Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Bookademy] Review Sách "Đong Tấm Lòng": Cuốn Tản Văn Mang Tính Thời Sự Buồn Đến Tận Đáy Lòng

Tình yêu là một vết thương không kín miệng, mấy ông danh nhân nói vậy. Lâu lâu chảy chút máu chơi, cho thú vị đời, chẳng chết ai. Nhưng giờ người ta chảy máu đến chết dưới tay người yêu nhiều quá, những cái vực mở hút sâu khi thời thế khiến thiên hạ sống ngày càng táng tận ráo riết. Nụ hôn sẽ có vị gì khi nghĩ tới bồ bịch đang giấu dao trong áo? (Vực mở)

Vẫn là giọng văn u sầu mà gai góc đủ làm trĩu nặng lòng người, Nguyễn Ngọc Tư mang đến một "Đong tấm lòng" với nỗi buồn mênh mang nhưng lại có sức lên án mạnh mẽ với những điều bất bình và đang gây nhức nhối trong xã hội. Dung dị, gần gũi vậy mà khi đọc từng câu văn của "Đong tấm lòng" ta chợt giật mình, thấy nhói trong lòng, chợt nhận ra có nhiều câu chuyện gần gũi như vậy mà dường như có mấy ai để tâm, để bụng?

Những câu chuyện hết sức bình dị, gần gũi

Trong tập tản văn này, 32 câu chuyện đến với độc giả đều là những câu chuyện vô cùng gần gũi, nó là những câu chuyện mà ta tưởng như ta vừa mới bắt gặp, như là câu chuyện của bạn bè ta, của gia đình ta.

Đó là câu chuyện đăng ảnh lên mạng xã hội của "bồ" của nhân vật "em" "cuộc tình của em mẻ một miếng sau bữa bồ khoe ca trực tối qua có thằng trộm trâu bị đánh suýt chết, ngay lúc cấp cứu bồ kịp lấy điện thoại chụp cái ảnh thằng nhỏ nằm rúm ró tải lên mạng xã hội...." (Giữa người với người)

Hay đó là câu chuyện của cố Tám với ngôi nhà lún giữa cây vườn và bóng nắng "Ra vô mình một nhưng trên gương mặt cố không có vẻ gì buồn. Ngày hai lượt con cháu đi tắt qua vườn thăm chừng, thỉnh thoảng bắt gặp quả tang cố đang nói chuyện. Ngó quanh không thấy ai, hỏi thì cố Tám cười, nói "tụi bây sợ tao phát khùng nói một mình hả? Không có đâu." (Cúi xuống che chung)

Rồi đó là câu chuyện vần công cất nhà ở Xẻo Rô "Chuyện vần công cất nhà ở xẻo Rô không biết có từ hồi nào, cũng không biết đã bao nhiêu gia đình được ấm nơi chỗ nhờ bà con tiếp sức... Đám đàn ông chia nhau người lợp mái người xen vách. Cánh phụ nữ trong nhà lo việc trà nước, nấu cơm. Ai rảnh tay thì chẻ lạt, tề đầu lá..." (Làm tổ cho nhau)

"Đong tấm lòng" bắt đầu từ những câu chuyện thấm đẫm tình người

Nguyễn Ngọc Tư mang đến cho độc giả những trang tản văn vẫn với chất giọng nhẹ nhàng quen thuộc như thế. Những câu chuyện chưa bao giờ đi xa rời con người, chưa bao giờ xa rời cái gọi là "tình người".

Đó là tình cảm của người cố đã già với những con vật nuôi, đám côn trùng sống quanh nhà, với những đứa cháu của cố bên căn nhà lún giữa cây vườn và bóng nắng. Mớ sinh vật nhỏ nhoi ấy là "Cây ven vách bằng tre, trúc cũng đúng loại ong bầu mê thích. Chỉ cần đục lỗ đầu hay giữa lóng, con ong đen dềnh dàng có ổ. Thằn lằn lang thang trên vách lá ngấm mưa tiếc rẻ những huy hoàng, đôi lúc rơi xuống đoạn đuôi còn giãy...". Đó còn là những đứa trẻ "Một đứa luồn từ cửa sau, kêu "Tám ơi má kêu con bưng cho cố tô bí hầm dừa. Nóng thấy mụ nội. Không cần tụi nó lên tiếng, chỉ cần bước chân thôi cố cũng gọi đúng tên từng đứa cháu mình. Chúng vốn coi nhà cố như nhà chúng, hay lấy cớ qua hủ hỉ với bà già để khỏi bị sai vặt, trốn ngủ trưa. Cái tâm thế cúi xuống che chở cho những sinh vật nhỏ của một người già, theo cách nào đó cũng gần với suy nghĩ của trẻ con..." (Cúi xuống che chung)

Đó là tình cảm của những người dân trong xẻo Rô khi cùng nhau "làm tổ". "Chuyện vần công cất nhà ở Xẻo Rô không biết có từ hồi nào, cũng không biết đã bao nhiêu gia đình được ấm nơi ấm chỗ nhờ bà con tiếp sức... Đám đàn ông chia việc nhau người lợp mái người ven vách. Cánh phụ nữ trong nhà lo việc trà nước, nấu cơm. Ai rảnh tay thì chẻ lạt, tề đầu lá..." Và cứ thế, nhìn nhà lại nhớ người, cảm giác đó cũng "góp phần làm hòa mau mấy đôi cãi cọ. Thật khó khăn khi để bụng kẻ đã từng phụ giúp mình dựng lên mái ấm... Đâu chỉ vần công mà còn góp nhặt cho nhau chút lá chút cây, những thứ ấy nếu tính bằng tiền thì không bao nhiêu, nhưng sao trả nghĩa cho nhau hoài vẫn nghe nặng nợ..." (Làm tổ cho nhau)

Đó là thứ tình cảm của người mẹ dành cho con khi lên thăm con ở thành phố qua những câu chuyện quê nhà "vừa bước chân vào nhà anh, ngay lập tức chuyện giòn như cốm nổ. Không lúc nào chịu ngồi yên một chỗ, trong lúc xăng xái dọn chỗ này dẹp chỗ kia, vừa làm vừa kể, những chuyện nhà quê theo bước chân mẹ dìu dặt nửa xa nửa gần." Chuyện và người kể chuyện có lẽ anh chẳng bao giờ mua được ở cái thành phố tiện nghi này. Mà cái chuyện ấy chỉ là những câu chuyện lơ vơ, là cái "góc bếp bị dột, cô bạn bên xóm vừa làm sui đầu tay, con lộ bê tông mới toanh phóng qua trước nhà. Sực nhớ gì thì nói đó, mẹ cứ lắp ráp rời rạc như thể chắp vá những cái quê nhà mà anh đã rời bỏ hồi mười tám tuổi..." Và bằng cách đó "mẹ buộc anh vào quê nhà, dù sợi dây đó không thấy được bằng mắt thường, mong manh..." (Chỗ nào cũng nắng)

Và gửi gắm cả những vui buồn, âu lo về thân phận con người, về vấn đề nhức nhối trong xã hội

Nguyễn Ngọc Tư luôn là một cây bút chắc tay khi viết về con người và đời sống sinh hoạt của người dân lao động. Chị tận dụng triệt để tâm hồn nhạy cảm vốn có cùng cơ hội được đắm mình trong không gian miền quê để lấy ra những câu chuyện kể với độc giả. Cảnh sinh hoạt ấy trong trang viết Nguyễn Ngọc Tư hiện lên vừa yên tĩnh, thanh bình mà cũng vừa dậy sóng, đầy ắp những đổi thay.

Câu chuyện "Giữa người với người" là những trang tản văn đầu tiên của Đong tấm lòng, vậy mà lại mang theo một nỗi chua chát về tình người trong xã hội hiện nay. Nhân vật "bồ" khoe với người yêu của mình về ca trực tối qua có thằng trộm trâu bị đánh suýt chết, ngay lúc cấp cứu bồ kịp lấy điện thoại chụp cái ảnh thằng nhỏ nằm rúm ró tải ngay lên mạng xã hội, thiên hạ ào vô thích quá trời. Nhỏ em nghĩ bồ quên vai trò mình là y sĩ còn thằng nhỏ là bệnh nhân; nhưng sao có thể quên được kẻ chịu đau đớn kia là một con người? Và vì thế, chuyện tình của em đã mẻ đi một miếng sau bữa ấy. Và em cũng không bao giờ ghé lại ngôi nhà trên mạng của bồ. Vì "em sợ lại gặp trên ấy gương mặt biến dạng của người phụ nữ bị chồng thiêu, bàn tay rụng đốt của một em bé bị bạo hành.'' Bỗng chốc em nhận ra "Ngay cả mạng xã hội, thứ dùng để chia sẻ, cũng đi bên lằn ranh chia rẽ. Nó giúp em tìm lại rất nhiều bạn học cũ tham gia những chuyến từ thiện, quen và yêu anh y sĩ đẹp trai. Nhưng mạng xã hội cũng góp tay cho đường ai nấy bước. Mẹ em tiếc thằng rể hụt, nói tao thấy nó hiền queo có gì để chê đâu. Em cười cười. Thí dụ một người thấy cô gái trèo thành cầu để nhảy sông tự vẫn, anh ta đắn đo không biết nên giữ cô lại hay cứ để cổ nhảy và ta chụp ảnh đem lên mạng hái hàng trăm cái tặc lưỡi xuýt xoa. Cái đắn đo ấy, dù là trong khoảnh khắc cũng đáng sợ." Một câu chuyện tưởng như rất bình thường về việc đăng ảnh trên mạng xã hội nhưng qua lời văn của chị Tư ta thấy sao mà chua chát cho cái tình người trong xã hội, giờ người ta còn coi trọng việc đăng ảnh câu like hơn việc cứu người hay sao?

Người dân trong cái xẻo Rô kia trước đây chộn rộn làm tổ cùng nhau mỗi khi có đôi vợ chồng mới cưới, chỉ cần đi qua vuông sân trải đầy lá, và mớ cây róc vỏ nửa chừng, người ta nhận ra dấu hiệu sắp xuất hiện một nóc giá, hoặc ai đó chuẩn bị lợp lại mái nhà. Chủ nhà chưa kịp ới lên, bên xóm đã hăng hái tính chuyện góp công cho việc hệ trọng của xóm giềng... Vậy mà "mười lăm năm sau, vợ cũng hối anh mau đón xe lam ra chợ lợp quán cho đứa em bạn đi. Nó nhờ vì giờ không tìm đâu ra người biết lợp lá khéo như anh. Em họ anh từ quê ra, nhưng lúc lớn lên cả xóm đã rục rịch xây tường, lên lầu sau vài mùa tôm đầu trúng đậm. Họ thuê thợ thầy chuyên nghiệp, không cần láng giềng đổi công..." Chẳng còn nữa những ngày cả xẻo Rô cùng nhau làm tổ, cùng nhau vần công cất nhà, chẳng còn cảnh cả xẻo ngồi với nhau trong ngôi nhà mới tinh từng nuộc lạt, trong mùi lá dừa thơm phưc đồng bãi bờ sông, mùi bùn ai ái trên những cột kèo, nhậu đã gì đâu... Chợt nhận ra "Cuộc đời thay đổi chóng mặt, ở chợ nhà lá mới là chịu chơi, quê giờ ngồi nhậu giữa bốn bức tường" nghe sao mà chua xót!

Mỗi câu chuyện mẹ dành kể cho anh nghe những khi lên thăm như "một cọng nan tre, mẹ tiện tay đan thành tấm liếp che nắng, gió cho anh đỡ rạc rài" vậy mà giờ đây nó chỉ còn là "chuyện hồi trước". Anh tự hỏi vì giọng chị Hai không giống mẹ hay vì những câu chuyện khác xưa rồi. "Chang chói. Bén nhọn. Chị Hai còn biết kể gì ngoài những độ nhậu nhóm lên từ sáng sớm. Ba mẹ con bên xóm tự vẫn chết bằng thuốc sâu. Gần nhà xảy ra mấy vụ đâm xe máy. Một thằng nhỏ trộm chó bị xóm xông vào đánh gẫy xương vai. Một cuộc ẩu đả của mấy anh em con cô con dì, chỉ vì ranh đất xê xích có một tấc..." Những câu chuyện này còn đâu là những cọng tre mà mẹ tiện tay đan thành tấm liếp che nắng, gió cho anh đỡ rạc loài? Anh biết đó "không phải là thứ mình chờ đợi... Anh nghĩ cái xóm mà mẹ anh nằm lại, nó phải đứng ngoài những cơn gió lốc của cái đời sống loạn lạc này." Và anh biết không phải tại chị Hai kể chuyện miệt vườn không hay...

Không chỉ vậy, "Đong tấm lòng" còn mang theo những trăn trở trĩu nặng về vấn đề bản sắc văn hóa, lịch sử, cội nguồn một vùng đất

"Mùa mặn" của Nguyễn Ngọc Tư lại là một trăn trở khác về chuyện giữ đất, giữ tài nguyên thiên nhiên, môi trường sống cho mai sau. Vùng đất Mũi Cà Mau, mùa gió chướng với những con nước mặn xâm lấn vào đất liền, cơn xâm lấn đất hối hả, hung tợn của biển cả có lẽ vẫn chưa đủ mạnh bằng nhịp điệu sống hối hả của con người hôm nay "Gió chướng thì tháng chạp nào cũng thổi cong vòm trời, bạc đầu lau lách, chẳng biết có mạnh lên chút nào, nhưng nước mặn mỗi năm vào đất liền sâu hơn." Người ta sống vì lợi ích trước mắt, tích lũy tiền, vàng để dễ bề di chuyển khi có họa biến xảy ra. Vì bận rộn như thế, nên có lẽ người ta quên mảnh đất họ đang sống là mảnh đất được hình thành nên từ bề dày lịch sử khẩn hoang, từ máu, mồ hôi, nước mắt và xương cốt của cha ông đã tan hòa trong bùn nhão, nhào nặn nên thành đất cho người. Giữ đất, lập đất, xây nhà, lập vườn, đời đời an cư lập nghiệp đáng lẽ là một điều gần gũi với người dân quê. Nhưng trong bối cảnh sống hôm nay, với nhiều người, đó là điều xa vời.

Câu chuyện về giữ gìn bản sắc dân tộc của người Khmer giữa những bản sắc chung cũng được nhắc đến một cách ý nhị trong tản văn "Mấy cụm khói rời". "Không biết biến động nào khiến người ta bứng nguyên cái xóm Khmer từ miệt Bảy Núi về trồng trong lòng thành phố, cùng với ngôi chùa. Dân quen gọi hẻm Khờ Me...". Và vì thế "Lục Cả than, dân Khmer xóm hẻm đã bán nhà quá nửa, giờ còn một nhúm sống co cụm gần chùa, như bầy người đi lạc. Hỏi những người bỏ xóm đi đâu, lục nói có nhà dọn vào hẻm sâu hơn, xa tới mức chùa không với tới, nhưng cũng có người về. Chữ "về" của lục làm nguội nắng. Về, dựng hàng rào xương cá bọc lấy căn nhà tạm bợ, nuôi mấy con bò, lấy nước thốt nốt nấu đường... Cảnh nghe có vẻ buồn, nhưng họ không trơ trụi như ở nơi chỉ cách Ủy ban thành phố non một trăm mét. Cái nghèo mà có ngọn rau trái ớt mọc bên hè, thì không đến nỗi tuyệt vọng." Trong khi đó, những người ở lại vẫn ơ thờ chờ ngày qua, còn người làm chính sách cứ hí hửng khoe cuộc đổi chác ấy vậy đã công bằng rồi. "Nhà cũ đổi nhà mới, đèn dầu đổi đèn điện, huề." Vậy là huề thật sao? "Rốt cuộc thì làm gì còn bầu trời nào khác cho con chim đã bị lấy đi bầu trời".

Còn trong "Nước cũ mơ nguồn", Nguyễn Ngọc Tư gửi gắm nhiều tâm sự về bản sắc của từng vùng miền qua những cuộc di cư, dời chuyển vì cuộc sống, vì cơm áo mưu sinh của mỗi con người. Sau cái tên, cái họ, cách phát âm của một con người là cả thân phận của một làng quê, của những con người di cư, khẩn hoang "Cái câu hỏi ta đến từ đâu còn lơ lửng trên những ngả đường miền Tây từ rất lâu. Con cháu của những người miền Trung khẩn hoang giờ nghe giọng Quảng như ngoại ngữ; con cháu những người Bắc di cư đã đổi thế nhé thành dzậy hén, rỗi thành quỡn rất sành. Màu mắt lạ trên gương mặt con cháu của những cô gái Việt cùng quân nhân Pháp, Mỹ đã từng tham chiến ở Việt Nam. Và cả những đứa trẻ lai Hàn Quốc, Đài Loan trên những chuyến xe đường dài về miền Tây, tụi nó cũng đang không ngớt hỏi nhà ngoại ở đâu." Câu chuyện đặt ra vấn đề về cội nguồn của từng cá nhân con người mà sâu xa hơn cả là vấn đề về cội nguồn của cả một dân tộc. Nhân vật "ba tôi" trong "Nước cũ mơ nguồn" hơn chục lần qua lại ngang quê mình trong những lần đi công tác ở Hà Nội nhưng lại chẳng hề ghé lại. Để giờ đây, khi thời gian dư dả của tuổi già sắp cạn, ông già quay lại để lục lọi từng tấc đất của cái chấm nhỏ nhoi trên bản đồ kia, mong tìm lại vài nhánh họ hàng xa vợi, thắp nhang lên những nấm mộ tổ tiên...

Văn phong của Nguyễn Ngọc Tư vẫn luôn giữ độ mượt mà, gợi cho người đọc thứ cảm giác, thứ không khí của cả một vùng đất, chị vẫn luôn giữ cho mình thế mạnh ở việc miêu tả cảm xúc, cảnh vật, mang đến những chi tiết sống động về đời sống làng quê. Chị Tư viết Đong tấm lòng không hề sướt mướt hay ủy mị mà chính cái rắn rỏi, gai góc trong từng câu chữ, lời văn đã làm nên được chất riêng, tính triết lý sâu sắc trong cuốn tản văn này.

 

Tác giả: Thái Hà - Bookademy

-----

Trở thành CTV viết reviews sách để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị cùng Bookademy, gửi CV (tiếng Anh hoặc Việt) về: [email protected]

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về các cuốn sách hay tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn

 

 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

5,690 lượt xem