Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Bookademy] Review Sách "Chuyện Ở Vịnh Tokyo": Có Một Nhật Bản Mềm Mại Và Ấm Áp Đến Thế!

Từng không thể hiểu nổi sự cứng nhắc thái quá, cách làm việc điên cuồng và gu thời trang rối rắm của người Nhật, Lê Hương không nghĩ rằng, có một ngày cô sẽ yêu và nhớ thương nước Nhật da diết đến vậy.

Khi nhắc đến Nhật Bản, bạn thường nghĩ đến điều gì? Thế giới nhìn về nước Nhật với đức tính ngăn nắp quy củ, sự chuẩn mực đến từng chi tiết, truyện tranh, dân số già, những dòng người căng thẳng vì cường độ làm việc cao, tỉ lệ tự sát, ngành công nghiệp phim người lớn,… Đó là những nét phác họa cơ bản và nổi bật về đất nước này:

“Con người lịch sự nhưng lạnh lùng vô cảm, hiếm khi quan tâm đến người khác, sống một cuộc sống được lập trình đều đặn như robot. Đến trang phục của người Nhật khi đi làm cũng na ná nhau, chỉ có những màu đen, xám, trắng. Gần như không bao giờ nhìn thấy người Nhật mặc những màu như đỏ, cam, xanh cô-ban, xanh cổ vịt, kể cả là trang phục có chút hoa văn họa tiết cũng không. Nếu lạc vào một ga tàu giờ cao điểm, bạn sẽ hoa mắt khi thấy hàng trăm người quần áo giống nhau, tay cùng xách cặp đen như đồng phục, giày nện cồm cộp xuống sàn. Họ rầm rập tỏa ra từ các toa tàu, gương mặt ai cũng căng thẳng hối hả, nhìn toàn cảnh không khác gì một đội quân người máy.”

Sinh sống và học tập một năm tại Nhật Bản theo chương trình học bổng của Viện Nghiên cứu Chính sách quốc gia Nhật Bản (GRIPS), tác giả đã nhận ra nước Nhật có những khía cạnh rất khác với những gì người ta vẫn thường nói trên báo đài, cũng khác với những cảm xúc ban đầu của chính cô, đó là một Nhật Bản ấm áp và mềm mại, một Nhật Bản xinh đẹp và đáng yêu, một Nhật Bản mà cô mãi mãi không thể quên.

Chuyện ở vịnh Tokyo kể về những ngày tháng Lê Hương sống tại Nhật Bản dưới lăng kính cá nhân gồm những cảm xúc, trải nghiệm rất riêng của cô. Dù chưa từng gặp tác giả, tôi tin rằng bạn đọc có thể cảm nhận được từ giọng kể của cô một tâm hồn nhạy cảm và sáng tạo. Đó là một cô gái độc lập, mạnh mẽ đồng thời cũng rất nữ tính và giàu cảm xúc. Tokyo đông đúc và đắt đỏ, nhưng cô lại yêu thương Tokyo vì những thứ rất đỗi nhỏ nhặt và bình dị: Mùa đông Tokyo với những củ khoai nướng ấm sực thơm lừng như những ngày thơ ấu cô ngồi bên bếp lửa cùng bà; Máy bán hàng tự động xuất hiện với tần suất dày đặc trên mỗi con đường bán thứ nước chanh mật ong mà cô yêu thích; phố nhậu mịt mù khói của thịt nướng và tiếng những cốc bia va vào nhau lách cách; một cô gái người Nhật ân cần chu đáo giúp đỡ cô trong một lần gặp nạn;… Với tất cả những điều đó, dường như cô không thể ngừng yêu thương nơi này, cô gọi đó là nhà và là nơi đã cho cô một giấc mơ quá đẹp đẽ:

“Đêm nay Tokyo mưa, mà mùa này đêm nào chả mưa. Cuộn tròn trong chăn nghe tiếng mưa rơi tí tách ngoài ban công và mơ về hình ảnh con tàu lướt đi giữa hai hàng ajisai* rực rỡ. Mơ thấy tiếng loa ngân dài mỗi khi tàu vào ga “Kamakuraaaaaa Kamakuraaaaaa”… Nước Nhật trong mắt cô sinh viên quan chức chính phủ không khác mấy so với nước Nhật được hình dung từ khi còn là một cô bé, ngồi trên bậu cửa cắm cúi đọc Tốt- tô- chan, mơ một ngày được đặt chân đến trường Tô-mô-e. “Cửa sổ của các toa tàu long lanh trong nắng mai. Nhưng đôi mắt của cô bé má hồng nhìn chúng qua bụi cây còn long lanh hơn thế nữa”, đến tận bây giờ mình vẫn nhớ câu này, nhớ nước Nhật trong những giấc mơ ấu thơ.”

*ajisai: cẩm tú cầu

Học tập tại Nhật Bản

Như bất kỳ quá trình apply học bổng nào khác, con đường dành được suất học bổng của GRIPS với Lê Hương cũng rất căng thẳng và khó khăn. Những chương đầu của cuốn sách kể lại cách cô đã bén duyên với đất nước mặt trời mọc và quá trình thi cử của cô. Với sự sáng tạo và tính cách mạnh mẽ của mình, tác giả không ngừng tạo ra những dấu ấn riêng trong quá trình học tập của mình và đổi lại, nhận được sự khen ngợi của mọi người. Khi cô thuyết trình về chính sách cho những người mất mát do chiến tranh và người nhiễm chất độc màu da cam tại Việt Nam, thầy giáo của cô đã nói: “Đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy những hình ảnh này và nó thật sự chạm vào trái tim tôi.” Và còn rất nhiều lần như thế nữa tác giả khiến cho mọi người phải xúc động và ấn tượng.

Một điều nữa khiến cho quá trình học tập tại Nhật Bản của cô trở nên đáng nhớ chính là những người thầy tài giỏi và luôn tận tâm. Thầy giáo Masuyama dạy môn Chính phủ và Chính trị Nhật Bản nhưng luôn có vẻ bất cần, vui tính, bài giảng của thầy luôn độc đáo và không hề nhàm chán. Thầy Takada dạy môn tẻ nhạt nhất quả đất Tài chính của chính quyền địa phương, luôn chỉn chu đúng mực nhưng mỗi buổi học đều cố gắng mang lại cho học sinh những câu chuyện nước Nhật mà cô không thể nào quên.

Xã hội và cuộc sống tại Nhật Bản

Là một người có hứng thú với các vấn đề xã hội và học về Chính sách công, Lê Hương đã có cơ hội để thấu hiểu xã hội và con người tại Nhật Bản. Những bài báo viết về đất nước này không sai, nhưng người ta thường không đặt vào đó những tình cảm cá nhân. Qua góc nhìn của một cô gái đã thấu hiểu và trót thương yêu quá nhiều, Nhật Bản trở nên quá thân thương và đáng yêu, cho dù có cả mặt tốt và mặt xấu.

Tác giả dành rất nhiều tình cảm dành cho những chuyến tàu của Nhật Bản. Đối với mỗi người dân Nhật Bản, tàu điện là phương tiện thân thuộc và phổ biến. Cô kể về “hệ thống tàu điện được thiết kế tinh vi và phức tạp đến mức có thể làm nản lòng bất kỳ khách nước ngoài nào lần đầu đặt chân tới đây”.Cô kể về những chuyến tàu giờ cao điểm, khi mà nhân viên nhà ga phải dùng tay đẩy người vào trong tàu để đóng được cửa, nhưng chuyến tàu luôn sạch sẽ không một mẩu rác và im phăng phắc. Cô phát khiếp khi biết mỗi ngày mình sẽ phải mất hai tiếng đi tàu, nhưng hóa ra đó là chuyện bình thường với người dân nơi đây. Cô thích đường tàu Ginza mà cũng chẳng biết tại sao mình thích, thích đường tàu Yurikamome luôn cho cô cảm giác an tâm khi sắp về đến nhà,… Và cứ thế cô kể về đường tàu mà cô yêu thương:

“Đêm xuống tôi đứng ở ban công phòng mình nhìn ra vịnh và phát hiện rất gần mình có một con tàu đang miệt mài chạy trong đêm tối, cảm giác như cả vũ trụ chỉ còn tôi và con tàu còn thức, như một người bạn thầm lặng bảo “đừng lo, vẫn có tớ ở bên cậu đây”. Lại có những hôm tôi cảm thấy mất phương hướng, bế tắc, không biết phải “bơi” từ đâu và như thế nào giữa một bể kiến thức khổng lồ trong một thứ tiếng khác, tôi bỏ hết sách vở đấy ra ban công nhìn xuống và thấy dù nắng hay mưa, dù đầy khách hay không có khách, con tàu vẫn chạy cần mẫn đều đặn, qua nhà tôi, băng qua vịnh, vào ga cuối Shimbashi rồi lại quay ngược lại, rồi cứ thế cứ thế lao động miệt mài hối hả không ngừng.”

Lê Hương viết trong cuốn sách về cảm giác xót xa của cô khi chứng kiến người già ở Nhật thường tự làm mọi việc: xách đồ nặng lỉnh kỉnh, phục vụ trong quán ăn hay đi ăn một mình trong đêm giao thừa. Tuy biết rằng văn hóa của họ là người già sống độc lập và không phụ thuộc con cháu, cô vẫn cảm thấy sống mũi cay cay khi chứng kiến cảnh tượng đó. Có lẽ đó là lý do cô đặc biệt viết về vấn đề dân số già của Nhật Bản, được giải thích bởi lối sống lành mạnh điều độ, an sinh xã hội tốt và phức tạp hơn là hiện tượng lười kết hôn, lười sex của người Nhật. Khi giải thích về vấn đề này, tác giả phân tích rất sâu sắc và có nhiều chứng cứ thống kê khác nhau, thầy giáo môn dân số- xã hội của cô cũng hóm hỉnh nói: “Các em nhìn con số này nhé, 37% thanh niên ở độ tuổi 16-18 không quan tâm đến sex. Chúa ơi tôi không thể hiểu nổi chuyện gì đang xảy ra với giới trẻ Nhật ngày nay. Bởi vì khi tôi 17 tuổi, đầu óc tôi chỉ nghĩ đến sex!

Ngoài ra, Nhật Bản còn là một thiên đường mua sắm đối với Lê Hương, những khu đồ hiệu và cả những phiên chợ trời tấp nập. Nhật Bản mùa nào cũng có lễ hội, mùa nào cũng có một cái gì đó để ngắm, một cái gì đó để ăn, một nơi nào đó để thăm thú. Khi đọc những dòng chữ đầy cảm xúc của Lê Hương về xã hội Nhật Bản, xứ sở này không còn cứng ngắc và khô khan với những quy tắc nữa. Thực ra các quy tắc vẫn còn đó, nhưng Nhật Bản vẫn đáng để đến và yêu.

Những người bạn của Lê Hương

Lê Hương đã gặp được những người bạn tuyệt vời đến từ các quốc gia khác nhau trên thế giới. Hai người bạn thân thiết nhất đã cùng cô trải qua những năm tháng ở Nhật Bản là Min người Myanmar và Thanuja người Sri Lanka. Min xấu tệ và chẳng quan tâm đến hình thức, thô lỗ nhưng thông minh nhanh nhẹn và cùng với Lê Hương trở thành đầu sỏ của những trò nghịch ngợm trên lớp. Thanuja có tính dựa dẫm, đi đâu cũng phải kéo bạn đi cùng nhưng chu đáo, tình cảm, thân thiện và phát cuồng vì đồ ăn Việt Nam.  Ngoài ra còn có một cô bạn người Philipines mà tác giả đã dành riêng một chương để kể về tính cách đặc biệt của cô, Angeli (thường gọi là Anj). Anj thông minh, tự tin và bản lĩnh. Cô chỉ làm những việc mình thích và không làm những việc mình không thích, có cuộc sống tự do và một người chồng yêu thương cô hết mực.

Có thể thấy sự trân trọng dành cho những người bạn và niềm vui trong một năm này qua những dòng chữ của tác giả. Những người bạn mỗi người một tính ở bên cạnh nhau tạo thành một tập thể hòa hợp và gắn bó, cùng nhau trải qua ngày tháng tại Tokyo, và tình bạn ấy vẫn tiếp tục lớn lên mặc cho thời gian và khoảng cách địa lý giữa mỗi người.

Như thế, bức tranh về một năm tươi đẹp sống hết mình trên đất nước Nhật Bản, trên vịnh Tokyo được hoàn thiện, đầy cảm xúc và tinh tế. Với những ai đọc cuốn sách Chuyện ở vịnh Tokyo, tôi tin rằng tình yêu thương dành cho đất nước này của tác giả sẽ làm cho bạn rung động và phần nào đó cũng yêu nơi này hơn, phần nào đó hiểu thêm về đất nước này, như thấu hiểu một con người khô khan nhưng cũng ấm áp thân thuộc vô cùng:

“Lại có những tối mùa đông, tôi ngồi trên bậc cầu thang dẫn xuống bờ biển, tay cầm chai nước thật nóng vừa mua từ máy bán hàng tự động, kéo mũ áo khoác lên che kín đầu, thấy người ấm sực như không hề là mùa đông giá rét. Lắng nghe tiếng sóng nước vỗ nhè nhẹ, trước mặt là cầu Rainbow cứ mấy phút lại đột ngột chuyển màu, ngoài xa kia là bao con tàu đang neo đậu phát ra vô vàn thứ ánh sáng lung linh huyền ảo trên nền biển đêm. Và những tối thứ Bảy cuối cùng trong năm, tôi mặc áo thật ấm, cắm cúi đi bộ trong cái lạnh 3-5 độ cộng thêm gió thổi ù ù lạnh cóng, nhưng chỉ năm phút sau là ra đến vịnh, là được hòa vào đám đông ngắm nhìn pháo hoa đang bung nở lộng lẫy sáng rực trên nền trời. Những ánh sáng ấy, những âm thanh ấy, những ký ức ấy, tôi không bao giờ muốn quên.”

 

Vài nét về tác giả

Đinh Lê Hương là cựu sinh viên trường Đại học Ngoại thương Hà Nội, tốt nghiệp Thạc sĩ Chính sách công, Viện Nghiên cứu Chính sách quốc gia Nhật Bản (Học bổng của Chính phủ Nhật Bản).

Cô từng là tiếp viên hàng không – Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam – Vietnam Airlines. Hiện nay cô đang công tác tại Học viện Hành chính Quốc gia - Bộ Nội vụ.

Cô chia sẻ: “Cuộc đời tôi có một vài ngã rẽ. Cá nhân tôi có một vài ước mơ. Đi du học và viết một cuốn sách là hai trong số đó”.

 

Tác Giả: Khánh Huyền - Bookademy

---

Trở thành CTV viết reviews sách để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị cùng Bookademy,gửi CV (tiếng Anh hoặc Việt) về: [email protected].

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về các cuốn sách hay tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,272 lượt xem