Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Bookademy] Review Sách “Cây Vỹ Cầm Cuồng Nộ”: Chìa Khóa Của Thành Công Chính Là Biến Những Điều Không Thể Thành Có Thể

Dòng phụ đề “Câu chuyện về người thầy hà khắc và nghệ thuật hoàn thiện con người” khiến bạn liên tưởng đến điều gì? Cuốn sách đi ngược với thời đại khi ngợi ca thành công của cách giáo dục hà khắc? Một câu chuyện về kỹ năng sống đánh thức tiềm năng và vứt bỏ mọi giới hạn? Hay một lời khẳng định giá trị của sự cố gắng?

Tôi chỉ đơn giản là đọc cuốn sách mà không có sẵn bất cứ ý niệm gì trong đầu. Nhưng thật bất ngờ, sau khi đọc xong, tôi cảm thấy như mình có thêm thật nhiều thứ …

Cuốn sách đem đến cho độc giả không chỉ là những bài học trong phạm vi giáo dục, định hướng nghề nghiệp, mà hơn hết, nó còn là những triết lý mang tính nhân sinh trong cuộc sống, bao gồm cả giá trị của thành công, cách sẻ chia, cách vượt qua khó khăn và cách cảm nhận hạnh phúc.

Những câu chuyện, những hình ảnh về người thầy, người cha, về tình bạn cứ thế trôi theo mạch cảm xúc của những con người còn sống.

  1. Quá khứ bất hạnh của người thầy vĩ đại bậc nhất

Sau này, khi đã trở thành một nhà dạy nhạc nổi tiếng, báo chí gọi thầy K là “người sống sót sau thời kỳ khủng bố diệt chủng của phát xít Đức:

Khi 16 tuổi, thầy có những trải nghiệm hoàn toàn khác: từng bị bắn,bị đâm và bị bỏ đói. Thầy đã bỏ trốn khỏi quê hương (Ukraine) hai lần. Đất nước của thầy bị ba phe đối lập chiếm đóng, cha đẻ cũng như cha dượng của thầy đều bị bỏ tù. Thầy gia nhập đội quân du kích Ukraine và từng suýt bị giết chết. Cuộc đời của thầy xuất phát từ con số 0 khi lần đầu trên đặt chân đến khu trại tập trung đầy chuột cống ở ngoại ô Munich.

Hình ảnh của lịch sử được hiện ra theo dòng chảy của mạch chuyện:

Năm đó, nạn giết chóc bắt đầu hoành hành. Ở vùng Ukraina do Xô Viết chiếm đóng, khi chính phủ tịch thu hết trang trại, sung công mùa màng và lương thực, hàng triệu người dân đã bị bỏ đói đến chết. Các khu làng đều bị càn quét, người lớn bị bỏ mặc tới chết trên đường phố, những đứa trẻ bụng ỏng ngồi trên ghế nhà trường… Có tới 2500 người ở Ukraina do Xô Viết chiếm đóng đã bị kết án ăn thịt đồng loại. Chế độ Xô Viết phải trưng biểu ngữ cảnh báo rằng:

          ĂN THỊT CON MÌNH LÀ MỘT HÀNH ĐỘNG MAN RỢ.

Điều tồi tệ hơn đã xảy đến. Chiến tranh nổ ra vào năm 1939, Jarema (tên gọi lúc còn trẻ của thầy K) chỉ thấy xung quanh mình toàn giết chóc và đổ máu, tội ác và sự phản bội, khi quê hương Ukraina xinh đẹp của cậu bị chiếm đóng bởi Nga, rồi tới Đức, rồi lại Nga. Mỗi lần một quân đội khác xâm lược, người dân Ukraina lại bị đối xử như những mầm mống nổi loạn. Họ bị treo cổ hoặc bắn chết ngay trên đường phố, bị chuyển đến các trại tập trung hoặc buộc phải làm nô lệ. Những người hàng xóm láng giềng phải đề phòng lẫn nhau, dân Do Thái bị tàn sát.

Lính Đức trưng dụng trường học trong quân đội, quay Jarema và những người bạn học của cậu lại và chuyển họ tới một đơn vị pháo binh phòng không, với tư cách là những “tình nguyện viên” trợ chiến. Gần như ngay lập tức, các học sinh nam được giao cho nhiệm vụ làm mồi nhử trong đêm, bật đèn sáng tại khu nhà máy pháo binh giả, thu hút bom của quân Đồng Minh. Những quả bom lấy họ làm mục tiêu thay vì những nhà máy thực sự được che dấu cách đó vài dặm. Và những cậu thanh niên trẻ trung chưa hiểu hết sự đời đã phải đối mặt với án tử hình.

Chiến tranh đã cướp đi tuổi thơ của thầy K. Tuy nhiên, chính trong cái hoàn cảnh éo le, gian khổ ấy, cậu bé Jarema chợt nhận ra tầm quan trọng của âm nhạc đối với cuộc đời của mình. Nó mang cậu thoát khỏi chiến tranh, thoát khỏi sự chết chóc vây quanh, thoát khỏi sự bất ổn trong tương lai. Thay vào đó, nó mở ra một thế giới tràn ngập những điều tươi đẹp. Âm nhạc đong đầy ánh sáng trong cậu và đẩy lui bóng tối. Từ đó, Jarema khao khát được chơi một thứ nhạc cụ. Cậu phát hiện ra rằng, chính những giai điệu âm nhạc đã nâng cậu lên và xua đi nỗi kinh hoàng. Nó (âm nhạc) là một sự giải thoát. Trong cậu lóe lên một niềm tin thần thánh về nguồn năng lượng của âm nhạc.

  1. Người thầy vĩ đại

Thứ kỷ luật nghiêm khắc, theo quan điểm của thầy, là vô cùng cần thiết đối với việc duy trì sự tồn tại về thể chất và tinh thần. Hoàn cảnh đã buộc thầy phải học cách tự kiêm soát bản thân như vậy. Từng sống sót qua hai cuộc chiến tranh và những bi kịch lớn trong cuộc đời, thầy K học được cách làm chai sạn cảm xúc của mình.

Thầy K là một người thầy hà khắc nhất, nếu không muốn nói là tàn nhẫn. Nếu dạy học ở thời điểm hiện tại, thầy hẳn sẽ chẳng có lấy một cơ hội, không có lấy một đứa học trò. Lý do đơn giản là chẳng có một phu huynh nào đồng ý, hay cho phép thầy gọi con cái của họ là “đồ điếc” hoặc “đồ đần độn” cả. Tuy nhiên, điều đó không hề làm tổn thương những người học trò, thậm chí sau khi đã trưởng thành, họ còn cảm thấy yêu ông rất nhiều vì điều đó.

Người đàn ông in đậm trong tâm trí tôi là một người khổng lồ đáng sợ, lúc nào tôi cũng nhớ tới ông với cây gậy chỉ huy hoặc cây bút chì cùn nắm chặt trong tay. Trong trí nhớ của tôi, ông có chất giọng cao, bùng nổ với một vóc dáng lừng lững, đến mức che hết cả ánh nắng chiều chiếu vào căn phòng qua khung cửa sổ.

Nếu đọc kỹ tác phẩm, có lẽ ấn tượng đầu tiên mà người ta nhớ khi nhắc đến thầy K chính là những tiếng gào thét kiểu: “Đứa đần nào chơi sai nốt thế?”, “Làm lại”, “đừng chơi đàn như thể đang kéo một miếng giẻ bẩn ấy!”… Cái vẻ “chẳng khác gì một gã trọng tài đang nổi điện lên” của thầy K luôn khiến cho những nhóc học sinh run rẩy và tự nhắc mình càng phải cố gắng nhiều hơn nữa. Và điều thật bất ngờ là cho dù thầy K có hà khắc đến đâu, thì những người học trò từng đến với thầy trong suốt 22 năm giảng dạy đều không hề có suy nghĩ bỏ cuộc vì chán nản.

Học với thầy K có cảm giác như đang chơi cho đội Yankees, bạn phải chấp nhận những thử thách kinh khủng và tồi tệ nhất, bởi vì nó mang lại cho bạn chức vô địch.

Thầy K rất nghiêm khắc khi ở trên bục chỉ huy, nhưng luôn tán thưởng học sinh của mình những lúc ông ngồi trên hàng ghế khán giả. Những lời động viên từ thầy như: “Em đã tập luyện chăm chỉ. Em đã chuẩn bị rất tốt”, “Thầy tự hào về con”, “Không tệ!”… chính là những động lực to lớn cho những đứa trò còn chấp nhận bước tiếp trên con đường luyện tập gian khổ. Thầy K chính là người đã mang món quà âm nhạc tới cho hàng trăm, nếu không phải hàng nghìn cuộc sống.

Thầy K dạy cho trò của mình về giá trị của luyện tập. Và bài học quan trọng nhất, rằng trong âm nhạc, hạnh phúc thật sự chỉ có thể đạt được nhờ luyện tập hết mình. Công việc là một liều thuốc bổ, không có niềm hạnh phúc thực sự nếu không làm việc chăm chỉ:

Tôi không thể. Không còn đường quay lại nữa. Chỉ có thể tiến lên mà thôi.

Tôi liều mạng chơi.

Ở những nốt nhạc đầu tiên, tôi cảm thấy như tất cả khán giả đều thấy các bắp thịt của tôi đang co rút dữ dội, cổ họng tôi khô khốc. Nhưng rất nhanh chóng, thầy K quay trở lại với tôi, đẩy lùi mọi nỗi sợ hãi và giúp tim tôi đập chậm lại. Thầy tin tưởng rằng tôi có thể làm được. Thầy chắc chắn điều đó. Thầy đặt niềm tin ở tôi. Và tôi đã sẵn sàng.

Cảm giác đó là một loại tàu lượn siêu tốc tuyệt vời, không phải loại bất ngờ đẩy những đứa trẻ xuống lòng đại dương. Đó là cảm giác của sự luyện tập vất vả, nhưng nó cũng thật … vui.

Phương pháp dạy nhạc của thầy K thật đặc biệt, chính trong sự khắt khe ấy là nghệ thuật hoàn thiện con người. Thầy đã dạy cho những người học trò không được phép nói từ “không có khả năng”. Bài học từ thầy K là không để cho người khác nói rằng mình không thể làm được điều gì đó. Ông thúc ép học sinh của mình phải luyện đàn chăm chỉ, nhưng ta có thể cảm nhận rằng ông cũng rất tin tưởng ở những người học trò của mình. Ông ép mọi người làm được tốt hơn những điều họ nghĩ.

Thầy K không chỉ dạy trò về thứ nghệ thuật từ con tim, mà ông còn dạy trò biết yêu thương những khiếp người khốn khổ:

Lần đầu tiên tôi đi biểu diễn ở một nhà điều dưỡng cùng với dàn nhạc của trường, khi chiếc xe buýt màu vàng đang từ từ chạy vào khu vực đỗ xe, thầy K đứng dậy từ hàng ghế phía trước trong tư thế chân rộng bằng vai, ngăn không cho chúng tôi xuống xe.

‘Ngồi xuống’, thầy K nói to, ‘các em chưa được đi đâu.’

Chúng tôi rất lo lắng, tự hỏi không biết mình đã làm sai điều gì.

Rồi thầy nói một tràng những điều mà sau này tôi còn phải nghe mười mấy lần nữa.

‘Đừng có sợ!’ Thầy nói.

Chúng tôi nhìn thầy đầy bối rối.

‘Họ rất muốn nói chuyện với các em, được chạm vào các em, ôm hôn các em.’

Thật ư?

‘Hãy để họ làm như vậy. Họ rất ít khi được gặp nhiều trẻ con đến thế.’

Thầy K bảo rằng một số bệnh nhân đã già và một số khác thì sắp chết, có thể chúng tôi sẽ cảm thấy rất khó chịu với những gì nhìn thấy bên trong, rất tệ là đằng khác.

… Đúng như thầy nói, họ đều rất khốn khổ.

Bộ môn giảng dạy của thầy K là âm nhạc, nhưng bài giảng của thầy cho học sinh là về cả thế giới quan.

  1. Người cha với tình yêu thương vụng về nhưng chân thật

Trong gia đình, thầy K đảm nhận vai trò của một người đàn ông phải chăm sóc một người vợ ốm đau, với một đống hóa đơn thuốc men cần thanh toán và hai cô con gái mới lớn cứng đầu, ương ngạnh.

Đó là người cha đã dạy cho hai cô con gái biết bao điều vô cùng giá trị: cách trồng vườn, cách chọn gậy leo núi, cách đi xe đạp, bơi, lái xe ô tô, yêu thích âm nhạc và chơi đàn violon. Cách trở thành những người cha mẹ biết quan tâm. Cách trở nên mạnh mẽ. Họ cùng nhau đối mặt với những nỗi buồn sâu thẳm nhất và những niềm vui lớn lao nhất trong cuộc sống.

Một người cha nghiêm khắc nhưng dẫu sao tình cha của thầy K đối với cô con gái cũng khiến ta thấy cảm động, bằng việc dành những lời an ủi chân thành và tình cảm, một lời an ủi khiến độc giả bất ngờ và cảm động, khi con gái ông gặp thất bại đầu tiên trong con đường âm nhạc của mình:

Khi kết quả được thông báo, tôi đã phải kiểm tra đến hai lần để chắc chắn mình không đọc nhầm danh sách. Chính là nó, chữ đen và trắng: tôi chỉ được xếp hạng là trợ lý violon chính của dàn nhạc.

Vị trí thứ hai.

Bố ôm tôi trong lòng, trên chiếc ghế bành to màu nâu trong phòng khách. Tôi khóc như mưa, tới mức nước mắt ướt đẫm cả áo sơ mi và cà vạt của ông.

Tôi chưa bao giờ biết rằng mình lại coi trọng việc bị trượt khỏi vòng kiểm tra đến thế. Cảm giác làm bố thất vọng thật tồi tệ. Thất vọng với bản thân còn là một cú sốc lớn hơn. Tôi đã không luyện tập đủ. Tôi lặng lẽ trách móc bản thân. Tôi đã không đạt yêu cầu. Tôi đã không thực hiện được điều mà lẽ ra tôi đã phải làm được. Tôi quá nhu nhược. Tôi đã không đủ chăm chỉ, tôi đã không nghiêm khắc với bản thân. Làm sao tôi lại có thể lười biếng như thế? Tôi đã làm tất cả mọi người thất vọng. Món cocktail quen thuộc của việc tự chỉ trích bản thân và cảm giác tội lỗi lại xâm chiếm lấy tôi.

Bố ôm tôi một lúc lâu, vuốt tóc tôi và nói nhỏ: ‘Bố biết con đã cố gắng hết sức. Suỵt. Được rồi mà, con gái.

Tình cha ấy không chỉ dừng lại ở mức độ sẻ chia. Tình cha ấy còn làm tôi cảm động đến đau lòng bởi…  Nỗi đau chiến tranh đối với ông có khi lại không thấm vào đâu so với nỗi đau mất con gái. Đằng đẵng nhiều năm sau khi cô con gái út Stephanie bị mất tích, thầy K dường như chết đi một nửa vì nỗi buồn đau khôn xiết.

"Khi trở về nhà, bỗ vẫn mong nhìn thấy Step trên ngưỡng cửa”, ông thú nhận trong một khoảnh khắc yếu lòng, “bố sợ về muộn quá, chẳng may nó đã chờ ở đó, bị khóa ở ngoài và bị lạnh".

Ông trở nên kín đáo và luôn giữ kiểm soát. Ông rất hiếm khi nói về nỗi tuyệt vọng của mình… Có những lần vào giữa đêm, rất lâu sau khi học sinh đã về hết, ông đi lang thang vô định trong nhà, lên xuống các phòng, bước vào những căn phòng trống. Tới một lúc, ông vào hẳn bên trong căn phòng nới ông vẫn thường kể chuyên cho Stephanie nghe trước khi đi ngủ, ôm em vào lòng trong sự an toàn và ấm áp, trao những nụ hôn chúc ngủ ngon. Ông không chạm vào bất cứ thứ gì trong căn phòng lộn xộn của em. “Đó là một nơi linh thiêng, giống như bữa tiệc cưới trong tiểu thuyết, tất cả đều được giữ nguyên vị trí đợi em về, phủ đầy bụi”.

Người thầy, người cha ấy đã ra đi trong niềm tiếc nuối của tất cả những con người đã bước qua cuộc đời ông. Thầy K đã đầu hàng trước căn bệnh Parkinson, thọ 81 tuổi. Đối với những năm tháng cống hiến cho sự nghiệp giảng dạy âm nhạc của mình, thứ hình ảnh về ông còn lại trong lòng những người còn sống không chỉ là niềm kính trọng, lòng yêu thương, mà trên hết là lòng biết ơn sâu sắc. Ông đã nuôi dưỡng những tâm hồn, và dạy họ cách tự hoàn thiện nhân cách.

Phần cuối câu chuyện miêu tả một đám tang đặc biệt của một con người đặc biệt. Đám tang của thầy K chỉ toàn những niềm vui! Người ta không được chứng kiến cảnh ai đó nghẹn ngào, hoặc ai đó lặng lẽ rơi nước mắt. Thay vào đó, những người tham dự đám tang thầy K lại mang trong mình cảm xúc của một khán giả đi xem một buổi hòa nhạc không chuyên. Đó là một buổi hòa nhạc giản dị nhưng chưa bao giờ chứa đựng nhiều tình cảm chân thành đến thế, một buổi hòa nhạc của biết bao thế hệ học trò cùng tập trung lại và dùng tiếng đàn để gửi lời “Tạm biệt” tới người thầy vĩ đại của mình.

Kết luận

Tôi cảm thấy mình thật may mắn khi cầm trên tay tác phẩm “Cây vỹ cầm cuồng nộ”, bởi tôi đã tìm thấy trong từng trang sách những triết lý về âm nhạc, về giáo dục, về cuộc đời… Có lẽ nổi bật nhất trong ký ức của các tác giả về thầy K chính là sự lạnh lùng, khắc nghiệt đến mức mâu thuẫn với tất cả những gì chúng ta thường hình dung về việc học âm nhạc. Thế nhưng, giá trị lớn nhất mà sự hà khắc đó mang lại chính là những thành công, những bài học về cách làm người và thực tế cuộc sống. Đây chính là một cuốn sách về giáo dục âm nhạc tiêu biểu mà bất cứ ai, dù không chuyên sâu về mảng nghệ thuật này, cũng nên dành thời gian để đọc và trải nghiệm.

 

Tác giả: Nguyễn Nhiên - Bookademy

---

Trở thành CTV viết reviews sách để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị cùng Bookademy, gửi CV (tiếng Anh hoặc Việt) về: [email protected] 

Theo dõi fanpage của  để cập nhật các thông tin thú vị về các cuốn sách hay tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn

 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,439 lượt xem