Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Bookademy] Review Sách “Và Khi Tro Bụi”: Là Sống? Là Chết? Hay Là Tồn Tại?

Một số người đang sống, nhưng cũng có một số người chỉ đang tồn tại. Có những người đã biết mình là ai, nhưng cũng có những người khắc khoải đi tìm câu trả lời cho câu hỏi muôn đời “Tôi là ai?”. Số phận là ngẫu nhiên hay là sắp đặt, ta nên tuân theo nó hay chống lại nó? Sự sống tươi đẹp nhường nào mà người ta lại muốn níu giữ, cái chết có đáng sợ như ta vẫn tưởng?

Những câu hỏi không đầu không cuối cứ ám ảnh tâm trí tôi khi đọc cuốn sách mỏng mảnh của Đoàn Minh Phượng.

Thú thực tôi không phải là kẻ đọc nhiều, đọc rộng. Bởi vậy, khi một cô bạn cho tôi mượn “và khi tro bụi”  vì cô ấy tin rằng nó thực sự hay, tôi đã ngần ngại. Song khi chạm vào những dòng đầu tiên của cuốn sách, tôi bị cuốn lấy. Tôi đã đọc liền một mạch 200 trang sách, với những say mê, và cả những hoang mang.

And when this dust falls to the urn

In that state I came, return

Và khi tro bụi rơi về,

Trong thing lặng đó, cận kề quê hương

_Henry Vaughan _1622- 1695 (The Retreat)

  1. Sự sống hay Cái chết? Sống và Chết!

Sau những dòng thơ kì lạ của một thi sĩ ở xứ sở xa xôi nào đó, cuốn sách với 17 chương bắt đầu.

“và khi tro bụi” mở đầu bằng cái chết của chồng nhân vật “tôi”. Ấn tượng đầu tiên mà ta cảm nhận được khi đọc cuốn sách chính là giọng văn buồn, u ám. Nhịp điệu trong từng câu văn, đoạn văn đều đều như hơi thở của một người, nhưng là hơi thở có thể ngừng lại bất cứ lúc nào mà chẳng cần biết căn nguyên.

 

 

Chồng Mi An chết, và cô nghĩ đáng lẽ mình cũng nên chết đi trong vòng hai tuần ngay sau khi chồng cô chết. Ngay cả khi đang sống, đối mặt với mất mát lớn lao, buộc phải quên đi những khoảnh khắc thương yêu với người chồng, cô biết mình đang chỉ tồn tại, không khác chết là mấy.

Sau khi mang đi hết những gì có thể nhắc nhở tôi rằng anh đã từng có mặt trên đời này, cương quyết giữ lấy lời hứa sắt đá rằng tôi sẽ quên anh, rằng sự lãng quên sẽ trọn vẹn, tôi chợt hiểu rằng tôi sẽ chết theo anh. Nếu sống trong thương nhớ se sắt tôi sẽ sống như một bóng ma u uất, nhưng tôi cũng không thể chịu đựng nổi thêm một sự quên lãng nào nữa trong đời. Đôi lần đốt đi kí ức, tâm tưởng tôi chơi vơi trong một nỗi hao hụt không có gì lấp nổi. Tôi không còn gì, hồn tôi chỉ là một đám tro.

An Mi muốn chết, nhưng cô chưa thể chết. Cô ước rằng mình đã chết ngay khi chưa cần biết rằng mình là ai, cô muốn “chết không biết rằng cái chết cần được hiểu”. Giờ đây, ngay cái chết- điều duy nhất cô muốn làm cũng không còn dễ dàng thực hiện.

Nhưng tôi đã không chết vào những ngày đó. Không còn có thể có cái chết mông lung tím ngắt ở giữa trung tâm cơn gió xoáy của nỗi bi thảm. Chỉ còn lại cái chết được lựa chọn. Nó cần được hiểu, cho dù người hiểu nó chỉ là tôi mà thôi.

Hãy lắng nghe những suy nghĩ của cô về cái chết:

Cái chết là một dấu chấm hết. Dấu chấm hết nào cũng muốn mang ý nghĩa của câu đi trước nó. Tôi muốn biết mình là ai để ngày tôi chết tôi biết rằng ai đã chết.

Đó là đoạn tôi đã đọc đi đọc lại trong thảng thốt và ngờ vực. Tôi biết bản thân tôi đã trốn chạy điều này lâu lắm rồi, giờ không phải nó mới nảy ra, mà là giờ nó mới vươn ra ánh sáng. Bằng giọng văn giản dị mà thấm đẫm triết lí, Đoàn Minh Phượng đã gieo vào lòng người những ám ảnh khôn nguôi.

Hóa ra để chết không hề đơn giản. Trước khi chết người ta phải sống đã, trước khi muốn chết người ta đã từng muốn sống.

Trên chuyến xe lửa đi tới bất kì miền đất nào để “nhặt nhạnh lại mình” An Mi gặp nhiều người lạ, mỗi người lại có những suy nghĩ rất riêng về cái chết. Một bác sĩ làm việc ở phòng hồi cứu, người tiếp xúc với cái chết hầu như hàng ngày cho rằng “không có cái chết”, “người ta chết rồi vẫn tiếp tục sống. Có một thế giới bên kia”. Ông tin rằng linh hồn là vĩnh hằng, không có gì làm cho linh hồn con người tan biến đi được. Đối thoại lại với những lời của vị bác sĩ, An Mi thầm nghĩ: “Tôi hiểu rằng người ta chết được yên lành vì đã sống xong phần đời dành cho mình, chứ không vì chết rồi thì linh hồn tiếp tục sống.”

 

 

Một lần khác, cô gặp một người đàn ông giàu có nhưng cô đơn: vợ ông yêu ông vì tiền, rồi bỏ ông cũng vì nhiều tiền hơn, cô con gái khinh thường ông. Ông tâm sự: “Nếu tôi biết được chết rồi mình sẽ đi đâu, gặp những chuyện gì, thì tôi đã chết từ lâu. Nhưng tôi không biết vậy là cứ tiếp tục sống.” Ông lo sợ biết đâu “ bên kia còn khổ hơn bên này”.

Cô gặp một người đàn ông khác, vì anh ta cao gần bằng chồng cô nên suýt chút nữa cô ái ân với gã. Song cô nhận ra “Cuộc ái ân không thành với một người đàn ông làm cho tôi thấy rõ khoảng cách giữa mình với cuộc đời. Không một con đường nào đưa tôi trở về thế giới của những người đang sống.”

Sau tất cả, sau những chuyế đi còn dang dở, sau những gặp gỡ hay trò chuyện với người xa lạ, cái chết với cô vẫn là một ẩn số. An Mi càng muốn hiểu về cái chết, cái chết càng mờ mịt:

Tôi vẫn mơ hồ cảm thấy mình không thể chấm dứt một thứ mà mình không biết nó là gì. Người ta chỉ giết được người chứ không giết được ma. Như một loài ma trơi, tôi đã sống ở bên ngoài cuộc đời, vừa sống vừa xóa đi ngày tháng và kí ức. Tôi bập bềnh trong không khí, lo sợ sức hút của trái đát làm cho tôi đau đớn. Đến khi chọn lựa cái chết, tôi vẫn không hiểu nó, không tìm cho nó được một ý nghĩa nào dù rất nhỏ.

Có lẽ, cái chết cứ dai dẳng quấn lấy tâm trí An Mi, cô chưa bao giờ thôi nghĩ tới nó. Cô nghĩ tới cái chết bất cứ lúc nào. Những lời văn buông xuống, hơi văn nhẹ bẫng, nỗi buồn mơ hồ loang ra, tan vào câu chữ. Giọng văn không thay đổi nhiều, nó thâm trầm, vọng lại như một ẩn ức sâu thẳm, mà cũng đều đều đến dửng dưng? Chẳng phải rất mâu thuẫn sao? Chính tôi cũng không rõ. Đọc những dòng tâm tư của An Mi, người ta thấy quặn thắt trái tim, người ta nghĩ về sự sống, về cái chết, và cuối cùng nhận ra mình có chăng chỉ đang tồn tại:

Tôi không còn muốn biết, không còn sức lực để biết rằng nếu sống, mình có còn một ngày mai nào không. Và nếu chết, sau đó có chăng một sân ga với những chuyến tàu xuôi ngược về một thiên đường hay địa ngục nào. Có lẽ cái chết không có màu hồng hay màu tím phôi pha nhạt nhòa của một giấc chiêm bao, mà là màu đen tuyệt đối của sự vùi lấp tuyệt đối. Hoặc là nó có màu trắng tuyệt đối của sự mất mát tuyệt đối.

Tôi sẽ nghĩ như vậy vào một đêm nào đó rất xa. Hôm nay, với tôi, cái chết mang màu đỏ thắm nao lòng của dòng máu đang chảy ra khỏi thân thể. Chảy và không thể ngừng được nữa. Thời gian đã ngừng chứ không phải dòng máu.

  1. Biết buồn là đã sống.

Ta tự hỏi điều gì sẽ níu giữ một con người chỉ ám ảnh về cái chết như An Mi? Chẳng phải chất keo gắn cô với cuộc sống này không còn nữa sao? Song câu chuyệ bất ngờ rẽ sang một hướng khác khi tình cờ cô đọc được câu chuyện của người trực đêm khách sạn trong cuốn sổ da. Đó là một câu chuyện buồn hay đúng hơn là một bi kịch. Câu chuyện của một người xa lạ: một gia đình bất hạnh, cha giét mẹ, đứa con trai nhỏ Marcus chứng kiến tất cả sợ hãi bỏ chạy, đứa con trai lớn ngờ vực, hận thù cha. Người con trai lớn Michael chính là người gác đêm ở khách sạn đã tặng cô cuốn sổ khi cô khao khát ghi lại đời mình để mong chứng minh về sự tồn tại.

 Cô dành hai năm để đi tìm sự thật cho câu chuyện còn phủ đầy bóng tối của một người xa lạ. Nhưng “sự thật của cuộc đời không li kì như những sự thật trong truyện và trong phim”. Cô tìm ra sự thật về cái chết của người phụ nữ tên Anita, tìm được đứa trẻ mất tích Marcus thì sao? Chàng trai viết câu chuyện bi kịch của mình vào cuốn sổ cô đọc được đã chối bỏ nó rồi. Sương mù bao phủ lấy sự thật vì không ai màng đến nó, không ai mong muốn nó.

 

 

Hai năm, cô sống nhờ vào câu chuyện của người khác, còn chuyện của mình, cô đã quên hay cố quên. Song dù thế nào, cô đã sống, sống một cách đúng nghĩa, cảm thấy những cái mà người ta cảm thấy, buồn, vui, tuyệt vọng...

Bóng đêm buông xuống rất chậm. Không gian trong căn phòng mờ tối dần. Tôi bật một ngọn đèn ở góc phòng. Vùng ánh sáng nhỏ loang ra một chút hơi ấm, một chút êm ả. Tôi thấy buồn. Cảm xúc này là của tôi đây sao?

Nỗi buồn không đáng sợ, vì người ta chỉ buồn khi nhận thức những điều không tốt đẹp trong cuộc sống. Người buồn vì người đó còn tha thiết lắm với cuộc đời này, tâm hồn người còn rung lên trước mỗi biến động trong dòng chảy bất tận của cuộc sống.

Và như vậy biết buồn là đã sống!

  1. Trốn chạy bản thân hay là đi tìm bóng hình của chính mình?

An Mi từng trăn trở liệu thực sự có cái tôi không. Cô đã sống, đang sống phải không? Cô đã trốn chạy bao lâu rồi? Tôi nhớ những dòng ở những chương đầu tiên cô viết về bản ngã, về cái tôi, về suy nghĩ liệu rằng có hay không cái tôi.

Nếu tôi vẽ một hình người, chính tôi, cái đầu tiên tôi vẽ là một đường viền. Đường viền ấy là biên giới phân minh giữa tôi và thế giới. Bên trong đường viền ấy là tôi, bên ngoài đường viền ấy không phải tôi. Nếu tiếp tục tôi sẽ tiếp tục tô đường viền ấy càng lúc càng đậm, chứ tôi không biết vẽ gì khác. Tại sao tôi suốt đời nhốt mình trong cái ý thức về mình vây hãm và trơ buồn này, lạnh và bất động như những bức tường đá trong ngôi giáo đường tuổi thơ.Tôi quen ở trong sự vây kín đó. Con người không là gì nếu không ở bên trong những biên giới khép chặt.

An Mi trốn chạy bản thân , trốn chạy câu chuyện của đời mình khi cô bảy tuổi, khi bom rơi làm nhà cô đổ, mẹ cô chết, cô chạy đi mà quên mất mình có một đứa em nhỏ. Trong giây phút cô uống thuốc tự tử, cô nhớ lại, buộc phải nhớ lại:

Tôi chạy đi mãi, đi mãi, 25 năm chưa bao giờ quay đầu lại với đứa em nhỏ chờ tôi đến cứu nó khỏi nỗi kinh hoàng.

Tôi chợt hiểu ra tất cả. Tại sao trong tất cả những năm của đời mình tôi đã không tìm được cái thứ keo để gắn lại các mảnh của cuộc đời lại với nhau và gắn chính mình vào thế giới loài người. Tôi đã cố hết sức mình, nhưng mọi thứ đều đều rời rạc, tan tác và tôi mãi là một thứ rong rễ không bám được vào một thứ gì để thôi trôi nổi. Bởi vì trong cái khỏanh khắc kinh hoàng nhất của cuộc đời, vào lúc người ta cần nhau nhất để cứu nhau ra khỏi tai ương, trí óc tôi đã chọn xóa đi cái khoảnh khắc ấy ngay khi nó đang xảy ra, đã chọn kkhoong nhận ra tiếng đứa em mình đã trông giữ mỗi ngày. Tôi đã bỏ rơi đứa em trong cái khoảnh khắc quan trọng nhất của cả đời tôi và đời nó, bỏ rơi nó trong cơn sợ hãi, trong hiểm nguy, trong bóng tối vô tận.

“Và khi tro bụi rơi về,

Trong thinh lặng đó, cận kề quê hương.”

Đến lúc sắp từ giã cõi đời, như tro bụi, cô tìm lại chính mình. Những đứa con tha hương, những linh hồn lạc lối nơi đất khách, nổi trôi giữa cuộc đời, đến lúc sắp giã từ thế gian sẽ tìm về nơi vốn dĩ thuộc về mình.

 

 

Trong giây phút cận kề cái chết, Mi An nhớ về xứ sở cô đã sinh ra, nhớ về những người thân thực sự trong đời mình. Cô đã quên câu chuyện ấy lâu lắm rồi, nhưng lúc này cô nhớ rõ từng chi tiết một. Phải chăng bản năng của con người vẫn vậy, dù là khi mới bước ra từ hang động tối tăm hay sống trong văn minh đèn điện, ta đều nhớ về quê hương, về những người chảy chung dòng máu với mình. Cô là một kẻ tha hương, nhưng khi tan sắp tan thành tro bụi, tâm trí cô lặng lẽ quay trở về quê hương, nơi cô đã sinh ra.

Trong sâu thẳm, ở một cõi vô hình bí ẩn nào đó, quê hương là một điều gì đó quá đỗi thiêng liêng, quá đỗi thân thuộc mà ta chẳng thể tách nó ra khỏi mình. Còn những người thân, tình cảm gia đình là sợi dây bền chặt níu ta ở lại cuộc sống này. Con người ta sinh ra sống vì mình, nhưng cũng sống vì nhau nữa. Kẻ nào chối bỏ thứ tình cảm quý giá tâm trí lúc nào cũng vảng vất những bất an thường trực mà thôi.

Và khi nhớ lại, gắn mình với một mảnh đất cụ thể nào đó, có gia đình, người thân để yêu thương, người ta tìm thấy bóng hình của chính mình.

Kết:

Gấp lại trang sách, khi nỗi buồn đã loang màu khắp trang giấy, tràn vào không gian thinh lặng, người ta bàng hoàng khi nghĩ về cái chết, về sự sống, về tình yêu, về những phận người. Sự sống là thế nào? Cái chết là gì? Điều gì sẽ cứu chuộc những tâm hồn lạc lối?Tôi e sợ những gì mình cảm nhận sẽ làm mất đi vẻ đẹp vốn hoàn chỉnh của cuốn sách này. Tôi trích những gì tác giả viết nhiều hơn, bởi tôi nghĩ rằng không có ngôn từ nào đẹp hơn chính bản thân tác phẩm để giới thiệu về nó.

“và khi tro bụi” có thể không phải là quyển sách bất cứ ai cũng nên đọc, cần đọc, nhưng câu chuyện của nó lại là câu chuyện của tất thảy chúng ta, câu chuyện của những Con Người.

“Và khi tro bụi rơi về,

Trong thinh lặng đó, cận kề quê hương.”

Tác giả: Thu Thảo - Bookademy

------

Trở thành CTV viết reviews sách để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị cùng Bookademy, gửi CV (tiếng Anh hoặc Việt) về: [email protected]

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về các cuốn sách hay tại link:https://www.facebook.com/bookademy.vn

 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

2,019 lượt xem