Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Bạn Có Phải Là Một Người Thành Công Không Hạnh Phúc?

 

 

Với nhiều người, đây có thể là một câu hỏi kì lạ. Ai mà lại có thể không hạnh phúc khi thành công? Ai lại không thích được nhận những phản hồi tích cực về dự án công việc của mình, hay được tán dương về một màn trình diễn nghệ thuật, hay nhận hàng chục lượt “like” trên Facebook về một thành tựu nào đó?

 

Quả thật, chẳng có gì ngạc nhiên khi nói rằng thành tích cá nhân là nền tảng của văn hóa Mỹ, đặc biệt trong kỉ nguyên phát triển của mạng xã hội và sự tôn thờ thần tượng. Theo một cuộc điều tra quốc gia được công bố vào năm 2014 của Trường Cao Học về Giáo Dục Hardvard, một số lượng lớn người trẻ ở Mỹ xem việc “thành đạt ở mức độ cao” là ưu tiên số 1, tương đương với tổng số người chọn “quan tâm người khác” và “là một người vui vẻ”.

Tất nhiên, thành công thì chẳng có gì sai cả.

Tuy nhiên, vấn đề là với một số người, những thành tựu ấy lại làm họ cảm thấy vô cùng trống rỗngNó có thể làm họ trở nên chán nản, lo lắng, thậm chí giận dữ. Họ hiếm khi hiểu nguyên nhân cho những cảm xúc này. Họ thậm chí có thể còn chẳng nhận ra sợi dây liên kết giữa nổi buồn của họ và thành tích họ đạt được. Phần lớn, họ chỉ biết rằng họ cảm thấy kiệt sức, không thỏa mãn – những cảm xúc khó có thể thích hợp với thành công mà họ đạt được. Chẳng phải những thành tựu ấy nên làm họ cảm thấy muốn la lên như những nhà vô địch Super Bowl rằng “Tôi muốn đi đến Disney World”?

Những người này có thể cảm thấy trống rỗng vì những thành tích đó chẳng mang lại cho họ lợi ích gì. Vì nhiều lí do, họ cảm thấy họ phải thành công chỉ để cảm thấy bản thân có giá trị. Thành tích không phải là niềm vui; chúng là sự bắt buộc. Khi một ai đó bị ép phải thành công chỉ để có giá trị, họ không thể dừng lại. Bởi vì, nếu ngừng thành công, họ không còn sức hấp dẫn.

Vấn đề này thường bắt đầu từ lúc ấu thơ, trong gia đình mà bố mẹ (thường la vô ý) dạy con cái rằng giá trị của con người đến từ thành tích họ đạt được và công việc họ làm, không phải việc họ là ai. Mặt tối của lời nhắn nhủ này, mặc dù không cố ý, là việc họ là ai thì không đủ. Vấn đề này trở nên trầm trọng khi những đứa trẻ ấy trở thành thiếu niên và người lớn, và lao vào một nền văn hóa bị tác động mạnh mẽ bởi mạng xã hội và ám ảnh thần tượng, âm thầm truyền tải cùng thông điệp: Nếu bạn không có đủ “likes” trên Facebook, Twitter, hay Instagram cho những điều tuyệt vời bạn làm hay nói, bạn hiển nhiên không được nhiều người yêu mến. Và tất nhiên, cho dù bạn được yêu thích thế nào, bạn cũng chẳng bao giờ nổi tiếng bằng doanh nhân Elon Musk, cầu thủ bóng chày Steph Curry, hay cô ca sĩ Taylor Swift.

Những người chịu đựng nỗi nghi hoặc này dễ dàng cảm thấy khiếm khuyết, thiếu sót trong một thế giới ngập tràn thành tích, và sự tự đề cao bản thân, từ bạn bè và người nổi tiếng.

Đây là một bệnh dịch mới về lòng tự trọng.

Tôi gọi những người này là “Những kẻ thành công không hạnh phúc”, và thực sự có rất nhiều người như thế. Lòng tự trọng của họ gần như xuất phát từ những thứ ngoài bản thân họ, thế nên dễ hiểu khi họ cảm thấy vô cùng trống rỗng. Tệ hơn, bởi vì những cá nhân này thường rất thành công, sự đau khổ về tâm lý của họ thường bị coi nhẹ bởi chính bạn bè và người thân yêu.

Đồng thời, trớ trêu thay, mặc dù một số “kẻ thành công không hạnh phúc” thật sự thành công ở một mức độ nào đó, vài người trong số họ trong thực tế chẳng đạt được điều gì to lớn lắm, bởi vì nổi thúc đẩy phải thành công của họ quá lớn làm họ trở nên trì hoãn. Hai nhóm này tuy như hai thái cực đối lập nhau – nhóm chấp nhận áp lực nặng nề để thành công, và nhóm kháng cự sự thành công vì chính cái áp lực nặng nề này. Hai nhóm này thực chất là hai mặt của 1 đồng tiền: cả hai nhóm đều tin rằng họ phải thành công để cảm thấy có giá trị, và cả 2 nhóm đều chán ghét cái sự thật này.

Bạn có phải là một người thành đạt không hạnh phúc? Hãy xem có mục nào dưới dây miêu tả bạn không.

1) Bạn có một công việc tốt, người bạn đời hấp dẫn, thỉnh thoảng ăn tối ở những nhà hàng sang trọng, và về nhà với những tấm hình được chỉnh sửa đẹp đẽ để gây ấn tượng với những người theo dõi bạn trên Instagram. Mọi người nghĩ bạn có cuộc đời mỹ mãn, về ngoài mặt thì đúng thế thật. Tuy nhiên, tận sâu bên trong tâm hồn, bạn vẫn luôn cảm thấy không thành công và trống rỗng.

2) Khi bạn đạt được điều gì đó, sự thỏa mãn cho thành công ấy biến mất nhanh chóng. Bạn đạt được điểm A cho bài cuối thi cuối kì, khán giả vỗ tay nồng nhiệt sau vở diễn của bạn, sếp tán dương việc bạn đã xử lý khá tốt với hồ sơ của khách hàng mới; và bạn lẳng lặng nắm tay lại và nghĩ: “Giờ thì mình có thể thư giãn và tận hưởng thành tích này rồi!”. Thế nhưng, một phút, một giờ, hay một hoặc hai ngày sau đó, sự thỏa mãn biến mất, bạn cảm thấy áp lực hơn bao giờ hết để bắt đầu làm việc cho thành tích tiếp theo.

3) Bạn hòa đồng, cởi mở, là trung tâm sự chú ý bất kể là khi đi chơi vs bạn bè hay gặp gỡ đồng nghiệp tại một hội nghị. Thậm chí nhiều người còn nghĩ đến bạn như trung tâm của mọi bữa tiệc. Thế nhưng, bạn lại cảm thấy cô đơn khi được vây quanh bởi vô số người, và bạn chỉ có thể thư giãn khi bạn một mình.

4) Bạn chần chừ làm những việc đơn giản, và bạn không hiểu tại sao. Có thể sếp muốn bạn gửi bản báo cáo mà bạn đã viết đến một phòng ban khác, hay mẹ bạn muốn bạn đăng ảnh chụp bức tranh mới của bạn lên Facebook để bạn bè bà ấy có thể sem. Những việc này chỉ mất chừng 1 đến 2 phút, nhưng bạn lại ko thể tự làm việc đấy.

Tất nhiên, đây mới chỉ là một số ví dụ cơ bản, tuy nhiên nếu bạn cảm thấy mình trong 4 ví dụ trên, tôi khuyên bạn nên tự hỏi bản thân những câu hỏi dưới đây:

● Khi bạn đăng bức ảnh ấy lên mạng, khi bạn làm việc điên cuồng để hoàn thành cái dự án khổng lồ ấy, khi bạn biến bản thân trở thành trung tâm của sự chú ý, bạn có chăm chăm lo lắng rằng những việc làm trên sẽ làm những người khác nghĩ thế nào về bạn?

● Phần thưởng cho việc được nhìn nhận như một người thành công là gì? Sự chú ý? Tình yêu? Sự an toàn? Hậu quả khi bạn thất bại là gì? Thất vọng? Chán nản? Kinh tởm? Tức giận?

● Bạn cảm thấy thế nào khi bị ép buộc phải thành đạt, đơn giản để đạt được những thành quả ấy hay né tránh những hậu quả trên?

● Bạn có ước rằng mình có thể làm một cái gì đó, cái gì cũng được, chỉ “vì bản thân mình”? Bạn có cảm thấy mình dành quá nhiều thời gian và công sức cố gắng thành công chỉ để cảm thấy đủ tốt, và rồi chẳng còn tí thời gian hay năng lượng nào để làm việc bạn thật sự muốn?

Những câu hỏi này chỉ là điểm khởi đầu. Tuy nhiên, nếu bạn nhận ra bản thân là một kẻ thành công không hạnh phúc, có một thứ bạn có thể làm, một thứ mà thật sự chỉ “vì bản thân” bạn. Bạn có thể bắt đầu tìm hiểu xem động lực thực sự cho thành công của bạn là gì, và cùng với thời gian – đôi khi với sự giúp đỡ của một nhà trị liệu giỏi, bạn có thể bắt đầu nhận ra bạn cảm thấy thế nào khi phải thành công, và việc mà bạn thật sự muốn làm.

 

Nguồn: Weissbourd R., Jones S., Anderson T. R., Kahn J., Russell M. (2014). The children we mean to raise: The real messages adults are sending about values. Cambridge, MA: Harvard Graduate School of Education.

LinkAre You an Unhappy Achiever?

Dịch: MiaxNguyen

Theo: Whypsy

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,056 lượt xem