Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Bí Mật Của Sự Kiên Cường

Những khó khăn thuở nhỏ có cản trở sự thành công sau này? Đấy là một câu hỏi mà nhiều bậc cha mẹ và người làm giáo dục vẫn đau đáu, rằng liệu trẻ em lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn có thể không bộc lộ hết tiềm năng của mình, hoặc tệ hơn, chìm vào tuyệt vọng và rối loạn.

Những nhà xã hội học đã cho thấy những rủi ro này là có thật, nhưng họ cũng tìm thấy một hình mẫu đáng ngạc nhiên từ những người gặp khó khăn từ nhỏ: Nhiều người trong số họ đã lấy sức mạnh từ những khó khăn đó và coi sự vật lộn của mình để vượt qua nó là chìa khóa dẫn đến sự thành công của họ sau này. Rất nhiều những nghiên cứu trong vài thập kỉ gần đây đã chỉ ra được làm thế nào để người ta vượt qua được những trở ngại trong cuộc sống – và làm sao để ta trau dồi sự kiên cường.

Vào năm 1962, nhà tâm lí học Victor Goertzel và vợ, bà Mildred, đã cho ra đời cuốn sách “Chiếc nôi của sự kiệt xuất: Một nghiên cứu về tuổi thơ của hơn 400 người nổi tiếng ở thế kỉ 20.” Họ chọn ra những cá nhân có ít nhất hai bản tiểu sử viết về họ và có cống hiến tốt đẹp cho xã hội. Những người họ đã chọn bao gồm từ Louis Armstrong, Frida Kahlo, Marie Curie cho đến Eleanor Roosevelt, Henry Ford, và John D. Rockefeller.

Nhà Goertzel đã thấy rằng chỉ có dưới 15% những người nổi tiếng mà họ nghiên cứu được lớn lên trong môi trường được ủng hộ và ít rắc rối, và chỉ khoảng 10% là có pha lẫn (giữa môi trường sống tốt và không tốt). Trong 400 người, đến 75% – tận 300 người – đã lớn lên trong những gia đình với bao nhiêu rắc rối lớn: đói nghèo, bị hành hạ, thiếu vắng cha mẹ, nghiện rượu, bệnh nặng, hoặc vài vấn đề khác. “Một ‘người bình thường,'” như Goertzels đã viết, “ít khi nào trở thành ứng cử viên cho Đại Sảnh Danh Vọng.”

Nếu như nghiên cứu này được thực hiện vào thời đại này, họ có lẽ còn tìm được thêm rất nhiều những ví dụ về những người đã vượt qua những khó khăn ở tuổi thơ để trở nên vĩ đại – tỉ như Oprah Winfrey, Howard Schultz, LeBron James và Sonia Sotomayor. Ngày nay, ta dùng từ “kiên cường” để chỉ những người này.

Nhưng mà người kiên cường thì ở đâu cũng có cả, không chỉ là những người nổi tiếng mà thôi. Họ là những người đàn ông và phụ nữ, ở tất cả mọi tầng lớp xã hội, thỏa đáng được định nghĩa về sự kiên cường của Hiệp Hội Tâm Lý Mỹ (APA): “thích nghi được với sự rủi ro, sự tổn thương, những bi kịch, mối đe dọa hay áp lực lớn.”

Trong gần hai thập kỉ làm nhà tâm lý học lâm sàng và nhà giáo dục, tôi đã tiếp xúc với khá nhiều người thành đạt lớn lên từ những hoàn cảnh khốn khó. Một điều mà tôi học được từ họ, đó là chúng ta nói về sự kiên cường một cách đơn giản hóa. Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta hay gọi những người kiên cường bằng từ ngữ như “bật dậy” hay “hồi phục.”  Từ điển định nghĩa “kiên cường” như một sự dẻo dai, tức là, khả năng khôi phục nhanh và dễ dàng – như một sợi dây thun bị kéo dãn rồi thả ra vậy.

Những hình ảnh đó dùng để diễn tả sự khôi phục từ những vấn đề ngắn hạn thì được, ví dụ như bình phục sau cơn bệnh cúm hay một trục trặc trong công việc, nhưng chúng không thể hiện được hết ý nghĩa của từ “kiên cường.” Những trở ngại thuở nhỏ không phải là một sự kiện nhất định nào, mà chúng là những nguồn gây căng thẳng lâu dài: ức hiếp, bỏ mặc, ngược đãi thân thể hoặc lạm dụng tình dục, cái chết của cha mẹ hoặc anh chị em, nghiện ngập, bệnh tâm lý, hoặc bạo hành gia đình.

Những vấn nạn đó là mối đe dọa cho sự an toàn và lành mạnh của những đứa trẻ và trẻ vị thành niên. Một đứa trẻ kiên cường không bật dậy từ đó. Những gì chúng trải qua còn phức tạp và đòi hỏi sự dũng cảm hơn rất nhiều. Đối với chúng, kiên cường là một trận chiến, là một cách để sống, chứ không phải là một sự phục hồi nào cả.

Sinh lý học là một điều quan trọng. Khi đối mặt với nguy hiểm, cơ thể chúng ta sẽ phản ứng lại bằng cách chiến đấu hay bỏ chạy. Não bộ sẽ điều khiển để tiết ra hooc-môn chống lại căng thẳng, như adrenalin hay cortisol. Nhịp tim của chúng ta nhanh hơn, chúng ta trở nên tinh tường và tập trung hơn, và máu dổ dồn đến các thớ thịt giúp ta mạnh mẽ hơn. Khi nghĩ tới “chiến đấu,” ta hay mường tượng đến việc đánh một ai đó. Nhưng trong thế giới hiện đại, chiến đấu còn mang nhiều nghĩa khác.

Hãy xem xét nghiên cứu dài hạn Kauai (người dịch: Kauai là một đảo nhỏ thuộc Hawai’i, Mỹ), một công trình bắt đầu từ năm 1955 bởi hai nhà tâm lý Emmy Werner và Ruth Smith, và được tóm tắt trong cuốn sách gần đây nhất của họ, xuất bản năm 2001, “Hành trình từ tuổi thơ đến trung niên.” Nghiên cứu Kauai có đối tượng là 698 đứa trẻ được sinh ra trên đảo vào năm đó, và được đánh giá vào những độ tuổi 1, 2, 10, 18, 32, và 40 đến nay.

Trong những đối tượng được nghiên cứu, tiến sĩ Werner và Smith nhận ra 129 trẻ có rủi ro cao trong tương lai, bởi chúng có bốn hoặc hơn những bất hạnh từ khi sinh ra, bao gồm từ nghèo khổ và gia đình bất hòa cho đến nghiện rượu và có vấn đề tâm lý trong gia đình.

Hai phần ba trong những đứa trẻ rủi ro cao này sau này cũng gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, như là phạm tội, có thai ngoài ý muốn, hoặc thất nghiệp. Tuy vậy, một phần ba còn lại trở nên tốt hơn. Ở trường học lẫn trong công việc, chúng làm tốt ngang ngửa với những trẻ rủi ro thấp đến từ những gia đình bình lặng hơn. Ở tuổi trưởng thành, họ tìm được người bạn đời thông cảm cho họ và dựng xây gia đình êm ấm, khác hẳn với gia đình mà họ lớn lên. Họ đã trở thành, như tiến sĩ Werner và Smith mô tả, “những người lớn có trình độ, tự tin, và trách nhiệm.” Họ đã làm thế nào?

Họ là những người chủ động giải quyết khó khăn, trong nhiều thập kỉ, đã cố gắng để làm cuộc sống của chính họ trở nên tốt đẹp hơn. Dù rằng họ không hẳn là có năng khiếu, họ đã dùng bất kì thế mạnh nào họ có – một tài năng nào đó, một tính cách xông xáo, sự thông minh. Họ tìm đến bạn bè, giáo viên, hàng xóm, hay người thân nào quan tâm đến họ. Họ lập nên những hoạch định cho tương lai, dựng nên những mục tiêu đầy tham vọng mà thiết thực. Khi bước vào độ tuổi trưởng thành, họ bắt lấy mọi cơ hội để tiến lên phía trước, như là học cao học, nhập ngũ, công việc mới, bạn đời tốt, hoặc làm cha mẹ.

Khi những nhà nghiên cứu hỏi những người trưởng thành kiên cường này về cái nhìn của chính họ vào sự thành công của mình, phần lớn đã trả lời rằng, điều quan trọng nhất đó là sự quyết tâm.

Một phụ nữ thoát ly khỏi tuổi thơ bị hành hạ đã nói, “tôi là chiến binh – tôi có quyết tâm – tôi sẽ sống sót. Tôi luôn dồn toàn bộ sức lực của mình trước khi từ bỏ. Tôi không bao giờ đánh mất hy vọng.”

“Khi có việc gì cần phải làm,  tôi đều làm ngay. Tôi không phải là người bỏ chạy khỏi vấn đề, dù cho nó có khó khăn cách mấy,” là lời của một đối tượng khác sau này trở thành người ghi sổ sách.

Một người khác trở thành kĩ sư hàng không thì nói rằng, “tôi không để những vấn đề đó điều khiển tôi. Tôi tự vực dậy rồi bắt đầu lại từ đầu – ta luôn có thể làm lại lần nữa.”

Một nghiên cứu khác cho thấy tầm quan trọng của nội lực của chúng ta. Trong bài viết vào năm 2010 trên Tạp chí Tâm lý Bất thường (Journal of Abnormal Psychology), Anke Ehlers của trường Đại học Oxford báo cáo về 81 người trước đây là tội phạm chính trị bị giam giữ ở Đông Đức. Họ đều bị hành hạ về thể chất lẫn tinh thần, bao gồm đánh đập, đe dọa, và bị giam trong phòng tối. Nhiều thập kỉ sau khi được thả ra, khoảng hai phần ba trong số đó, ở một thời điểm nào đó, bị hậu chấn tâm lý, trong khi một phần ba còn lại thì không.

Điều gì khiến người ta dễ bị hậu chấn tâm lý hơn người khác? Tiến sĩ Ehlers thấy rằng sự đấu tranh tinh thần ở những tù nhân này đã tạo ra sự khác biệt lớn hơn so với sự đau khổ mà họ phải trải qua. Những người cảm thấy mình đã gục ngã rồi – họ cho rằng mình “không là gì cả” hoặc bỏ mặc luôn số phận của mình – về sau này thường trải qua PTSD. Mặt khác, những tù nhân đã cố chống trả từ bên trong- dù bề ngoài họ có vờ từ bỏ, như thuận theo ý những cai ngục hay kí vào bản thú tội – thường sẽ vượt qua tốt hơn về sau.

Chính sự bất khuất này mà một người lính từng đến nhờ tôi tư vấn đã vượt qua được những năm tháng bị ức hiếp khi còn là đứa trẻ: “Tôi không chấp nhận những lời họ nói về tôi là sự thật.”

Đương nhiên là có rất nhiều cách để một cá nhân nào đó phản ứng lại với sự bất hạnh. Những nhà xã hội học cho rằng sự kiên cường không phải là một đức tính mà người ta có hay không có, cũng không phải là một hành động nào mà người ta làm hay không làm, nó là một hiện tượng, một thứ chúng ta có thể thấy mà chưa hẳn đã có thể giải thích một cách hoàn chỉnh.

Một nhà lãnh đạo từng kể với tôi một truyện ngụ ngôn như sau: Có hai anh em có người cha nghiện rượu và hung hãn. Một người lớn lên trở nên nghiện rượu và hung hãn, còn người kia lại trở thành người đàn ông mẫu mực và không uống rượu. Khi có ai hỏi họ vì sao họ trở thành người như họ đã trở thành, cả hai đều trả lời: “Với một người cha như vậy, làm sao mà tôi không trở thành thế này?”

Mục đích của tôi với bài viết này không phải để nói rằng những người kiên cường là người thắng cuộc hay người vẫn chịu đau khổ đã để chính họ bị đánh bại, mà là, việc vượt qua được những bất hạnh ở tuổi thơ là một sự chiến đấu đáng khâm phục. Đó là một hành trình dũng cảm, mạnh mẽ, gian nan, và lâu dài, để dẫn đến sự thành công thông thường lẫn phi thường.

Quay trở lại với nghiên cứu năm 1962, những phát hiện của nhà Goertzels có vẻ hơi bất ngờ khi mà những người xuất chúng lại có tuổi thơ khó khăn, nhưng bằng những hiểu biết của chúng ta về áp lực và cách vượt qua nó, điều này cũng không lạ gì. Vượt qua căng thẳng cũng như là tập thể thao vậy: Chúng ta càng tập luyện nhiều thì càng mạnh mẽ hơn. Nhà tâm lý học Richard Dienstbier từ Đại học Nebraska đã giải thích hiện tượng trên bằng “mô hình cứng rắn,” được đăng lần đâu năm 1989 trên tạp chí Phê bình Tâm lý (Psychological Review).

Tiến sĩ Dienstbier đã thu thập bằng chứng từ nhiều nghiên cứu trên con người lẫn loài vật để chứng minh rằng khi phải đối đầu với một loại áp lực nào đó theo từng cơn, như nhiệt độ thấp và thể dục nhịp điệu, sẽ giúp cá thể đó trở nên “cứng rắn” hơn. Họ trở nên ít bị choáng ngợp bởi những thử thách sau đó, lẫn phản ứng chiến đấu hay bỏ chạy của họ. Khi mà áp lực nằm trong tầm quản chế, chúng ta tiếp nhận nó như một thử thách, và adrenalin được tiết ra giúp tăng năng lượng và sức tập trung để vượt qua. Tuy nhiên, nếu áp lực vượt quá tầm kiểm soát, chúng ta sẽ cho đó là mối đe dọa và lượng cortisol sẽ tăng lên, khiến ta trở nên yếu ớt hơn và dễ mắc bệnh hơn.

Thêm nữa, tiến sĩ Dienstbier viết rằng, những cá thể đã trở nên cứng rắn hơn sẽ tự tìm đến các trải nghiệm có tính kích thích để có cơ hội luyện tập và thành thục hơn nữa. Đó là một vòng lẩn quẩn.

Tuy tôi không cho rằng bất hạnh tuổi thơ là một thử thách đáng để mong muốn, nhưng nhiều người lớn lên từ khó khăn tự nhận thấy họ được lợi từ đó. Người lính có tuổi trẻ bị ức hiếp ngoài việc chống trả bằng tinh thần, đã tự làm mình cứng rắn hơn bằng cách tập chạy bộ và võ judo, đã miêu tả ảnh hưởng từ sự bất hạnh đó đến cuộc sống của mình như sau: “Tôi thấy mình mạnh mẽ hơn và giỏi giang hơn nhiều người khác quanh tôi bởi những điều tôi đã trải qua. Tôi cho rằng mình là người tích cực, không phải vì những điều xấu không xảy ra với tôi, mà là vì tôi tin mình có thể vượt lên chúng. Tôi cảm thấy tự do và tự tin. Tôi cảm thấy mình đã qua được bài kiểm tra. Tôi cảm thấy mình dũng cảm.”

Nhà thơ Dylan Thomas đã nói rằng, “Chỉ có một điều tệ hơn so với một tuổi thơ không hạnh phúc, đó là có một tuổi thơ quá mức hạnh phúc.” Tôi không biết điều đó có đúng hay không, nhưng tôi biết ngoài kia có rất nhiều người cho rằng mình kém cỏi vì những nỗi bất hạnh mà họ đã lớn lên cùng, tưởng tượng đến một cuộc sống hạnh phúc và thành công nếu như họ được lớn lên trong một môi trường không phải lo nghĩ. Điều đó không hẳn là thế.

Trong một nghiên cứu nhiều năm trên 2000 người trưởng thành tuổi từ 18 đến 101, được đăng năm 2010 trên Tạp chí về Tính cách và Tâm lý Xã hội (Journal of Personality and Social Psychology), nhà tâm lý học Mark Seery và các đồng sự ở Đại học tại Buffalo đã thấy rằng những người từng trải qua bất hạnh vừa phải sẽ có khả năng cao hơn và thỏa mãn về cuộc sống của mình hơn là người gặp rất nhiều khó khăn – và cũng so sánh với người không có bất hạnh nào. Họ cũng vượt qua những bất hạnh gần đây tốt hơn nữa, khiến cho những tác giả của nghiên cứu đi đến kết luận, phần nào đồng thuận với Nierzsche, rằng “ở mức độ vừa phải, điều gì không giết bạn sẽ làm bạn mạnh mẽ hơn.”

Vậy thì điều đó có ý nghĩa gì với chúng ta? Để trở nên kiên cường hơn, ta nên chọn những dự án dài và có tính thử thách hơn là đe dọa. Tỉ như chèo thuyền hay tập võ, học cao học hay học một nhạc cụ nào đó, những thách thức không mang tính cảm xúc hay bất ngờ đều có thể giúp chúng ta tập dượt cho những trở ngại sau này.

Khi cuộc sống trở nên khó khăn, hãy biết đấu tranh với chính mình. Đừng để tinh thần bị đánh bại bởi một tên bắt nạt học đường hay một người cha mẹ nghiện ngập. Đấu tranh từ trong tâm trí cũng là nơi để sự chiến đấu ngoài đời bắt đầu.

Hãy liên hệ với gia đình, bạn bè, hay những chuyên gia quan tâm đến bạn. Những người kiên cường không phải là không cần giúp đỡ, mà là họ biết tìm đến sự chống đỡ cho họ.

Chủ động giải quyết vấn đề. Với những nỗi bất hạnh nghiêm trọng thì không thể giải quyết một cách dễ dàng hay nhanh chóng được, nhưng việc nắm lấy quyền điều khiển những khi có thể cũng giúp được phần nào. Hãy lập một dự định thiết thực để cải thiện tình cảnh của bạn, và cố gắng làm theo đó mỗi ngày. Sự tiến triển sẽ chống đỡ cho chúng ta và làm chúng ta an tâm hơn.

Cuối cùng, hãy nhớ những lúc bạn đã trở nên dũng cảm và mạnh mẽ. Chúng ta thường chỉ nghĩ đến những gì không tốt đã xảy ra với mình mà không nhớ rằng chúng ta đã vượt qua nó và vươn lên. Hãy nghĩ về những lần bạn trải qua những thử thách và hãy khen ngợi bản thân mình vì điều đó. Bạn đã rất kiên cường hơn bạn nghĩ.

Theo beautifulmindvn.com

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

525 lượt xem