Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Bookademy] Review Sách "Nghệ Thuật Của Sự Tĩnh Lặng": Sự Xa Xỉ Cần Thiết Trong Cuộc Sống Hiện Đại

Như thường lệ, chúng tôi được tự do lựa chọn những cuốn sách sẽ nhận review trong tháng này. Một danh sách 40 cuốn với những cái tựa cuốn hút, nhưng rồi tôi lại điền tên mình vào Nghệ Thuật Của Sự Tĩnh Lặng sau vài phút cân nhắc. Tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng tĩnh lặng nghe có vẻ hay ho đấy, có vẻ giống mình đấy, và thế là điền.

Đến ngày lấy sách, tôi thở phào nhẹ nhõm vì cuốn sách này nhỏ và mỏng (lựa chọn đầu tiên của tôi đã là một cuốn lớn và khá dày rồi). Ấn tượng đầu tiên của tôi với Nghệ Thuật Của Sự Tĩnh Lặng là bìa cũng không đẹp lắm (xin lỗi vì tôi là một đứa trọng bìa sách), và là sách của TED. Ôi trời ơi. Sách TED. Tôi đã xem một vài video của họ và vô cùng thích chúng. Thế là trong một khắc, với tôi cuốn sách này chợt trở nên nặng hơn trọng lượng thực của nó khá nhiều. Cảm giác mình đang cầm trên tay một thứ siêu quan trọng ấy, nếu bạn hiểu ý tôi.

Hãy tìm hiểu về tác giả một chút đã nhé. Siddharth Pico Raghavan Iyer (sinh ngày 11 tháng 2 năm 1957), được biết đến rộng rãi với cái tên Pico Iyer, là tiểu thuyết gia và nhà viết tiểu luận gốc Ấn. Ông là tác giả của những tác phẩm du kí và giao lưu văn hóa như Video Night in Kathmandu, The Lady and the Monk và The Global Soul. Trước khi làm việc cho tạp chí Time vào năm 1982, ông từng là giảng viên bộ môn viết và văn học tại trường đại học Harvard. Ông cũng thường xuyên diễn thuyết tại các lễ hội văn học và trường đại học trên khắp thế giới. Ông tổ chức các buổi hội đàm tại TED vào năm 2013 và 2014 và đã hai lần trở thành Ủy viên Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ. Ông từng xuất hiện trong quảng cáo về Incredible India (tạm dịch: Ấn Độ Phi Thường) vào năm 2007.

Nghệ Thuật Của Sự Tĩnh Lặng (The Art of Stillness) được phát triển trên bài thuyết trình TED cùng tên dài hơn 15 phút của Pico Iyer. Bạn có thể tìm xem video đó trước nếu muốn. Theo lời giới thiệu ở mặt sau, cuốn sách này

bàn về cảm giác phiêu lưu bất ngờ của việc ở yên một chỗ và tiết lộ một sự thật trái ngược: Càng tìm cách kết nối nhiều hơn thì dường như chúng ta càng thất vọng để rồi lại tìm cách giải thoát khỏi những ràng buộc đó.

Nghe mỉa mai nhỉ? Nhưng nếu bạn để ý kĩ một chút, chúng ta thực sự đang sống quá vội vàng, thậm chí không cho phép bản thân nghỉ ngơi hay dành thời gian cho những mối quan hệ xung quanh. Stress và mệt mỏi chiếm hữu con người chúng ta, khiến ta hay ở trong trạng thái tồi tệ. Như Shakespeare từng viết trong vở Hamlet, “Chẳng có gì là xấu hay tốt, chính suy nghĩ mới tạo nên chúng”, ta thường có cái nhìn và suy nghĩ tiêu cực khi ở trong trạng thái không tốt. Do đó phản ứng và hành động với những việc xung quanh cũng bị ảnh hưởng theo, dẫn đến khó khăn chồng chất khó khăn, mệt mỏi lại càng thêm mệt mỏi. Dường như đây là một tình cảnh khó tránh được trong thế giới ngày nay, nơi con người cứ mải chạy đua vì sự nghiệp, học tập và các mối quan hệ. Ai ai cũng vội vã, ai ai cũng đang chạy nhưng lại chẳng có ai bắt kịp được cuộc sống.

Có quá nhiều điều trong cuộc sống của chúng ta diễn ra nơi tâm trí – dưới dạng những kí ức hay trí tưởng tượng, suy đoán hay diễn giải – đến mức mà nhiều khi tôi cảm thấy rằng mình có thể thay đổi cuộc đời của mình một cách tốt đẹp nhất chỉ bằng việc tôi thay đổi cái nhìn của mình về nó. Như nhà tâm lí học thông thái người Mĩ, William James, đã nhắc nhở chúng ta, “Vũ khí vĩ đại nhất chống lại áp lực chính là khả năng chúng ta lựa chọn một suy nghĩ này thay vì một suy nghĩ khác.” Chính góc nhìn mà chúng ta lựa chọn – không phải những nơi mà chúng ta tới – mới là yếu tố quyết định cuối cùng nơi chúng ta đứng. Mỗi lần tôi lên đường, cái kinh nghiệm đó chỉ thu đạt ý nghĩ và trở nên thâm sâu hơn, khi tôi trở về nhà, ngồi yên lặng, bắt đầu chuyển hóa những cảnh vật đã thấy thành những tri kiến dài lâu.

Đó cũng chính là lí do bạn nên đọc cuốn sách này và bắt đầu cứu lấy chính mình. Nghệ Thuật Của Sự Tĩnh Lặng sẽ cho bạn biết tầm quan trọng của việc ngồi yên lặng và thư giãn trong một khoảng thời gian ngắn, một vài cách bạn có thể tự áp dụng (xin báo trước là không nhiều) và những câu chuyện thật dựa trên trải nghiệm của chính Pico Iyer và những người ông đã gặp.

 

Nội dung tuyệt vời

Khi bắt đầu xuống núi, tôi chợt nhớ lại rằng chỉ vài năm trước đây, việc tiếp cận thông tin và các hoạt động dường như là một điều xa xỉ nhất của chúng ta; giờ đây được tự do tránh xa khỏi thông tin, cơ hội được ngồi yên lặng lại mang đến cho chúng ta cảm giác đó là phần thưởng quý giá. Yên lặng không phải chỉ là một sự nuông chiều cho những ai đầy đủ vật chất – đó là một nhu cầu thiết yếu cho những ai mong muốn giảm bớt những nguồn lực vô hình. Không đi đâu cả, như Cohen chỉ bày cho tôi, không phải là một sự khắt khe khổ hạnh mà là tiến gần tới cảm nhận của chính mình.

Mở đầu cuốn sách là khung cảnh Pico Iyer lái xe hướng đến “một khu nhà gỗ thô sơ rải rác quanh sườn đồi” để viết về cuộc sống gần như yên lặng và ẩn danh trên núi của Leonard Cohen – “người đàn ông trông như một tu sĩ Do Thái giáo” mà tác giả “gần như không thể tin được (…) là một ca sĩ và một nhà thơ, người đã nổi danh trong suốt 30 năm qua như là một nhà du hành, một người đàn ông thời thượng, luôn khiến thế giới phải hồi hộp dõi theo”. Có lẽ vào thời điểm này, Pico Iyer vẫn không cảm thấy ngồi tĩnh lặng đủ thuyết phục với bản thân mình (hoặc là ông chưa biết đến nó). Lời Giới Thiệu: Không Nơi Đến là những bước tiếp cận đầu tiên của tác giả với việc ở yên một chỗ. Khung cảnh tĩnh lặng và những cuộc trò chuyện chân tình với Leonard Cohen (có lẽ là thêm cả trải nghiệm ngồi thiền lần đầu tiên nữa chăng?) đã giúp Pico Iyer nhận ra “có thể bất cứ ai trong chúng ta cũng sẽ thảnh thơi biết bao nếu thử làm như thế”.

Lần đầu tiên tác giả rời bỏ cuộc sống đáng mơ ước của mình để tìm lại sự cân bằng cho bản thân, Cuộc Hành Trình Không Nơi Đến đầu tiên, là vào năm ông 29 tuổi. Ông rời bỏ căn hộ ở đại lộ Công viên và đường 20, rời bỏ công việc hấp dẫn ở căn phòng tầng 25 tại một tòa nhà ở Manhattan, gần Quảng trường Thời đại, rời bỏ những người đồng nghiệp tuyệt vời nhất; để đến với căn phòng đơn nhỏ xíu nằm trên khu phố hẹp tại Kyoto, Nhật Bản. Pico Iyer đã đi rất nhiều nơi: từ đảo Phục Sinh đến Ethiopia, từ Cuba đến Kathmandu, Morocco, Indonesia, Brazil, Bắc Triều Tiên, Yemen,…

Tuy vậy, trong những chuỗi ngày tháng đầy sôi động và háo hức ấy, có điều gì đó ẩn sâu bên trong tôi cho tôi biết rằng mình đang chạy lăng xăng khắp nơi nhiều đến mức tôi không có lấy một cơ hội nhìn lại về nơi mà tôi đang đi tới, hay để cảm nhận rằng liệu tôi có đang hạnh phúc thực sự hay không. Thực vậy, cứ mãi hoài hối hả với xung quanh trong công cuộc kiếm tìm sự hài lòng dường như là cách hoàn hảo nhất để chắc rằng tôi chưa từng được ổn định hay đang hài lòng. Rất thường xuyên tôi nhắc nhớ mình về một ai đó cứ bàn luận mãi về hòa bình bằng những khái niệm gây bất hòa và chia rẽ nhất.

Tuy nhiên, không phải cứ yên tĩnh ngồi một chỗ là được, bạn phải có cả tinh thần tốt nữa. Với Pico Iyer, sự tĩnh lặng chỉ đến đủ đầy nhất tại một góc đầy nắng nào đó ở Ethiopia và Havana. Hay như cách Henry David Thoreau, một trong những nhà thám hiểm vĩ đại nhất ở thời của ông, đã nói: “Không quan trọng là bạn đi tới đâu hay đi xa cỡ nào – thường thì càng xa càng tệ - quan trọng là bạn sống bao nhiêu.” Trong những ngày ở khu nhà tu Bennedictine, tác giả bắt đầu cảm thấy những điều kì diệu nho nhỏ xảy đến với mình, ông trở nên hạnh phúc như khi quên đi chính mình. “Sự im lặng còn ngân vang hơn cả bất cứ ngôn từ nào”, ông chia sẻ. Hương vị này mạnh mẽ và khác biệt đến mức Pico Iyer sẵn sàng thử thay đổi đời mình một lần nữa. Ông cùng vợ con dọn đến sống ở Nhật Bản, “trong một căn hộ mà ở đó không có xe hơi hay xe đạp, không phòng ngủ mà cũng chẳng có ti vi”, đi sâu hơn vào cuộc hành trình không nơi đến của riêng mình.

Khi Khái Quát Về Sự Tĩnh Lặng, Pico Iyer viết: “Đây là hình ảnh của tâm trí bạn – cuộc đời của bạn – khi bạn chẳng đi đâu cả. Luôn luôn đầy màu sắc mới, cảnh vật mới và vẻ đẹp mới; luôn luôn, ít nhiều, chẳng hề đổi thay.” Lần này, gần mười năm sau lần tới thăm Leonard Cohen, tác giả có cơ hội tới Hallenstadion nghe đức Đạt Lai Lạt Ma thứ XIV giảng bài. Và ông gặp Matthieu Ricard, phiên dịch viên tuyệt vời của đức Đạt Lai Lạt Ma – người đã từ bỏ sự nghiệp đầy triển vọng trong lĩnh vực khoa học để chuyển tới sống dưới bóng của dãy Himalaya. Người đàn ông Pháp 59 tuổi này thường được mô tả là “người hạnh phúc nhất thế giới” mặc dù vô cùng bận rộn. Chính Ricard là người khiến các nhà nghiên cứu

cảm thấy buộc phải đưa ra kết luận rằng những ai đã ngồi thiền trong nhiều năm đạt được một mức độ hạnh phúc, theo đúng nghĩa đen, vượt ra ngoài mọi thống kê và chưa từng thấy sách vở nào về thần kinh học trước đó ghi nhận.

Phải, là ngồi thiền. Hãy nhớ lấy nó vì tôi dám chắc bạn sẽ cần đến đấy. Matthieu Ricard cũng đã chia sẻ với tác giả cách ông tránh được cảm giác mệt mỏi vì công việc dày đặc và chênh lệch múi giờ - cách quá hiển nhiên với ông nhưng lại chẳng mấy ai biết đến. Và Ricard cảm thấy điều đó thật kì lạ.

Không đâu cả có thể là một nơi đáng sợ, ngay cả khi đó là nơi đến mà bạn đã lựa chọn; ở đấy không có chỗ nào để trốn cả. Khi bị khóa chặt bên trong đầu, bạn có thể sẽ phát điên hay cảm giác bị bỏ rơi với một con quỷ mà sẽ nói rằng bạn hãy ở nhà, hãy ở nhà cho tới khi bạn bị mắc kẹt sâu bên trong những suy nghĩ của mình đến mức bạn không thể nào thoát ra hoặc không thể gợi lên sức mạnh của ý định.

Một Mình Trong Bóng Tối chưa bao giờ là một trải nghiệm hay ho. Mông lung, hoảng loạn và sợ hãi là những cảm giác có thể bạn sẽ gặp phải và chúng sẽ mang tới cho bạn nỗi nghi ngờ, sự thờ ơ, lãnh đạm. Không phải sự tĩnh lặng nào cũng trở thành nghệ thuật mặc dù một trong những lợi ích của Không đi đâu cả là có thể khiến bạn “tỉnh táo, hào hứng và xúc động y như bạn đang yêu”. Nhưng tại sao lại có trường hợp này xảy ra? Vị tu sĩ Thomas Merton có nói, nếu bạn có sẵn ý định trước khi ngồi thiền (tức là bạn ngồi thiền với mục đích tìm sự trầm tư hay tìm sự an lạc để tạm quên đi hiện thực) thì bạn sẽ chẳng thành công nổi đâu. Bạn không thể vượt qua bóng tối bên trong mình bằng cách trốn tránh chúng.

Nhà toán học, triết học người Pháp thế kỉ XVII Blaise Pascal đã nói: “Tất cả những bất hạnh của con người xuất phát từ một sự thật đơn giản: rằng họ không thể ngồi yên trong phòng của mình.” Sau khi Đô đốc Richard E. Byrd sống gần năm tháng liền trong một cái lán ở Nam Cực một mình, với nhiệt độ thường xuyên xuống tới âm 70 độ, ông đưa ra kết luận rằng: “Một nửa những rắc rối của thế giới này đến từ việc không biết rằng chúng ta cần rất ít.” Hay, như ở Kyoto người ta thường nói: “Đừng làm gì cả, hãy ngồi ở đây.”

Trong thế giới hiện đại hóa, nơi công nghệ ngày càng phát triển thì Tĩnh Lặng lại chính là Nơi Chốn Cần Nhất cho mọi người. Hiểu được vấn đề này, một phần ba các công ty Mĩ hiện đã có “chương trình làm giảm stress” với số lượng nhân viên tham gia ngày càng tăng. Kết quả những chương trình này đem lại thật đáng phấn khích. Ví dụ, tại công ty General Mills, “80% các giám đốc cao cấp báo cáo có sự thay đổi tích cực trong khả năng ra quyết định, và 89% nói rằng họ đã trở thành những người lắng nghe tốt hơn,” và những thay đổi tích cực này đang tiết kiệm cho các doanh nghiệp Mĩ khoảng 300 tỷ đô la mỗi năm. Không những thế, ở lĩnh vực quân sự cũng ghi nhận những thay đổi đáng mừng. Những giờ tập trung cao độ hoàn toàn có thể khiến những người lính hải quân trở nên mạnh mẽ và cứng rắn hơn, hay thậm chí là, giúp họ cứu lấy chính mình và đồng đội.

Những ngày này, trong thời đại của sự dịch chuyển và kết nối, không gian, như Marx đã từng nói, đã bị hủy hoại bởi thời gian; chúng ta cảm thấy được kết nối liên tục với mọi nơi, mọi lúc và tại mọi thời điểm. Nhưng trong khi khoảng cách địa lí được chúng ta kiểm soát hết mức thì thời gian lại ngày càng độc đoán với chúng ta. Chúng ta càng có thể liên lạc với những người khác thì đôi khi có vẻ như chúng ta càng mất sự liên lạc với chính mình.

Thánh Nhật Giữa Nhân Gian đề cập đến sự tĩnh lặng, không làm gì cả trong ngày lễ Sabbath. Chỉ cần dành một ngày trong tuần không lịch trình, ta đã có một khoảng không gian rộng lớn để khám phá và tạm thoát khỏi những thói quen cố hữu của chính mình.

Sau khoảng thời gian ngắn với cuộc hành trình không nơi đến, đã tới lúc Trở Về Nhà rồi. Và chỉ đến lúc trở lại cuộc sống bộn bề thường ngày, bạn mới có thể nhận ra những lợi ích mà chuyến hành trình ấy mang lại. Pico Iyer nói rằng, bạn không cần phải đi tới một nơi thật xa để tĩnh tâm, 30 phút yên lặng mỗi buổi sáng, đi câu cá, hay chạy bộ cũng là những cách tìm đến bên trong bản thân mình.

Chỉ bằng việc dứt mình đi xa khỏi sự ồn ào và xao lãng thì tôi mới có thể bắt đầu lắng nghe điều gì đó ngoài tầm tai của tôi và nhớ ra rằng lắng nghe thì mạnh mẽ hơn rất nhiều so với việc lên tiếng hay phản ứng với tất cả những ý nghĩ và sự định kiến dù sao cũng ở lại với tôi suốt 24 giờ mỗi ngày. Và chỉ bằng việc không đi đâu cả - ngồi yên lặng và để cho đầu óc tôi thư thái – thì tôi mới thấy những suy nghĩ tới với tôi mà không bị cản trở, tươi mát hơn và giàu hình ảnh hơn rất nhiều so với những suy nghĩ mà tôi chủ tâm tìm kiếm.

 

Về bản dịch

Nói một cách thẳng thắn thì tôi không thích bản dịch Nghệ Thuật Của Sự Tĩnh Lặng. Có thể là do tôi khó tính nhưng theo tôi, bản dịch này có phần diễn đạt, sắp xếp các thành phần trong câu đều bám sát bản gốc, hầu như dùng y hệt từng dấu chấm và dấu gạch ngang. Về mặt ngữ pháp lẫn cách tổ chức câu, tiếng Việt không hề giống với tiếng Anh (ví dụ: tiếng Anh sử dụng and rất nhiều nhưng tiếng Việt thì không). Bởi vậy, việc dịch sát nghĩa đã vô tình khiến cho cuốn sách trở nên lạ lẫm và khó tiếp cận hơn so với bản gốc.

Dưới đây là một số lỗi diễn đạt tôi nghĩ nên được sửa và khắc phục trong lần tái bản.

  1. Trang 19:

Ngồi yên lặng, ông nói với một sự hào hứng khác thường, là “một sự thư giãn sâu lắng và thực sự” mà ông tìm thấy khi đã ở tuổi 61. “Sự sâu lắng thực sự, an lạc và cảm giác thư giãn tuyệt vời. Một sự hào hứng đang thực sự hiển hiện với sinh hoạt này.”

  1. Trang 20:

“Còn gì khác tôi có thể sẽ đang làm nhỉ?” Ông tự hỏi. “Phải chăng tôi sẽ đang bắt đầu một cuộc hôn nhân mới với một phụ nữ trẻ trung và gây dựng một gia đình mới? Hay tôi sẽ đang tìm kiếm một loại ma túy mới, một loại rượu đắt tiền hơn? Tôi không biết. Với tôi, điều này dường như là một đáp ứng xa hoa lộng lẫy cho tình trạng trống rỗng của sự hiện hữu của chính tôi.”

  1. Trang 59:

Như Thomas Merton, một vị tu sĩ có tài hùng biện, đã nói: “Phong cách trầm tư không phải là một phương cách, và nếu ai đó cứ cố theo đuổi thì những gì anh ta tìm thấy là không gì cả.” Một trong những nguyên tắc của việc ngồi yên lặng, thực vậy, là “nếu bạn đi vào nó với mục tiêu đã định sẵn như tìm sự trầm tư, hay thậm chí tồi tệ hơn là an lạc, bạn sẽ chẳng tìm thấy gì cả. Bạn sẽ không thể tìm thấy gì cả nếu trước tiên, trong ý nghĩa nào đó, mục tiêu không bị từ bỏ.” Điều này khá là nghịch lý – khó khăn tương tự như giải một Công án Thiền – nhưng tôi có thể nắm được điểm mấu chốt ở đây là: Một người ngồi trong yên lặng thì cô đơn, thường là thế, nhớ đến những gì mà anh ta không có. Và những gì anh ta có thì có thể rất giống như không có gì.

  1. Trang 61:

Nhà thơ người Đức đã viết: “Luôn luôn có thế giới, và không bao giờ có Không đâu cả mà không có Không; cái phần tử không tách rời ấy người ta hít thở mà không hề mong muốn và không hề biết đến.”

  1. Trang 87:

Một số người, với điều kiện tài chính có thể mua một mảnh đất ở vùng nông thôn hoặc một ngôi nhà thứ hai; tôi luôn nghĩ rằng thật dễ để có ngôi nhà thứ hai trong tuần – đặc biệt nếu, giống như hầu hết tất cả chúng ta, chẳng có nhiều tiền để mua bất động sản đắt đỏ.

 

Kết

Những bức ảnh hoàn hảo của nhiếp ảnh gia Eydis S. Luna Einarsdottir đã cứu được một phần cuốn sách này. Thật tiếc khi tôi không có thời gian viết về chúng. Nhưng với nội dung đáng được chia sẻ rộng rãi, và những bức ảnh có thể khiến tâm trí bạn thư giãn ấy thì Nghệ Thuật Của Sự Tĩnh Lặng vẫn là một cuốn sách đáng đọc. Cuốn sách mỏng này sẽ không chiếm nhiều thời gian của bạn, nhưng đủ để khiến bạn phải cân nhắc tìm hiểu và tiến vào thế giới của tĩnh lặng – một sự xa xỉ cần thiết trong thế giới ngày nay.

Nếu bạn muốn cứu lấy chính mình khỏi “nạn dịch sức khỏe thế kỉ XXI”, muốn quay về tràn đầy sức sống sau một kì nghỉ ngắn, hãy cân nhắc tìm đọc cuốn sách này của Pico Iyer và dũng cảm thử thách. Hãy nhớ, “không đi đâu cả không phải là quay lưng lại với thế giới mà là thỉnh thoảng bước ra để có thể nhìn thấy thế giới một cách rõ ràng hơn và yêu nó sâu đậm hơn.”

 

 

Tác giả: Thu Trang – Bookademy.

---

Bài viết cộng tác cùng Bookademy xin gửi về: [email protected]

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về các cuốn sách hay tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn/

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,979 lượt xem