Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Bí Quyết Tạo Dựng Lòng Tin Trong Mối Quan Hệ: Đối Thoại Từ Chuyên Gia Hành Vi FBI – Phần 1

Cách tốt nhất để tạo mối quan hệ và xây dựng lòng tin là gì? Ai có thể giải thích một cách rõ ràng và đơn giản việc làm sao để mọi người yêu thích bạn?

Robin Dreeke có thể.

Robin là người đứng đầu Chương trình Phân tích Hành vi của FBI, và đã nghiên cứu về mối liên hệ giữa các cá nhân trong hơn 27 năm. Robin là chuyên gia về cách làm người khác phải thích bạn, và là tác giả của quyển sách tuyệt vời mang tựa đề It’s Not All About “Me”: The Top Ten Techniques for Building Quick Rapport with Anyone.

Trong bài học này, Robin chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm của anh về:

  1. Bí quyết số 1 giúp hòa hợp với mọi người.
  2. Cách tạo sự thoải mái cho người lạ.
  3. Điều nào bạn làm khiến người khác mất hứng nhất.
  4. Cách sử dụng ngôn ngữ cơ thể thật chuyên nghiệp.
  5. Một số “nhu thuật” bằng lời để đối phó với những người đang cố kiểm soát bạn.

Và còn nhiều nữa. Được rồi, cùng nhau học điều mới nhé.

1) Điều Quan Trọng Nhất Cần Làm Với Mọi Người Mà Bạn Gặp

Lời khuyên số 1 của Robin:

“Tìm hiểu suy nghĩ và ý kiến của người khác nhưng không phán xét họ.”

Hãy đặt câu hỏi, lắng nghe, nhưng đừng phán xét. Không ai thích cảm giác bị phán xét, kể cả bạn.

Robin nói:

“Phương pháp số 1 mà tôi luôn ghi nhớ đầu tiên đối với tất cả những ai tôi trò chuyện là tìm hiểu mà không phán xét họ. Tìm hiểu những suy nghĩ và ý kiến của người khác nhưng không phán xét họ. Con người không muốn bị phán xét trong bất kỳ ý nghĩ hay ý kiến hay hành động nào của họ. Điều đó không có nghĩa là bạn phải đồng ý với người khác. Tìm hiểu là dành thời gian để hiểu được các nhu cầu, mong muốn, ước mơ và khao khát của họ là gì.”

Vậy bạn nên làm gì khi người khác bắt đầu nói ra những điều “trên trời dưới đất”?

Robin khuyên:

“Điều tôi cố gắng làm là, ngay khi nghe thấy một điều tôi không cần phải tán thành hay hiểu thì thay vì phán xét, phản ứng đầu tiên của tôi là ‘Thật thú vị. Tôi chưa từng nghe người ta nói về điều đó như thế bao giờ. Hãy giúp tôi hiểu ý anh. Làm thế nào anh lại nghĩ như vậy?'”

Bạn không phán xét mà là đang bày tỏ sự hứng thú. Điều đó làm người khác bình tĩnh tiếp tục và nói về chủ đề yêu thích của họ: bản thân họ. Nghiên cứu cho thấy con người tìm được niềm vui từ việc nói về bản thân họ hơn là từ thức ăn hay tiền bạc. Việc nói về bản thân – dù trong một cuộc trò chuyện cá nhân hay qua các trang mạng xã hội như Facebook và Twitter – kích hoạt ở não cảm giác vui thú cũng như thức ăn hay tiền bạc…

Vậy bạn đã dừng việc phán xét lại và đang tìm hiểu người khác một cách vui vẻ. Giá như mọi việc dễ dàng đến thế… Vấn đề ở đây là gì? Chính là cái tôi của bạn.

2) Ngăn Cái Tôi Lại Để Làm Người Khác Thích Bạn

Hầu hết chúng ta đều tha thiết muốn chỉ ra chỗ sai của người khác, và điều này giết chết mối quan hệ. Bạn muốn “chỉnh” ai đó? Bạn muốn hơn thua với họ bằng câu chuyện nho nhỏ hay ho của mình? Đừng làm thế.

Robin nói rằng:

Ngăn cái tôi lại là gạt sang bên những nhu cầu, mong muốn và ý kiến của bạn. Ý thức bỏ qua khao khát làm người đúng và sửa sai người khác. Việc này giúp ngăn bạn bị mất kiểm soát về cảm xúc bởi một tình huống trong đó bạn có thể sẽ không tán đồng với suy nghĩ, ý kiến hay hành động của ai đó.”

Những người hay sửa sai người khác không xây dựng được mối quan hệ. Dale Carnegie, tác giả quyển sách nổi tiếng Đắc Nhân Tâm, từng nói thế nhiều năm về trước – và khoa học thần kinh hiện đại cũng đồng tình. Khi con người nghe thấy những điều mâu thuẫn với niềm tin của họ, phần lý trí trong họ ngừng hoạt động và não chuẩn bị để tranh cãi.

Trích từ Compelling People: The Hidden Qualities That Make Us Influential:

“Vậy điều gì xảy ra trong bộ não con người khi họ nhìn thấy những thông tin mâu thuẫn với thế giới quan của họ trong một môi trường chính trị ngập tràn cảm xúc? Ngay khi họ nhận thấy các đoạn video mâu thuẫn với thế giới quan của họ, những phần não xử lý lập luận và lý trí tạm thời dừng hoạt động, đồng thời các phần não xử lý những sự tấn công thù địch – phản ứng chiến đấu hoặc bỏ chạy – được kích hoạt.”

Thế là bạn không còn cố gắng tỏ ra khôn ngoan nữa. Nhưng làm cách nào bạn tạo được ấn tượng là người giỏi lắng nghe?

3) Cách Trở Thành Người Giỏi Lắng Nghe

Ta đều nghe nói rằng kỹ năng lắng nghe là vô cùng quan trọng nhưng chẳng ai giải thích cách thực hiện đúng đắn. Vậy bí quyết là gì? Hãy dừng nghĩ về điều bạn sẽ nói kế tiếp và tập trung vào những gì đối phương hiện đang nói. Hãy tò mò và đặt câu hỏi để nghe nhiều hơn về những gì làm bạn quan tâm.

Robin cho rằng:

“Lắng nghe không phải là im miệng. Lắng nghe là không có điều gì cần nói. Hai hình thứ này khác nhau. Nếu bạn chỉ im miệng, nghĩa là bạn vẫn còn đang nghĩ về điều bạn muốn nói. Bạn chỉ là không đang nói ra điều đó. Khi tôi nghĩ về lời đáp lại của mình, tôi chỉ lắng nghe nửa vời điều bạn nói vì tôi thật ra đang chờ đến cơ hội được kể bạn nghe chuyện của tôi.”

Điều bạn nên làm là: ngay khi bạn có câu chuyện hay suy nghĩ mà bạn muốn chia sẻ, hãy vứt nó đi. Hãy tự nhủ, “Mình sẽ không nói ra.” Tất cả những gì bạn nên làm là tự hỏi, “Ý tưởng hay suy nghĩ nào họ đã đề cập mà mình thấy thú vị và muốn tìm hiểu thêm?” Nghiên cứu cho thấy rằng chỉ cần đề nghị người khác kể cho bạn nghe thêm cũng giúp bạn trở nên đáng mến hơn và làm họ muốn giúp đỡ bạn.

Những điều cơ bản của việc lắng nghe chủ động khá đơn giản:

  • Lắng nghe điều họ nói. Đừng xen ngang, thể hiện sự không tán thành hay “đánh giá.”
  • Gật đầu, ghi nhận ý kiến một cách ngắn gọn như “phải” và “vậy à.”
  • Diễn đạt lại điều họ vừa nói một cách rõ ràng, ngắn gọn.
  • Hỏi thăm. Hỏi những câu hỏi cho thấy bạn có lắng nghe và thúc đẩy cuộc trò chuyện.

Tôi biết rằng một số người rất nhàm chán. Bạn không có hứng thú đến thế với những điều họ đang nói. Vậy bạn nên đặt cho họ những câu hỏi nào đây?

4) Câu Hỏi Tốt Nhất Để Hỏi Người Khác

Cuộc sống có thể khó khăn với tất cả mọi người: bất kể giàu hay nghèo, bất kể già hay trẻ. Tất cả.

Ta đều chạm trán những khó khăn và đều muốn nói về nó. Vậy thì đó là điều cần được hỏi.

Robin cho biết:

“Một câu hỏi rất tuyệt mà tôi yêu thích là về những thử thách. “Tuần này anh/chị gặp những khó khăn nào trong công việc? Anh/chị gặp phải những khó khăn nào khi sống ở khu vực này? Anh/chị gặp những khó khăn nào trong việc nuôi dạy trẻ mới lớn?” Ai cũng có những khó khăn. Câu hỏi này thúc đẩy họ chia sẻ về những ưu tiên trong cuộc sống tại thời điểm đó.”

Những câu hỏi có sức mạnh rất lớn. Một trong các phương pháp hiệu nghiệm nhất để tạo ảnh hưởng đến người khác là gì? Đó là hỏi xin lời khuyên.

Trích từ quyển sách xuất sắc Cho Khế Nhận Vàng (Give and Take) của Adam Grant:

“Nghiên cứu chứng minh rằng xuyên suốt các ngành công nghiệp sản xuất, dịch vụ tài chính, bảo hiểm và dược phẩm, việc hỏi xin lời khuyên là một trong những cách hiệu quả nhất để tạo ảnh hưởng đến đồng nghiệp, cấp trên và cấp dưới. Việc xin lời khuyên thường có tính thuyết phục nhiều hơn đáng kể so với chiến thuật được kiểu người ích kỷ yêu thích là gây áp lực với cấp dưới và lấy lòng cấp trên. Việc xin lời khuyên cũng luôn có sức ảnh hưởng hơn so với cách trao đổi quyền lợi mặc định của kiểu người vụ lợi.”

Bạn đang nghĩ liệu cách này có thể sử dụng cho những mục đích bất chính không ư? Không hề. Nó chỉ hiệu quả khi bạn chân thành.

Trích từ Cho Khế Nhận Vàng:

“Trong nghiên cứu về việc xin lời khuyên của mình, Liljenquist phát hiện ra rằng thành công “phụ thuộc vào việc đối tượng xem đó là một cử chỉ thành tâm và chân thật.” Khi cô trực tiếp khích lệ người khác xin lời khuyên như một phương pháp tạo ảnh hưởng thì cách này lại thất bại hoàn toàn.”

Nhưng nếu bạn phải tiếp cận một người lạnh lùng thì sao? Làm sao bạn thúc đẩy những người có thể không muốn trò chuyện với bạn sẵn lòng chú ý đến bạn?

Theo tamly.blog

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,075 lượt xem