Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Bookademy] Review Sách “Chấm Dứt Thời Đại Trung Quốc Giá Rẻ”: Những Xu Hướng Kinh Tế Và Văn Hóa Sẽ Làm Đảo Lộn Thế Giới

Nhắc tới Trung Quốc, có lẽ ấn tượng đầu tiên đối với mỗi người Việt là các loại hàng hóa “Made in China” vốn đã trở thành một cụm từ không mấy thiện cảm. Còn dưới con mắt của người Mỹ thì sao? Là một người Mỹ dành thời gian 20 năm sống và làm việc tại Trung Quốc, Shaun Rein – Giám đốc Tập đoàn Nghiên cứu thị trường Trung Quốc (China Market Research Group – CRM) may mắn hơn nhiều người khi ông được chứng kiến sự đổi thay đầy ngoạn mục của một Trung Quốc đang chuyển mình mạnh mẽ.

Tác giả đã nói về những đổi thay, những cái được, mất, những mặt còn tồn động của một Trung Quốc sau 20 năm trong ấn tượng của chính ông. Qua những cuộc phỏng vấn với các tỷ phú, quan chức chính phủ, giám đốc các công ty Trung Quốc và nước ngoài, người lao động nhập cư nghèo và cả gái điếm, tác giả đã giải thích được hiện tượng lớn hơn về việc tại sao người lao động Trung Quốc không còn muốn làm việc như nô lệ với mức lương rẻ mạt, thay vào đó là “sưu tập iPhone của Apple và giày Air Zoom của Nike”, và điều đó có ý nghĩa gì đối với phần còn lại của thế giới. Sự bốc hơi của đội ngũ lao động giá rẻ ở Trung Quốc sẽ làm đứt đoạn các chuỗi cung ứng và thói quen tiêu dùng khắp thế giới. Các nhà điều hành và các nhà hoạch định chính sách cần phải chuẩn bị trước cho khúc quanh đó, để mở ra cơ hội và tận dụng lợi thế của những thay đổi, bằng không, họ sẽ đối mặt với sự diệt vong.

Thông qua việc quan sát và trò chuyện để hiểu thêm về con người, về chính quyền, về văn hóa và lối sống của người Trung Quốc, tác giả cuối cùng cũng đã làm một việc đúng với chuyên môn của mình, đó là đưa ra những lời khuyên thiết thực nhất cho những ai có mong muốn lập nghiệp tại đất nước năng động này.

"Không quan trọng việc bạn là một doanh nhân, chính trị gia, giáo viên, hay chỉ là một người thấy tò mò về Trung Quốc và những đổi thay trong thế giới ngày nay; điều quan trọng là phải hiểu, thông qua việc sử dụng các điểm dữ liệu khách quan thay vì những dữ kiện ảo và sai lạc, sự chấm dứt của thời đại Trung Quốc giá rẻ sẽ ảnh hưởng như nào tới cuộc sống của chúng ta. Tôi nhắm tới chính điều đó bằng cách lần theo những trải nghiệm của tôi ở Trung Quốc, từ lúc tôi còn là một thiếu niên vào giữa những năm 1990, tới giờ là một doanh nhân và nhà tư vấn, và việc tôi dần học hỏi và hiểu đất nước này như thế nào."

Chương 1: Trung Quốc vượt Mỹ về số lượng tỷ phú

Giới lãnh đạo doanh nghiệp phương Tây thường dại dột giễu cợt rằng các thương hiệu Trung Quốc không bao giờ cạnh tranh được với các thương hiệu của phương Tây ở bất cứ phương diện nào, trừ giá cả. Trên thực tế, những thương hiệu Trung Quốc ngày nay đang nhanh chóng leo cao trên chuỗi giá trị để cạnh tranh về thương hiệu và sáng tạo. Trong bối cảnh kinh doanh ở Trung Quốc, ta thấy đầy rẫy những thất bại của những thương hiệu số một toàn cầu khi họ cập bến Trung Quốc. Nhiều người chỉ trích rằng chính quyền Trung Quốc tạo sân chơi không công bằng khi hỗ trợ các công ty quốc nội so với các công ty nước ngoài, nhưng thực tế là "Google đã thua cuộc trước Baidu vì công nghệ của Baidu dùng cho việc tìm kiếm bằng tiền Hoa tốt hơn nhiều. Trang bán đấu giá trên Internet eBay thua cuộc trước Taobao vì Taobao đã áo dụng một hệ thống thanh toán kiểu đặt cọc có tên là Alipay giúp hạn chế lừa đảo".

Bên cạnh đó, cần ý thức rằng người Trung Quốc cũng ưa mến các thương hiệu Trung Quốc. Khi phải lựa chọn, người tiêu dùng Trung Quốc có xu hướng thích các thương hiệu nội địa hơn nếu họ cảm thấy chúng cũng tốt như sản phẩm tương tự của các đối thủ nước ngoài. Việc mua sản phẩm mang thương hiệu Trung Quốc hấp dẫn ở chỗ nó làm tăng tinh thần dân tộc, và người Trung Quốc tin rằng các sản phẩm nội địa có thể đáp ứng được phong vị và sở thích địa phương.

Các thương hiệu nước ngoài không nên đánh giá thấp sự vươn lên của các thương hiệu Trung Quốc. Họ năng nổ, được bơm vốn dồi dào và ngày càng chi tiêu nhiều tiền cho nghiên cứu và phát triển. Họ đang chiêu mộ những đội ngũ kỹ sư tốt nghiệp ngành kỹ thuật ở các trường đại học hàng đầu trên toàn thế giới để tăng cường cho nghiên cứu và phát triển.

Chương 2: Không còn chuyện lao động Trung Quốc giá rẻ nữa?

Người lao động Trung Quốc đang đòi hỏi mức lương cao hơn và điều kiện làm việc tốt hơn - và họ đang nhận được điều đó. Ngày càng ít người lao động Trung Quốc sẵn lòng làm việc trong các nhà máy vì họ cũng muốn tận hưởng lối sống tiêu dùng kiểu Mỹ và tìm kiếm những công việc thoải mái hơn, gần hơn với gia đình. Những thay đổi về lực lượng lao động Trung Quốc là một dấu hiệu tăng trưởng lành mạnh cho nền kinh tế. Công việc với mức lương cao hơn và các nhà máy hiệu quả hơn sẽ giúp giảm tình trạng ô nhiễm bao phủ đang hoành hành khắp đất nước.

Tất cả những thay đổi này đã tạo ra một lực lượng lao động tự tin, đang buộc các công ty phải đối phó với chi phí lao động và đất đai tăng cao. Một số công ty thích nghi với sự kết thúc của thời đại Trung Quốc giá rẻ bằng cách xây dựng thương hiệu và đặt giá cao hơn cho sản phẩm của họ; số khác thích ứng bằng cách tập trung thị phần và trở thành "tay chơi" về số lượng; số khác nữa xoay sở bằng việc chuyển các nhà máy sang bán hàng ở nội địa Trung Quốc và các thị trường mới nổi khác.

Chương 3: Ổn định là chìa khóa của hạnh phúc

Hầu như mọi người Trung Quốc giờ đây đều đầy ấp niềm tin và kỳ vọng vào một cuộc sống tốt đẹp hơn với chính bản thân và con cái họ. Điều gì khiến họ lạc quan đến vậy? Họ không hề mù quáng. Họ nhìn thấy những vấn đề tham nhũng và ô nhiễm mỗi ngày, nhưng nhìn chung tâm lý của họ được tích lũy từ 30 năm cơ hội và cải cách chính trị, điều đã tạo ra một xã hội tự do và lành mạnh hơn bao giờ hết ở Trung Quốc.

Những cải thiện rõ ràng đã tạo ra sự lạc quan rất lớn. Mọi người đều tận hưởng sự thịnh vượng và ổn định mới hình thành, nhưng nỗi đau, nỗi ám ảnh từ sau Cách mạng Văn hóa vẫn còn đó. Tuy nhiên, chứng kiến những tiến bộ hàng ngày khiến người Trung Quốc cố gắng phấn đấu để cải thiện cuộc sống của chính họ cùng đất nước và tập trung vào việc làm ra tiền. Khát vọng giàu có là lý do lớn khiến ngày càng ít người sẵn lòng làm việc cật lực trong nhà máy hay bán thân. Họ kháo khát vươn lên đẳng cấp xã hội cao hơn, làm ra tiền, mua các hàng hiệu đắt giá, và mang một cuộc sống tốt đẹp hơn cho gia đình. "Họ muốn phiên bản Trung Quốc của giấc mơ Mỹ".

Khi người Trung Quốc thịnh vượng và đất nước Trung Quốc ổn định ngày càng quan trọng trên đấu trường quốc tế, việc hiểu biết về lịch sử đương đại của Trung Quốc tiếp tục định hình xã hội ngày nay và trong tương lai ra sao, sẽ giúp chúng ta hiểu Trung Quốc đang nổi lên thành một quốc gia kiểu gì và điều đó sẽ làm đảo lộn thế giới ra sao, đồng thời cho phép các doanh nghiệp và chính phủ nước ngoài phản ứng kịp thời để định hướng sự phát triển đúng đắn.

Chương 4: Người phụ nữ Trung Quốc hiện đại

Việc trao quyền cho phụ nữ là một trong những tiến bộ lớn của xã hội Trung Quốc hiện đại và còn là một nhân tố góp phần vào sự kết thúc của thời kỳ Trung Quốc giá rẻ. Phụ nữ trở thành những người đóng vai trò chủ động trong việc chi tiêu; họ là những ngọn đuốc cho thái độ lạc quan của đất nước Trung Quốc và là một lực lượng lớn đằng sau sự chuyển đổi của Trung Quốc để trở thành một trong những thị trường lớn nhất thế giới. Các nhà quản lý thương hiệu phương Tây cần phải thay đổi những ý niệm lỗi thời của họ về việc người phụ nữ Trung Quốc hiện đại là ai và cô ấy muốn gì. Các công ty Trung Quốc đang bắt đầu hiểu những người tiêu dùng đầy quyền lực này và đang cải thiện các thương hiệu của họ để hấp dẫn hơn với sự đánh giá của họ.

Phụ nữ Trung Quốc ngày càng có nhiều tiền để mua các thương hiệu toàn cầu nhằm thể hiện sự khao khát đó. Các chiến dịch tiếp thị cần sử dụng những hình mẫu và khao khát trong lối sống mà phụ nữ Trung Quốc mơ ước. Thật sai lầm nếu sử dụng quá nhiều người mẫu nữ tóc vàng, mắt xanh đang đi nghỉ mát trong những khung cảnh như ở Paris trong các chiến dịch quảng cáo của họ. Một ví dụ cụ thể là các nhãn hàng thời trang quốc tế nên sử dụng người mẫu Trung Quốc để cho người Trung Quốc thấy họ trông ra sao khi mặc những bộ đồ đó và các hình ảnh gần gũi hơn với người Trung Quốc.

Chương 5: Tại sao người Trung Quốc nghĩ gà rán KFC tốt cho sức khỏe

Khái niệm “tốt cho sức khỏe” của người Trung Quốc dễ bị gộp chung với khái niệm “an toàn thực phẩm”. Chuỗi cung ứng thực phẩm thiếu đảm bảo ở Trung Quốc khiến thưc phẩm an toàn có giá cao. Giàu có hơn nhờ các cơ hội giáo dục và việc làm tốt hơn, như đã được chỉ ra trong các chương trước, người Trung Quốc có tiền và sự tinh tế đòi hỏi thực phẩm chất lượng tốt hơn, và họ sẵn sàng trả giá cao hơn cho sự lựa chọn an toàn và tốt cho sức khỏe. Người Trung Quốc tin tưởng các thương hiệu thức ăn nhanh phương Tây như KFC vì họ tin các hãng đó sẽ không "đi ngang về tắt" trong quy trình cung ứng thực phẩm.

“Không khó hiểu tại sao người tiêu dùng Trung Quốc lại sợ hãi thực phẩm bẩn và nhiễm độc như thế. Các câu chuyện xuất hiện liên tục trên báo chí và các diễn đàn trực tuyến về những nông dân, nhà hàng, siêu thị bán thịt hết hạn, bơm chất phụ gia để khiến thịt heo nhìn giống thịt bò, dán nhãn sản phẩm không đúng, và thầm chí bơm nước bẩn vào dưa hấu và các loại trái cây khác để chúng nặng hơn. Một phụ nữ nói với tôi rằng mẹ cô đã mua tôm làm sẵn mà bà nghĩ là nhìn rất đẹp và hồng hào, nhưng bà vẫn rửa cho chắc, đề phòng trường hợp tôm có bẩn chút ít. Bà kinh hoàng nhận thấy chất nhuộm bắt đầu chảy ra từ tôm biến nước thành màu hồng. Bà đã vứt chỗ tôm đó đi, vì không biết chất lượng của chúng ra sao và sợ người ta thêm hóa chất gì vào."

Chuỗi cung ứng thực phẩm của Trung Quốc rõ ràng là một đống lộn xộn và đang đầu độc người Trung Quốc theo đúng nghĩa đen. Nó gây ra những nỗi sợ hãi và phản ứng dữ dội trên khắp thế giới, vì Trung Quốc đóng một vai trò trọng yếu trong chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu. Nhiều loại thực phẩm chế biến nằm trên các kệ hàng trong những siêu thị Việt Nam cũng bao gồm cả những nguyên liệu bắt nguồn từ Trung Quốc.

Nhu cầu của người tiêu dùng đối với chất lượng tốt hơn đang buộc các công ty phải chấm dứt làm ăn theo kiểu Trung Quốc giá rẻ. Vể mặt tài chính, việc bán các sản phẩm có lợi cho sức khỏe và an toàn với giá cao có lợi hơn so với việc tập trung vào cắt giảm chi phí gây tổn hại chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, làm thương hiệu là chưa đủ, vì nỗi sợ mua phải hàng giả, hàng nhái hay sản phẩm hết hạn ở các cửa hàng vẫn là một mối lo lớn. Các thương hiệu phải tập trung vào xây dựng lòng tin thông qua chính sản phẩm và thương hiệu, nhưng họ cũng phải phát triển các kênh bán hàng đáng tin cậy.

Chương 6: Hiểu về tham nhũng ở Trung Quốc

Người phương Tây thường nghĩ tới chính quyền Trung Quốc như một thực thể toàn trị khổng lồ, đơn nhất, nhưng trong thực tế có rất nhiều phần khác nhau. Chính quyền địa phương (tỉnh, hạt, thị xã và quận) ở dưới quyền hành của chính quyền trung ương, nhưng họ được trao quyền trong việc triển khai và giải thích các chính sách trên toàn quốc, thậm chí đôi khi các quan chức địa phương “phớt lờ” chỉ thị của chính quyền trung ương. Những vùng khác nhau và các bộ phận khác nhau bên trong chính phủ thường cạnh tranh với nhau, và trong một số trường hợp, có lợi ích hoàn toàn đối lập nhau. Cần phân tích những bộ phận khác nhau của chính quyền thông qua một lăng kính đa sắc hơn để hiểu sự chấm dứt của thời kỳ Trung Quốc giá rẻ đang ngày càng buộc hệ thống quan liêu phải thay đổi như thế nào.

Chính quyền hạn chế các quan chức không được chuyển sang lĩnh vực tư nhân sau khi họ về hưu, nên có rất ít kênh để các quan chức địa phương kiếm tiền riêng cho mình, thế nên họ lựa chọn con đường “hối lộ”. Những quan chức tham nhũng bảo vệ những hoạt động bất hợp pháp miễn là các hoạt động này không gây ra những ảnh hưởng ngoài tầm kiểm soát.

Giành được sự ủng hộ và chấp thuận của tất cả các cấp chính quyền là cực kỳ quan trọng; bằng không, các công ty có thể đối mặt với những khoản phạt, những sự trì hoãn hay thậm chí là tịch thu toàn bộ tài sản. Nhưng các giám đốc đừng dại dột đánh giá quá cao tầm quan trọng của các "mối quan hệ". Họ không bao giờ nên tin tưởng toàn bộ một dự án dựa trên quan hệ bởi khi ngọn gió quyền lực đổi chiều, họ có thể bị bỏ mặc trong rắc rối. Nói một cách cụ thể hơn, khi các quan chức mới thay thế những quan chức cũ, họ thường chấm dứt hoặc gây khó dễ với các doanh nhân quá gắn bó với người tiền nhiệm. Tốt hơn cả là có quan hệ gần gũi, bền vững với giới lãnh đạo nói chung thay vì bị coi là quá thân thiết với một quan chức hay phe phái cụ thể.

Một trong những vấn đề lớn nhất mà Trung Quốc hiện nay đang đối mặt đó là sự cưỡng đoạt đất đai và cướp đất của nông dân cho các dự án bất động sản và các dự án cơ sở hạ tầng mới (xe lửa cao tốc. tàu điện ngầm...). Nhiều quan chức địa phương vô đạo đức đã nhận hối lộ của công ty bất động sản, sử dụng lực lượng cảnh sát tham nhũng ở địa phương và bọn côn đồ để đuổi nông dân ra khỏi nhà của họ và thu về một khoản lớn thuế từ việc bán đất, nên họ thúc đẩy các dự án bất động sản bằng mọi cách. Họ thường không đền bù thỏa đáng cho những người cần tái định cư. Những công dân can đảm hơn đấu tranh chống lại sự bất công này. Trong một số trường hợp, bọn côn đồ được cử tới để đánh đạp và gây thương vong cho những người ở lại giữ đất, và các cuộc bạo động lan ra khắp dân chúng.

Được tiếp lửa bởi cơn giận sôi sục trước tình trạng tham nhũng đã thành dịch bệnh ở địa phương, những cuộc bạo động này nhanh chóng biến thành những vụ xung đột lớn. Hàng nghìn người nhanh chóng tập hợp lại và bắt đầu gây ra cảnh hỗn loạn. Những người biểu tình nói chung không định lật đổ cả chế độ chính trị; họ chỉ đang cố gắng ngăn cản điều mà họ coi là ăn cướp và hành vi tàn bạo của một bộ phận quan chức địa phương.

Đặc biệt đánh giá cao tầm quan trọng về nhân quyền và các giá trị dân chủ, thế nên, phương Tây luôn có một cái nhìn không mấy thân thiện và có phần phiến diện về Trung Quốc. Chỉ từ những bức ảnh, những dòng tít của bài báo, người ta sẵn sàng nghi ngờ, chỉ trích Trung Quốc và đặc biệt là bộ máy chính quyền của nước này. Ở đây có sự hiểu lầm sâu sắc về hình ảnh của Trung Quốc qua những thông tin "bị chỉnh sửa" bởi phương Tây:

"Một người đàn ông tâm thần mang theo dao tới quảng trường Thiên An Môn khi nhạc hội đang diễn ra, tìm cách đâm mọi người và la hét ầm ỹ. Giống như bất cứ lực lượng cảnh sát hiệu quả nào, cảnh sát đã bắt gã điên và lôi hắn vào trong một chiếc xe tải cảnh sát. Một tờ báo lớn của phương Tây đăng lại câu chuyện về sự cố này thổi phồng tới mức: 'Cảnh sát chống bạo động vũ trang hạng nặng ở quảng trường Thiên An Môn, chính tại nơi diễn ra vụ thảm sát năm 1989, nơi những người vô tội bị giết hại và thảm sát hàng loạt khi những binh lính to lớn, tàn bạo đàn áp đòi hỏi tự do ngôn luận của họ, đã bắt giữ một người đàn ông cầm dao có thể đã quá bức xúc bởi một chính phủ quyền hành bạo ngược'. Câu cuối cùng trong bài báo ghi nhận rằng lý do người đàn ông này nóng giận chưa được xác minh". :))))

Khi các quan chức cấp cap bị phát hiện có phạm tội tham nhũng, họ thường nhận hình phạt rất nghiêm khắc để xoa dịu dư luận. Cựu giám đốc Cục An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Nhà nước bị tử hình vì tội tham nhũng vào năm 2007. Cực bộ trưởng đường sắt Liu Zhijun đã bị bắt giữ vì bị cho rằng đã biển thủ hơn 100 triệu đô la Mỹ và gian dối trong công tác đảm bảo an toàn.

Chương 7: Lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc

Câu chuyện của hơn chục năm về trước:

"Nhiều người sống chen chúc trong những căn nhà không thể nhỏ hơn thường bốc mùi hoặc có vẻ có thể sập bất cứ lúc nào. Tôi sẽ gọi những tiện nghi trong nhiều ngôi nhà kiểu này là dưới mức cho con người, chỉ phù hợp cho súc vật ở nông trại. Những người lao động di cư ở Bắc Kinh đã chuyển vào các khu đường hầm dưới lòng đất tan hoang được xây làm nơi trú ẩn tránh bụi phóng xạ vài thập niên trước. Có rất nhiều câu chuyện kể về công nhân nhập cư sống trong nhà tắm công cộng vì ở đó có nước máy và ánh sáng."

Câu chuyện ngày nay:

Việc thiếu nhà ở chất lượng tốt, giá cả phải chăng là một trong những vấn đề lớn nhất mà Trung Quốc phải đối mặt. Giá nhà tăng cao và điều kiện sống dưới chuẩn với quá nhiều người đã gây ra sự chán nản và giận dữ trong tầng lớp thu nhập thấp, có thể đe dọa sự ổn định của xã hội nếu không được xử lý kịp thời. Một câu đùa quen thuộc trong dân công nhân xây dựng, những người dùng đôi tay và mồ hôi để xây lên những tòa chung cư cao tầng, họ phải làm việc một năm mới mua nổi một mét vuông căn hộ mà họ đang xây hay một chục năm để mua được cái toa lét.

"Chỉ đơn giản là từ quan điểm nhân quyền, rõ ràng là cần phải có nhiều nhà ở hơn nữa và tốt hơn nữa. Chính quyền không muốn có những khu ổ chuột và xóm nước đen xuất hiện, như ở Mỹ và Philippines."

Nhu cầu cho nhà bớt đắt đỏ hơn và không gian thương mại sẽ đòi hỏi các khu vực đô thị dàn trải cũng như đòi hỏi tất cả chi tiêu cơ sở hạ tầng phải được dùng vào đường sắt, tàu điện ngầm và sân bay. Ngoài điều kiện sống tồi tệ mà quá nhiều người Trung Quốc đang phải sống vì tình trạng chen chúc và thiếu nhà giá phải chăng, các công ty đang gặp vấn đề lớn trong việc tìm ra vị trí tốt để đặt cửa hàng hay văn phòng. Giao thông cũng khiến việc sắp xếp các cuộc gặp gỡ làm ăn trực tiếp trở nên khó khăn. Việc thiếu các không gian bán lẻ phục vụ cho nhu cầu của những hãng bán lẻ ngoại quốc muốn mở rộng các cửa hàng của họ cũng làm tăng cầu cho chi tiêu cơ sở hạ tầng. Các thương hiệu phải hiểu rằng, vị trí đẹp ở Trung Quốc là rất khó kiếm.

Chương 8: Chủ nghĩa thực dân mới của Trung Quốc ở châu Phi và sự kết thúc thế độc tôn của nước Mỹ

Việc Trung Quốc nỗ lực để thu hút sinh viên châu Phi cũng không phải được thúc đẩy bởi lòng vị tha thuần túy. Ngay từ những năm 1990, chính quyền Trung Quốc đã nỗ lực xây dựng quan hệ với nhiều gia đình có thế lực ở khắp châu Phi. Việc mời những người châu Phi có quan hệ tốt tới học tập ở Trung Quốc là một phần trong cuộc chiến ngoại giao đang diễn ra với Đài Loan. Cả hai chính quyền đều sử dụng các khoản vay, viện trợ, và có thể cả các thương vụ kinh doanh bí mật để được công nhận là Trung Quốc đích thực. Với tư cách là một thế lực đứng sau ở thời điểm đó, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tìm kiếm mối quan hệ gần gũi với các nước nhỏ, nước không liên kết để là đối trọng với thế độc tôn của Mỹ. Ngày nay, sau khi đã chiến thắng Đài Loan trong cuộc đua tranh giành tư cách nhà nước chính danh, Trung Quốc vẫn tiếp cận châu Phi với mục tiêu chính là "nhắm" vào tài nguyên thiên nhiên của châu lục này và thách thức quyền lực của Mỹ và có lẽ thậm chí là để thay thế địa vị thống trị của Mỹ bằng một hình thức về trật tự thế giới của riêng mình. Trung Quốc đã thúc đẩy điều đó bằng cách hợp tác với giới tinh hoa bản địa ở châu Phi, cho con cái họ học bổng. Trong một số nhiệm kỳ chính phủ, học bổng được trao cho con cái của gần như toàn bộ bộ máy chính quyền.

Mặt khác, Trung Quốc chuyển giao bí quyết công nghệ và xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng như đường sá, đường cao tốc và cầu cống ở các nước châu Phi mà không đi kèm bất cứ điều kiện nào về các vấn đề như việc cai trị. "Giới tinh hoa ở châu Phi chào đón đầu tư và thương mại ở Trung Quốc đang tăng nhanh. Gần một triệu công dân Trung Quốc hiện sống ở châu Phi, một phần trong dòng tiền khổng lồ của Trung Quốc đổ vào vùng nông thôn châu Phi."

Đổi lại, chính phủ châu Phi trao cho những công ty khai khoáng khổng lồ thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc quyền tiếp cận dài hạn với các sản phẩm trao đổi quý giá như các quặng đồng, sắt, dầu mỏ...

Việc đầu tư của Trung Quốc không phải lúc nào cũng được dân thường ở châu Phi chào đón, nhiều người coi Trung Quốc là quốc gia mới nhất trong một danh sách dài những con buôn chính trị ngoại bang có ý đồ bóc lột châu lục này. Nhiều người cảm thấy họ đang lao động trong những hầm mỏ hay các dự án cơ sở hạ tầng mà không nhận được lợi nhuận cá nhân đáng kể nào.

Việc đối phó với thái độ thiếu tin tưởng ngày càng tăng về những ý định của Trung Quốc với một bộ phận dân thường ở châu Phi là một vấn đề mà các doanh nghiệp và chính quyền Trung Quốc sẽ phải đối mặt ngày càng nhiều trong tương lai. Hiện chính sách đối ngoại của Trung Quốc dựa quá nhiều vào triết lý "không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau". Là tôn chỉ cốt lõi trong chính sách ngoại giao, điều này có thể hiệu quả với một cường quốc nhỏ hơn là muốn làm bạn với chính phủ khác nhưng không muốn chịu ảnh hưởng thái quá từ bên ngoài, chứ không phải một siêu cường kinh tế với những lợi ích sâu sắc ở các quốc gia trên khắp thế giới.

Chương 9: Lĩnh vực giáo dục ở Trung Quốc

Theo nhận định của tác giả, thì lĩnh vực giáo dục là một trong những nhân tố "ngăn cản Trung Quốc củng cố địa vị siêu cường". Người trẻ Trung Quốc đơn giản là không được chuẩn bị đủ cho những thử thách và cơ hội mà họ sẽ đối mặt trong một thị trường toàn cầu và ở một đất nước đang dịch chuyển theo hướng nền kinh tế dựa trên dịch vụ nhiều hơn. Những giám đốc kinh doanh, thầy giáo và quan chức chính phủ thành đạt sẽ không thể xuất phát từ một hệ thống giáo dục chỉ dạy học trò cách đi thi và nhớ câu trả lời, chứ không phải học hỏi để phát triển và thích nghi nhanh chóng với những hoàn cảnh thay đổi.

Ngày càng có nhiều học trò Trung Quốc sẽ đi học ở nước ngoài khi mà các gia đình Trung Quốc trở nên giàu có hơn và bắt đầu gửi con cái của họ ra nước ngoài khi tuổi còn nhỏ. Những bậc cha mẹ đó muốn mở rộng tầm nhận thức của con cái họ về thế giới, một lý do thực dụng hơn là các bậc cha mẹ nghĩ rằng việc có một tấm bằng danh giá sẽ giúp con cái họ trở thành những ứng viên tốt hơn trong thị trường lao động Trung Quốc.

"Tất cả các siêu cường lớn đều có những thành trì giáo dục thu hút những sinh viên giỏi nhất thế giới. Khi người Anh còn thống trị thế giới, các sinh viên đổ về Eton và Oxford. Mỹ có ST, Paul's và Harvard. Trung Quốc hiện tại...không có gì."

Chính quyền cần xây dựng một hệ thống giáo dục mạnh mẽ hơn, không chỉ để đào tạo công dân của nước họ, mà còn để thu hút các sinh viên hàng đầu từ nước ngoài. Việc đạt được mức độ uy tín quốc tế như thế là cơ hội tốt nhất để Trung Quốc tạo ra một nguồn quyền lực mềm mạnh mẽ và sẽ hiệu quả hơn nhiều so với bất kỳ chiến dịch quảng cáo nào ở Quảng trường Thời đại hay trên CNN. Sinh viên nước ngoài học tập ở Trung Quốc sẽ mang về quê nhà không chỉ kiến thức của Trung Quốc mà còn là sự tôn trọng và hiểu biết các giá trị văn hóa, lối sống Trung Quốc.

Trung Quốc đang tích cực tuyển dụng các chuyên viên Trung Quốc từng học ở Mỹ với các gói lương bổng cạnh tranh được với đại học Mỹ. Việc đầu tư nguồn lực và chiêu mộ các nhà giáo dục quốc tế là những bước đi tuyệt vời trong việc cải cách hệ thống đổ vỡ, nhưng rốt cuộc, những cải cách cần phải tập trung vào việc học trò được dạy những gì và dạy ra sao. Nguồn tri thức cần phải được trải rộng khắp cho tất cả mọi người, chứ không chỉ tầng lớp tinh hoa.

Chương 10: Sự kết thúc của thời đại Trung Quốc giá rẻ có ý nghĩa gì đối với thế giới

Cuốn sách đã cho thấy, sự kết thúc của thời đại Trung Quốc giá rẻ đang tạo ra giai cấp tiêu dùng đầy lạc quan sắp sửa thúc đẩy cho tăng trưởng doanh thu với những thương hiệu có thể đổi mới và chăm lo cho sở thích của họ. Các công ty và quốc gia nào có thể thích nghi với trật tự thế giới mới này sẽ tạo ra những công ăn việc làm mới và hưởng lợi từ sự tăng trưởng của Trung Quốc. Với họ, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ trở thành một trong những thị trường lớn nhất của họ trong thập niên sắp tới. Họ nên ngừng gọi Trung Quốc là "thị trường mới nổi", điều đó đánh giá thấp sức mạnh thực sự ở đó, và thay vì thế, hãy coi đó là một thị trường đang thay đổi, một thị trường quan trọng ngang với những thị trường ở thế giới phương Tây.

Khi Trung Quốc có một vai trò lớn hơn về mặt kinh tế, liệu nước này có thể ngay lập tức đảm nhận vai trò một siêu cường toàn cầu mới và thúc đầy nền kinh tế toàn cầu như nhiều người vẫn mong đợi? Thực tế là Trung Quốc còn quá nhiều vấn đề nội bộ - từ việc thiếu nhà ở và chăm sóc y tế giá rẻ tới hệ thống giáo dục ngăn cản nước này đổi mới - để cho phép họ trở thành vị cứu tinh đáng hi vọng trên toàn cầu.

Trung Quốc nên được nhìn nhận như một siêu cường "thiếu niên": họ cho thấy những dấu hiệu chưa rõ ràng của một thiên tài tương lai nhưng không thể duy trì một mức độ quyền lực ổn định. Giống như một thiếu niên, nước này cần thêm sự giáo dục và trau dồi mà các chương trình đại học, sau đại học và đào tạo nghiệp vụ quản lý sẽ mang lại.

 

Tác giả: Nguyễn Nhiên - Bookademy

---

Trở thành CTV viết reviews sách để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị cùng Bookademy, gửi CV (tiếng Anh hoặc Việt) về: [email protected]

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về các cuốn sách hay tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn

 

 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

2,071 lượt xem