Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Bookademy] Review Sách “Đức Thánh Trần”: Đằng Sau Câu Chuyện Lẫy Lừng Trần Quốc Tuấn 3 Lần Đại Phá Quân Nguyên Mông

Dường như đã qua lâu rồi cái thời người ta vẫn tin và vẫn hằng khuyên nhau tin rằng lịch sử là một túi khôn chứa đầy những kinh nghiệm bổ ích mà tiền nhân, dù vô tình hay hữu ý, đã để lại cho hậu thế. (“Bài học lịch sử”, đó chẳng phải là cụm từ quá đỗi quen thuộc hay sao?). Có “bài học” hay không, và là “bài học” nào từ những sự kiện đã xảy ra, từ những con người đã hành động trong quá khứ, đó hoàn toàn là vấn đề của những chủ thể diễn giải.

Đức Thánh Trần, tiểu thuyết lịch sử của nhà văn Trần Thanh Cảnh chính là diễn giải của tác giả về vương triều Trần lẫy lừng ba lần kháng Nguyên toàn thắng, nhất là về cuộc đời và sự nghiệp của một trong những hiển hách nhất thời đại: Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Diễn giải ấy thể hiện tinh thần cốt yếu của nó ngay trong nhan đề tác phẩm. Đức Thánh Trần, nghĩa là Trần Thanh Cảnh thần thánh hóa nhân vật lịch sử Trần Quốc Tuấn. Hay chính xác hơn, là tác giả nhấn mạnh và khẳng định phẩm chất chân thành, vị thế thần thánh, uy vọng thần thánh của Hưng Đạo Đại Vương (như dân gian vốn đã làm thế từ lâu khi đặt Ngài vào hệ thống Tứ bất tử của thần điện đất Việt).

Với Trần Thanh Cảnh, Đức Thánh Trần vẫn mãi là Đức Thánh Trần. Cách viết ấy, rất có thể, chính là một lời đáp của Trần Thanh Cảnh – nhà văn, trước những nhận định táo bạo tới mức gây sốc về Trần Quốc Tuấn mà Tạ Chí Đại Trường – sử gia, đã trình bày trong tiểu luận Hành trình khởi phát của một anh hùng –Trần Quốc Tuấn. Diễn giải văn chương đối đầu với diễn giải sử học, đó là điều không lạ. Trong trường hợp này, chỉ càng tô đậm thêm sự thật rằng: cái gọi “lịch sử” không hề đứng yên, mà luôn là tập hợp mà của những diễn giải lịch sử khả thể về lịch sử.

Trần Thanh Cảnh khởi thảo Đức Thánh Trần sau khi đã cho ra mắt độc giả hai tập truyện ngắn mang đậm chất hoan tình, thậm chí là tinh thần “phóng dục”, khá đặc trưng cho đất và người Kinh Bắc. Cái “nếp” ấy vẫn được ông giữ lại trong cuốn tiểu thuyết lịch sử đầu tay này, qua những trường đoạn viết về ái tình hừng hực nhựa sống tràn trề đam mê của những người đàn ông, đàn bà Đại Việt thế kỷ thứ XIII. Nhà phê bình văn học Nguyễn Hoài Nam đã nhận xét như sau:

Đọc những trường đoạn ấy và, nếu tiện, thử làm một vài so sánh, ta sẽ nhìn thấy nhân vật của Trần Thanh Cảnh khác với nhân vật của các tiểu thuyết lịch sử tiền bối đến như thế nào. Công chúa An Tư chẳng hạn. Trong truyện lịch sử của Nguyễn Huy Tưởng, công chúa An Tư là điển hình cho kiểu liệt nữ phải/ chấp nhận hy sinh tất cả: danh tiết, phẩm giá, thân thể, cuộc đời,… vì sự tồn vong của vương triều và quốc gia. Đó là một diễn ngôn dân tộc chủ nghĩa. Còn trong tiểu thuyết lịch sử cuẩ Trần Thanh Cảnh, con người liệt nữ của công chúa An Tư đã trở nên rất mỏng và nhẹ, rồi bay mất lúc nào không hay. Thế chỗ là một An Tư vô cùng say đắm và điêu luyện chốn phòng the, một An Tư đã chủ động đảo ngược tình thế biến Trấn Nam Vương Thoát Hoan từ một chiến tướng kiêu dũng thành một kẻ chỉ biết mải miết đáp ứng nhu cầu tình dục bất tận của nàng. Công chúa An Tư của Trần Thanh Cảnh, có thể nói, là một diễn ngôn thân xác.

Và đó cũng chính là một diễn giải lịch sử khá thể!

Trần Quốc Tuấn – dòng dõi họ Đông A

Tuy rằng, sinh ra trong dòng tôn thất quyền cao chức trọng, bổng lộc dồi dào, được cả thiên hạ phụng sự nhưng Trần Quốc Tuấn không hề kiêu ngạo, ỷ lại mà luôn ngày đêm học tập, rèn luyện văn võ để phục hưng nước nhà, tận trung với nước. Oomg ở với mẹ nuôi là công chúa Thụy Bà từ khi năm tuổi. Nói đến đây mà thấy câu chuyện hoàng tộc thật phức tạp, nhưng xét cho cùng cũng chỉ vì một chữ “an”.

Thụy Bà là em ruột An Sinh Vương Trần Liễu (cha của Trần Quốc Tuấn), cũng là chị ruột của thượng hoàng Trần Cảnh – Trần Thái Tông. Bà ở vậy, và đón Trần Quốc Tuấn về nuôi.

Năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 6 (1237), hận vì Đức ông Thái Sư Trần Thủ Độ, người đang chủ trì mọi việc triều chính, bắt đem vợ mình là Thuận Thiên công chúa gán cho Trần Thái Tông, Trần Liễu dấy quân làm loạn. Trần Thái Tông thì bỏ lên núi Yên Tử ở với Quốc Sư Phù Vân, quyết buông bỏ sự đời để về hầu cửa Phật.

Vận nước nhả nghiêng. Trong triều ngoài nội không yên. Trăm họ xao xác, nhà nhà lo lắng lại có loạn. Đến một người độc đoán, cứng rắn như Trần Thủ Độ mà cũng cảm thấy bất an. Ông đến phủ công chúa gặp Thụy Bà và nhờ người đến hòa giải mâu thuẫn hai anh em nhà họ Trần.

“Tại sao chú lại làm thế?” Thụy Bà cắt ngang lời ông chú Thái Sư của mình một cách gay gắt. “Thiếu gì mỹ nữ trong nước mà chú phải lấy vợ của anh, gán cho em, để cho huynh đệ ruột thịt trong nhà phải bất hòa với nhau?”

Thụy Bà công chúa nói rất đúng, ai đời lại gán vợ của anh cho em. Còn đâu là lệ nhà, người ngoài nhìn vào sẽ ra sao, trước mắt đã thấy gia đình lục đục rồi. Nhưng phép nước của Thái Sư cũng có lý không kém.

“Cháu ơi, ta đâu muốn thế. Thế nhưng việc không khác được ta đành phải làm mà thôi. Chiêu Thánh bao năm không sinh được thái tử. Mà nhà vua thì luôn phải sớm có người nối dòng chính thống cho yên nghiệp trường tồn. Vợ Liễu đang có mang, về làm hoàng hậu sẽ sớm sinh hoàng nam, mọi việc sẽ yên ổn. Hai an hem nhà chúng nó phải biết vì sơn  hà xã tắc, vì ngôi báu và sự trường tòn của dòng họ Đông A, vì an lành của tram họ mà hy sinh chút tình trai gái bé mọn chứ?...

Rồi Thái Sư lấy ngay cuộc đời mình làm minh chứng

Thân ta đây, thủa thiếu thời cầm gươm theo Thái Thượng Hoàng đi đánh dẹp, gặp lúc nhà Lý loạn lạc chạy về trú ở hương ấp họ Trần ta dưới Long Hưng. Lý Huệ Tông mê tình nương của ta, ta đã phải âm thầm gạt nước mắt để bà Dung về cung ở với Lý Huệ Tông. Sau này, Huệ Tông chết, nhà Lý mất, phu nhân lại về ở với ta, có sao đâu? Thử hỏi lúc đó ta khư khư giữ thói tình nhân bình thường, liệu ngôi tôn quý có về dòng họ nhà ta được không? Không giữ được ngôi cửu trùng thì cả họ nhà ta cũng sẽ có kết cục như tôn thất nhà Lý, bị chon sống dưới đất đen chứ đừng nói là giữ một người đàn bà! Đã sinh ra mang mệnh đế vương, đã sinh ra trong dòng tôn thất quyền cao chức trọng, bổng lộc dồi dào, được cả thiên hạ phụng sự, thì cũng sẽ có những cái không được thỏa theo ý mình, mà phải làm vì sự ổn định của nước nhà, sự an vui của lê dân trăm họ. Có thế mới giữ được nước, mới giữ được ngôi cao. Đạo lý đơn giản vậy thì các cháu được đọc nhiều sách thánh hiền phải hiểu hơn ông chứ. Ông là kẻ võ bền ít học, còn biết hành xử theo cái lé vì dân vì nước, thì hà cớ sao an hem nhà nó phải bất hòa nhau? Gái đpẹ trong nước bạt ngàn thằng Liễu chọn bao nhiêu chả được…”

Minh chứng hừng hồn, xác thực cùng lập luận chặt chẽ khiến Thụy Bà người không thể ngồi yên nhìn đất nước loạn lạc. “Chú làm việc kinh thiên động địa thế này thì cháu muốn yên cũng không được rồi”. Thụy Bà đến núi Yên Tử gặp Trần Cảnh – Trần Thái Tông, rồi bà lại đi thuyền ra sông Cái, nơi Trần Liễu đang tụ tập quân làm loạn.

Trần Liễu, Trần Cảnh, hai an hem ruột, đều là những bậc anh hùng cái thế thiên hạ bấy giờ. Nhưng họ đều không chịu đựng nổi những giọt nước mắt của một người đàn bà đã xót thương, chăm bẵm, yêu quý họ vô bờ bến… Trần Cảnh chấp nhận về lại cũng vua giữ yên đại nghiệp nhà Trần. Trần Liễu về đất miền sông nước Lục Đầu, Quảng Yên làm An Sinh Vương. Không có một vụ huynh đệ tương tàn nào xảy ra cả.

Thụy Bà về phủ vui chăm lo nuôi dạy cháu. Bà yêu thương, dạy dỗ Trần Quốc Tuấn chu đáo hơn cả mẹ chăm con

Quốc Tuấn được đưa đến nhà thái học, đọc kinh sách cùng các hoàng tử, đến Giảng Võ Đường luyện binh đao võ nghệ cùng các tướng. Đêm đến khi Quốc Tuấn chong đèn đọc sách thì bà lại nấu các món bổ dưỡng cho chàng. Ngày chàng luyện võ thì bà lại nấu món sẵn các món chè giải nhiệt. Bà còn dạy cho Quốc Tuấn mọi phép tắc lễ nghi của một bậc vương tôn công tử cần phải biết nữa. Bà coi Quốc Tuấn như con, Quốc Tuấn vì vậy mà biết ơn, gọi người là Mẫu.

Và chàng dần lớn khôn hiểu biết, trở thành một chàng trai khôi ngô tuấn tú, văn võ toàn tài, nổi tiếng khắp kinh thành Thăng Long, là người mà bao cô gái mong ước được nâng khăn sửa túi cho. Không ngoại lệ, công chúa Thiên Thành đã si mê chàng từ ngày theo cha – Đức vua Trần Thái Tông tới Giảng Võ Đường xem các võ tướng luyện tập. Quốc Tuấn nhà ta không chỉ văn võ toàn tài mà khuôn mặt cũng ngời ngời, lại thêm chăm chỉ tập luyện, thân thể cường tráng của chàng được phô ra hấp dẫn Thuận Thành từ cái nhìn đầu tiên. Từ đó, Thuận Thành đều xin vua cha hay lui tới chỗ Quốc Tuấn. Đến tuổi dựng vợ gả chồng, Thuận Thành đã có hôn ước do vua cha định sẵn với Trung Thành Vương, con của Nhân Đạo Vương là một vương hầu giàu mạnh nhất nhì trong dòng họ Đông A.

Người tính không bằng trời tính, gần đến ngày gả về nhà chồng, Đức vua Trần Thái Tông biết chuyện Thuận Thành công chúa và Trần Quốc Tuấn có tư tình với nhau sau lễ hội Mo Nang – đêm hội mà nam nữ trong cung không phân biệt cấp bậc “vui chơi” với nhau. Đoạn này, Trần Thanh Cảnh có vẻ miêu tả quá chi tiết nếu như không muốn nói là quá sa đà vào việc vui thú hoan lạc của những người đàn ông, đàn bà trong đêm hội này. Và tất nhiên, trong đó có cả Thuận Thành và Quốc Tuấn. Không chỉ có đoạn này mà ngay đầu cuốn sách, Trần Thanh Cảnh cũng cho độc giả thấy hết sức chi tiết cuộc gặp gỡ của Quốc Tuấn với Quế Lan, con gái duy nhất của ôn đồ Dương Đức Tụng (cũng là người Quốc Tuấn gọi bằng thầy), người tình mà đến tận sau này khi về già có quyền lực, chức tước “dưới một người trên vạn người” Quốc Tuấn vẫn không thể nào quên.

Nói tiếp đoạn Đức vua cho giữ rịt công chúa trong cung, không cho sang phủ Thụy Bà chơi nữa và gấp rút sai người chuẩn bị tổ chức hôn lễ. Với tình yêu mãnh liệt của đôi trẻ, sau khi Quốc Tuấn nhận được thư công chúa gửi mình, chàng quyết tới phủ “cướp” nàng về làm vợ. Lại thêm sự giúp đỡ của Mẫu và có lập công với đất nước nên Quốc Tuấn không bị trách tội và được kết đôi với Thuận Thành. Đặt Đức vua vào tình thế đã rồi, người đành đem hai nghìn khoảng ruộng ở phủ Ứng Thiên đến bù sính lễ cho Trung Thành Vương.

Đó là chuyện tình cảm mà Quốc Tuấn cũng đã thể hiện dòng máu Đông A của mình – sự tự tin và quyết tâm. Nhắc tới chuyện đánh giặc giữ nước còn hơn vậy!

 

Hưng Đạo Vương mưu tính việc như thần

Đại Việt sử ký toàn thư có viết:

Năm Nguyên Phong thứ 7 (năm 1257) quân Mông Thát do Ngột Lương Hợp Đài dẫn đầu xâm lược Đại Việt. Vua Trần Thái Tông xuống chiếu sai Trần Quốc Tuấn đem tướng sĩ cùng quân thủy bộ ra biên giới đánh giặc, toàn quyền tiết chế. Năm đó, Trần Quốc Tuấn chưa trong ba mươi tuổi.

Cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ hai, trước thế giặc mạnh, vua Trần hỏi nên đánh hay nên hàng, Trần Quốc Tuấn khảng khái: “Nếu bệ hạ muốn hàng, hãy chém đầu thần đi đã.”

Cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ ba, vua Trần lại hỏi Quốc Công Tiết Chế xem năm nay đánh giặc thế nào, thì Đức ông Trần Quốc Tuấn vuốt râu nói: “Năm nay đánh giặc nhàn.”

Khi Trần Quốc Tuấn sắp mất, vua Trần đến hỏi kế giữ nước, Ngài nói: “Khoan thư sức dân để làm kế sâu bền gốc, đó là thượng sách giữ nước vậy.”

Thật vậy, dựa trên kinh nghiệm chinh chiến nhiều năm, tận dụng điểm mạnh của mình cũng như biết rõ bất lợi của ta để từ đó tận dụng tối đa lợi thế và cơ hội đánh cho lũ giặc lăm le xâm chiếm bờ cõi. Trong tay Hưng Đạo Vương đều là những tướng sĩ hữu dũng mà cũng hữu mưu, một người một điểm mạnh, giúp người như có thêm ngàn cánh tay chống lại bọn giặc hung bạo. Vẫn chỉ là kế Vườn không nhà trống nhưng chưa boa giờ là cũ đối với bọn giặc chỉ biết dụng võ này! Đánh vào điểm yếu đó, cả ba lần xâm lược, bọn giặc Nguyên Mông đều thất bại cả ba. Đương nhiên, không phải cả ba trận giống nhau như một, mà đó là sự thăng cấp chiến lược, tư duy của một võ tướng đại tài Trần Quốc Tuấn.

Quả thật, trong sự miêu tả của Trần Thanh Cảnh thì nhân vật Trần Quốc Tuấn, dù ở bất cứ nơi đâu và trong bất cứ thời điểm nào cuộc đời. từ ý nghĩ đến diện mạo, thần thái, hành động đều, đều luôn là sự vượt lên trên tất cả, ngời ngời một vẻ đẹp thần thánh. Khi lầm trận đối địch trên chiến trường, Ngài là một thiên tướng, là người nhà trời phái xuống để thực hiện sứ mệnh bảo an dân cho vương triều Trần và cho bờ cõi Đại Việt, là nỗi khiếp đảm đến tột cùng của quân xâm lược phương Bắc. Trong mối quan hệ tình ái, Trần Thanh Cảnh đã thần thánh hóa Trần Quốc Tuấn với nguồn “thiên ân” dạt dào, là phúc lạc to lớn đến mức bất cứ người đàn bà nào, vợ (công chúa Thiên Thành) hay tình nương (Quế Lan, người con gái xinh đẹp ở Bãi Soi), dù chỉ được gặp một lần cũng đủ mãn nguyện cho cả một kiếp. Mang ánh hào quang tực rỡ của thần thánh, Trần Quốc Tuấn – là nhân vật có sức lan tỏa và quyến rũ đến kỳ lạ: ai cũng bị hút về phía Ngài, dù đó là đàn ông hay đàn bà, người già hay trẻ nhỏ, người trong hoàng tộc hay kẻ thuộc khối bách tính lê dân. Cái sức lan tỏa và quyến rũ đó là của thần chứ không phải của người. Nó khiến cho, ở phạm vi gần, cả loạt nhân vật xung quanh Ngài, người thân và những tùy tướng tâm phúc, như công chúa Thiên Thành, nàng Quế Lan, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Địa Lô, Yết Kiêu, Dã Tượng… đều ít nhiều được nhuốm màu bất phàm. Không những người mà đến cả vật được Trần Quốc Tuấn dùng cũng trở nên thiêng hóa, như ngọn giáo Pháp Lôi, hay cây gậy trúc một đầu bịt sắt…

Nói như vậy để thấy, với tiểu thuyết Đức Thánh Trần, nhà văn Trần Thanh Cảnh dường như không băn khoăn tra vấn nhiều lắm về tính nguyên khối và tính thuần khiết của nhân vật lịch sử Trần Quốc Tuấn. Tất cả bút lực của tác giả chủ yếu là dành để thể hiện ngợi ca những phẩm chất thần thánh của nhân vật, từ đó lý giải việc tại sao Trần Hưng Đạo Đại Vương lại trở thành linh hồn, thành nguồn tập trung sức mạnh to lớn của quân dân Đại Việt trong cả ba lần chiến thắng trước quân xâm lược Nguyên Mông. Trong tác phẩm, Trần Thanh Cảnh cũng có vài lần đặt nhân vật của mình trong mối ưu tư về di ngôn của thân phụ (An Sinh Vương Trần Liễu) và sự đối kháng ngầm giữa hai chi trưởng – thứ của vương triều Trần. Nhưng ông không khuấy nó lên thành giông bão, không khai thác nó thành một phản đề. Mà ngược lại, ông dùng nó như một vật liệu để trang sức thêm cho Trần Quốc Tuấn, tựu thành trọn vẹn chân dung của người anh hùng đã vì lợi ích quốc gia dân tộc mà bỏ qua hết mọi bận tâm riêng tư.

 

Review chi tiết bởi Thu - Bookademy

------

Trở thành CTV viết reviews sách để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị cùng Bookademy, gửi CV (tiếng Anh hoặc Việt) về: [email protected]

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về các cuốn sách hay tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn

 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

2,352 lượt xem