Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Quan Điểm - Góc Nhìn] Câu Chuyện Về Bóng Cây Hà Nội

[ Quan điểm - góc nhìn]

Cách đây hơn một năm, khi những cây to ở điểm trung chuyển xe buýt Đại học Giao thông vận tải, đối diện công viên Thủ Lệ bị đốn hạ, từng phần một: ngọn cây, cành cây rồi thân cây, một ngày trơ ra chỉ còn gốc cây, rồi cuối cùng thì cả gốc cây với lát cắt phẳng in hình rõ nét những vòng gỗ của một đời thảo mộc cũng bị đánh trốc, tôi đã đứng rất lâu để nhìn lên bầu trời trong xanh nhưng trống hoác và nhìn sâu vào kí ức để cảm nhận một khoảng trống lặng câm… Ngày xưa ở bến xe buýt ấy, ngày nào tôi cũng gặp một người cha bần hàn dẫn đứa con thơ đi xin ăn. Bao lần động lòng thương em bé mùa đồng áo mỏng, không mũ, không giày, người cha mù lòa tiếng sáo khắc khoải mãi “Câu hò bên bến Hiền Lương”... Ngày ấy, người ta định khai tử 6700 cây xanh ở thành phố tôi, những hàng cây nhiều tuổi hơn cả tuổi đời của bố mẹ tôi, những cây đã rợp bóng những năm tháng tôi lớn lên, và tôi đã sợ một ngày người ta sẽ đem chặt cả gốc cây tuổi thơ- gánh hàng cháo của bà ngoại tôi...

Ngày ấy tôi đã thấy người Hà Nội phẫn nộ bao nhiêu, xót xa bao nhiêu, họ đã ôm lấy những cái cây như những người thân yêu của mình...

Cách đây vài tháng, khi ngồi giữa một ngã ba bên tách cà phê, tôi đã thương nhớ một cây hoa sưa bị chặt, chôn theo cùng cả một mùa trắng trong.

Mới hai tuần trước, khi cơn bão đổ về Hà Nội, khắp nơi tràn ngập hình ảnh cây đổ. Vỉa hè lô xô, cây bật gốc. Tôi lại thoáng nghe thấy người Hà Nội nói với nhau: những cây to không chặt đi, cứ để đó có ngày nguy hiểm đến tính mạng bao người…

Liệu có phải họ đã quên những cây xanh trong thành phố đã hiện diện trong tuổi thơ của bao thế hệ người Hà Nội như thế nào? Làm sao có thể quên những hàng cây già như những chiếc ô đã che chở cho chúng ta trong cái nắng hè Hà Nội ngày một thêm gay gắt? Màu xanh mát của những tán lá an ủi con mắt mỏi mệt của chúng ta trong một thành phố tràn ngập nhà cao tầng, trời xanh càng hẹp, càng cao, càng xa, trước mắt chỉ nhức nhối những cửa kính,ánh đèn lấp lánh và những biển hiệu chói lóa… Và những cái cây đã thực sự “cứu rỗi” chúng ta (chữ của nhà văn Nguyễn Quang Thiều) trong cái ngột ngạt, bụi bặm của một thành phố hiện đại chật cứng người và phương tiện… Cho dù cũng chỉ là chút trong lành sớm mai mà thôi...

Và làm sao có thể quên những cái cây đã che mát tâm hồn chúng ta như thế nào? Ôi cây cỏ lành hiền, sức sống mãnh liệt và bền bỉ! Một công dân trung thành và tận tụy, thì thầm lời ru rì rào cho thành phố ngủ say. Người bạn đường tin cậy, lặng lẽ lắng nghe những câu chuyện đời nhọc nhằn bất tận bên quán nước, lặng nghe cả biết bao điều không nói, những giọt mồ hôi, những dòng nước mắt cay cực chảy ngược vào tim… Chứng nhân cho những trong trẻo thơ ngây học trò, cho niềm hồi hộp, ngại ngùng buổi đầu hò hẹn, cho những bồn chồn ngóng trông, đợi chờ...

Họ đã quên hay làm như không biết vì đâu những gốc cây bật lên lại phơi ra những cọc rễ ngắn và vì sao những cái cây tuổi đời cả trăm năm rễ lại nông đến thế? Phải chăng chúng ta chưa từng chặt rễ cây to khi làm lại một con đường, xới tung vỉa hè để lát gạch mới, lắp đặt hệ thống dây điện, đường ống dẫn nước ngầm…? Bao lần ta thản nhiên đào móng, chặt bớt rễ cây ven đường để xây một ngôi nhà to cao mặt phố và tặc lưỡi “cây vẫn sống tốt” rồi quên ngay?

Nhiều người đã thở than vào ngày những hàng cây bị đốn hạ rằng một thành phố vắng đi những bóng cây sẽ là thành phố chết, với riêng Hà Nội tất cả những ý niệm lãng mạn “phố thâm nghiêm rợp bóng cây, bước chân năm tháng đi về” hay ngay cả một “cây bàng mồ côi mùa đông” rồi cũng sẽ chẳng còn bấu víu vào đâu mà tồn tại nữa… Không có cây, thành phố sẽ chết, một phần tâm hồn chúng ta cũng mất mát. Nhưng liệu có phải chỉ khi những cái cây đã chết trong tâm hồn, ta mới thản nhiên nhìn nó đổ xuống như thế? Như thể mình vô can?

Không biết bao giờ những cây con trồng thay thể mới đủ lớn để đổ bóng lên tâm hồn cằn cỗi, khốn khổ của chúng ta. Nhưng còn đó một bóng cây cổ thụ... Cây ven đường đã đổ xuống vì chịu ảnh hưởng của một cơn bão không trực tiếp đổ bộ vào Hà Nội nhưng còn những cơn bão mang tên “toàn cầu” đang đến rất gần, những cơn lốc đổi thay văn hóa và nếp sống tự trong lòng Hà Nội? Xin đừng vì vô tâm và tham vọng phát triển mà chặt những nhánh rễ của cái cây đã tỏa bóng cả ngàn năm!

Hoàng Lan Hương / Shades of Hanoi 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

2,442 lượt xem