Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Bookademy] Review Sách "Những Lá Thư Đến Từ Tương Lai": Khơi Gợi Sự Hứng Thú Đối Với Việc Học

Học không phải là tất cả nhưng nếu không học, chúng ta sẽ không có được tất cả. Bản thân hãy một lần suy nghĩ tích cực, hành động tích cực chắc chắn việc học sẽ trở thành một nguồn cảm hứng sống tuyệt vời cho mỗi người trong chúng ta.

Chưa bao giờ việc học đối với học sinh, sinh viên hay phụ huynh trở thành một mối nguy như ngày nay. Không biết bao nhiêu bạn trẻ dần dần cảm thấy chán nản với việc học, hành động tiêu cực, phân vân, do dự trước những lựa chọn của tương lai. Nếu bạn đã hoặc đang như thế thì hãy tìm đọc “Những lá thư đến từ tương lai”, một cuốn sách của nhà văn Yasushi Kitagawa.

Kitagawa đang giữ cương vị một nhà giáo, đồng thời cũng là một nhà văn nhận được rất nhiều sự yêu mến từ học sinh, sinh viên, cũng như giới trẻ Nhật Bản. Ông là một trong những tác giả được khuyên đọc bởi Hội phổ biến đọc sách Nhật Bản NPO với những tác phẩm được biết đến nhiều như “Cuộc hẹn bình minh”, “Cửa tiệm của những lá thư”, “Những lá thứ đến từ tương lai”.

“Những lá thư đến từ tương lai” gồm bốn chương kể về câu chuyện của cô bé Waka học lớp 11, đang phân vân về con đường tương lai sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông. Nhờ sự kết nối từ anh trai, Waka được kết nối với Quán chủ, một dịch vụ trao đổi thư nhằm động viên những người đang gặp khó khăn trong cuộc sống và cô bé nhờ đó đã tìm được đáp án cho con đường tương lai của mình. Nhưng nếu câu chuyện chỉ dừng lại ở đây thì không có điều gì đáng nói. Điều hấp dẫn và thú vị ở cuốn sách này, đó là thông qua mười lá thư trao đổi với Waka, tác giả đã khơi gợi niềm cảm hứng say mê đối với việc học, giúp cho đọc giả thấy được giá trị thật sự của việc học. Những phương pháp, định nghĩa khô khan, mang tính lí thuyết về việc học dưới ngòi bút của Kitagawa bỗng trở nên gần gũi, quen thuộc, mỗi con chữ như có mê lực hấp dẫn người đọc đến trang cuối cùng. Bốn chương sách với các tiêu đề lần lượt “Phân vân” – “Tác động” – “Thay đổi” – “Hy vọng” được gói gọn dưới hình thức những lá thư, như một cuộc trò chuyện bằng thư tay, cuốn sách đã giúp cho ta hiểu được rằng học tập chính là một công cụ để rèn giũa bản thân và đem lại lợi ích chung cho cộng đồng.

Từ trước đến nay, chúng ta cảm thấy áp lực, chán nản trước việc học, bởi vì chúng ta cho rằng đây là việc phải làm, và làm với tâm trạng nặng nề, áp lực nên vô hình chung việc học cũng vì thế mà trở nên đáng sợ với học sinh, sinh viên như ngày nay. Điều duy nhất giúp chúng ta thoát ra khỏi suy nghĩ đó, có cảm hứng trong học tập là hãy biến việc “nên làm” thành việc “muốn làm” bằng sự tưởng tượng. Bạn hãy thử nghĩ rằng việc “nên làm” như giải một bài Toán, đọc một câu tiếng Anh, thi đỗ vào một trường Đại học, theo đuổi chuyên ngành mình yêu thích là việc của 10 năm sau bạn “muốn làm” thì chắc hẳn bạn sẽ có động lực để thực hiện điều đó. Và sau mỗi lần như thế, bạn sẽ cảm thấy vui vẻ. Niềm vui thật sự không nằm ở sự biểu hiện bên ngoài là cười mà niềm vui thật sự thể hiện ở sự thỏa mãn bên trong sau sự say mê giải đáp những khó khăn.

Điều thứ hai khiến việc học trở nên khó khăn và áp lức là vì chúng ta đều học sai cách. Chúng ta không đủ kiên trì hay ý chí để theo đuổi một bài toán khó, học một câu thoại tiếng Anh. Mỗi khi gặp một câu hỏi nhỏ, chúng ta lại thấy nản chí bỏ qua câu này, bỏ qua môn kia, để tiếp tục học một môn khác nhưng thế rồi cứ như thế cuối cùng chỉ phí thời gian mà chẳng học được một môn nào trọn vẹn. Thông thường, chúng ta đặt ra mục tiêu cho bản thân là học được 3000 từ vựng để trau dồi vốn từ nhưng kết quả là khi học được vài trăm từ đã bỏ cuộc vì chán nản. Bởi vì việc học lúc này đã trở thành việc phải làm, lặp đi lặp lại một cách đơn điệu không có cảm xúc, không có hứng thú. Thay vào đó để trau dồi vốn từ vựng, chúng ta hãy bắt đầu đọc một đoạn văn cơ bản và hình dung ra những tình tiết trong câu chuyện rồi hãy tra những từ không biết. Điều này giúp ấn tượng  về một từ dễ hơn khi có ngữ cảnh, không chỉ thế ta còn học được ngữ pháp, cách viết. Như vậy, việc học không chỉ trở nên thú vị mà còn hiệu quả.

Điều thứ ba, tác giả giúp chúng ta hiểu được rằng việc học không chỉ gói gọn ở nhà trường, sách vở mà còn ở khắp nơi trong cuộc sống. Dù chúng ta không học Đại học, không học chữ thì cũng sẽ học một ngành nghề khác, một điều gì khác và mọi kiến thức đều quý giá như nhau. Thay vì bận tâm, chúng ta sẽ học cái gì?,  mà hãy nghĩ xem chúng ta sẽ học như thế nào? Tất cả mọi kiến thức đều là một nguồn thức ăn nuôi dưỡng tâm hồn vậy nên hãy mở rộng sự quan tâm về nhiều hướng để tìm thấy cảm hứng học tập. Như khi chúng ta thấy chán ghét môn Toán, thì hãy tìm sự quan tâm khác có liên quan như thầy giáo dạy Toán, hay một bạn trai trong lớp học giỏi Toán chẳng hạn. Từ sự quan tâm, sẽ khơi dậy sự tò mò, sự hứng thú đến một sự vật, sự việc.

Và một điều bản thân khá tâm đắc là tựa đề của lá thư thứ tư “Con người có thể tự tạo ra lẽ sống cho cuộc đời mình” như một nút mở cho bao băn khoăn của tôi lâu nay. Trước giờ, bản thân vẫn luôn tự hỏi liệu những việc mình làm, chuyên ngành mình học thật sự là vì điều gì? Mục đích sống của mình là gì? Tôi vẫn luôn đi tìm đáp án duy nhất cho mọi câu hỏi đó. Nhưng đến hôm nay khi cầm trên tay “Những lá thư đến từ tương lai”, tôi mới hiểu rằng chẳng có đáp án duy nhất hay tuyệt đối nào. Điều tôi có thể làm là hãy ngưng quanh quẩn tìm kiếm trong chính mê cung của mình mà thay vài đó mỗi ngày hãy tự đem đến cho mình một lí do để sống từ những việc đơn giản. Đôi khi chỉ là việc lắng nghe và chia sẻ một câu chuyện của bạn bè, hay viết đôi ba dòng tâm tự, hay tự tay làm nên một món quà cho người mình yêu thương thì đó cũng là lí do để chúng ta tồn tại trên cuộc đời này. Vì thế, bản thân cho rằng hãy cứ suy nghĩ và giữ thái độ tích cực, điều gì thật sự có ý nghĩa, quan trọng với cuộc đời bạn dù vô tình hay cố ý thì rồi chắc chắn sẽ xuất hiện.

Cuốn sách đã khép lại với lời nhắn nhủ sâu sắc “Chúng ta cần trân trọng “quyền được học tập” của chính mình. Ai cũng phải sử dụng nó thật tốt, và trân trọng nó”. Học không phải là tất cả nhưng nếu không học, chúng ta sẽ không có được tất cả. Bản thân hãy một lần suy nghĩ tích cực, hành động tích cực chắc chắn việc học sẽ trở thành một nguồn cảm hứng sống tuyệt vời cho mỗi người trong chúng ta. Và biết đâu rằng, chúng ta sẽ là những người tiếp tục viết những lá thư khơi gợi, truyền cảm hứng, niềm yêu thích học tập đến những bạn trẻ khác vào một ngày không xa trong tương lai.

Nguồn sưu tầm: https://goo.gl/7suqQv

------

Trở thành CTV viết reviews sách để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị cùng Bookademy, gửi CV (tiếng Anh hoặc Việt) về: [email protected] 

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về các cuốn sách hay tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

436 lượt xem