Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Bữa Ăn 25K và Chuyện Grab 16K Mỗi Ngày

Có nhiều người nhắn tin hỏi tôi "Ủa, thế cậu không đi học nữa thật à?". Tôi mới chỉ đi được 1/3 chặng đường ở Đại học ở Ngoại thương và tôi quyết định Gap Year để tìm thấy hướng đi phù hợp cho mình, có thể sau 1 năm tôi sẽ có con đường đúng đắn hơn, xác định được bản thân mình sẽ là ai, hoặc sau một năm đó, tôi lại càng hoang mang hơn vì thật sự những người bạn đã từng và đang gap year như tôi sẽ treo tâm hồn phơi phới tận mây xanh mà chẳng đoái hoài đến chuyện quay lại trường học nữa. Một người bạn mà tôi chưa từng quen, chưa từng gặp, cậu bằng tuổi tôi, nhắn cho tôi "Trang ơi, tớ bỏ học rồi." Sau câu nói đó, tôi nhìn thấy được sự nhẹ nhõm và thoải mái của cậu. Giá như tôi cũng có thể có được cảm giác ấy theo nghĩa đen, trong giờ phút hiện tại. 

Cuộc đời tôi chả có gì thú vị nhưng những gì diễn ra xung quanh tôi lại trở nên độc đáo hơn mỗi ngày, và may mắn thay tôi còn hứng viết để chia sẻ tất cả những gì tôi thấy với các bạn. Sau chuyến đi Singapore, tôi chuyển đến Sài Gòn làm việc tại Toong coworking space với mức lương bình thường, còn có thể dư giả sau mỗi tháng. Đồng nghiệp cũng hỏi nhiều, vì tôi là người trẻ tuổi nhất công ty, còn là sinh viên chưa hết năm 2, còn là một đứa vắt nước mũi chưa sạch dù đã đầu 2 mất rồi.

Mô hình coworking space mang đến cho tôi cơ hội được gặp gỡ nhiều người đến từ nhiều ngành nghề khác nhau. Đó là founder của các công ty lớn như Lazada, Toong,... các bạn nước ngoài từ các quốc gia khác nhau đến và làm việc tại Toong. Mô hình không gian làm việc chung này cho bạn cảm giác như ở nhà, nhiều người lầm tưởng mô hình này với mô hình cho thuê văn phòng. Nhưng nó thực sự khác nhau, rất khác nhau. Tôi cũng không giàu sang gì ạ, và nếu gia đình tôi có giàu sang đi chăng nữa thì tôi cũng rất muốn sống, ăn và làm việc, tóm gọn lại là tự lập bằng số tiền mình kiếm ra. Đó là cách cơ bản nhất để trưởng thành.  

Với bất cứ ai tôi đều có thể nói chuyện. Và tôi cũng thích nói chuyện với những người mà nhiều người bỏ qua, như nhân viên vệ sinh, người lau dọn ở Toong chẳng hạn, mỗi người trong họ đều có một câu chuyện cuộc đời, đều ngang hàng như bất cứ ai, mỗi lúc lại rót một cốc nước, pha một tách trà, tôi nhìn thấy họ vẫn bận rộn với công việc dọn dẹp của mình, tôi mỉm cười với họ, hỏi thăm một vài câu, người kể gia đình chả còn họ hàng thân thích, người kể có đứa con vừa mới vào cao đẳng, cuộc sống của họ rất nghèo. Hôm nọ tôi vô tình nghe được cuộc gọi của chị lau dọn "công việc ở đây cũng chẳng có gì nhưng lương cũng chả đủ đâu." Nghe đến đó thấy thương, nhưng chạnh lòng thì ngay bản thân cũng chả giúp được gì.

Câu chuyện của chị gái 27 tuổi bị phá sản mà tôi đã viết ở blog trước đã cho câu trả lời rõ ràng rằng: Đôi khi ta chẳng thể "lead" (lãnh đạo) cuộc đời mình thì làm sao mơ đến việc lãnh đạo cuộc đời ai. Những nhân viên bỏ cơm bữa trưa bằng cách ăn mì tôm hay vật gì thay thế là chuyện bình thường, tôi thấy bên cạnh những tòa nhà cao lớn mà người giàu đang ở, vô số người nghèo đang ở đó để chờ một công việc...  

Nơi chúng tôi làm, mọi thứ đều đắt đỏ. Các quán ăn phía dưới được thiết kế cho hội người có điều kiện, với mỗi suất cơm giá hơn 50K, với lức lương cơ bản tầm 6 triệu - 8 triệu, sẽ không có nhiều người sẵn sàng ăn đều đặn ở đó. Giám đốc công ty tôi dẫn 4 người trong đội đi ăn, các món đều trên 200K, mỗi người gọi ít nhất 2 món, một món chính, một món phụ, vị chi bữa ăn cũng phải hơn 1 triệu và chỉ mình anh ấy trả. Trong lúc đó, những người chúng tôi chỉ đủ chi trả một bữa ăn 25K để phù hợp với túi tiền của mình. Giám đốc cũ của tôi từng dạy rằng chỉ người nghèo mới trông chờ vào đồng lương ít ỏi mỗi tháng, tóm gọn lại là tâm lý chờ tiền lương. Họ vẫn có thể tận hưởng cuộc sống theo cách này hay cách khác với ngần ấy số tiền và chi li hẹp hòi hơn để phù hợp với màng túi. Có vô số người nghèo đang đọc bài này như tác giả của nó, và có vô số người muốn thoát nghèo y như tác giả của nó. (:D)  

Anh bạn làm việc cùng tôi kể quê ngoại của anh ở Quảng Nam và ở đó có khi người ta chỉ xài tầm vài nghìn tiền điện mỗi tháng. Con cháu từ thành phố gửi lên chiếc TV không dám dùng, chỉ khi có dịp lễ, khách khứa mới mở lên vì sợ...tốn tiền. Tư duy của thời đại mới bị tắc nghẽn trong thời đại cũ với những lo toan về cơm áo gạo tiền. Ở đó người ta tiết kiệm được đồng nào thì vứt vào ngân hàng đồng ấy, đó là cách chi tiêu của người nhà quê.

Mỗi lần đi làm từ công ty về... tôi cũng bắt grab 16K, đều đặn mỗi ngày. Có những thứ chúng ta tiết kiệm được và có những thứ dù muốn nhưng không thể.   Hồi năm 2, đứa bạn của tôi kể "chị ấy tốt nghiệp Ngoại thương bằng giỏi và lương tháng 8 triệu". 8 triệu với các bạn là cao hay thấp? Và một đứa không hứng thú gì với chuyện học hành ở trường và tôi cá cái bằng Ngoại thương tôi chả cần dùng ngoài chuyện có muốn học lên thạc sĩ, tiến sĩ...giấy gì đó. Thế nên tôi muốn đi làm sớm, làm gì mình thích để lấy kinh nghiệm và để gặp gỡ lẫn tạo networking với người khác. Quan trọng là đừng vội mà đánh mất cái tôi. :)  

Tác Giả: Trang Ps, Blogger @ https://www.facebook.com/blogtrangps/ 

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/blogtrangps/

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Hãy đăng ký tham gia tại link: https://goo.gl/forms/AJNDZEd8lsAU3YHV2 nhé!

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

7,459 lượt xem