Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Cái Giá Của Những Lời Khen Ngợi Tưởng Như Vô Hại

Nếu chúng ta có sẵn những tiềm năng để thành công, thì làm thế nào để ta tin vào những tiềm năng đó? Làm thế nào để người ta có đủ tự tin để phát huy tiềm năng đó? Khen ngợi năng lực của họ để họ cảm thấy họ có thể thành công ư? Thực tế, hơn 80% số cha mẹ nói rằng việc khen ngợi trẻ con là thực sự cần thiết để nuôi dưỡng sự tự tin và gieo mầm cho thành công. Suy nghĩ đó nghe có vẻ rất hợp lý.

Nhưng rồi chúng ta bắt đầu lo lắng. Thử nghĩ về việc những người có Tư Duy Cố Định vốn dĩ đã rất quan tâm tới năng lực của họ: “Tôi có đủ giỏi không?” “Trông mình có thông minh không?” Chẳng phải việc ngợi khen năng lực của ai đó lại càng bắt họ tập trung hơn vào chúng hay sao? Chẳng phải lời khen truyền tải thông điệp tới họ rằng chúng ta trân trọng và, tệ hơn thế, là đang đánh giá những năng lực tiềm ẩn của họ dựa trên những gì họ làm được sao? Đó chẳng phải là đang dạy họ Tư Duy Cố Định sao?

CHÚNG TA THƯỜNG HAY KHEN NGỢI NĂNG LỰC THAY VÌ KHEN NGỢI NỖ LỰC

Adam Guette, nhà soạn nhạc người Mỹ từng được gọi với những biệt danh như Hoàng tử hay Người cứu rỗi sân khấu nhạc kịch. Ông là cháu của Richard Rogers, người từng viết những bản nhạc kịch kinh điển như Oklahoma! và Carousel. Mẹ của Guette luôn tự hào khoe về tài năng của con trai cô. Ai cũng vậy. “Tài năng của anh ta thực sự tỏa sáng” – một bài nhận xét trên báo The New York Times. Câu hỏi ở đây là, liệu những lời khen như vậy có khích lệ mọi người hay không?

Ưu điểm của việc nghiên cứu là bạn có thể đặt ra những câu hỏi như vậy và đi khảo sát mọi người. Chúng tôi đã tiến hành những cuộc khảo sát như vậy với hàng trăm học sinh, phần lớn đang trong độ tuổi dậy thì. Đầu tiên chúng tôi cho mỗi học sinh một bộ 10 câu hỏi tương đối khó trong bài kiểm tra IQ làm trên giấy. Phần lớn chúng làm tương đối tốt, và khi chúng hoàn thành xong, chúng tôi khen ngợi chúng.

Với một số, chúng tôi khen ngợi năng lực của chúng. Chúng được nghe những lời khen như: “Woa, cháu làm được những 8 câu đúng cơ à. Một số điểm khá ấn tượng. Hẳn là cháu rất giỏi mấy bài kiểu như vậy.” Chúng được đặt vào vị trí Cháu-Thật-Tài-Giỏi của Adam Guette.

Một số khác, chúng tôi khen chúng vì những cố gắng chúng đã bỏ ra. “Ồ, cháu làm được 8 câu đúng này. Điểm số cao đấy. Hẳn là cháu đã học rất chăm chỉ mới trả lời được những câu đó.” Chúng không bị dán nhãn rằng chúng có tài năng gì đặc biệt, chúng được khen vì chúng đã bỏ công sức ra để đạt được thành công.

Cả hai nhóm học sinh này đều có trình độ tương đương nhau khi mới bắt đầu bài kiểm tra. Nhưng ngay sau khi nghe những lời khen ngợi, chúng bắt đầu trở nên khác biệt. Đúng như những gì chúng tôi lo lắng, những lời khen tập trung vào năng lực đã đẩy các học sinh vào Tư Duy Cố Định, và chúng bắt đầu có những dấu hiệu của lối tư duy đó: Khi chúng tôi cho chúng chọn, chúng đã chọn không tiếp tục thử thách mới hơn – cơ hội để chúng học được điều mới. Chúng không muốn làm bất cứ điều gì làm lộ ra những điểm yếu hay làm mọi người nghi ngờ về “tài năng” của chúng.

Khi Guettel 13 tuổi, anh đã được chuẩn bị để trở thành ngôi sao ở chương trình truyền hình Metropolitan Opera và bộ phim Amabl and the Night visitors. Anh ta đã rút lui, nói rằng giọng anh ta bị khàn. “Tôi đã giả vờ rằng giọng của tôi có vấn đề… Tôi thực ra là không muốn đối mặt với sức ép ấy.”

Ngược lại, với những học sinh được khen về sự cố gắng, 90% số chúng muốn chấp nhận thử thách mới để học thêm được điều gì đó mới mẻ.

Sau đó, chúng tôi cho học sinh thêm những câu hỏi khó hơn, những câu mà chúng không có kết quả tốt như trước. Những đứa trẻ tập trung vào năng lực nghĩ rằng hóa ra chúng không thông minh chút nào. Nếu thành công nghĩa là chúng phải thông minh, thì ít-hơn-thành-công tức là người dốt nát.

Guette cũng nói những câu tương tự. “Trong gia đình tôi, tốt có nghĩa là thất bại. Rất tốt cũng vẫn là thất bại… Điều duy nhất không là thất bại là phải xuất chúng.

Những học sinh chú trọng tới sự cố gắng chỉ nghĩ khó khăn đơn giản là “phải bỏ ra nhiều nỗ lực hơn hoặc thử cách làm khác.” Chúng không xem đó là thất bại, và chúng không nghĩ thất bại nói lên được điều gì về trí thông minh của chúng.

SỰ THÍCH THÚ CỦA NHỮNG HỌC SINH VỚI CÁC VẤN ĐỀ?

Lúc thành công, ai cũng cảm thấy ưa thích những vấn đề. Tuy nhiên khi gặp trở ngại, những đứa trẻ “năng lực” lại không còn thấy thích chúng nữa. Làm sao có thể thích được, khi những mong đợi về một “tài năng thiên bẩm” đang bị đe dọa nếu chúng không giải quyết được vấn đề.

Đây là lời nói của Adam Guettel: “Giá như tôi được vui vẻ một cách thoải mái thay vì phải gánh trách nhiệm của một đứa trẻ có-tiềm-năng-trở-nên-vĩ-đại.” Cũng giống với những đứa trẻ trong cuộc nghiên cứu của chúng tôi, gánh nặng về tài năng đã giết chết sự vui thú trong việc học hỏi của Adam.

Những đứa trẻ “nỗ lực” vẫn có hứng thú với những câu hỏi, và rất nhiều trong số chúng nói rằng câu hỏi càng khó thì càng vui.

Sau đó chúng tôi nhìn vào bảng thành tích của những học sinh này. Sau khi trải nghiệm với những câu hỏi khó, thành tích của những học sinh “năng lực” giảm sút đáng kể, ngay cả khi chúng tôi cho chúng những câu hỏi dễ hơn. Mất niềm tin vào năng lực của mình, chúng trở nên còn tệ hơn cả lúc bắt đầu. Những đứa trẻ “nỗ lực” lại có những kết quả ngày một tốt hơn. Chúng tận dụng những câu hỏi khó để mài dũa kỹ năng của mình, từ đó khi quay trở lại với những câu hỏi dễ, chúng xử lý một cách dễ dàng.

Vì đây là một dạng kiểm tra IQ, nên bạn có thể nói rằng, những lời khen về năng lực đã làm giảm IQ của học sinh, và ngược lại, những lời khen về nỗ lực làm tăng IQ.

Guettel cuối cùng đã không thành công. Anh mắc bệnh ám ảnh cưỡng chế, hay bị co giật và cắn ngón tay tới chảy máu. “Chỉ cần dành 1 phút với anh ta là ngay lập tức bạn có thể thấy căn bệnh ấy khủng khiếp thế nào” – một phóng viên đã nói. Guettel còn phải chống chọi lại cả chứng nghiện ma túy rất nặng nữa. Thay vì cho anh ta thêm sức mạnh, thứ “thiên phú” (mà mọi người hay gán cho anh ta) lại chỉ đem lại cho anh ta nỗi sợ hãi và nghi ngờ bản thân. Thay vì khích lệ tài năng, nhà soạn kịch tài ba đã dành phần lớn cuộc đời của mình để chạy thoát khỏi nó.

Nhưng anh ta vẫn còn hy vọng – khi anh ta nhận ra rằng anh ta vẫn còn nhiều thời gian để sống một cuộc đời không bị điều khiển bởi những gì người khác nghĩ về anh ta. Một đêm, anh mơ về người ông của mình. “Tôi mơ tôi đang tiễn ông tới một cái thang máy. Tôi hỏi ông rằng ông có thấy gì tốt ở tôi không? Ông nhẹ nhàng nói với tôi “Con có tiếng nói riêng của con.”

Cuối cùng thì Guettel có tìm lại được tiếng nói đó không? Với vở kịch The Light in Piazza, một vở nhạc kịch vô cùng lãng mạn, Guettel đã chiến thắng giải Tony Award năm 2005. Anh ta sẽ coi chiến thắng đó là lời khen cho tài năng hay cho sự nỗ lực? Mong là vế thứ 2.

LỜI KHEN NGỢI LÀM CHO LŨ TRẺ “NĂNG LỰC” NÓI DỐI

Còn một điều nữa mà chúng tôi phát hiện ra trong nghiên cứu của mình mà vừa đáng ngạc nhiên, lại vừa đáng buồn. Chúng tôi nói với từng học sinh: “Bọn cô sẽ tiếp tục nghiên cứu này ở một trường khác, và cô nghĩ là các bạn ở đấy sẽ rất muốn biết về những câu hỏi mà các em vừa làm.” Rồi chúng tôi cho lũ trẻ một tờ giấy để viết về suy nghĩ của chúng về những câu hỏi này, và chúng tôi cố tình để một khoảng trống ở cuối để chúng viết về số điểm chúng đã đạt được trong bài kiểm tra.

Bạn có tin được rằng, tới tận 40% những học sinh “năng lực” nói dối về số điểm của chúng? Và “nói dối” ở đây là khai khống điểm cao lên. Trong Tư Duy Cố Định, khuyết điểm là thứ đáng xấu hổ – nhất là khi bạn có năng lực – vì vậy chúng đã chọn việc nói dối.

Điều đáng cảnh báo là chúng ta đã làm những đứa trẻ bình thường trở thành những người nói dối, bằng một việc đơn giản là nói với chúng rằng chúng rất thông minh.

Ngay sau khi tôi viết tới đoạn này, tôi gặp một giáo viên trẻ đang phụ đạo cho các học sinh để chuẩn bị cho kì thi vào đại học sắp tới. Anh ta đã tới để nhờ tôi tư vấn về một học sinh trong lớp của anh. Học sinh này làm những bài kiểm tra thử và nói dối về điểm số. Nhiệm vụ của anh ta là dạy cô bé về những gì cô bé chưa biết, nhưng cô bé lại không thể thừa nhận với thầy giáo những điều chưa biết đó, mặc dù bố mẹ đã phải trả tiền cho cô tới lớp học!

Vì thế, nói với trẻ con rằng chúng thông minh, về lâu dài, sẽ làm chúng cảm thấy ngốc nghếch hơn và hành động cũng ngốc nghếch hơn, nhưng vẫn luôn cố tỏ ra là mình thông minh. Tôi không nghĩ đây là ý muốn của chúng ta khi chúng ta gán cho chúng những mỹ từ như “tài năng”, “thiên tài”, “xuất sắc”. Chúng ta không có ý muốn tước đi của chúng trí tò mò với những thử thách và những yếu tố đưa chúng tới thành công. Nhưng những mỹ từ kia lại làm ngược lại điều đó.

Sau đây là lá thư của một người đàn ông sau khi đọc những nghiên cứu của tôi:

Kính gửi giáo sư Dweck,

Tôi cảm thấy rất đau đớn khi đọc những chương sách của bà. Bởi tôi nhìn thấy hình bóng của mình trong đó.

Khi còn là một đứa trẻ, tôi từng là thành viên của Hội những thiên tài trẻ tuổi và không ngừng được ca ngợi về trí thông minh của mình. Giờ đây, sau quá nửa cuộc đời không tận dụng được tài năng ấy (tôi hiện 49 tuổi), tôi mới bắt đầu học cách sử dụng nó. Và tôi cũng không còn nhìn thất bại như dấu hiệu của sự ngu dốt nữa, mà là sự thiếu hụt của kinh nghiệm và kỹ năng. Những chương sách của bà thực sự đã cho tôi một lối đi mới.

                                                                                      Seth Abrams.

Đó chính là sự nguy hiểm của những mỹ từ. Có những sự thay thế khác cho những mỹ từ này, và tôi sẽ nói về chúng ở chương về Cha mẹ, giáo viên và huấn luyện viên.

Theo tamly.blog

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

2,510 lượt xem