Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Cảm Xúc Và Sự Lầy

Đã bao giờ bạn tự hỏi: Vì sao mình lười biếng?

Nhiều người bao biện: “Đơn giản vì tôi không quan tâm”, “Vì tôi không có thời gian”, “Vì tôi bận làm việc xyz”… Hiển nhiên rằng, có bao nhiêu vì sao trên bầu trời mùa hè thì có bấy nhiêu lý do lý giải cho sự lười biếng, hay còn gọi là “lầy” của chúng ta!

Nhưng nếu suy nghĩ một cách nghiêm túc thì nguyên nhân đầu tiên và quan trọng nhất khiến chúng ta trở nên lười biếng chính là bởi ta đã TRƠ LỲ VỀ MẶT CẢM XÚC khi xét đến một khía cạnh nào đó.

Ví dụ, khi mới đậu Đại học, ta bước chân vào giảng đưởng với biết bao ước mơ và hoài bão. Từng lời thầy cô giảng như hạt vàng rót vào tai, thấm vào óc, tay thì cặm cụi ghi ghi chép chép không sót một từ, trời có gió bão đổ cây cũng gắng đến sớm để giữ chỗ ngồi đầu (ngồi gần thầy cô).  Ngày ấy, một điểm B như một vết nhơ ngàn năm không thể xóa nhòa, như một vết dầu mỡ dây ra áo trắng mà không có Omo hay Tide để tẩy!

Thế rồi, theo thời gian và theo dòng đời xô đẩy, sự nhiệt huyết ấy giảm dần, thậm chí tụt dốc không phanh. Còn đâu những buổi hăm hở nghe giảng ghi chép, còn đâu những cánh tay hào hứng trả lời câu hỏi để kiếm điểm cộng. Đi học, ờ thì cũng quan trọng, nhưng mà… ngủ cũng quan trọng lắm chứ! Ngày mai thi thì chiều nay đi mua giáo trình, tối nay nhồi nhét là đẹp! Thay vì một bảng điểm thật đẹp thì giờ là bài ca:

          “Thu đi để lại lá vàng

          Đông đi để lại một hàng toàn C”

Sự trượt dốc này bắt đầu từ khi nào? Có lẽ là từ khi bạn được hỏi: “Mày thi được mấy điểm?” và câu trả lời đại khái là: “Hì hì, C giống mày. Kệ đi”. Ấy là khi bạn đã mất cảm xúc buồn hay tức giận với bản thân khi nhận một điểm số xấu. Bạn thản nhiên với sự thực ấy và coi đó là điều đương nhiên xảy ra bởi xung quanh ai chả vậy. Và nếu bạn chẳng còn coi việc điểm cao hay thấp, tốt nghiệp loại giỏi hay trung bình là vấn đề quan trọng thì hiển nhiên mọi động lực cố gắng sẽ tiêu tan theo. Và kết quả là, bạn trượt dốc không phanh.

Không chỉ là trong việc học. Hãy thử tưởng tượng xem bạn có bao giờ đầu tư thời gian, công sức và tiền bạc cho một công việc mà bạn không cảm thấy gắn bó hay việc mà bạn coi là làm cho có, không làm thì cũng chẳng hại chết ai. Và nếu một công ty toàn những nhân viên làm việc vật vờ qua ngày như vậy thì sẽ dẫn tới đâu? Có thể thấy, sự lầy của bản thân không chỉ ảnh hưởng tới riêng cá nhân đó mà còn ảnh hưởng tới kết quả chung của toàn đội. Vậy mới thấy, lầy không phải là một cụm từ nói xuề xòa cho vui mà thực sự là một căn bệnh đáng lo ngại.

Cảm xúc cũng là nguồn động lực giúp chúng ta cố gắng hơn mỗi ngày đấy.

Điều đầu tiên để chữa sự lầy là hãy giữ cho mình những cảm xúc nhạy bén. Đừng coi điểm kém là điều đương nhiên, hãy coi đó là bài học để nỗ lực hơn nữa. Đừng coi việc bùng học là “đặc sản” với sinh viên, hãy coi đó là những tấm gương xấu cần tránh. Đừng coi việc ngủ trong lớp là thời thượng, hãy coi đó là một căn bệnh nguy hiểm cần chữa trị ngay. Hãy biết buồn, biết giận, biết khóc, biết bực mình để chăm chỉ và cố gắng nhiều hơn nữa.

Nếu muốn giỏi, đừng chỉ quan tâm đến một cái đầu sắc bén với vô vàn những kiến thức, kinh nghiệm “khủng”. Hãy lưu tâm tới cả trái tim và tâm hồn mình. Con người về cơ bản không thể sống như một cỗ máy. Con người còn có cảm xúc, và cảm xúc là khởi nguồn cho mọi điều. Nếu cảm thấy hào hứng và hưng phấn, tự khắc bộ não của bạn sẽ hoạt động 200% công suất để thỏa mãn “tiếng gọi của con tim”. Còn nếu bạn dưng dưng thì hiển nhiên bộ não của bạn cũng “đóng cửa đi nghỉ cho khỏe”- và hậu quả không chỉ là một bảng điểm tệ hại và xấu xí mà xa hơn nữa là sự lầy, trì trệ và thờ ơ của bạn với mọi công việc khác trong cuộc sống.

Kết lại thì, mỗi người sẽ chọn cho mình một động lực riêng để học tập và làm việc. Nhưng nếu vẫn còn đang băn khoăn chữa bệnh lầy của mình thì bạn có thể tham khảo “phương thuốc” cảm xúc này nhé.

                                                        -----------------------------------------------------

                                                               Bản quyền bài viết thuộc về YBOX.VN

                                          Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn "Theo YBOX.VN''



----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

2,971 lượt xem