉ bằng một góc nhỏ. Chúng ta chỉ được phép lên án con người dựa vào những bằng chứng đã thực sự chắc chắn, được kiểm định rõ ràng. Chúng ta cũng chỉ là những người dân, mong muốn được sống trong một xã hội văn minh nhưng nhiều khi mong muốn ấy biến thành một “trò cười”, một sự lố lăng trong xã hội. Chúng ta đừng bao giờ cho mình thỏa hiệp với những thông tin sai lệch rồi biến mình thành một con chiên ngoan đạo, chạy theo những điều chưa được kiểm chứng, những thông tin một chiều. Những thứ liên quan đến phẩm giá và đạo đức của con người là những thứ vô cùng nhạy cảm, phức tạp, không phải thứ để những người ngoài cuộc như chúng ta kết luận một cách dễ dàng! Chúng ta không có quyền buộc tội ai và cũng không ai dám chắc những điều mà chúng ta buộc tội ấy là đúng! Chúng ta chỉ có thể đòi hỏi sự công bằng ở cơ quan điều tra, cơ quan pháp lí chứ chúng ta không có quyền biến cuộc sống của người khác trở nên tồi tệ nếu chúng ta chưa thực sự chắc chắn!

Bộ phim “The Hunt” đã khép lại, nó giúp mỗi con người ta nhận ra thông điệp ấy, nhất là khi Lucas tuyệt vọng thét lên với người bạn thân nhất của mình rằng hãy nhìn vào mắt anh để tìm xem liệu anh có phải là kẻ có tội không. Lucas cuối cùng được minh oan, và nhiều người ở thế giới ngoài kia đã từng bị xã hội lên án vô cớ, bị những “Người phán xử” kết tội cũng hoặc đã được minh oan, nhưng nỗi đau tinh thần ấy bao giờ sẽ nguôi ngoai khi mà danh dự, lòng tự trọng, sự chính trực của họ đã bị cướp đi? Quyền kết tội con người chưa bao giờ và sẽ không bao giờ nằm trong tay chúng ta cả. Chúng ta không phải là “Người phán xử”!

Tôi vẫn thường nghe mọi người bông đùa rằng đây là thời kì “Kỉ nguyên số”. Điều ấy không sai khi mà công nghệ phát triển, mạng xã hội phát triển và con người có nhu cầu sử dụng những phương tiện ấy. Song, mặt trái của những điều ấy sẽ để lại hậu quả khôn lường nếu chúng ta không đủ bản lĩnh, đủ lí trí để đối phó trước những thông tin sai lệch hoặc chưa được kiểm chứng mà một bộ phận những người xấu trong xã hội đang lợi dụng điểm yếu của mỗi chúng ta, đánh vào đó sự lung lay lòng tin với con người. Đừng dễ dàng để bản thân bị thao túng và biến thành “Người phán xử” mới của xã hội hiện đại. Mỗi cá nhân ý thức được những điều như vậy, tôi tin xã hội sẽ ngày càng đi lên, trong cả đạo đức và nhận thức con người.

Trần Thu Thảo 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

45,315 lượt xem