Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Bookademy] Những Cuốn Dã Sử Việt Nam Tầm Cỡ

Gần đây cư dân mạng náo nức kháo nhau về cuốn “tiểu thuyết dã sử “ có tên “Thành kỳ ý” viết về đầu thời nhà Lê sơ. Phải nói rằng, nhà sách Đông A rất biết cách làm truyền thông bằng việc tận dụng cộng đồng truyện tranh và truyện ngôn tình. Tuy nhiên, cuốn tiểu thuyết này không có giá trị xứng đáng với mức độ truyền thông cho nó. Mặc dù được viết dựa trên các sự kiện lịch sử nhưng cuốn tiểu thuyết này đậm chất ngôn tình cổ trang, và được đánh bóng bằng mấy chữ “lịch sử Việt Nam” để né đi cái mác “ngôn tình” ở trong lối viết (Mà ngôn tình hiện nay đang bị cộng đồng đọc sách tẩy chay).

Nhưng thôi, hay dở của “Thành kỳ ý” để cho người đọc và các nhà phê bình phán xét, Book Hunter xin giới thiệu đến bạn đọc những cuốn tiểu thuyết dã sử tầm cỡ ở Việt Nam, vừa tạo được không khí lịch sử, lại vừa có tính chất văn chương của những nhà văn đã gạo cội mà có thể các bạn trẻ bây giờ ít biết đến.

“Đêm hội Long Trì” của Nguyễn Huy Tưởng là một tác phẩm chuẩn mực của văn học dã sử thời kỳ 30-45. Những bạn trẻ ngày nay có thể không quen với lối viết nghiêm túc của ông sau khi đã đọc những cuốn tiểu thuyết ngôn tình dằn vặt, quằn quại và gây hài nhí nhố. Nhưng “Đêm hội Long Trì” cũng không khô cứng như “copy” lại lịch sử rồi đắp thoại nhân vật như những quyển tiểu thuyết dã sử “cúng cụ” khác. Cuốn tiểu thuyết kể về giai đoạn suy thoái của chúa Trịnh, với rất nhiều mâu thuẫn của vua Lê, chúa Trịnh, của quan tham và quan thanh liêm, của tầng lớp quý tộc và người dân, và đặc biệt của bà chúa Đặng Thị Huệ vừa xinh đẹp lại vừa nham hiểm chống đỡ lại mọi thế lực để giữ quyền vị của mình.

 

 

Qua cuốn tiểu thuyết, ta thấy một lớp người tìm mọi cách để tập hợp thế lực, nhằm thay đổi những gì cũ nát, đồng thời cũng dựng lại được không khí sinh hoạt đất kinh kỳ thuở xa xưa.

Bộ phim chuyển thể từ “Đêm hội Long Trì” được sản xuất vào năm 1989, cho đến nay vẫn vào hàng kinh điển của phim dã sử ở Việt Nam, từ giá trị nghệ thuật, lịch sử cho đến thái độ nghiêm túc của tác giả và khả năng diễn xuất của diễn viên đều hơn hẳn các phim dã sử tốn kém gần đây của Việt Nam.

Các bạn có thể xem bộ phim “Đêm hội Long Trì” tại đây:

https://youtu.be/1y3twVvBtck

“Hồ Qúy Ly” của Nguyễn Xuân Khánh là cuốn tiểu thuyết có số phận truân chuyên. Nguyễn Xuân Khánh từng có một thời bị cấm viết và cấm xuất bản. Ông âm thầm viết cuốn tiểu thuyết này trong gian khổ và bằng đam mê. Trong đó ẩn chưa trùng trùng tâm sự của những trí thức trong thời buổi rối ren vào thời cuối nhà Trần, đầu nhà Hồ. Và xen giữa các quyền mưu đấu đá, các tham vọng canh tân là nỗi đau của tình yêu, của cái đẹp, của trí tuệ khi trở nên lạc điệu giữa bản trường ca ấy. Sau cùng, “Hồ Qúy Ly” cũng được xuất bản, được giải thưởng Văn học Hồ Chí Minh và tái bản đi, tái bản lại nhiều lần.

 

 

Những ai mong muốn làm chính trị để thay đổi đất nước trong thời nay, nên đọc cuốn tiểu thuyết này, bởi trong đó, tác giả đã mô tả rất nhiều các cách thức để có được sự đổi mới của một đất nước. Những ai vẫn còn tin vào tình yêu, vào cái đẹp và trí tuệ và đang lạc lõng giữa thời buổi rối ren này thì càng nên đọc cuốn tiểu thuyết này, bởi sẽ bắt gặp trong đó chính bản thân mình trong nhân vật Hồ Nguyên Trừng, con trai của Hồ Qúy Ly, đóng vai của người kể chuyện. Cho đến nay, chưa cuốn tiểu thuyết dã sử nào vượt qua được tầm cỡ của “Hồ Qúy Ly”. Cho dù sau đó không lâu bà Võ Thị Hảo cố tạo ra khác biệt bằng “Giàn thiêu”, nhưng xét về mức độ nghệ thuật, tư tưởng nhân sinh và thái độ nghiêm túc với lịch sử thì không thể sánh được.

Với những ai thích đọc những câu chuyện mang tính chất sử thi và thiên về hành động có thể đọc bộ ba tiểu thuyết “Bên sông truyền hịch”, “Bên bờ Thiên Mặc” và “Trăng nước Chương Dương” của tác giả Hà Ân. Nếu xét về sáng tạo, Hà Ân không thể bằng Nguyễn Xuân Khánh nhưng về văn phong mượt mà và tạo được không gian hào hùng của cuộc chiến vua tôi nhà Trần chống quân Nguyên Mông xâm lược, thì Hà Ân không hề thua kém. Đọc bộ ba tiểu thuyết này của ông thường dễ khiến người đọc nghĩ rằng hẳn ông từng có một kiếp nào đó tham gia vào trận chiến ấy. Trong cái không khí sến súa và đấu đá quyền lực mà các tiểu thuyết như “Thành Kỳ Ý” mang lại thì đọc lại tiểu thuyết của Hà Ân sẽ khiến người ta thấy khinh miệt những mưu chước tiểu nhân không mang lại lợi ích gì ngoài “mua vui”. Mà cái trò “mua vui” bằng mưu chước ấy, Việt Nam ta không thể lại được với “Đông Chu liệt quốc”, “Tam quốc diễn nghĩa” hay “Thủy Hử” cho được!

 

 

Một cuốn tiểu thuyết dã sử kỳ thú rất khó để có thể tìm mua hiện nay là cuốn “Vạn xuân” của nữ tác giả người Pháp Yvelin Féray. Cuốn tiểu thuyết này khi ra đời đã gây ra rất nhiều tranh cãi bởi góc nhìn của một người Tây về cuộc đời của Nguyễn Trãi liệu có làm hỏng hình tượng của một danh nhân văn hóa dân tộc hay không. Nếu cứ lo sợ như vậy, có lẽ sẽ chẳng bao giờ văn học dã sử có tác phẩm hay. Ca ngợi cuốn tiểu thuyết này thêm nữa có thể là thừa, xin mượn câu nhận xét của nhà thơ Huy Cận về tác phẩm này:

…Chị Yveline Féray! Chị hút nhụy từ đâu để có được giọng văn hào khí ấy, để có được sự trực giác lung linh và sâu thẳm ấy, khi viết về cuộc chiến đấu hào hùng của quan khởi nghĩa và của nhân dân, và khi đoán hiểu được tâm hồn Nguyễn Phi Khanh và Trần Thị Thái, tâm hồn Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ qua hai cuộc tình duyên đẹp đẽ mà như có dấu ấn của số mệnh in vào?…Cái bi kịch của Nguyễn Trãi có phải là một tâm hồn lớn phải sống trong một xã hội chật hẹp, ngặt nghèo không? Và vấn đề của thời đại Nguyễn Trãi có phải là vấn đề xây dựng và sử dụng quyền lực sao cho hợp với lòng dân và vận nước? Một tác phẩm nói về những sự kiện và những con người cách đây 5 thế kỷ lại mang tính thời sự không ngờ…

Một nhà văn chọn viết tiểu thuyết dã sử thường bởi nhiều lẽ, nhưng chắc chắn không phải là để kiếm tiền hay phục vụ chính trị (những người viết dã sử với mục đích ấy, người ta gọi là bồi bút). Họ chỉ có thể viết tiểu thuyết dã sử khi bên trong tiềm thức của họ có cảm ứng với một thời đại nào đó, khiến họ khi đọc một mẩu lịch sử có được cái cảm giác rằng mình đang ở trong chính thời lịch sử ấy. Và đương nhiên, nhà văn viết dã sử luôn có tư duy chính trị của riêng mình.

Một cái nhìn về lịch sử và bóc tách lịch sử của nhà văn chính là cách nhà văn thay đổi cái nhìn của công chúng về một giai đoạn quá khứ nào đó, và đồng thời cũng thay đổi nhận thức của độc giả về thực tại mà họ đang sống. Bởi thế, kẻ tầm thường không thể viết được một cuốn tiểu thuyết dã sử tầm vóc cho dù có khoác lên trang viết của mình những tình tiết có thật trong lịch sử.

Nguồn: bookhunterclub

---

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về các cuốn sách hay tại link:https://www.facebook.com/bookademy.vn

Trở thành CTV viết reviews sách để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị cùng Bookademy, gửi CV (tiếng Anh hoặc Việt) về: [email protected]

 

 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

2,410 lượt xem