Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Bookademy] Review Sách "Trí Khùng Tự Truyện": Những Số Phận Nghiệt Ngã Thời Hậu Chiến

Nhà văn Lê Minh Khuê từng nói về Nguyễn Trí: “…có vô số thông tin và ông đã biến những thông tin đó thành thế giới tưởng tượng của riêng mình để truyện nào cũng có nhân vật rõ tới sờ thấy được và tình huống truyện rất kì lạ và cái quan trọng là cảm xúc nhân văn tràn đầy ở người viết biến những cái thông thường thành cảm xúc chung lớn lao…”.

Cuộc sống là một chuỗi ngày dài mà không phải lúc nào bạn cũng gặp suôn sẻ, cũng sẽ có những khó khăn, những thất bại, những tuyệt vọng tột cùng khiến cho nhiều người phải tìm một con đường để giải thoát, riêng Nguyễn Trí ông đi theo một con đường khác, gửi nữa đời còn lại của mình vào chữ nghĩa, và “Trí Khùng tự truyện ra đời”. Một câu chuyện phản ánh chân thực miền Nam trước năm 1975, những va chạm lịch sử, những số phận nghiệt ngã thời hậu chiến…

Mục lục

Chương 1: Ba bánh đạp

Chương 2: Uy của vua hẻm

Chương 3: Ngổn ngang phố thị

Chương 4: Tha hương ngộ cố tri

Chương 5: Ba bánh đạp và kẹo kéo

Chương 6: Sơn đông mãi võ

Chương 7: Dạy kèm tiếng Anh

Chương 8: Thanh Sơn trĩu một nỗi buồn

Chương 9: Gặp lại Hùng Nheo

Chương 10: Bóng tối trong rừng cao su

Chương 11: Bò sữa và đĩa tôm

Chương 12: Đối phó

Chương 13: Đại họa

Chương 14: Thảm họa của trúng số

Chương 15: Bán vé số

Chương 16: Tôi và văn chương

Chương 17: Ngài Thiếu Tá

Chương 18: Chấm Ba Ke

Tóm tắt sách

Vốn là một người đam mê võ thuật, lại được sinh ra ngay trên đất võ Bình Định, Trí Khùng cũng đi học võ nhưng vừa học chưa được bao lâu thì Trí từ giã lò võ thứ nhất vì chỉ sau ba tháng thầy đã cho Trí đứng lớp dạy cho môn sinh mới, nhưng đó không phải lý do chính khiến cho Trí Khùng phải bỏ đi. Người thầy thứ hai là Tưởng Lùn, cao mét năm lăm, một hôm có một tên du đãng trong xóm đến “khiêu chiến”. Tưởng rằng thầy sẽ cho hắn một trận nhớ đời nhưng không, thầy lại nhịn, không hề ra đòn chống trả. Từ hôm ấy, Trí từ giã võ nghệ và bắt đầu một cuộc sống lắm gian truân. Ban đầu là chạy ba bánh đạp, sau đó là sáng thì phụ ở lò mổ, chiều thì áo bỏ vào thùng thao thao trên bục giảng. Nghĩ cũng thật buồn cười vì trên đời này chuyện gì cũng có thể xảy ra! Kiếp nghèo thì vẫn đeo bám cả gia đình, Trí quyết định lên Xì phố tìm cách thoát nghèo. Và từ đây những câu chuyện, những góc khuất của xã hội đang dần được hé lộ.

Với lối với mộc mạc, đời thường đến chân thực, người đọc không quá khó hiểu cũng như sẽ có một cảm giác rất “đời” qua từng mảnh đời trong câu chuyện. Tên chủ nhà, tính rất gia trưởng, hắn sai vợ như người ở, đã vậy tính lại hay chơi bời. Hắn tên Đạt – vốn là tay chơi thứ thiệt, đàn bà với hắn là chả là gì, nhưng không hiểu sao khi gặp Phương, hắn “chết mê chết mệt”. Đưa Phương cùng con về xây tổ ấm nhưng hắn lại chúa ghen, mỗi lần chồng cũ của Phương đến thăm con, hắn lại giở trò vũ phu – hành động của những tên đàn ông chả ra gì. Thế mà pháp luật ở đâu?

“… Luật là dành cho bọn nghèo và lương thiện. Còn kẻ có tiền và đen đúa, luật nào đến hả ông già?”

Con người quả thật ai cũng có số cả. Cùng là anh em nhưng người này thì sung sướng, người thì phải nai lưng ra làm mà vẫn không thoát khỏi kiếp nghèo. Cùng vợ và con lên thành phố, họ trọ ở một khu ngay sát khu du lịch Văn Thánh, đã vậy mỗi lần triều cường lên thì ngập tất, nước đen ngòm. Sát khu du lịch còn vậy, xóm Ghẻ còn tởm hơn nhiều. Ở đây, Trí quen Ba Tà Lỏn, chủ của ba sào ruộng rau muống ở khu này – người đang đưa đơn kiện vì số liệu đo đạc không chính xác.

Với vốn sống chưa nhiều, một cô gái mười tám tuổi như tôi quả thật cảm thấy rất choáng ngợp trước viễn cảnh miền Nam lúc bấy giờ, những góc khuất, nhựng tệ nạn nhen nhóm đâu đó xung quanh. May mắn được sống trong một môi trường tốt, được tiếp nhận một nền giáo dục chuẩn mực, cảm giác đôi chút bỡ ngỡ và chùn bước đang hiển hiện trong tôi khi vừa phải học rất xa nhà, vừa phải cố gắng bương chãi để có thể tồn tại và theo đuổi ước mơ, đam mê cháy bỏng của mình. Quả thực còn nhiều thứ tôi còn chưa biết, còn nhiều điều tôi bắt buộc phải học mới có thể tồn tại.

Ngày ấy, một ổ bánh mì kẹp thịt một nghìn đồng phở bò ba ngàn rưỡi một tô là thượng hạng. Bao nhiêu chiêu trò lừa đảo, chèo kéo, chặt chém khách hàng, rồi bao nhiêu hạng người từ những cô đứng đường, bọn hút chích, giang hồ, đủ thể loại. Một xóm Ghẻ bé tẹo nhưng là một xã hội bao trùm tệ nạn thu nhỏ lúc bấy giờ. “Sống cùng lũ điên suốt ba năm ròng thì khùng cũng có chi là lạ. Trí Khùng là đúng rồi.”

Sau mấy năm rồng rã cùng con Bảy Tám, Trí Khùng cũng kiếm được kha khá nhờ chạy xe ôm. Rồi được giao trong coi dãy nhà trọ của Sĩ, xem như chỗ ở tạm ổn. Sáng ra, Trí đạp ba bánh đi bán xôi chiên, cá viên chiên, ế thì bán xi rô đá nhận. Trên ghi-đông xe đạp là một giá gỗ đựng xi-rô, lu nhựa và qua tre. Chỗ đòn ngang cột chặt cái bàn bào. Gác-ba-ga là một thùng đựng đá đã ra sẵn từ cục một. Cứ thế rong ruổi qua các trường tiểu học, khách hàng quen của lão là những cô cậu, cũng không có gì thắc mắc vì trẻ em mà “xanh xanh, đỏ đỏ cho em nhỏ nó mê mà!” Hết mùa hè thì Trí chuyển sang bán gỏi đu đủ (được một anh Quảng Nam mách cho), kiếm cũng được dăm ba đồng. Với chiếc ba bánh, Trí còn quen và chơi thân với một tay ngồi xe lăn đi bán vé số. Anh tên Thu, một trung úy nhảy dù cụt chân khi tái chiếm cổ thành Quảng Trị, anh hát hay và đờn giỏi, lại rất thích ngâm thơ, khổ nỗi không hiểu sao ông ta có thể giữ lại được những quyển sách mà chế độ cũ liệt chúng vào trong danh sách văn hóa phẩm đòi trụy.

  • Khi thành phế binh niềm vui của tao chỉ còn lại sách, cây Ghi-ta thùng và lăn xe xuống đường biểu tình chống chiến tranh, chống luôn chế độ. Tham nhũng quá không chống lại sao được phải không, Gỏi Bò? Tham nhũng buôn lậu từ tổng thống cho đến tướng lĩnh thì thua là phải…

Đọc những dòng tiếp theo, tôi quả thực có chút ớn lạnh vì những góc khuất của cuộc đời như hiển hiện trước mắt tôi. Hôm đó, Trí Khùng và Thu đi uống vài ly, có rượu vào người, Thu dẫn Trí đến một con hẻm nhỏ, hay nói đúng hơn là một nhà chứa. Ở đó, những chuyện tế nhị lại được rao bán một cách rất bình thường, kẻ mua, người bán và những cuộc vui. Vốn là người từng giảng những lý lẽ, đạo đức trên bục giảng mà giờ đây.. Trí cảm thấy khinh bỉ bản thân và có một chút chột dạ, Trí nhanh chóng rời khỏi đó và để Thu ở lại. Một cái kết quả thực rất bi thương, khi Trí quay lại thì Thu đã không còn sống nữa, Hôm sau, tiếng kèn tang được nổi lên, cổ áo quan của Thu cũng bình thường như bao người khác. Thường nhưng đặc biệt ở chỗ, cô con gái của Thu còn chèn vào đó gia tài của ông – đó là sách. Thế nên, “anh ở trên thiên đàng có sách mà đọc kể cũng thú, phải không Thu?”

Thuở còn đi học, Trí có một người bạn tên Hùng. Tuổi thơ của hai người dữ dội không kém, cũng từng nghiện ngập, rồi gặp nhau ở trại lao động cải tạo ở Tây Nguyên: Trí thì bị bắt vì tội vượt biên, Hùng Nheo thì tội giật một chiếc đồng hồ. Cuộc sống trong trại thì khỏi nói ai cũng biết, cũng chẳng sung sướng gì. Thế nhưng trong trại cũng có kinh doanh, cũng tìm đủ mọi cách trốn không phải lao động, cũng có cả bán hoa nữa! Nhưng đó không là gì trước một sự thật đau lòng: đó là cái chết. Sống trong trại, không ít lần Trí nhìn thấy những người bạn lao ra đi. Trí và Hùng không biết đã bao lần tự tay chôn cất họ, rồi thân nhân họ đến nhận hài cốt về quê nhà an tang. Trí và Hùng lại phải đào lên. Ôi thật quá đau thương !

Sau bao nhiêu năm mỗi người một ngã thì giờ đây, hai ông bạn lại được tái ngộ. Hùng đang coi và chấm công ở công trường. Thấy ổn nên Trí Khùng cũng lân la theo, trước kiếm cái nghề, sau xem thử chuyện cải tạo ruộng trở thành mặt bằng ra làm sao. Ngoài ra còn học ăn xén công trình nữa, và kết cục cũng không quá bi thương: công trình bị sập trong một ngày mưa lớn. Trí và Hùng từ đó cũng bặt vô âm tính.

Một lần đang bán gỏi bò cho các cô các chị, Trí thấy anh da đen đang đưa tay làm một động tác tục tỉu với cô gái hoa tay. Với vốn tiếng Anh đủ dùng của mình, Trí cũng đã giúp các cô có một “giao dịch” thành công. Tiếng lành đồn xa, một mệnh phụ tìm đến Trí Khùng, mục đích là tìm gia sư cho cậu con trai của mình. Nghĩ cũng lạ khi lúc ấy cũng có nhiều trung tâm uy tín nhưng người này vẫn tìm đến Trí. Và câu chuyện cuộc đời của Trí Khùng vẫn còn dài phía trước…

Vốn là một kẻ nhiều đam mê và lắm khát vọng. Khi con người ta càng đắm chìm trong bóng tối cuộc đời lâu chừng nào thì khát vọng cuộc đời càng lớn chừng ấy. Thế nhưng niềm tin trong ông đã mất từ lâu rồi.

Văn chương mà không có niềm tin thì làm sao tồn tại?

Và cứ thế, những câu chuyện đời được Trí Khùng kể lại hết trang này rồi lại trang khác, gửi đến tiệm photo nhờ người đánh và in ra gửi đến các tờ báo nhưng vẫn mãi bặc vô âm tính. Chính điều này khiến ông suy nghĩ đắn đó rất nhiều: Tại sao những người không được đào tạo qua trường lớp như ông vẫn thành công, còn ông thì không? Ông đọc lại những tác phẩm của mình rồi xem của những người khác để tìm ra nguyên do. Thế là tiếp tục viết, tiếp tục sửa, lần này ông tự đánh máy vì thuê người tốn tiền quá. Nhờ một bạn trẻ tạo cho mail và gửi bài đi. Vài tháng trôi qua và kết quả cũng không mấy khả quan như lần trước.

Một hôm đang ở nhà sách Thăng Long trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, nghe các bạn trẻ đang bàn tán về thành công của quyển sách “Tấm ván phóng dao” của Mạc Can:

  • Ông Can chưa xong tiểu học đó nghe.
  • Đứng nói bá láp. Chưa xong tiểu học sao vẫn văn chương lưu loát vậy?
  • Mày đọc “Đời” của Nguyễn Đông Thức chưa?
  • Chưa. Sao?
  • Trong “Đời” kể, đa số truyện cảu ông Can đưa đến Tuổi Trẻ là ông Thức biên tập lại. Và “Tấm ván phóng dao” là một tay Hồ Anh Thái hóa phép.

Trí tìm mail của hai người này và từ đây cuộc đời của ông bước sang một trang mới.

  • Sau hai mươi tám ngày: bốn truyện được đăng trên bốn tờ báo nổi tiếng
  • Cuối năm 2002: được biên tập viên của Nhà xuất bản Trẻ ký hợp đồng xuất bản cuốn “Bãi vàng”, “Đá quý”, “Trầm hương”.

Những thành công này khiến cho mạch văn trong hồn Trí lai láng chảy. Viết đã giúp sự tăm tối của gia đình Trí sáng lên một chút, cuộc sống cũng đỡ vất vả hơn rất nhiều.

Thế nhưng cuộc đời ưu ái ông không được lâu thì tai họa ấp đến gia đình ông. Sự kiện mở đầu là cái chết của một đứa con của người tình cũ. Ngày trước vì mẹ nàng không đồng ý nên hai người không đến được với nhau. Hai mươi lăm năm sau, Trí biết rằng mình có một đứa con với cô ấy. Thăm con được hai lần, tháng giêng năm ấy, thằng bé bị tai nạn giao thông và vĩnh viễn ra đi. Đến tháng ba, thằng con trai lớn của ông bị bắt đi cai nghiện tập trung. Và nếu như không có sự sa đọa của nó thì gia đình ông sẽ thoát khỏi cái nghèo từ lâu. Niềm hạnh phúc chỉ mới nhen nhóm đã nhanh chống bị dập tắt, cả gia đình suy sụp, những bữa cơm chan đầy nước mắt và nỗi ưu tư. Chưa dừng lại ở đó, đến tháng tám thì đứa con gái út mất mạng vì một nhát dao. Ông lặng lẽ gạt đi nước mắt, dìm cơn đau vào sâu bên trong để làm đơn xin giảm án cho kẻ đã giết con mình. Chính chữ nghĩa đã khiến cho tâm hồn con người ta thanh lọc, tịnh tâm…

Phần kết

“Trí Khùng tự truyện” của Nguyễn Trí như một cuốn phim dài kể về cuộc đời của ông, về xã hội miền Nam trước năm 1975. Những cung bậc cảm xúc đưa chúng ta đến một miền đất mà nơi đó chính là sự thật, là những gì đã và đang tồn tại trong cuộc sống này mà bạn vẫn chưa khám phá hết. Từ ngữ Nguyễn Trí sử dụng rất đời thường, thân thuộc với quần chúng vì vốn dĩ ông là nhà văn của giới cần lao mà. Với những nhân vật dưới đáy bần cùng của xã hội, những cái tên khi nhắc đến đã thấy lấm lem bùn đất (Chấm Ba Ke, Hùng Nheo,…) nhưng ta sẽ thấy đâu đó nỗi khát vọng, tình yêu con người và cuộc sống. Thế nên mới nói rằng, những gì bạn đang phải chịu đựng quả thực chưa là gì so với những em bé đang phải cực khổ bươn chãi từng đồng một để tồn tại qua ngày. May mắn và thành công sẽ mĩm cười đối với những ai sẵn sàng đón nhận nó mà thôi! Việc bạn cần làm hiện giờ, những cô cậu học trò ạ: cố gắng học trước hết là nuôi sống bản thân, sau là để hiếu thảo, đáp trả công ơn dưỡng dục sinh thành của bố mẹ, của ông bà, để không uổng phí công sức của những người lái đò tận tụy đưa bạn đi qua sông. Mọi người luôn bên cạnh và tiếp thêm sức mạnh cho bạn. Đừng lo lắng mà hãy mạnh mẽ bước tiếp bạn nhé!

 

Tác giả: Anh Thi - Bookademy

------------

Trở thành CTV viết reviews sách để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị cùng Bookademy, gửi CV (tiếng Anh hoặc Việt) về: [email protected]

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về các cuốn sách hay tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

2,975 lượt xem