Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Bạn Thực Sự Là Ai?

Khi bạn từ bỏ con người mà bạn nghĩ là mình, bạn trở thành chính mình.” – Menis Yousry

BẠN ĐÃ TỪNG XEM PHIM Ở RẠP bao giờ chưa? Hãy cùng tham gia một cuộc hành trình ngắn cùng tôi nhé. Hãy tưởng tượng bạn đang ngồi trong một rạp chiếu bóng và xem bộ phim Harry Potter. Thông thường, các bộ phim sử dụng hình ảnh và âm thanh một cách hòa hợp với nhau để tác động vào hai giác quan mà bạn hay sử dụng nhất là thị giác và thính giác. Nếu hình ảnh và âm thanh không trùng khớp, bạn sẽ nhận thấy mình đang ngồi trên ghế với cảm giác kỳ kỳ. Nhưng vì hình ảnh và âm thanh của bộ phim Harry Potter bạn đang xem phối hợp với nhau một cách hoàn hảo, bạn gần như bị cuốn hoàn toàn vào bộ phim. Những gì nhân vật trong phim nhìn thấy, bạn cũng nhìn thấy; và những gì nhân vật trong phim nghe thấy, bạn cũng nghe thấy. Bạn đắm chìm vào bộ phim đến nỗi có thể bạn quên mất luôn rằng mình đang ngồi trong rạp chiếu bóng.

Nhưng đó chỉ là bước khởi đầu. Rạp phim mà bạn đang xem là một rạp rất hiện đại, nó không chỉ sử dụng hình ảnh và âm thanh để đánh vào thị giác và thính giác của bạn, mà còn sử dụng những công nghệ tiên tiến để tác động đến khướu giác và vị giác của bạn. Giờ đây, khi Harry Potter ăn, bạn cũng nếm được hương vị của món ăn; và khi Harry Potter ngửi thấy mùi hương gì, bạn cũng ngửi thấy nó. Nghe thú vị đấy chứ? Nhưng đó mới chỉ là bốn giác quan thôi đấy nhé. Sẽ ra sao nếu như giác quan còn lại – xúc giác – cũng tham gia vào? Sẽ ra sao nếu như khi Harry Potter cảm thấy dễ chịu hay đau đớn trên cơ thể, bạn cũng cảm thấy y như vậy? Lúc này, khả năng cao rằng bạn đã hoàn toàn chìm đắm vào bộ phim.

Nhưng cũng chưa hẳn thế, vì suy nghĩ và cảm xúc của bạn vẫn còn độc lập với suy nghĩ và cảm xúc của nhân vật trong phim. Bạn chỉ cần thầm thì trong đầu mình ‘Hé lô’, bạn sẽ có thể thoát ra khỏi bộ phim và trở về lại với căn phòng. Vậy thì chúng ta hãy cùng đi thêm một bước nữa nhé. Sẽ ra sao nếu như giờ đây, những gì mà Harry Potter suy nghĩ cũng chính là những gì bạn suy nghĩ; và những cảm xúc như vui, buồn, sợ hãi, giận dữ...mà Harry Potter cảm nhận cũng chính là những cảm xúc mà bạn cảm nhận? Lúc này, bạn sẽ chẳng còn cơ hội nào. Bạn hoàn toàn đắm chìm vào câu chuyện trong phim và lầm tưởng rằng mình chính là Harry Potter. Bạn hoàn toàn quên mất mình chỉ là người đang ngồi trong rạp và xem bộ phim ấy diễn ra. Bạn đã hoàn toàn đánh mất chính mình.

Chúng ta không được dừng việc tìm kiếm; và tại điểm kết thúc của mọi cuộc tìm kiếm, chúng ta sẽ đến nơi mà mình đã bắt đầu, và biết nơi đó lần đầu tiên.” - T. S. Elliot

SẼ RA SAO NẾU NHƯ TOÀN BỘ CUỘC ĐỜI BẠN cũng chỉ là một bộ phim? Sẽ ra sao nếu như cái người trước giờ mà bạn nghĩ là bạn, cái người có một cơ thể, một cái tên, một chức danh, những suy nghĩ và cảm xúc…, chẳng qua chỉ là một nhân vật trong bộ phim ấy? Sẽ ra sao nếu như trước khi đến với cuộc đời này, bạn đã “bấm nút” để chọn hóa thân thành anh tên A, chị tên B này, cùng với những hoàn cảnh sống của người ấy? Nhưng khi đã hóa thân vào người ấy rồi, bạn hoàn toàn quên mất mình thực sự là ai. Vậy thì, bạn thực sự là ai?

Ramana Maharshi, nhà hiền triết Ấn Độ, thường nói rằng để đạt được sự tự do ở bên trong, một người phải liên tục tự hỏi mình câu hỏi “Tôi là ai?”. Ngài dạy rằng điều này quan trọng hơn nhiều so với việc đọc sách, học những câu thần chú hay đi đến những nơi thánh địa. Chỉ cần hỏi: “Tôi là ai? Ai nhìn khi tôi nhìn? Ai nghe khi tôi nghe? Ai biết khi tôi nhận biết? Tôi là ai?.

Khi được hỏi câu hỏi ấy, bạn sẽ trả lời như thế nào? Có thể bạn sẽ ngay lập tức trả lời bằng cách nói ra cái tên của bạn, chẳng hạn như “Tôi là Mai”. Nhưng có thật thế không? Nếu tôi lấy một mẩu giấy, viết lên đó ba chữ cái M-A-I và đưa cho bạn; có phải đó là bạn không – một tập hợp những chữ cái? Dĩ nhiên là không rồi, đó chỉ là một nhãn dán lên bạn mà thôi, nên bạn nói:

Okay, tôi không phải là Mai. Đó chỉ là một cái tên mà mọi người gọi tôi. Thực sự thì, tôi là vợ của anh Nam.

Nhưng có thật thế không? Vậy trước khi cưới anh Nam, không lẽ bạn không tồn tại? Và giả sử sau này bạn li dị anh Nam và tái hôn, hay anh Nam chết đi, không lẽ bạn không còn tồn tại? Làm sao bạn có thể là “vợ của anh Nam” được? Đó chỉ là một nhãn dán khác mà thôi. Bạn nói:

Okay, okay, tôi hiểu rồi. Tôi sinh năm 1987 ở TP. Hồ Chí Minh. Tôi học Đại học Kinh tế ngành tài chính. Bây giờ tôi làm công việc kế toán. Tôi cưới anh Nam và có 1 đứa con. Tôi có dự định học tiếp thạc sĩ năm sau. Đó chính là tôi.

Đợi đã nào, tôi hỏi bạn rằng “Bạn là ai?”, chứ không hỏi “Chuyện gì đã xảy ra kể từ khi bạn sinh ra?”. Bạn đã liệt kê những trải nghiệm, những “câu chuyện đời bạn”, nhưng ai đang có những trải nghiệm ấy? Bạn có còn tồn tại không, nếu như bạn theo học một trường đại học khác, làm một công việc khác, hay cưới một người khác? Bạn nói tiếp:

Okay, tôi hiểu ý bạn rồi. Tôi là cơ thể đang chiếm lĩnh vùng không gian này. Tôi cao 1 mét 58, nặng 47 kg, đó chính là tôi.

Nhưng bạn có nhận ra rằng khi là một em bé sơ sinh, bạn mang một cơ thể khác; khi là một cô/cậu bé thiếu niên, bạn mang một cơ thể khác; khi trưởng thành, bạn mang một cơ thể khác và sau này khi già đi bạn lại mang một cơ thể khác không? Thực ra, khoa học đã chỉ ra rằng cơ thể của bạn biến đổi mỗi giây. Bạn “thay” cơ thể của mình liên tục như thay áo mỗi ngày vậy. Bạn không phải là cái áo mình mặc, vậy thì bạn có thể là cơ thể của mình chăng? Khi bạn 10 tuổi, bạn nhìn vào gương, và thấy hình ảnh của một cô/cậu bé 10 tuổi. Giờ đây bạn lại nhìn vào gương, và thấy hình ảnh của một người trưởng thành. Cái mà bạn nhìn đã thay đổi; nhưng còn bạn thì sao, cái người đang nhìn ấy? Hãy dành một chút thời gian để ngẫm nghĩ về điều đó, chúng ta sẽ trở lại vấn đề này trong chốc lát.

Điểm khác nhau duy nhất giữa một nhà hiền triết hay thần học và một người bình thường, không được khai sáng là, một người nhận ra sự đồng nhất của anh ta với Thượng Đế, còn người kia thì không.” – Alan Watts

Nhiều người lại cho rằng họ chính là những suy nghĩ và cảm xúc mà họ có. Nhưng có thật thế không? Trước khi đọc đoạn tiếp theo, bạn hãy thử làm bài tập nhỏ sau, gọi là bài tập “Bắt chuột”, chỉ tốn khoảng hai phút thôi. Hãy hẹn đồng hồ 2 phút, sau đó nhắm mắt lại, quan sát hơi thở tự nhiên của mình, đồng thời hãy chú ý xem có một suy nghĩ nào khởi lên trong tâm trí bạn hay không. Khi có một suy nghĩ xuất hiện trong đầu, bạn hãy tưởng tượng đó là một con chuột vừa chui ra khỏi hang, hãy tóm lấy nó và đếm “một”, sau đó quay về lại quan sát hơi thở. Một ý nghĩ khác lại xuất hiện, hãy tóm lấy “con chuột” đó và đếm “hai”, rồi lại trở về với hơi thở. Cứ thế, hãy xem trong 2 phút bạn bắt được bao nhiêu con chuột. Nào, bạn hãy bắt đầu làm thử đi.

Chúng ta không phải là những thực thể con người đôi khi mới có những trải nghiệm tâm linh; mà chúng ta là những thực thể tâm linh, đôi khi mới có những trải nghiệm con người.” – Deepak Chopra

Sao rồi, bạn “tóm” được bao nhiêu con chuột? Tôi đã từng thực hiện bài tập này với nhiều người, có người nói 7, có người nói 20, có người nói: “Nhiều quá mình quên mất cả việc đếm”. Nhưng đây mới là câu hỏi quan trọng đây: “Bạn là con chuột, hay bạn là người quan sát thấy những con chuột ấy?”. Hãy dành một lúc để ngẫm nghĩ về điều ấy.

Những “con chuột”, hay suy nghĩ của bạn, được gọi là đối tượng quan sát. Cơ thể của cô/cậu bé 10 tuổi và cơ thể của người trưởng thành mà bạn nhìn thấy cũng là đối tượng quan sát. Vậy ai quan sát đối tượng ấy? Chính là bạn. Bạn chính là người ngồi lặng lẽ phía sau quan sát - hay ý thức / nhận thức, những từ này đều mang nghĩa giống nhau – được những điều ấy. Cơ thể của bạn là một đối tượng; suy nghĩ của bạn là một đối tượng; cảm xúc của bạn là một đối tượng; và “những câu chuyện đời bạn” cũng là một đối tượng. Và tất cả những điều ấy đều không phải là bạn. Một cái gì mà bạn nhìn thấy thì làm sao có thể là bạn được. Bạn là phần ý thức / nhận thức thuần khiết đang quan sát tất cả những đối tượng ấy. Có thật thế không? Bạn hãy ngẫm nghĩ thử xem, nếu lấy hết tất cả những đối tượng ra, sẽ còn lại gì? Câu trả lời là sẽ còn lại bạn – phần ý thức / nhận thức thuần khiết, biết rằng chẳng còn lại đối tượng nào cả. Nhưng nếu lấy phần ý thức / nhận thứcra sẽ còn lại gì? Câu trả lời là chẳng còn lại gì cả. Khi không còn ý thức, thì sự tồn tại hay không tồn tại của những đối tượng cũng chẳng còn quan trọng nữa. Những đối tượngsuy nghĩ, cảm xúc, cơ thể, “những câu chuyện đời bạn” - như những đám mây trôi, đến rồi đi, luôn luôn biến đổi; nhưng phần ý thức / nhận thức thì luôn luôn ở đó. Phần ý thức / nhận thức thuần khiết đó là bất diệt, vĩnh hằng, chưa bao giờ sinh ra, cũng chưa bao giờ chết đi. Cũng giống như người ngồi trong rạp đang xem một bộ phim, bạn cũng chính là phần ý thức / nhận thức đang xem bộ phim cuộc đời mình.

Và khi bạn nhận ra điều ấy, tất cả những “vấn đề” mà bạn đang gặp phải bỗng chốc tan biến, vì bạn là ý thức / nhận thức thuần khiết, bạn chẳng có vấn đề nào cả. Thật ra bên trong bạn có hai con người, một con người thì dường như luôn có vấn đề với mọi thứ; và một con người – bản chất chân thật của bạn – chẳng bao giờ có vấn đề với điều gì cả. Vì vậy, như Ramana Maharshi nói, con đường duy nhất để được tự do là nhận ra con người thực sự của mình. Và ý thức thuần khiết thì sâu sắc hơn trí năng của bạn rất nhiều. Làm sao tôi biết ư? Bạn hãy thử nhìn xung quanh căn phòng mình đang ngồi, và ý thức về mọi thứ mà không có suy nghĩ. Sau đó, bạn hãy dùng trí năng của mình để mô tả lại tên, vị trí, màu sắc…của từng món đồ vật. Có phải là ý thức của bạn chỉ cần một khoảnh khắc thôi đã có thể lĩnh hội hết tất cả mọi thứ có trong căn phòng; trong khi trí năng của bạn thì mất rất, rất nhiều thời gian hơn thế? Không có gì sâu sắc hơn ý thức thuần khiết, và nếu bạn có thể hiểu và sống được với ý thức thuần khiết, cũng chính là bản chất chân thật của bạn, bạn sẽ xử lý mọi việc trong cuộc sống của mình ở một mức độ sâu sắc và hiệu quả hơn rất nhiều.

Giờ đây, cũng giống như người vừa trải qua một cơn mơ, bạn đã thức tỉnh. Cũng giống như người bị đắm chìm vào bộ phim có thể lùi lại phía sau và nhìn thấy toàn bộ căn phòng, bạn cũng đã có thể lùi lại phía sau và nhìn thấy toàn bộ sự thật. Bạn bước từ vùng đất của sự hữu hạn sang vùng đất của sự vô hạn. Mọi thứ hoàn toàn thay đổi chỉ trong phút chốc. Như Ram Dass, một trong những bậc thầy tâm linh nổi tiếng nhất người Mỹ, đã nói: “Mọi thứ thay đổi khi chúng ta trở thành người quan sát câu chuyện, thay vì là diễn viên của câu chuyện ấy”. Vì vậy, bạn cũng hãy thực tập để sống một cách có ý thức với bộ phim / câu chuyện của cuộc đời mình.

Mọi thứ thay đổi khi chúng ta trở thành người quan sát câu chuyện, thay vì là diễn viên của câu chuyện ấy.” - Ram Dass

 

Theo personalcoach.vn

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

3,823 lượt xem