Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Bookademy] Review Sách "Về Nhà": Cuộc Tìm Kiếm Lại Nguồn Cội Của Bản Thân

Có hàng ngàn cuốn sách tự truyện của nhiều tác giả mà đãng lẽ ra đã thu hút tôi nhiều lắm, nhưng “Về Nhà” của Phan Việt là một câu chuyện hoàn toàn khác mà tôi được đọc, câu chuyện về “Cuộc tìm kiếm lại cội nguồn của bản thân”.

Phan Việt là tác giả các tập truyện ngắn Phù phiếm truyện (2005, giải Nhì cuộc Vận động sáng tác Văn học tuôi 20 lần III); Nước Mỹ, nước Mỹ (2009); tiểu thuyết Tiếng người (2008); và bộ sách Bất hạnh là một tài sản (2013). Sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, sau khi tốt nghiệp Đại học Ngoại thương Hà Nội, chị lấy bằng tiến sĩ tại Đại học Chicago và hiện là phó giáo sự, giảng dạy đại học tại Mỹ. Ngoài viết văn, Phan Việt còn viết báo, dịch, hiệu đính và biên tập sách.

Tác giả Phan Việt tại buổi ra mắt cuốn sách

 

Về nhà là một trong 3 cuốn sách thuộc bộ sách “Bất hạnh là một tài sản”. Là lời kể tự chuyện về những xung đột nội tâm của bản thân mình và hành trình đầu tiên tiếp xúc với những ý niệm của đạo Phật. Tác giả Phan Việt đã gợi mở ra những câu chuyện về cuộc sống của chính tác giả cùng với những thông tin hữu ích về nhân sinh quan cuộc sống và bản chất của sự tồn tại mọi thứ trong thế giới. Thêm vào đó, điều đặc biệt thu hút tôi ở cuốn sách này đó chính là tác giả không dùng những ý nghĩ chủ quan trong việc phán xét hay đánh giá mọi thứ. Về nhà thực sự hấp dẫn vì nó gợi mở được hiện trạng xã hội thực tại Việt Nam dưới quan sát khách quan của một người sống ở Mỹ 10 năm rồi quay trở lại Việt Nam thực hiện công tác nghiên cứu xã hội tại một ngôi chùa làng ở Bắc Ninh. Tác phẩm là những quan sát nhạy cảm, tỉ mỉ, là phóng sự, là lời tường thuật về những câu chuyện và ý nghĩ của các nhân vật. Về nhà không chỉ đơn thuần là chuyện của những sư ông, sư thầy được tác giả ghi chép lại nữa mà hơn thể là câu chuyện của chính tác giả khi tìm ra được con đường dẫn đến cội nguồn mà tác giả thuộc về.

Tác giả có viết:

Ba tuần cọ xát liên tục với hai thế giới Việt Nam – Mỹ, tuy bên ngoài liên tục cười nói tiếng Việt tiếng Anh, trong lòng tôi có một người ngồi bất động nhìn tất cả những gì đang diễn ra bên ngoài vẫn đang quyết định và hành động, bởi vì không thể dựa vào bất cứ điều gì mà phản ứng với bất cứ điều gì . Dựa vào đâu cũng không đúng. Phản ứng với bất cứ điều gì – dù bên ngoài nhưng dường như có sự phản ứng – đều sai. Chín sinh viên đi cùng tôi là chín thế giới nội tâm, liên tục biến đổi và sẵn sàng bùng nổ khi phải va chạm với Việt Nam. Cười đấy mà lập tức khóc đấy. Nhưng người Việt Nam tôi gặp là những thế giới nội tâm khác nhau – cũng liên tục dịch chuyển và chuyến sàng bật khi bị nén quá đà. Bên dưới tất cả những vui vẻ, chảy trôi dường như bất tận và bất chấp tất cả của cả người Việt Nam và người Mỹ là sự mong manh khổng lồ. Dường như mỗi chúng ta đều đang cố dùng son phần, quần áo, xe cộ, nhà cửa, danh thiếp, vợ chồng, con cái, bạn bè, cơ quan và các vật tùy thân khác để dệt một tấm vải che những miệng vực toang hoác. Chỉ cần một mũi kim, tấm vải sẽ thủng và cả suối nước mắt, giận dữ, cô đơn, si mê, sợ hãi sẽ tuôn trào. Khi khóc thì Việt hay Mỹ đều giống nhau.

Mâu thuẫn là động lực để phát triển. Bất hạnh là tài sản – thức ăn cho sự trưởng thành của linh hồn. Tác giả Phan Việt sau khi ly hôn chồng, sống với những vô định trống rỗng. Chịu những đau khổ trong cuộc hôn nhân đổ vỡ, Phan Việt bắt đầu hành trình hướng vào bên trong bản thân và có duyên với cửa chùa. Tình yêu bên trong chính là tình yêu quyết định. Chúng ta không thể biết cách yêu thương người khác đúng nghĩa khi chưa biết yêu thương bản thân mình. Ngôi chùa này là sự giao thoa của của nhiều thế giới. Tác giả đã đi từ hết bỡ ngỡ này đến bỡ ngỡ khác mà có lẽ nhiều người trong chúng ta cũng muốn có những điều khó giải thích tương tự như tác giả Phan Việt: Hiện tượng ma nhập, các căn bệnh tâm linh hay như chuyện những sư ông trẻ bỏ cuộc sống thực tại để đi tu.

Nếu là vài năm trước, tôi sẽ không ngần ngại mà nói rằng những gì tôi đang thấy trong chùa là mê tín, một thứ sản phẩm của đầu óc dị đoan và lạc hậu. Rằng nó cũng lại chỉ là một giai đoạn khác của đầu óc tôi, một thứ mê cung tư tưởng …

…Sắp hết an cư, sắp phải rời chùa trở lại Mỹ, tôi không thể không nghĩ. Lòng tôi dường như lúc nào cũng chia đôi – mà chia đôi như giả vờ. Một nửa thì như cừu non, thấy ai cũng sợ, cũng muốn tránh; một nửa như cô gái liễu yếu đào tơ, chỉ muốn trướng rủ màn che mặc thế sự; một nửa thì như tráng sĩ môt ngựa một kiếm dọc ngang thiên hạ, càn khôn nắm trong tay. Một nửa thì luôn có cảm giác mình là chú tiểu nhỏ, chỉ thích sáng chiều quét chùa trồng rau, đun nước pha trà hầu Phật hầu tổ, không còn muốn gì hơn; một nửa lại muốn đạp núi băng sông, đội đá vá trời, xông pha vào đời giúp người, làm những việc đại sự, muốn những trống to phách lớn, chùa cao sân rộng, khắp thế giới là đại đàn tràng… Lúc thì thấy mình không thể làm được gì; mà có lúc lại thấy không có gì trong trời đất mà mình không thể làm được. Thế là sao đây?

Quả thật với một người sống và làm việc với khoảng thời gian dài như vậy ở bên Mỹ như tác giả Phan Việt, sẽ không thể tránh khỏi việc hình thành nên một con người lý tính, luôn đặt ra những câu hỏi tại sao, bằng mọi cách điều này xảy ra vì có điều gì đó dẫn tới và không có gì không thể giải thích được. Cho đến khi Phan Việt gặp con ma của chính mình để từ đó dẫn đến một trải nghiệm về tâm thức mà có lẽ người Việt Nam cũng rất hứng thú và cảm thấy tò mò về chủ đề tâm linh này. Từ câu chuyện này, một thế giới hoàn toàn khác biệt được mở rộng ra, một thế giới mà không thể đến đó được bằng tư duy logic dù bằng mọi cách suy nghĩ. Đây cũng chính là thế giới khi con người ta muốn quay trở lại để tìm hiểu thế giới bên trong của chính mình, bằng sự giao cảm không phải là lối suy nghĩ lý trí nữa.

…Tuy thế, trong khoảnh khắc ngắn ngủi trước khi nó biến mất, tôi đã kịp biết về một sự chia cắt giữa những gì tôi trải nghiệm và xử lý hằng ngày với một trạng thái khác nữa – rất khác – của tâm thức. Một trạng thái mạnh hơn nhiều, rộng lớn hơn nhiều, chính xác hơn nhiều – nếu không muốn nói là vô hạn. Một trạng thái có câu trả lời cho nhiều thứ - nếu không phải mọi thứ. Một chỗ mà dường như không thể đến đó được bằng tư duy logic hay tư biện. Không thể đến bằng suy nghĩ, suy nghĩ, suy nghĩ… như bây giờ.

Tâm thần hay không tâm thần, cái thứ tri giác đầu óc mà tôi đã dùng cho tới nay để học hành và hành xử dường như chỉ là một phần rất nhỏ và có lẽ không đáng tin trong việc giúp ta tiếp xúc thực sự với thế giới. Tức là tiếp xúc trực tiếp, trọn vẹn, chân xác. Trái lại, hình như nó chỉ khiến ta sống trong thế giới ý niệm và hành xử với nhau cũng bằng chính những mặc định và quy tắc của thế giới ý niệm…

Trong hành trình trở về Việt Nam làm công tác nghiên cứu xã hội, Phan Việt được sống tại chùa và gặp gỡ những sư ông, sư thầy; tác giả đã có những băn khoăn về kiếp sống của chính mình. Cũng như hầu hết chúng ta, trong thế giới cuộc sống đầy sự phức tạp, rối ren này, có những chuyện xảy đến mà chúng ta không thể lường trước được, có những khó khăn ập đến khiến ta phải liêu xiêu, những vấp ngã, thất bại, những cơ cực mà không sao chúng ta thoát ra được. Cho đến khi, chúng ta vẫn cứ loay hoay bị vây quanh với những rắc rối, ta bất giác có những câu hỏi tự thân “Tại sao cuộc đời của tôi lại như vậy? Phải chăng tôi ăn ở chưa đúng sao? Tại sao trong khi nhiều người khác vui vẻ, hạnh phúc, tôi phải chịu đựng những điều này?”

…Về chuyện phước báo của các kiếp trước thì tôi đã gặp đủ các hạng người trên đời để thấy một chuyện thế này. Có người sinh ra đã thấy làm việc lớn là chuyện đương nhiên -  bất chấp xuất thân của họ cao sang hay nghèo hèn. Họ có thể chịu khó, chịu khổ lúc bé hay lúc trẻ mà không bận lòng vì họ luôn biết cái “lớn” của mình, họ thấy thế giới  không đáng sợ, người giàu, người có bằng cấp, địa vị không  có gì ghê gớm. Còn có người thì chỉ có thể thấy cái trước mắt, tính toán chuyện vun vặt, vui với thành công nhỏ; kính ngưỡng sự giàu có, danh vọng, thành công, chức tước như những gì xa xôi...

Nhưng mọi thứ trong thế giới dẫn đến đều có nguyên nhân của nó. Như Đức Phật Thích Ca Mâu Ni sau khi đạt đến Niết Bàn đã có lời giảng dạy cho người đời “Khổ ải vô biên, hồi đầu thị ngạn” (Đời là bể khổ, quay đầu là bờ). Câu này có nghĩa là đứng trước tiền tài, danh lợi, địa vị, quan cao, lộc hậu, tâm tham ngự trị, chìm đắm trong sự hưởng thụ, nào biết được danh xiềng, xích lợi đã gông trói biết bao người tài khiến gần cả cuộc đời bị mất đi sự tự do vốn có.  Phía trước chúng ta, cuộc sống thế gian chỉ là một nửa thế giới. Nếu hiểu biết “Hồi đầu thị ngạn” thì nhãn quang mới có đủ năng lượng tri thức để nhìn thấu suốt nửa thế giới còn lại kia. Nửa thế giới trước mặt chỉ là một cửa chật hẹp mà đa phần con người chúng ta đều hướng về cái cửa chật hẹp đó để truy vọng tầm danh, đương nhiên phải chen lấn đến bể đầu chảy máu. Do đó, nếu biết quay đầu nhìn vào nửa thế giới phía sau kia không người tranh chấp, tỵ hiềm, không người cướp bóc, tham ô. Thế giới đó thêng thang biết bao, tự do, tự tại biết bao!!! Và đó chính là thế giới mà Phan Việt đang đi tìm kiếm.

…Tôi muốn biết sự thật về thế giới và cuộc sống. Có sự thật thì có tự do. Có tự do thì dễ có hạnh phúc hơn. Tôi từng cho rằng khoa học sẽ mang lại sự thật và tự do đó; và tôi từng nhầm rằng học lên cao – mà bằng tiễn sĩ là cao nhất về mặt học vị - thì tôi có thể tìm thấy sự thật và tự do đó.

Nhưng hình như không phải. Dù tôi có một hay mười bằng tiễn sĩ thì với tình trạng hiện tại, tôi vẫn không có tự do với những trạng thái tình cảm đơn giản nhất của mình như yêu, ghét, giận, sợ… Tất cả vẫn loay hoay trong thân và tâm này. Người thì chối bỏ bên ngoài để tù đọng, đắm chìm bên trong. Người thì chối bỏ bên trong để điên đảo theo bên ngoài.

Vào lúc này, tôi lờ mờ cảm giác rằng về chùa tìm hiểu đạo Phật có thể đưa tôi ra khỏi sự loay hoay…Có Phật thực sự - như một người giải thoát, ngay tại đây, chứ không phải một đáng ban phát.

Tôi có thể sai nhưng tôi chấp nhận khả năng sai còn hơn ngồi im không đi tìm. Đời thì rút cục để làm gì nếu không kinh nghiệm nó theo cách có ý nghĩa nhất?

Với ý hiểu của tôi tựa đề cuốn sách “Về nhà” ở đây không hẳn là về lại nơi chốn, địa điểm hay quê hương mình đã sinh ra; mà là trở về cội nguồn của linh hồn mình đã tái sinh để phụng sự sứ mệnh trong cuộc sống. “Về nhà” là trở về bản thể đích thực của bản thân sau những cuộc tìm kiếm, những cuộc vật lộn, tranh đấu để làm hài hòa với thế giới bên ngoài và thế giới nội tâm để tìm ra cái tôi đích thực của bản thân mình. “Về nhà” là hành trình tìm được sự hồn nhiên, an yên của tâm trí để về với vai trò như chính mình đã là, chứ không phải là tự uốn nắn để trở nên thích nghi với xã hội. Chúng ta vẫn sẽ đang trên hành trình “Về nhà” và tác giả Phan Việt cũng vậy.

Là một cuốn sách tự truyện đúng nghĩ với những trải nghiệm cuộc sống và những thay đổi nhân sinh quan của tác giả. Nhưng cũng từ đó, từ những dập dềnh, lênh đênh về sự trơ trọi cảm xúc và sự kiện từ câu chuyện của tác giả, chúng ta cũng sẽ tự rút ra cho mình những ý niệm riêng về cuộc sống, về chính mình để tiếp tục bước đi trên hành trình trưởng thành hơn phía trước. Nhưng nhu cầu về vật chất, danh vọng, địa vị dần dần sẽ trở thành hư không khi con người nhận thức được bản chất của sự tồn tại. Khi đã trải đủ, lăn lộn đủ với mọi hỉ lộ ái ố, con người ta muốn quay vào bản thân mình nhiều hơn để tìm lại chúng ta sau những lần lạc lối. Điều tất yếu là chúng ta sẽ phải trải qua những xung đột nhất định trong cuộc sống để không còn vô mình trong sự tự nhận thức về chính mình và để “Về nhà”.

…Bất kể tôi đưa ra câu trả lời nào, nó cũng sẽ chỉ là một câu chuyện với bạn. Một ý nghĩa. Một ghi nhớ. Bạn muoona biết, bạn phải tự mình thử. Với bộ sách này, tôi không có tham vọng mang lại cho các bạn một câu trả lời. Tôi càng không tin câu chuyện của tôi sẽ có ích cho tất cả người đọc. Tôi chỉ hi vọng rằng nó có thể giúp một số bạn đọc có thêm thông tin và dũng cảm trên hành trình của mình. Tất cả chúng ta dù gần hay xa, đều đang ở chỗ nào đó trên đường về nhà… (Đoạn trích lời cuối của tác giả Phan Việt).

Gấp lại cuốn sách không có nghĩa là kết thúc một cuộc tìm kiếm về chính bản thân mình. Mỗi người khi đọc cuốn sách “Về nhà” sẽ có những chiêm nghiệm khác biệt nhau tùy thuộc vào trải sống sống và ý niệm về nhân sinh quan và thế giới quan của mỗi người. Nhưng điều còn đọng lại cho riêng bản thân tôi đó chính là một sự thôi thúc không ngừng nghỉ để khởi hành trên con đường trở về nhà của bản thân. Đúng vậy, là “khởi hành” tìm kiếm để trở về được đúng “nhà” của mình. Có lẽ câu hỏi “Mình là ai” là một hỏi trừu tượng và sẽ không trả lời sao cho được trọn vẹn là đúng mãi. Nhưng “Mình thuộc về đâu” có lẽ chính là hành trình là nhưng con người yêu thích đi tìm sự thật về bản thân và thế giới đang kiếm tìm mỗi ngày trong cuộc đời của chính mình.

 

Review chi tiết bởi Vy Hoshi – Bookademy

--------

Trở thành CTV viết reviews sách để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị cùng Bookacademy, gửi CV (tiếng Anh hoặc Việt) về: [email protected]

Theo dõi Fanpage của Bookacademy để cập nhật các thông tin thú vị về các cuốn sách hay tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn/

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

3,557 lượt xem