Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Bí Quyết Giúp Sinh Viên Cân Bằng Thời Gian Giữa Việc Học, Làm thêm Và Hoạt Động Ngoại Khóa

Sinh viên không đơn thuần chỉ là một cách gọi khác của học sinh. Nếu ai đã từng trả qua thì ắt sẽ hiểu sinh viên bao hàm nhiều điều hơn như thế. Không còn là cuộc sống sinh hoạt với ba điểm thẳng hàng: nhà- trường- chỗ học thêm. Cuộc sống sinh viên cho ta tự do để làm mọi điều mình thích mà không có bất cứ cuộc gọi phàn nàn nào của giáo viên cho phụ huynh. Nhưng cũng chính bởi sự tự do quá mênh mông đó mà nhiều bạn lạc lối giữa bề bộn công việc: học- làm thêm và hoạt động ngoại khóa. Vậy thì làm sao để cân bằng thời gian giữa ba việc trên?

Sắp xếp thứ tự ưu tiên

Trước hết và cũng là quan trọng nhất là bạn phải tự xác định cho mình đâu là việc quan trọng nhất. Nếu bạn quan niệm học làm làm thật, là trải nghiệm thật thì bạn có thể dành tối đa quỹ thời gian cho việc làm thêm để tích lũy thêm kinh nghiệm. Còn nếu bạn nghĩ những hoạt động ngoại khóa là thước đo cho sự thành công của bản thân thì hãy chọn cho mình một tổ chức để gắn bó và cống hiến.

 

Với thực trạng giáo dục Đại học hiện nay ở Việt Nam, nhiều người quan niệm làm thêm và hoạt động ngoại khóa còn quan trọng hơn việc học bởi học chỉ cho ta kiến thức “để đó”, còn làm thêm và hoạt động ngoại khóa vừa cho ta kiến thức vừa giúp ta có những trải nghiệm thực tế. ĐIều này không sai nhưng đừng vì thế mà đề cao hai việc này hơn học tập. Xét cho cùng thì chừng nào còn ngồi trên giảng đường thì nhiệm vụ quan trọng nhất của bạn vẫn là học tập. Chớ vội chê trách nền giáo dục nước nhà còn trọng hình thức, thiếu tính ứng dụng. Cũng đừng nghĩ rằng kinh nghiệm- kỹ năng chỉ có được từ các hoạt động bên ngoài. Nếu bạn biết tận dụng các bài tập nhóm, buổi thuyết trình trên lớp thì đó cũng sẽ là một cách tuyệt vời để vừa thu nạp tri thức vừa rèn luyện các kỹ năng cho bản thân.

Đam mê và trách nhiệm- Hãy nói không khi cần thiết

Hãy học và làm những điều mà bạn thực sự đam mê với sự ý thức trách nhiệm cao nhất. Mọi việc bạn làm đều cần phải gắn với đam mê- sở thích riêng bởi chỉ khi bạn thực sự thoải mái với công việc mình làm thì bạn mới dành 100% nỗ lực cho nó.

 Tuy nhiên, cần phải phân biệt rõ đam mê với cảm hứng. Cảm hứng là chút yêu thích nhen lên nhất thời. Là những lá đơn đăng ký rồi lại “bùng” phỏng vấn của không ít bạn sinh viên hiện nay. Là nhận lời mời cộng tác nhưng đến lúc làm việc lại hời hợt, thiếu trách nhiệm. Nếu bạn quan niệm nhận càng nhiều công việc càng tốt, người nào vừa học tốt, vừa đi làm thêm, vừa tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa là hình mẫu lý tưởng thì bạn lầm to. Nhà tuyển dụng không đánh giá số lượng đầu việc mà bạn đã làm mà chú trọng vào chất lượng, những cống hiến và thành tựu mà bạn đã làm được. Vậy nên hãy tham gia một cách có chọn lọc, hãy biết nói không khi cần thiết. Và một khi đã nhận việc gì thì hãy cố gắng và chủ động đóng góp hết sức cho nó- chỉ khi ấy thì việc làm thêm hay tham gia hoạt động ngoại khóa mới thực sự giúp ích cho bạn.

Sức khỏe là vàng

Có thể nói, tài sản lớn nhất của tuổi trẻ chính là sức khỏe. Vì thế mà chớ phung phí nó. Nếu bạn đang phải gồng mình lên rượt đuổi theo những deadline “không tưởng” thì đừng ngại ngần chia sẻ điều này với cấp trên và yêu cầu giãn deadline. Nếu bạn cảm thấy chật vật trong việc tìm kiếm ý tưởng mới thì việc cắm đầu trong phòng làm việc trước màn hình máy tính cũng sẽ chẳng giúp ích gì. Vậy thì chi bằng hãy tự thưởng cho mình đôi phút nghỉ ngơi thư giãn để “refresh” lại bản thân, biết đâu từ đó mà các ý tưởng mới lại tuôn trào. Hãy nhớ rằng bạn không chỉ làm việc trong một hay hai năm, mà bạn cần sức khỏe để làm việc cả đời. Vậy xin đừng phung phí nó vào những cách làm việc thiếu khoa học nhé.

Bên cạnh đó, với những ai đang làm sếp, dù dưới quyền bạn là sinh viên hay những người đã đi làm, dù bạn là sếp trong một tổ chức nhỏ dành cho sinh viên hay trong một công ty lớn, thì xin hãy nhớ rằng deadline không phải là “vũ khí” toàn năng để nâng cao hiệu quả công việc. Chính sự thỏa mãn và hài lòng của nhân viên mới là chìa khóa quan trọng nhất quyết định sự thành bại của toàn đội. Chắc chắn bạn không muốn sở hữu những nhân viên sáng nào đến cơ quan cũng lờ đờ như zombie vì tối qua thức khuya chạy việc cho kịp deadline phải không nào? Nỗ lực cho hiện tại là quan trọng nhưng bạn cũng cần chú trọng vào sức bền, vào sự phát triển trong 10 năm hay 20 năm nữa. Và thử nghĩ xem liệu công ty có đi xa được đến vậy với đội ngũ nhân viên lúc nào cũng trong tình trạng căng như dây đàn vì công việc ngập đầu hay không? Vậy nên hãy lưu tâm “chăm sóc” cả đời sống tinh thần của nhân viên nữa nhé.

Tạm kết

Mỗi người sẽ tự chọn cho mình một cách sống và làm việc riêng, không có một công thức nào là vừa vặn cho tất cả mọi người cả. Nhưng điều quan trọng nhất là: cũng như khi uống rượu bạn cần biết tửu lượng của mình để biết điểm dừng, thì trong công việc và học tập bạn cần biết những giới hạn riêng để làm việc và thư giãn một cách hiệu quả nhất.

                                    --------------------------------------

Bản quyền bài viết thuộc về YBOX.VN

             Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn "Theo YBOX.VN''

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

5,236 lượt xem