Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Bookademy] Review Sách "Đời Callboy": Nỗi Lòng Của Những Kẻ Đặc Biệt

Dù rằng quyển sách đã đi qua hơn nhiều năm, định kiến của xã hội về người đồng tính nay đã bớt phần nào khắt khe, nhưng có lẽ “Đời Callboy” vẫn là một món quà tinh thần đắt giá, mỗi khi nhìn lại người ta vẫn thấy ấm lòng.

Nguyễn Ngọc Thạch vốn không còn là cái tên xa lạ đối với những bạn trẻ yêu thích dòng văn hiện đại. Mỗi quyển sách anh viết đều chứa đựng những thông điệp ý nghĩa, càng đọc càng thấm, như thể anh đang viết hộ nỗi lòng của bao người. Tôi thích anh từ những ngày còn viết blog, khi ấy con chữ vẫn còn thô thiếu mượt mà nhưng lấy lòng được người đọc. Đấy là điểm làm anh nổi bật giữa bạt ngàn tác giả. “Thật, chân chất, giản dị”- tất cả tiêu chí đó rõ rệt ở quyển đầu tay của Thạch “Đời Callboy”. Một cuốn truyện ngắn về góc khuất cuộc sống của những người đồng tính, về cái nghề “Call” và kẻ được gọi là Callboy, sự cám dỗ của Sài Gòn, ma lực của đồng tiền và tình yêu, miêu tả chân thực về cuộc sống ganh đua nơi đất khách, cách đỗi đãi với khách lạ.

“Đời Callboy” đánh dấu một bước ngoặt lớn trong con đường hành văn của Nguyễn Ngọc Thạch, đưa tên tuổi anh gần hơn với độc giả. “Đời Callboy” với một phong cách văn còn khá thô nhưng thật, cảm giác mọi thứ hiện hữu. Không phải là Jade mà là Nguyễn Ngọc Thạch, một anh chàng nhà văn thẳng tính qua từng chấm bút, phản ánh vấn đề xã hội một cách trần trụi, lột tả cái khắc nghiệt nhưng thật ấm áp của người tình Sài Gòn. Quyển sách ra đời vào thời điểm câu chuyện người đồng tính vẫn còn khá lạ lẫm và nhạy cảm. Thế nên, tôi xem anh là một người hùng. Cái nhìn dè bỉu, e dè của người ngoài nhìn những con nguời khác biệt đó không còn quá xa lạ. Đã có ai thấu hiểu sau những gương mặt tư lự cười cho qua là nỗi buồn đau đáu vì cái trách khứ vô cớ “Tôi đã làm gì sai?”, “Bản thân tôi sinh ra đã là tạo hóa sai lầm”. 

“Đời Calloy” tái hiện chân thật cuộc đời điển hình của người đồng tính thông qua hình mẫu chàng trai tên Quân. Đấy là chàng trai của biển khơi mênh mông miền Trung, với nỗi khát khao vươn lên với đời, anh rời bỏ phố biển để lên Sài Gòn mong cuộc sống tốt đẹp hơn. Có ai ngờ, trong suy nghĩ của anh Sài thành sẽ tốt bao nhiêu thì trái hẳn với những thứ anh mong đợi. Sài Gòn là thành phố cơ hội, bề ngoài hào nhoáng nhưng bên trong rỗng tuếch, nhạt nhẽo. Sài Gòn bóp nát thân thể Quân, lừa lạc cậu đến những chốn xô bồ phía sau vẻ phồn thịnh của thành phố. Tất cả như màn kịch ông Trời sắp đặt cho cậu. Quân đâu ngờ có ngày cậu lạc vào động quỹ, cái động nguời ta vẫn gọi kẻ sống trong đó là Callboy, nói vậy cho sang chứ nói từ bình dân là đĩ đực. Cách Thạch đưa người đọc vào câu chuyện rất đỗi bình thường nhưng không tầm thường, giọng văn nhanh, dồn dập cứ ngỡ đã qua một giai đoạn rất mau. Anh cho nhân vật của mình tạm thời chấp nhận số phận khi chẳng còn đường lui khi thân phận đã bị chà đạp bởi một gã đàn ông mà mình tin tưởng rằng hắn là người tốt đầu tiên ở Sài Gòn; không gì là sai, đấy là điều thường tình khi đấu tranh lý trí thất bại, mọi thứ thật mơ hồ và thì cuộc sống lại tiếp diễn không như ta mong muốn nhưng thẳm sâu khao khát làm lại cuộc đời trong Quân chưa bao giờ dập tắt. 

Phải khẳng định rằng văn phong của Thạch thô nhưng rất thật, thật đến từng chi tiết, cảm tưởng có thể thấy và cảm nhận được diễn biến đó. Anh phô tả tâm trạng của nhân vật, thế mà tôi luôn cảm giác rằng anh chính là nhân vật, những tưởng nhân vật chính đang sống lại cuộc sống của anh từng cảm qua. Trước đó, tôi có đọc bài báo nói rằng tất cả những gì anh viết ở quyển sách này là kết quả những gì anh đã trải qua trong cuộc sống và một phần nó cũng là câu chuyện có thật của bạn anh, tôi thật sự khâm phục anh, khâm phục những gì anh viết: thẳng thắn, không né tránh, không bao biện. Có hai quan điểm rất rõ ràng trong quyển sách này đó là: con đường dẫn đến những tội lỗi và tình yêu đồng tính.

Khi đọc quyển sách, cuộc đời của những callboy thật phức tạp, chỉ vì một cú lừa ngoạn mục, Quân đã trở thành nô lệ tình dục. Nhưng khi tự mình thoát khỏi cái động đó, thay vì hoàn lương kiếm nghề mới, Quân vẫn lối mòn đó. Quân trượt dài trong tội lỗi, ma lực của đồng tiền thật kinh khủng. Phải diễn đạt thế nào để đúng về Quân “Một Callboy yêu nghề”. Cái nghề “call” vốn dĩ từ xa xưa đã mang nhiều định kiến, nay lại có những kẻ là Callboy, sự khinh bỉ đó càng tăng hơn. Tôi cảm được cảm giác muốn hoàn lương nhưng không thể. Ở đây, tôi đánh giá cao sự thẳng thắn, không né tránh, bao biện cho nghề của những người đồng tính qua lời nhà văn. Lòng tự trọng và nhân phẩm của Quân bị đánh mất qua vài trang sách, tôi trách Quân tại sao lại bán đi danh dự để đổi lại những đồng bạc rẻ hà và chỉ để thỏa mãn bản thân. Một xã hội tha hóa khi những mảnh đời cơ nhỡ và sự hào nhoáng của đồng tiền đôi lúc làm mờ ảo đi lòng người. Càng đọc tôi càng sợ vì nó thật, thật quá rồi.

Tôi từng tâm đắc một review về cuốn sách này “Đời Callboy không phải là một bản án, cũng không cổ xúy cho một lối sống nào. Tất cả đều trở nên vô nghĩa. Nó chỉ là một câu chuyện, nhiều cảm xúc, về những chàng trai yêu nhau”. Quá xuất sắc cho một phần bình luận như thế. Dù họ là ai, họ giới tính nào thì quyền yêu thương thì vẫn là quyền bất khả thành văn bao đời. Với một người đồng tính, việc yêu, tìm một bến bờ dường như đã quá khó khăn. Huống chi ở thế giới những kẻ chọn cách bán thân để kiếm đồng tiền thì tình yêu thực sự với họ thật mong manh. Thế nhưng dưới ngòi bút của Nguyễn Ngọc Thạch, anh đã chứng minh cho người ta thấy nơi đó vẫn có sự sống, có hai trái tim vẫn nồng nàn yêu nhau bất chấp. Trái tim Quân hồi nhịp khi bên cạnh Tuyên- chàng trai mang những yêu thương, những ngọt ngào cho Quân. Con người khi đã yêu thì có xấu xa cũng nên hình. Quân biết yêu, biết rung động thực sự. Quân đã biết đau, biêt buồn và buông thả bản thân hơn trước khi bị gia đình Tuyên cấm cản và Tuyên đã sang nước ngoài tu nghiệp. Cái cách họ tin vào tình yêu, cho đi tình yêu phần nào cũng khác người. Họ như thể bị cướp đi yêu thương và giờ thế giới cho họ lại, họ ngỡ là mãi mãi nhưng rồi nào đâu phải. Rồi họ vẫn tiếp tục sống, vẫn tiếp tục đấu tranh giữa tiếp tục và dừng lại.

Cái kết của “Đời Callboy” chắc chắn đậm dấu ấn Nguyễn Ngọc Thạch. Tuy là cái kết buồn nhưng tròn đầy, trọn vẹn cho một kiếp đời sa ngã. Quân tự tử không thành nhưng anh phát hiện mình mắc căn bệnh thế kỉ- một kết cục ai cũng dễ dàng đoán nhưng có một chi tiết cuối truyện khiến tôi rất bất ngờ. Tôi đã thầm cảm ơn Thạch đã cho nhân vật chính một lối thoát, một sự khẳng định yêu thương dù muộn màng nhưng cần từ Tuyên. Tuyên yêu Quân là thật, chỉ là Tuyên không đủ can đảm khi đối diện với căn bệnh đó và anh đã ra đi trước Quân. Anh lo cho Quân, anh sợ anh chính là người lây nhiễm cho Quân. Và rồi anh cho độc giả tin ở thế giới nào chỉ cần người ta thương nhau thì sẽ có tình yêu. Có thể phút giây này, Quân đã có thể mỉm cười. Cậu chắc chắn sống tốt hơn quãng đời còn lại ít ỏi của mình.

Dù rằng quyển sách đã đi qua hơn nhiều năm, định kiến của xã hội về người đồng tính nay đã bớt phần nào khắt khe, nhưng có lẽ “Đời Callboy” vẫn là một món quà tinh thần đắt giá, mỗi khi nhìn lại người ta vẫn thấy ấm lòng.

Nguồn sưu tầm: https://goo.gl/ps17pb 

------

Trở thành CTV viết reviews sách để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị cùng Bookademy, gửi CV (tiếng Anh hoặc Việt) về: [email protected] 

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về các cuốn sách hay tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,762 lượt xem