Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Bookademy] Review Sách "Mùa Hè Đó, Gió Thổi Tôi Đi": Cuốn Sách Tuyệt Vời Dành Cho Những Tâm Hồn Phóng Khoáng, Yêu Xê Dịch

Tôi là một người đặc biệt yêu thích các cuốn sách về đề xê dịch  về đến nay số sách du ký tôi đọc cũng đã được khá khá. Tôi từng say mê với hành trình từ bờ Đông sang bờ tây nước Mỹ của Đinh Hằng hay phiêu lưu cùng Nguyễn Phương Mai qua các đất nước Trung Đông với quyển con đường hồi giáo, và trầm trồ trước những bức ảnh tuyệt đẹp của Tâm Bùi qua cuốn sách “Bụi đường tuổi trẻ” của anh. Lần này, tôi muốn giới thiệu tới các bạn một cuốn sách khác cũng thuộc thể loại du ký – cuốn “ Mùa hè đó, gió thổi tôi đi”.

Đây là một tập ký kể về hành trình của một nữ nhà báo về kỳ nghỉ của cô ở San Francisco, chuyến đi với một mục đích không gì khác ngoài việc tìm kiếm cô gái ở độ tuổi 30 mà cô muốn trở thành. Với bút pháp phóng khoáng và giọng văn miêu tả dí dỏm, Hoàng Oanh đã đưa độc giả cùng cô du ngoạn và tìm hiểu về một trong những thành phố tuyệt vời nhất nước Mỹ.

Tôi đến với “Mùa hè đó, gió thổi tôi đi” thông qua một bài post trên Facebook của Nhà xuất bản Trẻ về một đoạn trích trong tác phẩm, nó thực sự gây ấn tượng cho tôi. Cho đến khi cầm trên tay cuốn sách và kiên nhẫn đọc đến trích đoạn ấy, tôi mới biết đó là đoạn hội thoại của tác giả với Barney – một trong những  người bạn của tác giả trong những ngày ở San Francisco.

“- Ta ghét mọi người cứ hay lải nhải kiểu: hồi tôi còn trẻ, thời thanh xuân của tôi, bla bla. Về cơ bản thì con người không già đi, họ chỉ chết đi thôi. Chừng nào chúng ta còn sống tức là chúng ta còn trẻ, tức là tuổi thanh xuân vẫn còn ở đây. Cháu thấy không, chẳng bao giờ là muộn để bắt đầu mơ một giấc mơ mới. Thời thanh xuân của cháu cũng vậy, nó sẽ không bao giờ qua đi chừng nào cháu vẫn còn thở và tin tưởng. Cháu làm được không?”

- Thở thì cháu biết làm rồi. Nhưng tin tưởng vào điều gì ạ? – tôi hỏi

- Tin vào điều kỳ diệu từ bên trong cháu. Mà thôi, tin vào bản thân cháu là đủ rồi, điều kỳ diệu sẽ đến sau đó.”

Đây là một trong những trích đoạn mà tôi cho rằng hay nhất trong tác phẩm này, câu nói là những chiêm nghiệm của một người đàn ông đã sống gần một đời người đúc kết lại để nói với cô gái ở độ tuổi 32 đang loay hoay đi tìm xem thực sự bản thân mình muốn gì. Barney thực hiện cái ước mơ có một căn phòng với đầy đủ các thể loại đồ chơi trẻ em của mình ngay khi về hưu và có thời gian, bởi ông luôn nghĩ rằng chỉ cần ta còn sống thì không bao giờ việc thực hiện những ước mơ của mình là quá muộn. Hà Cảnh – MC nổi tiếng của Trung Quốc trong tập tự truyện “Vẫn còn kịp” của mình có viết: “Bạn nhất định có ước mơ. Chỉ cần bạn kiên trì, việc thực hiện ước mơ vĩnh viễn còn kịp”. Không bao giờ là quá sớm hay quá muộn cho việc thực hiện nước mơ của mỗi chúng ta chỉ cần trong mỗi chúng ta luôn nuôi giữ một giấc mơ và theo đuổi nó dù ta có ở độ tuổi nào của cuộc đời. Tác giả cũng vậy giữa cái tuổi 32 – giai đoạn chuyển giao trong cuộc đời của con người, trong khi những người bạn đã lập gia đình hay sinh con từ lâu cô vẫn như một cô gái 20 đầy tươi trẻ luôn hài lòng về cuộc sống và sự nghiệp của mình đang có, nhưng rồi những sự chênh vênh đột nhiên ập đến và cô quyết định từ bỏ tất cả để thực hiện chuyến đi này như muốn tìm ra câu trả lời cho một loạt các câu hỏi “Mình thiếu gì? Mình muốn gì? Phần đời đã qua để lại những gì? Phần đời tiếp theo sẽ làm được gì?” Và cuốn sách này ra đời đem đến cho độc giả một cái nhìn về những gì cô đã trải qua trong hành trình ý nghĩa này.

Nói đôi chút về tác giả Hoàng Oanh, ngay mở đầu của câu chuyện, cô tự nhận mình là một Bánh Bèo vô dụng. Cô rất sợ rắn, sợ máy bay, sợ đại dương tối, không thích ngủ một mình, hay quên, hay làm mất đồ, không biết nhìn Google Map, lại rất chậm chạp và hậu đậu. Tuy nhiên, ở khía cạnh công việc, cô thực sự là một người phụ nữ thành đạt. Với việc công tác hơn 10 năm ở báo Tuổi Trẻ - một trong những tờ báo lớn nhất cả nước trong lĩnh vực nghệ thuật, công việc của cô quả là một công việc mà nhiều người mơ ước. Hoàng Oanh luôn được mời đi xem miễn phí ở hầu hết các vở kịch hay các bộ phim mới ra mắt, cô có mặt ở những dự án nghệ thuật mới, gặp gỡ, tiếp xúc với những người nổi tiếng ở cả trong nước hay trên thế giới. Với mức lương của mình ,cô sống một cuộc sống độc thân thời thượng trong căn hộ ở quân 3 với chú mèo Chiba, yêu nấu nướng, yêu du lịch ( đến thời điểm thực hiện hành trình đến San Francisco, Oanh đã đi qua 40 nước ở 4 châu lục khác nhau), đặc biệt yêu thời trang và luôn có bạn trai.  

Tôi rất ấn tượng với niềm yêu thích thời trang của tác giả, cô luôn thích ăn diện đẹp đẽ tươm tấp và không thể chấp nhận chuyện ra đường trong bộ đồ ở nhà với gương mặt ỉu xìu nhợt nhạt, mất hàng giờ để chọn đồ trước khi đi làm và không biết nên mang đi hay để cái váy nào của mình trước chuyến đi. Có gì đó ở Hoàng Oanh khá giống với Rachel Zoe – stylist nổi tiếng ở Hollywood, Rachel đam mê với thời trang, cô đã tạo nên một cuộc cách mạng thời trang ở Hollywood, luôn phải xuất hiện đẹp khi ra ngoài đường, ngay cả khi sắp sinh Rachel vẫn cố trang điểm tươm tất trước khi đến bệnh viện. Qua những lời miêu tả của Hoàng Oanh về cô ở phần đầu của cuốn sách, chúng ta đều thấy rằng chẳng có gì phải phàn nàn về cuộc sống của cô, cô đang sống cuộc sống mà nhiều người mơ ước, cô hài lòng và hạnh phúc với nó. Vậy mà chỉ trong một buổi chiều ngồi một mình làm việc ở văn phòng, nhận ra mình không muốn tiếp tục công việc này nữa cùng với những chên vênh ở độ tuổi 30, Oanh đã quyết định bỏ tất cả để thực hiện chuyến đi đầy mạo hiểm đối với một Bánh Bèo như cô. Tuy nhiên, tôi nhận thấy đây là một chuyến đi hoàn toàn xứng đáng bởi nó đem lại cho cô rất nhiều điều: những trải nghiệm, những người bạn, và vô vàn điều khác…

Về câu chuyện mà Hoàng Oanh đem đến cho chúng ta, xuyên suốt trong cả tác phẩm hầu hết là những trải nghiệm của Oanh với những người bạn cô gặp, những việc cô làm để có thể hòa nhập vào thành phố nơi cô đang tận hưởng kỳ nghỉ của mình – San Fracisco. Phần lớn câu chuyện là thời gian mà tác giả ở San Fracisco cô dành thời gian ở đây để tìm hiểu và sống như một người San Fracisco thật sự. Ngoài ra, Oanh còn có những chuyến du ngoạn đến Vancouver hay Mexicali cùng những người bạn của mình, tuy nhiên, phần lớn thời gian của Oanh đều dành cho San Francisco. Vì sao đi du lịch mà chỉ ở rất lâu tại một địa điểm ư? Tác giả đã mở ra một định nghĩa mới về du lịch, cô cho rằng đối với một cô Bánh Bèo cái gì cũng sợ như cô thì việc “du lịch chậm” là một ý tưởng tuyệt vời. Oanh dành hầu hết thời gian của mình để sống như một người San Francisco thực thụ, cô nói với người bạn cùng làm ở bảo tàng nơi cô làm tình nguyện rằng cô sẽ ở đây cho đến khi cô có thể cảm nhận được linh hồn của thành phố này.

San Francisco hiện lên qua ngòi bút miêu tả của tác giả là một thành phố tràn đầy sức sống, sôi nổi và là thành phố của tự do, giống như câu nói của Joe Flower mà tác giả đề cập đến trong cuốn sách: “Tiền Bạc sống ở New York. Quyền lực sống ở Washington. Còn Tự Do thì thư thả uống một ngụm cappuccino ở một quán cà phê vỉa hè San Francisco.”  Từ lịch sử thành phố, những địa điểm nổi tiếng, văn hóa thành phố hay cả những thói quen của những người bản địa đều được tác giả tái hiện lại bằng cách kể lại các hoạt động mà cô đã trải qua tại nơi đây.

Tôi thích cái cách mà tác giả đưa ra các định nghĩa trong cuốn sách của mình. Có thể do bản thân là một nhà báo đã có hơn 10 năm kinh nghiệm nên cách viết của cô trong cuốn sách này có đôi phần rất độc đáo và mang đặc trưng ngô ngữ báo chí. Cái cách mà Oanh nói về cuộc sống, về vui buồn, và về gia đình thật đáng để mỗi chúng ta suy ngẫm: “Suy cho cùng, cuộc sống dường như không có một thách thức nào lớn hơn là ta phải thật vui khi ở trong nó. Niềm vui hay nỗi buồn đều đến từ những lựa chọn và quyết định trong đời. Vui nhất có lẽ là khi ta có thể tự chủ đi trên những con đường yên tĩnh giữa một đời sống bề bộn và lắm trò. Vui hơn là trên con đường ấy ta nhìn thấy được những tâm hồn yên tĩnh đồng điệu. Dù ở bất cứ dạng thức nào, họ cũng  sẽ luôn bên ta, chia sẻ với ta và trở thành vùng trú ẩn bao dung dù có thể sẽ cách xa ngàn dặm.” Khi mà Oanh quyết định từ bỏ công việc mình đang có và thực hiện chuyến du lịch của mình, gia đình  của cô không làm gì khác ngoài việc ủng hộ những gì cô muốn làm, họ chỉ có một mong muốn duy nhất là cô trở về an toàn. Ba của Oanh người đàn ông điềm tĩnh tuyệt vời theo miêu tả của cô, không mấy ngạc nhiên khi đón nhận tin này từ con gái, lời dặn của ông cho đứa con gái lớn của mình trước khi lên đường làm ta chợt nhận ra rằng phải chăng Hoàng Oanh thừa hưởng tính cách phóng khoáng từ chính ba của mình.

Khi Yến, một trong những người bạn của Oanh nhắn tin cho cô rằng cô ấy sắp sửa kết hôn, trong cuộc trò chuyện của hai người, ta một lần nữa thích thú trước cái cách tác giả định nghĩa về sự tự do: “Tự do là cách mình tự do sống, tự do làm những gì mình thật sự yêu thích và không để tâm đến những tiêu chuẩn xã hội, chứ không phải tự do là từ chối những niềm hạnh phúc để sống một mình…Tự do sẽ rực rỡ nhất khi ta tìm thất ai đó đồng điệu và nâng ta lên bằng đôi cánh của tình yêu” Đúng vậy, chúng ta không cần nhất thiết phải lựa chọn sống một mình thì mới là có được sự tự do, bởi nếu như vậy chúng ta sẽ phải đánh đổi nhiều điều hạnh phúc khác

Về các nhân vật mà tác giả gặp gỡ trong thời gian sống ở San Francisco của mình, có hai nhân vật tôi ấn tượng nhất, đầu tiên đó chính là Kevin. Nếu không có Kevin , có lẽ chuyến đi của Hoàng Oanh đã không dễ thương đến thế. Kevin người đàn ông theo định nghĩa “ quả chuối và quả trứng” của người Mỹ thì ông khá giống một quả trứng, tức là mang vẻ ngoài của một người da trắng phương tây chính hiệu nhưng lại có một tâm hồn đậm chất Châu Á. Kevin qua lời kể của Oanh là một người đàn ông ngoài 50 với tính cách vô cùng hiền lành và tốt bụng. Trong cái thời buổi mà mọi thứ đều đắt đỏ ở cái thành phố nơi ông sống, ở đây người bản địa thậm chí còn đổi lại một lời hát rằng “If you’re going to San Francisco, be sure you can afford the rent!” – “Nếu tới San Francisco,hãy chắn chắn rằng bạn có thể trả tiền thuê nhà” , Kevin cho Oanh thuê lại một phòng trong ngôi nhà của mình bằng một nửa so với giá thị trường ở đây, ông chính là người giúp cho kế hoạch sống như một người bản địa để cảm nhận về thành phố này của tác giả được hoàn thiện. Ông dẫn Oanh đi làm quen với những người bạn trong hội của mình, dẫn cô tham quan hầu hết những địa điểm nổi tiếng của thành phố, mời cô tham gia vào những bữa tiệc tổ chức bởi ông và bạn bè và cùng cô thực hiện nhiều điều khác. San Francisco chào đón Oanh trong những ngày đầu bằng căn nhà không thể bừa bộn hơn của Kevin và cái thời tiết vô cùng lạnh, gần như bất lợi với những người chịu lạnh kém như cô. Tuy nhiên, cuối cùng, mọi chuyện đều ổn và mọi thứ đều được sắp xếp đâu vào đấy và tôi nghĩ rằng Kevin chính là một trong những nhân tố góp phần làm nên điều đó.

Một nhân vật khác nữa gây ấn tượng với tôi đó chính là Iman – người yêu trẻ của tác giả khi cô còn ở Sài Gòn. Đây chính là một trong những yếu tố thôi thúc cô thực hiện chuyến đi đến San Francisco, anh ta hiện đang sinh sống và làm việc tại thung lung silicon ở phía Nam thành phố, những lời hẹn ước của hai người đã mang tác giả đến San Francisco. Những rồi mọi chuyện chỉ dừng lại ở đó, mối tình tan vỡ theo một cách nào đó và tác giả cô đơn một mình tại cái thành phố của tự do này. Iman chưa một lần nào được tác giả kể rằng đã xuất hiện và gặp gỡ cô trong chuyến đi này. Nhưng anh ta là nhân vật hiện diện hầu hết trong các chương của tác phẩm qua suy nghĩ và cảm nhận của Oanh, dường như cô bị ám ảnh bởi chàng trai này. Ở ngay lời mở đâu của tác giả về cuốn sách, cô có nói rằng cô đã đổi tên nhân vật trong tác phẩm (trừ Cao cô bạn thân của cô), và đương nhiên với Iman cũng không ngoại lệ. Phải chăng cái tên này bao gầm ẩn ý gì đó? (Nếu bạn dịch tên của anh chàng theo kiểu word by word)

Giọng văn mà tác giả sử dụng xuyên suốt câu chuyện về chuyến đi của cô là một giọng văn hài hước và vô cùng phóng khoáng. Nhiều đoạn trong cuốn sách qua lời kể và những gì miêu tả của tác giả người đọc không thể không thôi bật cười thích thú. Cách kể chuyện của Hoàng Oanh cũng vô cùng chân thật, cái cách mà cô kể lai câu chuyện của mình với chúng ta làm cho ta cảm thấy chúng thật gần gũi và không khỏi thầm nghĩ rằng “Liệu có phải mình đã từng trải qua tình huống như vậy rồi không?”

Tác phẩm kết thúc cũng là lúc Oanh kết thúc kỳ nghỉ của mình ở San Francisco, cô di chuyển đến 2 thành phố nữa trước khi khép lại cuộc hành trình của mình. Như một nghi lễ chào tạm biệt cô không quên cài hoa lên mái tóc của mình giống như câu nói: “If you’re going to San Francisco, be sure to wear some flowers” – Nếu tới San Francisco, hãy nhớ cài hoa lên tóc. Sau cùng, tác giả nói rằng, cô thấy thích người phụ nữ 30 mà cô vừa trở thành ở San Francisco, cô hài lòng về chuyến đi này, cô ổn và mọi chuyện đều ổn. Đôi lúc trong cuộc sống này chúng ta cảm thấy chênh vênh, ta nên tạm dừng các công việc đang làm, đi đâu đó và tận hưởng những giây phút ấy, để lắng lòng cảm nhận về bản thân ta và cuộc sống.

“Mùa hè đó, gió thổi tôi đi” cuốn sách không chỉ dành cho những tâm hồn phóng khoáng, ưa thích tự do và yêu du lịch, nó dành cho tất cả chúng ta, cho những phút giây thư giãn sau những giờ làm việc học tập căng thẳng. Tin tôi đi, bạn sẽ không phải thất vọng khi lựa chọn nó.  Chắn chắn giọng văn chân thật, nhẹ nhàng và hài hước của tác giả sẽ cuốn hút bạn từ những trang đầu tiên, lôi kéo bạn cùng phiêu lưu cùng trải nghiệm với cô ấy trong cuộc hành trình xuyên suốt cuốn sách này.

Tác giả: Hương Ly - Bookademy

---

Trở thành CTV viết reviews sách để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị cùng Bookademy, gửi CV (tiếng Anh hoặc Việt) về: [email protected]

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về các cuốn sách hay tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

2,294 lượt xem