Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Bookademy] Review Sách "Nhật Ký Tiểu Thư Jones": Tuyên Ngôn Phụ Nữ Thời Hiện Đại

Nếu bạn là một cô gái, hãy chọn “Nhật ký tiểu thư Jones” như món gia vị hài hước cho ngày cuối năm, và như món ăn không thể thiếu vào những ngày còn lại. Hãy như Jones, trân trọng, yêu thương bản thân và mạnh mẽ, quyết đoán, tự chủ cuộc đời mình.

Một cuốn sách cho phụ nữ trưởng thành, và tôi đã đọc nó vào mùa hè năm 17 tuổi…

“Nhật ký tiểu thư Jones”, tựa đề đủ làm tôi háo hức khi gợi lên hình tượng nhân vật nữ ưa thích: tóc vàng hoe, con nhà giàu, sành điệu và được bao chàng trai vây quanh, như Elle Woods trong Legally Blonde chẳng hạn. Tuy nhiên, khi đọc được vài trang đầu tiên, tôi cảm thấy khá thất vọng và hụt hẫng. Jones Bridgett là cô nàng “hút thuốc như ống khói, uống rượu như cá và ăn mặc hệt mẹ cô ta”, ngoài 30 tuổi mà vẫn chưa có mảnh tình vắt vai. Nếu lúc đó có người hỏi về nội dung cuốn sách, tôi có thể không do dự mà cười bảo rằng: “Một nàng gái ế lên kế hoạch tán trai không hơn không kém”.

Nhưng có lẽ một cuốn sách đạt giải British Book of the year, được dựng thành phim và trở thành tác phẩm ưa thích của hội chị em ắt hẳn ẩn chứa nhiều giá trị nhân văn hơn thế. Thật vậy, dù được viết cách đây 20 năm, cuộc sống và con người qua ngòi bút của Helen Fielding vẫn chưa bao giờ lỗi thời. Phụ nữ thời nay ai chưa từng ám ảnh với cân nặng và những chế độ ăn kiêng khắc nghiệt, ai chưa từng bước qua những mối tình nồng thắm và điên dại của thanh xuân, ai chưa từng điên cuồng với đủ mốt áo quần và công việc nơi văn phòng? Jones không phải là ngoại lệ, có thể giản dị hơn, nhưng cũng phi thường và đáng ngưỡng mộ hơn.

Ngay từ đầu năm mới, Jones đã lên hàng tá kế hoạch để tìm được nửa kia ưng ý, và lọt vào mắt xanh của cô nàng là tay sếp lừa tình Daniel Cleaver.  Cô đã yêu anh ta bằng cả trái tim và thể xác, nhưng đổi lại chỉ là sự phản bội. Đau khổ, tuyệt vọng, khủng hoảng,… nhưng sau cùng cô cũng chọn cách mạnh mẽ dứt bỏ. Ừ thì ế nhưng không “rẻ tiền”, không thể vì cô đơn mà đi sai đường. Hãy như Jones, học cách tàn nhẫn, đối với những kẻ phụ bạc, nếu không thể trả thù cũng không bao giờ tha thứ.

Cuối cùng thì Jones cũng đến được với Mark Darcy, anh chàng luật sư mà ngay từ đầu truyện, cô “trót” ghét cay ghét đắng. Tình yêu của họ trái ngược, ngộ nghĩnh mà trọn vẹn vô cùng, bởi nó được trả giá bởi sự thấu hiểu sau loạt tình huống dở khóc dở cười. Jones là mẫu con gái, không xinh đẹp nhưng lại rất đẹp, bởi cô yêu thương bản thân mình, sống kiêu hãnh mà lại chan hòa, hài hước và nhạy cảm. 

Xuyên suốt cuốn nhật ký, có thể dễ dàng nhận ra khiếu hài hước tuyệt vời đậm chất Anh của Helen Fielding (mà tôi chắc chắn rằng bạn đọc sẽ cười nhiều hơn nếu đọc bản gốc) bởi việc lồng ghép vài cảnh “tục tĩu” đời thường, thảm họa nghề nghiệp hay những suy nghĩ ngô nghê rời rạc của cô nàng 30 tuổi. Một điểm cộng nữa cho cuốn sách là văn phong khá tự nhiên, liền mạch và sinh động khi nhắc tới hàng loạt sự kiện, ngày nghỉ, món ăn và người nổi tiếng ở Anh như Virgina Bottomley, Geoffrey Boycott, Harol Pinter,… Mối tình của cô với Mark Darcy chớm nở vào  ba tháng cuối của cuốn nhật ký, nên càng về sau nhịp truyện nhanh dần và hấp dẫn, lôi cuốn hơn.

Nếu bạn là một người tinh tế, có lẽ không khó để  nhận ra giọng điệu mỉa mai của tác giả khi hướng ánh nhìn vào “bản chất cay đắng, bi đát về sự suy tàn của xã hội truyền thống”. 30 tuổi chưa chồng, ở thời điểm đó đã bị cho là ế, và thường xuyên bị chỉ trích, soi mói bởi những kẻ “yên bề gia thất”. Jones có thể ngạo nghễ cười vào mặt họ bởi cô thấy rõ cái bẫy của hôn nhân, biết tường tận thói hư tật xấu của những ông chồng bà vợ… nhưng rốt cuộc lại chọn cách im lặng vì sợ làm mọi người tổn thương. Ngay cả mẹ cô, sau bao năm chịu thương chịu khó làm người phụ nữ gia đình cũng quyết định dứt bỏ tất cả để theo nghiệp truyền hình với các chương trình màu mè và tay trong tay với một gã đàn ông tội phạm. Những cuộc tình vụng trộm, tiệc tùng lố lăng, tình yêu đồng tính… cũng được tác giả tường thuật, miêu tả khá chi tiết.

Hàng ngàn phụ nữ đã đọc và tìm thấy hình ảnh chính mình trong đó: xoay quanh bởi hàng ngàn mối quan hệ phức tạp lẫn những vấn đề đau đầu nhức óc hằng ngày. Họ thấu hiểu và cảm thấy như được tiếp sức để mạnh mẽ hơn, sống tốt hơn. Còn riêng tôi, một cô gái 17 tuổi, “tiểu thư Jones” đơn giản là truyền cảm hứng để tôi giảm cân và định hình mẫu phụ nữ tôi muốn trở thành: “Là bà hoàng của cuộc đời mình, kiêu hãnh và tỏa hương”.

Tập đầu tiên của "Nhật ký tiểu thư Jones" cũng được độc giả Anh chọn vào danh sách "10 tiểu thuyết định nghĩa thế kỷ 20", cùng với các tác phẩm lớn như "1984" của George Orwell và "Nhật ký Anne Frank".

Từ tiểu thuyết tới phim: Tập đầu của bộ tiểu thuyết, cuốn "Nhật ký tiểu thư Jones" (Bridget Jones's Diary), ra năm 1996. Năm 1999, ra tập hai Bridget Jones: The Edge of Reason. Hai cuốn này đều bán chạy và đã được Hollywood chuyển thể thành phim do Renee Zellweger đóng vai Bridget Jones và Colin Firth đóng vai Mark Darcy. Đây là bộ tiểu thuyết có cộng đồng người hâm mộ đông đảo ở Anh, được ví như các tiểu thuyết của Jane Austen ở thời hiện đại, cũng của một nhà văn nữ, viết về đời sống tình cảm của nhân vật nữ chính, và đều có nhân vật nam chính mang họ Darcy.

Nguồn sưu tầm: https://goo.gl/22B7GR 

------

Trở thành CTV viết reviews sách để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị cùng Bookademy, gửi CV (tiếng Anh hoặc Việt) về: [email protected] 

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về các cuốn sách hay tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,454 lượt xem