Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Bookademy] Review Sách "Cánh Đồng Bất Tận": Tình Yêu Thương Đong Đầy Của Những Kiếp Người Bất Hạnh

"Thêm một mùa gió bấc nữa, chị Hảo vẫn chưa lấy chồng. Ai lại cũng hỏi, chị chờ ai vậy cà. Chị bảo chờ người ta xức dầu Nhị Thiên Đường của chị mà hết đau, chờ người ta đánh cờ mà trong tâm "Viễn ly điên đảo mộng tưởng cứu cánh niết bàn", chờ người ta thôi buồn khi đưa chốt qua sông.

Nhưng mà chờ tới chừng nào lận?

Ai mà biết.

Mùa này gió bấc hiu hiu lại về."

(Hiu hiu gió bấc)

Đó là một trích đoạn trong những truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư ở cuốn sách Cánh đồng bất tận. Cả cuốn sách là 14 truyện ngắn tuy khác nhau về nội dung nhưng cùng chung một điểm, đó đều là những câu chuyện viết về những kiếp người bất hạnh đi kiếm tìm cuộc sống và đi tìm kiếm cả tình người. Dù tập truyện ngắn Cánh đồng bất tận đã đến với độc giả từ năm 2005, thế nhưng đến giờ đọc lại, và trong bất kì thời điểm nào, có lẽ cái hay vẫn còn vẹn nguyên trong từng con chữ. Vẫn cái giọng văn mềm mại, đậm đà chất Nam Bộ với những chi tiết éo le, thấm đẫm tình người, tình đất nơi vùng sông nước.... từng thứ một đã làm nên cái riêng, cái độc trong văn phong của chị Tư. Mỗi lần lật mở trang sách của Cánh đồng bất tận, cái buồn thăm thẳm lại len lỏi vào trái tim của độc giả, khiến mỗi người đọc chúng ta day dứt một nỗi ám ảnh không nguôi. Cuốn sách được đánh giá như một viên ngọc quý của nền văn học đương đại Việt Nam.

Câu chuyện éo le về tình cảm gia đình

Những cuốn sách viết về tình cảm gia đình đâu có ít, thế nhưng ở truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư, người đọc vẫn cảm nhận được cái chất riêng, cái độc đáo trong cách tạo dựng tình huống, tạo dựng nhân vật, cốt truyện của chị.

"Cải ơi" là câu chuyện của ông Hai đi tìm đứa con gái bỏ nhà đi gần mười hai năm:

"Ông đã đi tìm con nhỏ gần mười hai năm, đã đi qua chợ qua đồng, tới rất nhiều quê xứ. Lúc nhỏ Cải mười ba tuổi một bữa mê chơi nó làm mất đôi trâu, sợ đòn nó trốn nhà. Rồi con nhỏ không quay lại, vợ ông khóc lên khóc xuống, bảo chắc là ông để bụng chuyện nó là con của chồng trước nên ngược đãi, hà khắc, đuổi xua. Ông lấy trời đất, thần phật, rắn rít và cả kiếp sau (mặc dù cũng chưa biết nó ra làm sao ) ra thề nhưng bà không tin, giận chẳng nhìn, chớ thèm cười nói. Người ta còn đồn đãi ông giết con nhỏ rồi lấp ở một chỗ đất nào, họ ùn ùn lại coi, ông khăn gói bỏ xứ ra đi, bụng dạ đinh ninh tìm được con Cải về." Và ông Năm Nhỏ đi tìm con Cải cuối cùng cũng vẫn chưa tìm ra, ông cứ vẫn mải mê tìm cách để được lên ti vi, để được nói đôi lời với đứa con gái của vợ, dù ông phải mang cái tiếng là kẻ đi ăn trộm "Cải ơi, ba là Năm Nhỏ nè, nhà mình ở Cỏ Cháy đó, nhớ không? Về nhà đi con, tội má con vò võ có một mình. Con là trọng, chứ đôi trâu cộ nhằm nhò gì... Về nghe con, ơi Cải...".

Thế nhưng, nhà đài người ta chứ có phải cái chợ trời đâu mà có thể thoải mái gọi "Cải ơi!", hôm đó đài truyền hình có đưa tin nhưng chỉ thấy ông già nhép miệng một cách tuyệt vọng...

Đến những mối tình không trọn vẹn

Trong Cánh đồng bất tận, Nguyễn Ngọc Tư viết khá nhiều về những mối tình, những duyên phận giữa những con người trong mảnh đời này nhưng hầu hết những mối tình đó lại không trọn vẹn. Chẳng phải đổ vỡ, nhưng không hề trọn vẹn. Những cái kết không trọn vẹn khiến cho nhiều người hơi day dứt, hơi trăn trở, hơi hụt hẫng, vì suy đi nghĩ lại thì lỗi chẳng thuộc về ai...

Chị Huệ lấy chồng mà nào có lấy được người mình thương đâu. Cái mơ ước "một mái nhà sớm chiều khói tỏa, buổi sáng nó rang cơm cho Thi lót lòng đi dạy, trưa đón Thi về chăm chút nồi canh chua bông súng ăn với cá sặc kho khô" nay chắc chẳng thành hiện thực được nữa, vì "nghe phong thanh Thi đi lại với con gái trưởng phòng giáo dục huyện, cô nọ mang thai, chuẩn bị cưới..." Và thế là, Huệ lấy Thuấn, một con người "vừa hiền vừa giỏi, lại thương mình như vậy" vậy mà sao Huệ lại không vui? Cái thương nhau đâu phải cứ muốn là được, trong lòng Huệ vẫn còn hình bóng của Thi nhiều quá, đến lúc về nhà chồng, Huệ vẫn ngơ ngẩn ngó lên bờ, trong lòng chị vẫn chao chát một nỗi thèm muốn "Nó muốn chạy vô xóm, tới nhà Thi, gặp anh và nói cho anh hay rằng nó hết thương Thi rồi, nó quên anh, quên thiệt. Nhưng nói để làm gì ta?"

Trong "Cái nhìn khắc khoải", mượn câu chuyện nhân vật "tôi" chụp được bức hình về người đàn ông có một thần thái đặc biệt trong mảng tương phản tối sáng, Nguyễn Ngọc Tư gửi vào đó cả một câu chuyện dang dở của Ông Hai và Cô Út. Cô Út là người phụ nữ mà ông Hai lượm được nhân một buổi chiều. Cô lỡ thương thằng thợ gặt miệt Bình An đổ xuống nhưng vì thằng đó tệ quá, làm ít nhậu đến nỗi trốn nợ khiến cô chẳng thể về quê mình được nữa. Và thế là cô được ông Hai lượm về, cùng ở, cùng ông lùa vịt ra đồng, nấu cơm cho ông ăn, làm những công việc lặt vặt trong nhà. Nhưng hình như cô ở lại vẫn là "để chờ người ta", vẫn thường đón ghe hàng bông hỏi thăm tin tức cánh thợ gặt An Bình. Và biết cô còn nặng lòng, khi biết tin cánh thợ gặt An Bình ở nông trường, ông Hai liền về báo với cô, mong cô qua hỏi người ta đầu đuôi gốc ngọn ra làm sao. Và như để trốn tránh cái sự thật rằng cô Út sắp đi, ông Hai lùa vịt ra đồng khi trời còn tối mịt tối mò, đến nỗi con Cộc còn nhận ra cái dáng lom khom kia hình như vẫn "đang chờ bà đó quay lại"... Đúng là "...làm người không làm thì thôi, phải làm cho ngon, thiệt khó"

Những mối tình dang dở của những người trẻ đã đành, Nguyễn Ngọc Tư còn viết về cái dang dở của cái tuổi đã xế chiều khiến người ta đọc mà thấy thương, mà thấy khổ cho ông Chín (Cuối mùa nhan sắc) quá! Ông thương đào Hồng từ khi bà mới hai mươi mốt tuổi, thương đến nỗi bỏ cả nhà, bỏ phú quý đi theo gánh hát dù chẳng bao giờ được đóng vai chính, miễn là được nhìn đào Hồng đi ra đi vô, nhìn đào Hồng hát. Thương đến nỗi đứa con trong bụng của đào Hồng chẳng phải của ông mà ông cũng nhận để đào Hồng không bị đuổi khỏi gánh hát, sau này, con đào Hồng một tay ông giữ, ông bồng. Thương là thế nhưng ông vẫn biết đào Hồng vẫn còn thương người ta nhiều lắm, "Những nỗi nhớ niềm thương chắc còn day dứt trong lòng làm cho bà quắt queo, tàn héo". Và đối với ông, cả đời đi theo đoàn hát cũng không uổng vì "Lần đầu tiên ông đóng được vai chính, người ta hỏi vai gì, ông bảo vai con của đào Hồng, phút lâm chung của người đàn bà suốt đời ông yêu thương, ông gọi "Má ơi!" và thấy bà mỉm cười. Chỉ vậy thôi à. Ừ chỉ vậy thôi..."

Và không thể quên những cuộc kiếm tìm tình người da diết

Bên cạnh những câu chuyện về tình cảm gia đình, tình yêu đôi lứa (dù không trọn vẹn), Nguyễn Ngọc Tư còn gửi gắm trong cuốn sách những chuyến đi tìm tình người đầy da diết của các nhân vật trong truyện.

"Thương quá rau răm" đưa người đọc đến mảnh đất cù lao Mút Cà Tha hắt hiu, buồn bã, nghèo đói, nơi có trưởng ấp Tư Mốt nặng lòng với vùng đất này, nơi có khẩu hiệu "Cương quyết chỉ chết về già" của ông. Ông nặng lòng với mảnh đất cù lao này và vì thế bất cứ ai xứ lạ đến đây làm việc ông đều quý, đều nhắc mọi người nơi đây đối xử cho thật tử tế. Và rồi, ông giữ Văn ở lại, ông nghĩ là mình có cách, vì "không gì sâu nặng bằng tình cảm người với người mà". Ông níu chân anh bác sĩ này ở lại bằng mọi cách, nào là "thấy ai rảnh rỗi là kêu, đứng đó làm gì, sao hổng lại trạm xá cho bác sĩ người ta khám.", chiều nào ông cũng rủ rỉ rù rì với Văn, kêu đám thanh niên dẫn Văn đi câu cá soi ếch, và ông còn bắt cả cô con gái của mình bưng món khoai luộc nóng hổi, thơm lừng cho Văn... Nhưng rồi trớ trêu thay, một lần đám bạn của Văn đến cù lao chơi, Văn đưa bạn về thành phố mà không một lần trở lại, lặng lẽ, như trốn chạy. Và thế là ông Tư Mốt nhận ra "Bên ngoài cái đất Mút Cà Tha dường như đã có sự thay đổi lớn. Thí dụ như con cá, lá rau, hạt gạo mến thương của người cù lao không ràng buộc được một con người (như đã từng rịt chân ông lại), thì cái bóng nhỏ nhoi của đứa con gái đang tuyệt vọng đứng ngóng chờ dưới bến không có ý nghĩa gì sao? Tuyệt không đáng gì à?"

Day dứt, ám ảnh đến những trang sách cuối cùng

Nỗi buồn ám ảnh người đọc đến cả những trang sách cuối cùng, và hơn thế, truyện ngắn Cánh đồng bất tận để lại một nỗi trăn trở ghê gớm khi người ta gấp quyển sách lại. Kể về cuộc sống sinh hoạt của ba cha con là ông Tư, hai đứa trẻ Điền và Nương ở mảnh đất sông nước lênh đênh với người phụ nữ tên Sương, tưởng chừng như Cánh đồng bất tận chỉ viết về những con người đi kiếm sống, hóa ra không phải, họ đang đi kiếm tình người. Trên cánh đồng hoang vu đó, chị Tư đã dàn xếp cho hai nhân vật đứa trẻ của mình học những bài học về tình yêu thương bằng cách để chúng yêu thương bầy vịt trong lúc chăn nuôi, khi lấy trứng hai đứa trẻ đã hát cho bầy vịt nghe, và rồi cô bé Nương giật mình nhận ra

"...Chị em tôi học yêu thương đàn vịt (hi vọng sẽ không bị đau như yêu thương một con người nào đó). Nhưng nhiều khi nhìn thằng Điền dỏng tai nghe mấy con vịt nói gì, tôi giật mình, nuốt một họng đắng, tự hỏi đã đến nỗi này sao, đến nỗi chơi với người thấy buồn, nên chuyển qua chơi cùng vịt".

Và độc giả sẽ thấy lòng mình thật quặn đau khi Nguyễn Ngọc Tư cho nhân vật của mình chỉ nói những câu ngắn gọn khi thằng em trai của Nương (tên Điền) trồng vài cây ô môi trên một bờ đầm "Ước gì đây là đất của mình". Và lại một lần khác Điền với chị đi ngang qua một xóm nhỏ, nhìn thấy một ông già ngồi chơi với cháu, Điền nói với chị:"... Phải chi ông này là ông nội của mình, thương đỡ chơi hén Hai..." Những câu nói của nhân vật trong truyện ngắn nghe bình dị vô cùng, chỉ là lời của đứa em trai tuổi thiếu niên nói với chị gái của mình, vậy mà sao ta thấy nhói lòng thế! Người ta còn đau lòng hơn với số phận của người phụ nữ tên Sương -  cô gái điếm được hai chị em Điền cứu thoát từ hồi đầu truyện, rồi sống chung với hai chị em chăn vịt cùng ông bố bất thường trong một thời gian khá lâu. Người đàn bà với số phận làm đĩ ấy trước khi đến ở cùng bố con Điền và Nương đã bị người ta vây quanh đánh đập, đánh ghen, giật áo xé váy, thậm chí là đổ cả keo dán sắt vào cửa mình của chị, khiến chị trôi dạt vào một gia đình ghe nước. Khi về sống với gia đình ông Tư, cô gái điếm đó đã nhiều lần ngủ với ông bố, cùng sống cuộc sống bấp bênh trôi nổi trên chiếc thuyền lênh đênh. Và rồi đến mùa dịch, để tránh phải thiêu hủy hết số vịt còn sống sót, cô gái ấy đã phải đi ngủ với hai cán bộ thừa hành công tác thiêu hủy, dùng thân xác của mình như những đồng tiền hối lộ. Sau đó khi về lại thuyền, cô bị ông bố nhìn bằng con mắt giễu cợt "Sao hồi tối vui không. Chắc họ tưởng cô là vợ tôi nên hứng thú lắm hả. Cứ để họ nghĩ vậy." Chị ngó trân vào cha tôi, rồi day qua tôi, chị để rớt từng lời: "Má cưng ác một, nhưng người cha này của cưng ác mười..." Sau đó cô gái điếm bỏ đi, và thằng Điền giờ đây sắp bước vào tuổi thanh niên âm thầm bỏ lại ông bố và người chị, để đi tìm cô gái điếm. Kết cục của truyện "Cánh đồng bất tận" là những tên côn đồ hiếp dâm cô con gái, chúng cưỡng bách ông bố phải nhìn. Trong lúc bị hiếp cô nghĩ tới hình ảnh của má cô trong lúc làm tình với người đàn ông bán vải dạo, mà cô vô tình nhìn thấy hồi còn nhỏ. Mắt Nương nhìn lên bầu trời xanh thẩm, dù cố nghĩ về hình ảnh thỏa mãn nhục dục của bà mẹ, cô vẫn cảm thấy những cơn đau xé người, đau tới tận chân tóc trong lúc bị hãm hiếp. Ngay trong lúc đó cô vẫn cố nghĩ về sai lầm của mình, sao không giả đò tươi cười với má, xem như không có chuyện gì xẩy ra giữa má và người bán vải dạo. Nếu cô biết nghĩ như vậy thì có thể bây giờ, mỗi buổi chiều có thể cùng má ra sông, hỏi nhau rằng không biết chừng nào thì cha về. Mặc dù bị hãm hiếp, cô gái sợ mình có thai, nhưng trong lòng lúc nào cũng nghĩ đến ngày mai, nghĩ đến đứa con nếu có cho dù không có bố, sẽ không bao giờ mang tên là thằng Thù, thằng Hận, mà tên của đứa bé sẽ là Thương, Nhớ, Dịu, Xuyến, Hường… Trong Cánh đồng bất tận, "Nguyễn Ngọc Tư đã đặt ra vấn đề về cách cứu vớt, về hậu quả của việc lấy cái ác để trả ác. Tác phẩm đưa ra thông điệp, trước lỗi lầm, người ta chỉ có thể cứu vớt được bằng sự khoan dung, tha thứ, lấy ân trả oán… Như vậy, từ câu chuyện về gia đình và cách ứng xử của con người, Nguyễn Ngọc Tư miêu tả thật chân thực sự đau đớn, vật vã của kiếp người bằng tất cả tình yêu thương con người. Dòng chảy của chủ nghĩa nhân văn này đã đem lại một sức cuốn hút sâu sắc đến bạn đọc mọi tầng lớp." (Hữu Thỉnh). Có lẽ vì lí do đó mà cuốn sách mới có sức hút dù đã phát hành suốt cả một thời gian như vậy.

Không gào thét, không ồn ào nhưng Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư đã để lại trong lòng người đọc những quặn thắt như từng đợt sóng về nỗi niềm băn khoăn cho nhiều kiếp sống, thân phận. Với những ai yêu mảnh đất sông nước Nam Bộ; thương những số phận nghèo khó đang phải gồng mình trải qua cuộc sống éo le, bấp bênh, trôi nổi; thích những câu chuyện bình dị mộc mạc không hoa mỹ mà vẫn đậm tính triết lý và tinh thần nhân văn thì Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư chính là cuốn sách dành cho bạn. Đọc, suy ngẫm về những mảnh đời và nhìn lại chính mình để thấy rằng ngoài kia còn biết bao số phận éo le là thế, cực nhọc là thế mà họ vẫn luôn mạnh mẽ, luôn gai góc để sống, để đi tìm tình người vẫn còn đâu đây...

 

Tác giả: Thái Hà - Bookademy

-----

Trở thành CTV viết reviews sách để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị cùng Bookademy, gửi CV (tiếng Anh hoặc Việt) về: [email protected]

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về các cuốn sách hay tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

12,761 lượt xem