Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Bookademy] Review Sách " Tôi Là Một Con Lừa": Lên Đường Với Trái Tim Trần Trụi

Trước mỗi lần lên đường, tôi cố gắng trút bỏ mọi định kiến, mọi hình dung.

Tôi dốc cạn để đầu óc trống rỗng, không mong chờ, không phán đoán.

Tôi liều mạng để trái tim mình rộng mở, trần trụi.

Và tôi lên đường như một tờ giấy trắng, với niềm khát khao được phủ kín, được lấp đầy, được đổi thay.

Nguyễn Phương Mai – cô gái độc thân mà vẫn long lanh theo cách của riêng mình. Chị là tác giả thể loại sách Du ký mà tôi rất thích, ngoài những câu chuyện về vùng đất chị đã đi qua, tôi còn ấn tượng với tính cách của chị, một cô gái Việt Nam giỏi giang và phóng khoáng, không phải là một chút liều lĩnh mà là rất liều, nhưng liều một cách thông minh và hiểu biết. Chị cũng là tác giả cuốn Con đường Hồi giáo, nếu như Con đườn Hồi giáo viết về cuộc hành trình qua các nước Trung Đông một cách chi tiết thì Tôi là một con lừa lại là cuốn sách đầu tay với cách viết còn chút vụng về nhưng chân thật và bộc lộ rõ tính cách của Nguyễn Phương Mai. Đọc Tôi là một con lừa, bạn sẽ thấy có một nhân vật còn cá tính và trẻ trung hơn cả tác giả, đó chính là mẹ của chị.

Like a rolling stone – Như một hòn đá lăn. Để không bị bám rêu. Để thấy mình sảng khoái như một cánh chim bay trên thung lũng thăm thẳm. Để đi đến tận cùng sợ hãi khi bước ra khoảng không tự độ cao vời vợi. Để phát hiện ra sự nhỏ bé ngu ngốc của con người trước tự nhiên. Để băn khoăn trước câu hỏi văn minh hay mông muội. Để phá tan những ngộ nhận và định kiến. Để soi vào danh tính và bản ngã con người mình. Để liều lĩnh. Để tươi mới. Để suy tưởng. Để nghẹn ngào. Để hớn hở. Để độc thân mà vẫn có thể long lanh. Nguyễn Phương Mai!

Tự bạch: Rốt cuộc, tôi là một con lừa

Đầu năm 2010, khi đang là giảng viên Đại học Khoa học Ứng dụng Amsterdam thì Nguyễn Phương Mai xin nghỉ một năm để “đi châu Phi với lị Trung Mỹ”. Ngày 1 tháng 1 năm 2010, bắt đầu chuyến đi dài gấp hai lần rưỡi vòng xích đạo với một chiếc ba lô nặng mười một cân và tâm trạng vô cùng hớn hở của một con lừa.

Trong phần mở đầu cuốn sách có kèm nhận xét của Đạo diễn Lê Hoàng về Tôi là một con lừa và tác giả của nó. Ông viết “Đi với lừa trở thành một bản năng đến mức đôi khi mắt nó phải che bởi chẳng cần nhìn đường. Mai cũng thế, dù mắt cô không che. Có cảm giác cô không hỏi ai trước khi lên đường, không bị định kiến của thiên hạ làm chùn bước. Những kẻ như Mai có khả năng đi lung tung, nhưng không khi nào đi cuối cùng. Tôi rất mong có ngày được nắm đuôi Mai”

Suốt chặng đường vắt ngang qua năm châu lục với 23 quốc gia, Mai vẫn mang theo mình tâm trạng hớn hở ấy. Gần một năm vác ba lô đi loanh quanh, con lừa ướp nhẹp ấy đã liên tục ngộp thở, lột xác, ngơ ngác, lạc đường, đôi khi phẫn uất hoặc hân hoan tột đỉnh. Dù có chuyện gì xảy ra thì chị vẫn đứng lên rồi nói “Whatever” – thế nào cũng được, rồi con lừa trong chị cứ tiếp tục với chiếc ba lô mười một cân đi qua năm châu lục.

Thứ nhất, ông bà mình thường bảo “Thân lừa ưa nặng”. Bằng tuổi tôi, vào một buổi tối mùa đông ướt át cóng buốt như hôm nay, bình thường con gái nhà người ta sẽ ngồi trên ghế sofa, co ro cuốn chăn vào chân, dụi đầu vào vai chồng, mắt lườm tivi, mồm cắn hạt dưa, đầu óc mơ mộng nghĩ đến một kỳ nghỉ ở xa xôi đâu đó có spa và nắng ấm. Cái phiên bản ấy mang tên tôi thì khác hẳn: Cuốn chân vào một cái áo khoác, dụi đầu vào một khung cửa sổ không kính không chắn song trên một khoang tàu có hai mươi nhăm cái ghế với gần một trăm con người cộng hàng chục con gà và thêm năm cái xe đạp. Nếu không có anh bạn đường đưa vai ra che chắn, hẳn cả đám đông đen đúa nhếch nhác kia đã ngồi chồng cả lên người tôi rồi. Chẳng có tivi cũng chẳng có ghế sofa, tôi chỉ biết nhắm mắt đếm cừu để tránh những ánh nhìn chòng chọc rất sỗ sàng đặc trưng của người Ấn.

Phiêu lưu: Hành trình qua 23 nước- lần đầu con lừa đi bụi

Đó là hành trình tìm hiểu về cội rễ những nền văn hóa, tìm ra câu trả lời cho những băn khoẳn của chính mình, là những trải nghiệm, suy ngẫm và tình người. Châu Phi – con lắc giữa hai thái cực, Úc Châu – người lạ trong chính nhà mình, Mỹ Châu – những đứa con hoang vô thừa nhận, Á Âu – vĩ tuyến văn minh, mỗi châu lục mỗi câu chuyện đặc trưng để khám phá.

Một trong những trải nghiệm đáng nhớ với Nguyễn Phương Mai là làm tình nguyện tại một trại trẻ mồ côi ở Nam Phi. Để tham gia chương trình này phải đóng 700 euro để chi phí cho bản thân và đóng góp xây dựng trường học cho các em. Nhưng chưa đầy một tuần thì chị đã phải bỏ chạy, không phải vì không thể chịu khổ mà vì giáo viên ở đây chỉ cần chờ tình nguyện viên đến là bỏ lớp ra ngoài hóng gió. Đồng tiền góp vào thực sự không có khả năng sinh sôi. Họ nghèo vẫn hoàn nghèo, ngày càng nghèo hơn, đến mức không còn muốn đứng lên mà chỉ biết kể lể oán trách phương Tây về những năm tháng đô hộ xa xưa.

Có một đếm nằm dưới bầu trời Nam Phi đầy sao, bạn tôi, một người Phi da trắng tâm sự: “Mai à, châu lục này đang dở sống dở chết. Tôi nghĩ Mai đừng dốc tiền vào đây nữa. Tôi hi vọng phương Tây đừng dộc tiền vào đây nữa. Họ phải để nó tự lụi bại, tự tan tác, tựu thiêu cháy hết cả ra. Rồi từ đống hoang phế ấy châu lục sẽ đứng lên bằng đôi chân mình. Như loài chim phượng hoàng, cùng kiệt của cuộc sống là nó tự thiêu cháy bản thân thành tro bụi. Để rồi trong tàn tro của chính cơ thể mình, con chim chúa sẽ hồi sinh.

Nam Phi, Namibia, Boswana, Zambia, Malawi, Mozambique, Lesotho, New Zealand, Mỹ, Mexico, Cuba, Guatemala, Belize, Honduras, Nicaragua, Costa Rica, Panama, Colombia, Ecuador, Peru, Bolivia, Argentina, 23 đất nước trong cuộc hành trình của Nguyễn Phương Mai như những đợt sóng tràn của cảm xúc vui buồn, của sự kiện may rủi, của muôn vàn sắc thái văn hóa lịch sử.

Xứ sở New Zealand có lẽ là đất nước đẹp nhất mà tôi từng đặt chân đến. Những chuyến xe dọc nam đảo như lướt qua những cơn mơ. Phong cảnh hai bên đường đẹp đến nỗi chỉ cần nhắm mắt, giơ máy ra ngoài cửa sổ chụp đánh toách một cái là cũng có một bức ảnh lung linh. Thật dễ hiểu tại sao đây là nơi quay bộ phim Chúa tể chiếc nhẫn với những cảnh thiên nhiên hùng tráng và hoang dã. Những ngày ở New Zealand, tôi ghen tị khủng khiếp với bọn cừu. Chúng sở hữu những khung hình tuyệt đỉnh nhất, những góc nhìn độc đắc nhất, rồi tệ một cái là chúng cũng chẳng thèm nhìn mà mải mê gặm cỏ. Ở New Zealand, cừu nhiều hơn người.

Suy ngẫm: Phương Tây qua lăng kính của mẹ

Đi nghỉ mát khác gì với đi du lịch

Đi tour có hướng dẫn viên, đi đến toàn những nơi danh lam thắng cảnh, ăn uống ở những nhà hàng tử tế, suốt ngày chỉ chăm chăm mua sắm, một chữ tiếng bản địa cũng không biết, một mẩu văn hóa lịch sử của người bản địa cũng không hay, đó chính là đi nghỉ mát, có đi đến tận châu Phi mà đi kiểu đó cũng là đi nghỉ mát thôi.

Theo Mai và cô bạn thân thì đi du lịch là nói không với tour, hầu như nguời dân ở đâu cũng hiếu khách, càng nghèo càng ít gặp dân du lịch càng hiếu khách. Chỉ cần một ngày cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với họ, những điều đọng lại thường tha thiết, sâu sắc và khó quên hơn một ngày ở khách sạn ăn cơm tiệm và lang thang chụp ảnh thắng cảnh rất nhiều.

Phương Mai cá tính là thế nhưng chị cũng phải công nhận rằng có một người đặc biệt cá tính mà chị cũng phải thán phục, đó chính là mẹ mình.

Khó có thể tưởng tượng mẹ là người thất học. Trình độ văn hóa lớp ba. Gia đình phố thị hẳn hoi nhưng cảnh nhà lâm nạn nên có thời mẹ phải đi ăn xin, suýt chết đói phải nhai cả cuống cà, vào bộ đội mới biết một bữa no. Khi tôi có học bổng du học, mẹ là người duy nhất ủng hộ tôi từ bỏ công việc chức to lương cao nhiều bổng lộc để trở lại thành sinh viên. Từ hồi ba mất, tôi tâm niệm cứ hễ có dịp là đưa mẹ ra nước ngoài chơi, mẹ khoái lắm, bảo có tiền cứ đi là sướng, đi một ngày đàng học một sàng khôn, đi hẳn nước ngoài, cái khôn mẹ gặt hái được nhiều phải chia bớt cho người khác mới hết…

…                                                                    

Hai mẹ con sang Pháp chơi, phi thẳng đến tháp Eiffel như bao kẻ du lịch tầm thường khác. Mẹ ngó lên cái tháp cao vời vời rồi buông một câu: Cái cột điện này to nhỉ? Nhưng mà thô và xấu quá! Tôi hết hơi thuyết phục mẹ rằng đây đích thị là một kỳ quan hiếm có với số lượng khách tham quan phải xì tiền ra để chiêm ngưỡng cao nhất thế giới luôn. Mẹ buông một câu: Mày thế mà ngốc, thấy thiên hạ bảo đẹp thì cũng kêu đẹp là sao. Con mà không bảo cái cột điện này nổi tiếng thì mẹ cũng chẳng biết. Nhìn xấu hoắc, đau cả mắt.

Vấn đề là mẹ đúng, thế mới đau…

Tối hôm ấy về nhà gu gồ xong, tôi len lén nhìn mẹ thầm xấu hổ… đưa mẹ đi chơi để mở mang đầu óc, rốt cuộc qua bao nhiêu chuyến đi, tôi nhận thấy hóa ra chính mình mới là kẻ có lãi.

Nếu còn có ngày mai

Nguyễn Phương Mai và những người bạn của mình vẫn thường hay thiết kế một danh sách gọi là “bucket list” – những điều phải thực hiện hoặc phải hưởng thụ trước khi về chầu ông vải. Bucket list của Mai thay đổi liên tục, sau chuyến đi này chị cũng đã thêm vào danh sách ấy những việc như có một show du lịch của riêng mình, chụp anh mặc bikini ở Bắc Cực, hay thậm chí còn mơ một ngày lên NASA bán vé tên lửa giá rẻ bay lên cung trăng. Vẫn biết là có hơi điên một chút nhưng cứ viết vào thôi, còn bạn, bạn đã có kế hoạch nào cho mình chưa, bạn muốn làm gì và muốn hưởng thụ điều gì trong suốt cuộc đời mình?

Trung Đông là cái nôi của văn minh phương Tây, năm trong số bảy kỳ quan của thế giới cổ đại được xây dựng ở đây. Không ai có thể phủ nhận rằng Trung Đông là đỉnh cao văn hóa và khoa học của thế giới trong gần năm thế kỷ khi châu Âu vẫn còn ngơ ngác trong mông muội.

Hẳn nhiên Trung Đông giờ đã khác thời kỳ vàng son, nhưng Trung Đông cũng không phải chỉ có khăn trùm đầu và bom cảm tử. Hồi giáo, cực đoan, khủng bố… những cụm từ này thường đi liền với nhau trên các bản tin. Một cách vô thức, chúng ta mặc định đây chính là những đặc thù của Trung Đông và đạo Hồi.

Trong thực tế, bức tranh toàn cảnh thế giới Hồi giáo vô cùng sống động, phong phú và đa màu sắc hơn là chỉ có tiếng súng và những người phụ nữ bịt mặt. Trong tập sách tiếp theo, Con đường Hồi giáo, tôi hi vọng sẽ chia sẻ với các bạn một cách sâu sắc, chân thật cuộc sống hiện tại ở mười ba quốc gia khác nhau… và đây chính là dấu cộng hiện thời trong bucket list của tôi.

Sẻ chia: Chân không đi làm sao biết bị xiềng xích

 

Càng đi càng ít dám chê bai nước mình

Suốt 18 năm qua, khi đã đặt chân đến gần 80 nước, đi nhiều, so sánh nhiều, dẫn đến muốn phê và tự phê là điều dễ hiểu, và Nguyễn Phương Mai nhận ra rằng chị không còn dám chê bao kiểu : Chỉ có ở Việt Nam… Bởi đa số các vấn đề Việt Nam cần chê bai thì nước nào cũng có, chỉ tội có nhiều hay ít và tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau

Phụ nữ Việt Nam thật là giỏi

Tôi luôn bái phục những người phụ nữ ở quê nhà. Cả đời tôi chưa thấy người phụ nữ Việt Nam nào chỉ ở nhà làm nội trợ mà không kiêm nhiệm thêm chuyện đồng áng, buôn bán nhỏ…Phụ nữ Việt Nam lúc nào cũng làm việc cật lực. Từ lúc sinh ra họ đã được cả xã hội mong chờ sẽ trở thành siêu nhân, vừa phải “giỏi việc nước”, vừa phải “đảm việc nhà”…

Tôi cũng may mắn vì cuộc sống và đồng lương ở Tây Âu tạo điều kiện dễ dàng hơn để tôi có thể lên đường… Những gì tôi làm, ở mình có thể coi là to tát, không bình thường, nhưng kỳ thực, chỉ là những chuyện rất bình thường ở xứ khác. Chính vì vậy, với bất kỳ ai ở nhà mà có thể bứt đi được, tôi thành thật xin bày tỏ lòng khâm phục. Họ giỏi hơn tôi rất nhiều lần, dù rằng thành quả có thể không réo rắt bằng.

Gửi những người bạn trẻ

Phần cuối của cuốn sách là tâm sự và những lời nhắn nhủ của tác giả tới những bạn trẻ tuổi mười tám, những người bắt đầu phải chịu trách nhiệm với cuộc đời mình, những người sẽ phải đưa ra quyết định, những người sẽ phải đối mặt với những cú trượt đầu tiên, đó là trượt đại học. Ở trường đại học của mình, chị đã nghe được câu chuyện xúc động của một người bạn Hồng Kông, khi cô nước mắt lưng tròng và cho mọi người xem ảnh của cô bạn thân “Bạn tôi tự tử vì trượt đại học. Tôi ở đây học cho cả phần của cô ấy. Tôi chia sẻ điều này vì muốn các bạn từ châu Âu và Mỹ hiểu rằng, sự lười biếng và học hành như đi chơi của các bạn là điều khiến sinh viên châu Á chúng tôi vừa khinh thường vừa ghen tị”.

Và tất nhiên, một con lừa trượt đại học còn có thể đứng dậy được, không những đứng dậy được mà còn có thể lóc cóc đi tiếp một chặng đường dài mà không mấy tăm tối như tôi đang làm, thì những bạn đọc trẻ tuổi thông minh, năng động của thế hệ mới bây giwof chắc chắn sẽ vượt xa, cho con lừa tôi hít khói.

Nguyễn Phương Mai là cô gái mà tôi học hỏi được rất nhiều điều từ chị, một phần qua những cuốn sách, đặc biệt là Tôi là một con lừa. Tôi học được ở chị sự can đảm và độc lập, sự liều lĩnh nhưng luôn biết yêu bản thân mình, để là một quý cô độc thân mà vẫn long lanh. Chị giúp tôi hiểu ra rằng phải đi để trưởng thành, và đi để thêm yêu đất nước mình, để tự hào về Việt Nam của chúng ta. Những cuộc hành trình phía trước của chị luôn là điều tôi đón chờ, Phương Mai vẫn thế, như một hòn đá lăn không bám rêu, “Phương Mai không già, và tôi có cảm giác rằng với kiểu đi này, cô sẽ không già cho đến chết”.

Thật khó để giới thiệu cho bạn đọc về cả 23 nước Phương Mai đã đi qua bởi ở mỗi nước là một câu chuyện và trải nghiệm riêng đầy thú vị mà một bài review khó có thể nói hết được. Nhưng là một độc giả yêu thích cuốn sách này, có một điều tôi tin chắc rằng, giống như tôi, bạn sẽ muốn bỏ hết mọi vướng bận của cuộc sống để làm một con lừa, lên đường với trái tim trần trụi.

“Tôi thường nghĩ rất đơn giản, ba mẹ ban cho mình hình hài này thì chăm chút, tôn vinh cho nó cũng là một hành động báo hiếu”- Nguyễn Phương Mai.

Tác giả: Xoan Nguyễn - Bookademy

---------------------------------- 

Bài viết cộng tác cùng Bookademy xin gửi về:[email protected]

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về các cuốn sách hay tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

5,947 lượt xem