Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Chọn Bạn Đời - Phần 3: Những Trở Ngại Trên Con Đường Tìm Kiếm Tình Yêu

Nhu cầu quyến rũ người yêu tiềm năng lên giường và bước vào cuộc sống của ta chứa đầy những mối nguy xấu hổ. Nhưng ta sợ sự xấu hổ đến mức nào còn tùy theo việc: ta gắn bó thế nào với phẩm giá của bản thân.

Người người trong số chúng ta, thử thách lớn nhất để tìm thấy một tình yêu đích thực đó là vì ta không thể rời bỏ một mối quan hệ không hạnh phúc nhưng ta đã lỡ lún quá sâu rồi.

Mặc dù ta muốn được chạy trốn, ta không thấy đủ động lực để chạy thật xa. Người yêu hiện tại dường như rất hài lòng về ta, họ tỏ ra tin tưởng và hoạch định tương lai với ta. Chúng ta sợ hai trường hợp xảy ra: rằng họ có thể sẽ gục ngã nếu không có chúng ta và rồi hạnh phúc không bao giờ đến với họ nữa. Hay lời chia ly của chúng ta sẽ làm cho họ trở nên phẫn nộ và thù hận. Ta cùng một lúc vừa quan ngại vừa lo sợ.

Như mọi khi, nỗi sợ chúng ta vượt ngoài phạm vi của những thứ thực tế đang diễn ra. Duyên đến rồi duyên tàn, mọi sự chỉ trong mảy may một sớm chiều. Điều rắc rối là tại sao chúng ta phải quá sợ hãi việc làm người khác buồn như vậy, ta khuếch đại sự yếu đuối của họ lên, nhưng sự thật thì không hoàn toàn là vậy.

Điều kìm chân chúng ta lại không phải là suy nghĩ họ không thể chịu đựng được, mà là cảm giác ta sẽ không thể chịu được việc khiến họ tức giận. Ta đã trở thành người phiền hà với những suy nghĩ phật lòng người khác (dù cho là với lý do tốt).

Như bao lần, ta nhìn vào tuổi thơ để tìm kiếm câu trả lời. Ta đã trải qua những khoảnh khắc người lớn quanh ta không thể đón nhận tin xấu, dù là từ ta hay từ những người khác trong cuộc sống. Họ đập cửa, la hét, dọa tự tử, ném đồ ném đạc về phía ta… Ta không có cơ hội giãi bày vấn đề của mình. Người cha người mẹ có vẻ kích động. ‘Con muốn ba/mẹ chết hay sao?’ có thể họ la lên như vậy khi thấy ta lấy trộm một quả bóng hay chảy máu mũi xuống thảm. Ta thì lại không bận tâm đến những chuyện này, cũng như rất nhiều chuyện khác tương tự. Có lẽ hiện thực không tồi tệ đến vậy trong mắt của một đứa trẻ năm tuổi, nhưng đó chính là vấn đề: trẻ con không thể cảm nhận được sự khác biệt giữa thảm họa và một-buổi-tối-buồn-bực-nhưng-rồi-sẽ-qua trong mắt của một người trưởng thành dễ kích động. Cả hai hợp lại với nhau và tạo nên một sự lẫn lộn giữa cảm giác không vui và sự đau khổ khiến ta muốn tự tử, điều này có thể kéo dài đến khi trưởng thành. Bắt gặp sự yếu đuối của bản thân khiến ta cảm thấy rằng mình nhận định không bao giờ được đón nhận tin xấu, bằng bất cứ giá nào. Ta cố gắng chiều lòng người khác, thế nhưng trong tình yêu, lịch sự như thế sẽ hủy hoại cuộc sống.

Thực ra những nỗi sợ lảng vảng từ thời thơ ấu nhiều khi chỉ là tưởng tượng. Chắc chắn sẽ có những bi kịch nhất thời. Tin ấy đích thực sẽ rất sốc. Sẽ rơi nước mắt. Có thể sẽ thét lên. Có khi có món đồ gì đấy bị ném vỡ. Nhưng con người ta có thể sống tốt sau một đêm khóc lóc hỗn loạn. Đó không phải là tận thế. Tiểu thuyết cuộc đời của người bị từ chối sau đêm chia tay sẽ trông như thể mọi chuyện đã kết thúc giữa một mớ khăn giấy thấm ướt nước mắt và lời thề sẽ không bao giờ yêu lần nữa, sau đấy câu chuyện tất nhiên sẽ tiếp diễn. Mặt trời sẽ lại mọc. Chương tiếp theo có thể sẽ như này: “Sau khi Nabil bảo mọi chuyện đã kết thúc, Mel khóc ròng suốt một tháng. Cô ấy không nhấc nổi người ra khỏi giường. Cô ấy hầu như không ăn gì cả. Cô nói với bạn bè rằng cuộc đời mình đã chấm dứt và cô sẽ không bao giờ có thể vượt qua được. Có lần cô gọi cho Nabil và cầu xin anh quay lại. Anh ta rất sẵn lòng giúp đỡ và xấu hổ - nhưng vẫn không quay lại với cô. Sau đó, mùa xuân đến, công việc bộn bề hơn và Mel bắt đầu cảm thấy tốt hơn. Trung tuần tháng tư, cô cùng uống với Nick, bạn của một đồng nghiệp. Anh ấy rất dễ thương và mời cô đi xem phim vào cuối tuần sau đó…”

Ta cũng thường quên rằng có rất nhiều dạng tổn hại. Ta không chỉ tổn hại người khác bằng việc đối xử thô bạo, ta có thể dễ dàng tổn hại - thậm chí còn tổn hại sâu sắc - người khác bằng việc tử tế với họ, lãng phí nhiều năm của họ trong một mối quan hệ mà ta biết tỏng là mình không cảm thấy gần gũi. Một phần của sự trưởng thành là nhận biết được sự khác biệt giữa tỏ ra tử tế và thực sự tử tế - vế sau đòi hỏi ta phải làm những chuyện khiến người ấy giận dữ và tuyệt vọng trong một thời gian. Để có được sự tử tế đích thực, ta cần có dũng khi để cho phép bản thân bị ghét bỏ. Điều cần thiết để tử tế trong mắt người khác là ta chắc chắn sẽ tàn nhẫn một cách thầm lặng, khác thường. Ta phải khiến người ta không còn yêu giết chết mọi hy vọng và cho phép họ ghét bỏ ta, tự tin rằng ta có thể chịu đựng được cơn giận dữ của họ. Đó mới chính là sự tử tế đích thực.

v) Thiếu tự tin để quyến rũ

Nhu cầu quyến rũ người yêu tiềm năng lên giường và bước vào cuộc sống của ta chứa đầy những mối nguy xấu hổ. Nhưng ta sợ sự xấu hổ đến mức nào còn tùy theo việc: ta gắn bó thế nào với phẩm giá của bản thân.

Có một loại thiếu tự tin khiến ta khổ sở trong việc quyến rũ khi ta luôn cố gắng không trở nên nực cười trong mắt người khác. Không thể nào quyến rũ một người mà không có rủi ro trở thành một trò cười: có thể họ đã có người yêu, có thể họ nghĩ bạn xấu tệ, có thể họ sẽ không xuất hiện ở nhà hàng, có thể họ sẽ nói “Đừng ngu ngốc như thế!” ngay khi hai người chạm tay nhau.

Vì quyết tâm không để mình trông ngu ngốc, chúng ta chẳng dám làm gì nhiều; vì thế mà chúng ta, ít nhất cũng đã đôi ba lần, bỏ lỡ những cơ hội tuyệt vời nhất trong đời.

Sự tự ti trong chuyện quyến rũ bắt nguồn từ bức tranh sai lệch về những phẩm chất mà một người bình thường nên có. Chúng ta cho rằng đến một độ tuổi nhất định chúng ta có thể được tôn trọng và không còn sự nhạo báng. Chúng ta cho rằng lựa chọn này sẽ giúp ta có một cuộc sống tốt đẹp mà không thường xuyên biến mình thành kẻ ngốc. Thực tế thì không.

Con đường để trở nên tự tin hơn không phải là dùng nhân cách tốt đẹp của mình để trấn an mình, mà là phát triển hài hòa, chấp nhận sự ngốc nghếch theo đúng bản chất. Ta hiện tại là kẻ ngốc, trong quá khứ đã từng là kẻ ngốc, và tương lai cũng sẽ là những kẻ ngốc – điều này hoàn toàn bình thường. Loài người chẳng còn sự lựa chọn nào khác.

Một khi mà chúng ta đã học cách nhìn nhận bản thân mình là những người ngu ngốc theo đúng bản chất, kể cả nếu chúng ta có làm những chuyện ngu ngốc hơn thì cũng không thành vấn đề. Người mà ta muốn hôn có thể nghĩ ta thật ngớ ngẩn. Nếu họ làm thế cũng chẳng có gì lạ; họ chỉ đang khẳng định một điều mà chúng ta đã ghi sâu vào trái tim mình từ rất lâu rồi: chúng ta, giống như họ – và mọi người khác trên trái đất – đều là những kẻ ngốc. Nỗi lo việc chấp nhận thử thách và thất bại có thể gây ra đau đớn cũng được loại bỏ đáng kể. Nỗi sợ bị bẽ mặt không còn bám theo ta trong tiềm thức nữa. Bằng cách chấp nhận thất bại là chuyện thường tình, chúng ta có thể tự do thử làm mọi thứ. Và cứ thế, bất chấp vô số thảm họa mà ta đã kể ra ngay từ đầu, ta cũng thu được kết quả: ta sẽ có một nụ hôn, ta sẽ có bạn bè, ta sẽ kết hôn...

Và, để tự tin thì ta cần nhớ một điều, nếu ta đã hôn, làm bạn, và kết hôn, ta chắc chắn có rất nhiều khoảng thời gian không vui với con người này. Những suy nghĩ bất an trước một người tình tiềm năng xuất phát từ cảm giác khuếch đại lo ngại ta được mất những gì. Ta do dự khi hỏi số điện thoại hay hẹn ăn tối vì ta lo sợ đối phương sẽ không chia sẻ bất kỳ sự yếu đuối nào và họ điều khiển sự hài lòng của buổi hẹn trong tay. Chẳng ngạc nhiên khi ta quá nhút nhát để nói ra hay có nói cũng lắp ba lắp bắp. Lời đáp trả khôn ngoan hơn là hãy nhớ rằng hình mẫu sắc đẹp và hoàn hảo trước mắt bạn theo thời gian sẽ trở nên phức tạp hơn vẻ bề ngoài và đến một thời điểm có thể khiến bạn phát điên và thất vọng đến đau lòng. Kiến thức u tối này có thể giúp ta bình tĩnh khi ta khó mở lời với họ: thật ra ta không phải đối mặt với một thánh nhân cân bằng định mệnh của ta bằng đôi bàn tay tuyệt mỹ của họ. Họ chỉ là một sinh vật bình thường bị bủa vậy bởi những căng thẳng, thỏa hiệp và điểm mù mà chỉ có bản thân mới biết. Ta có thể tiếp cận cuộc hẹn này với sự tự tin thiết thực của một con người hay gây rắc rối đang tìm đến một người khác để bắt đầu một mối quan hệ có thể sẽ trở thành một sai lầm to lớn. Trong giai đoạn quyến rũ ta có thể thêm vào một chút sự vô ơn (theo cách thư thái hữu dụng) mà ta thường có khi mối quan hệ đã bắt đầu - và dùng nó để tình yêu phát triển.

Con đường đến sự tự tin trong chuyện quyến rũ bắt đầu bằng nghi thức trang trọng mỗi buổi sáng, trước khi bắt đầu một ngày mới: tự nhủ với chính mình ta là một người ngu ngốc, ngớ ngẩn, ngờ nghệch. Và thế là một vài hành động điên rồ thêm nữa cũng chẳng có vấn đề gì cả.

vi. Mất kiên nhẫn

Một trong những nguyên tắc quan trọng nhất trong việc chọn người yêu là không hề cảm thấy vội vã đưa ra lựa chọn. Thoả mãn với tình trạng độc thân là điều kiện tiên quyết cho một mối quan hệ mãn nguyện. Một người sẽ không bao giờ có tâm trạng tốt để mà chọn bạn đời một cách minh mẫn khi vẫn còn coi độc thân là không chịu đựng nổi. Phải hoàn toàn yên bình với viễn cảnh sẽ cô đơn trong nhiều năm thì mới có cơ xây dựng được một mối quan hệ tốt đẹp. Còn không, ta sẽ yêu cái sự không độc thân hơn là yêu chính kẻ phối ngẫu đã cứu ta khỏi độc thân.

Thật xui, sau một độ tuổi nhất định, xã hội thường khiến việc sống độc thân thành khó chịu đến nguy hiểm. Cuộc sống cộng đồng bắt đầu teo tóp, những kẻ có đôi có cặp thì quá sợ tính độc lập của bọn độc thân đến nỗi không mời chúng đến chơi thường xuyên nữa.

Tình bạn và tình dục là, bất kể tất cả những điều nhỏ nhặt khác, đặc biệt khó để đạt được. Chẳng có gì phải ngạc nhiên khi một ai đó khá tử tế, dù không thật là vậy, xuất hiện, ta lại thấy quyến luyến với họ, dù cho cuối cùng cái giá mà ta phải trả có là gì đi nữa.

Khi tình dục là thứ chỉ có sẵn trong khuôn khổ hôn nhân, thiên hạ nhận thấy rằng điều này từng khiến lắm kẻ cưới nhau sai mục đích: để đạt được cái thứ mà toàn xã hội hồi ấy đã ngăn cấm một cách thiếu tự nhiên. Giờ đây khi đã tự do để đưa ra những chọn lựa tốt hơn nhiều về đối tượng mình muốn cưới, người ta không còn đáp ứng một cách thô sơ trước một ham muốn tuyệt vọng về tình dục.

Nhưng ta vẫn còn thiếu sót ở những lĩnh vực khác. Khi phải thành cặp rồi thì mới “có bầu có bạn”, thiên hạ sẽ kết đôi chỉ để không phải cô đơn. Đã đến lúc giải phóng “tình bầu bí” khỏi xiềng xích của vợ chồng, và giúp có được nó dễ dàng lẫn rộng rãi như những nhà giải phóng tình dục từng mong muốn tình dục được như thế.

Nhưng quá trình chỉ mới hoàn thành một nửa. Chỉ khi nào chúng ta đảm bảo rằng việc sống độc thân cũng bình an và hạnh phúc như đang trong một mối quan hệ thì khi đó ta mới biết mình chọn yêu ai đó vì những lý do đúng đắn.

Trong khi đó, chúng ta nên nỗ lực để hoàn toàn yên bình với viễn cảnh sẽ cô đơn trong nhiều năm.  

VI: Kết luận: Chủ nghĩa hiện thực

Khó khăn và tưởng tượng

Ta thường tự nhủ rằng mình không gặp ai hợp để hẹn hò cả. Dù ta có thể đang sống trong một thành phố triệu dân và có thể tiếp cận được cả tỷ người với các thiết bị số, ta vẫn chắc chắn tình cảnh của mình: không có ai hợp với mình cả.

Chúng tôi đưa ra một giả thuyết khác. Ngoài kia có rất nhiều người hợp với ta, ta đã gặp một loạt ứng viên hoàn toàn phù hợp với mình, chỉ là ta không thể thấy được cơ hội. Cụ thể hơn, ta tin rằng - một niềm tin khá sai lầm - không có ai là “đủ tốt” đối với mình. Ta cảm thấy mình có thể làm tốt hơn, thế nhưng ta lại chẳng bao giờ làm được như thế. Để thoát khỏi giả định tự mãn và vô dụng ấy, có hai bước ta có thể làm.

Đầu tiên, ta nên có cái nhìn chân thật về bản thân và tự hỏi liệu ta có thật sự là một người đặc biệt và xứng đáng với những điều tốt đẹp hơn. Suy nghĩ bản thân là một món quà giá trị thường dựa trên vẻ ngoài hào nhoáng của địa vị. Đúng là có thể ta có rất nhiều điều để tự hào. Nhưng một dạng khiêm tốn hữu ích - từ đó sinh ra lòng biết ơn và hào phóng đối với những cuộc hẹn hò - xuất phát từ việc nhìn nhận tính cách của mình. Từ đây sẽ có khoảng lặng xung quanh những mặt khó khăn trong ta. Người khác chẳng có hứng thú cho ta biết ta là người kỳ quặc như thế nào. Bố mẹ ta quá tốt bụng, bạn bè thiếu khích lệ và người yêu cũ rời bỏ ta với một lý do vui vẻ như là họ cần thêm “không gian” hay họ sắp đi Ấn Độ, thay vì giải thích ta tồi tệ như thế nào. Do đó ta tiếp tục hiên ngang tự tin với khả năng đóng góp rất nhiều vào bất kỳ mối quan hệ nào và mong đợi nhận được thật nhiều sự biết ơn từ người khác. Ta không thể biết được rằng ở bên cạnh ta chính là một rắc rối đối với họ, theo nhiều cách khác nhau.

Ta có thể khó ưa theo nhiều cách: ta không thích làm điều khác biệt, ta không thích nhân nhượng, khi đã quyết định, ta không thèm nghe lời người khác, ta không biết chia sẻ trách nhiệm, ta hay đòi hỏi, nhưng lại không giỏi giải thích vì sao một số lại quan trọng với ta đến vậy, ta làm việc quá lâu, ta hay la rầy, thay vì chỉ bảo nhẹ nhàng, ta phấn khích vì những việc người khác không quan tâm (nhưng lại không nhận ra sự chán chưởng của họ).

Ghét bản thân quá mức là kẻ thù của các mối quan hệ nhưng yêu bản thân quá mức cũng vậy. Chỉ khi nhận ra mình không hoàn hảo trong những lĩnh-vực-khó-nhìn-thấy thì ta mới giải phóng bản thân để đến với một người không hoàn hảo - là kiểu người duy nhất mà ta có thể gặp.

Chủ nghĩa hiện thực đối với bản thân dẫn đến tương tác thực tế hơn với người khác. Nó giúp ta hạ thấp một cách phù hợp suy nghĩ về người đủ tốt cho mình. Tất nhiên, ta xứng đáng được hưởng rất nhiều. Nhưng ta cần biết chấp nhận vì ta là một người rất khó cho người khác ở bên. Ta sẽ là một thách thức đối với bất cứ ai.

Nhận ra khiếm khuyết của bản thân không phải cách duy nhất để mở ra sự lựa chọn, ta có thể chọn cách thứ hai, có cái nhìn giàu tưởng tượng hơn về những đối tượng thiếu hoàn hảo mà ta thường nhanh chóng bỏ qua không thương tiếc. Ta cần tìm lại vai trò của tri tưởng tượng trong khởi nguồn của tình yêu. Khi không có trí tưởng tượng, ta đánh giá người khác dựa trên những điều rất hiển nhiên về họ. Ta gặp một người khá tử tế. Nhưng mũi to quá. Không. Nhưng họ là một kỹ sư - kỹ sư chẳng tinh tế gì cả. Không luôn. Có thể họ giàu - và người giàu thì hay trịch thượng. Cũng không luôn. Có khi tóc họ thưa quá và mình không thích nguòi hói. Không. Hay cổ tay họ bị gồ lên, không. Khi ta trong trạng thái không tưởng tượng, ta nhanh chóng gạch tên rất nhiều người ra khỏi danh sách tiềm năng. Trong bộ khung tâm trí này, ta có một danh sách những điều khiến ta thích thú (hoặc ghét bỏ). Ta cảm giác chỉ cần một hai giây là có thể tập hợp người ta lại - và đẩy họ ra xa.

Nhưng trí tưởng tượng ở đây là nhạy cảm với những yếu tố ít hiển nhiên hơn. Ta lướt sơ qua bề mặt và nghĩ xem người này còn ẩn chứa điều gì khác. Họ có vẻ ngoài thông thường và có hơi trang trọng - nhưng biết đâu họ cũng có mặt tinh nghịch và hoang dại, nhìn họ giống con chuột - nhưng có thể họ rất lém lỉnh xung quanh người thân thiết, mũi họ hơi khoằm nhưng đôi mắt rất dịu dạng và làn môi gợi cảm bấ ngờ, công việc của họ không ấn tượng mấy - nhưng sở thích thì rất rộng và đây có thể là người lý tưởng để cùng dạo quanh chợ đồ cổ. Với trí tưởng tượng, ta bắt đầu chạm đến những phẩm chất trầm lặng hơn mà ta không thể thấy nếu chỉ nhìn trực diện. Phát huy trí tưởng tượng là chìa khóa dẫn đến tình yêu. Người khác phải tưởng tượng trong suy nghĩ về ta thì mới khoan dung và tha thứ cho ta trong thời gian dài. Với suy nghĩ tưởng tượng, ta không đi ngược với tham vọng đích thực của tình yêu, ta tìm thấy những tinh túy liên quan đến tình yêu.

 ‘Đủ tốt’ 

Một trong những yếu tố kìm hãm ta gắn kết với một đối tượng là cảm giác không bình thường khi có những rắc rồi và thỏa hiệp. Ta phủ nhận một tình huống từ một ấn tượng rằng người ta bảo (nhất là trong nghệ thuật) tình yêu tốt đẹp hơn thế này. Lý tưởng nghiền nát thực tế. Nhưng có khi thứ ta đang bắt gặp không phải là một mối quan hệ tồi tệ, mà là một mối quan hệ bình thường.

Giữa thế kỷ 20, nhà tâm lý học người Anh Donald Winnicott đặt ra một cụm từ giúp các bậc phụ huynh mặc dù luôn nỗ lực hết sức nhưng hay lo lắng liệu họ có phải là những cha mẹ hoàn hảo không. Winnicott cho rằng , mục tiêu thực sự không cần phải trở nên hoàn hảo lý tưởng mọi lúc mọi nơi, mà chỉ cần 'đủ tốt'. Một đứa trẻ không cần một ông bố bà mẹ hoàn hảo. Chúng cần một bố mẹ bình thường, có thiện chí đôi khi cũng sẽ mắc sai lầm, có những nuối tiếc, lo lắng, rồi sau đó xin lỗi; họ vẫn có những nhu cầu khác trong cuộc sống của họ mà đôi lúc sẽ phải dành ưu tiên cho chúng, nhưng họ vẫn luôn yêu thương, tử tế và đáp ứng những nhu cầu của con họ. Họ sẽ là những phụ huynh 'đủ tốt'.

Winnicott trấn an các bậc phụ huynh bị hành hạ bởi những lý tưởng không thể đạt đến rằng: con người ta đánh giá khắc nghiệt cuộc sống và bản thân dựa trên những tiêu chuẩn mà họ không bao giờ có thể với tới được. Éo le là điều này khiến ta trở thành người cha người mẹ lạnh nhạt và bất bình thường vì ta luôn lo lắng mình không hoàn hảo. Winnicott nói rằng mối quan hệ giữa con người có khi trông khá tệ nhưng ta vẫn đang làm ổn, theo tiêu chí bình thường. Đó là một thái độ tốt ta có thể mang lại cho những người ta yêu thương, vì họ cũng không hoàn hảo. Nhưng họ lại tốt hơn những gì ta thường thấy, “đủ tốt” trong phạm vi chấp nhận được.

Có một phiên bản u tối hơn từ nhà triết học người Đan Mạch thế kỷ 19 Soren Kierkegaard. Kierkegaard đặc biệt hứng thú với những sự lựa chọn mà con người liên tục phải đưa ra và những tê liệt kéo theo. Ta phải quyết định đến với một người, có thể là trong năm mươi năm tới? Ta làm thế nào để quyết định và bước đi? Với Kierkegaard, ta có thể không chọn được vì một lý do: ta qua hy vọng mình sẽ chọn đúng. Ta tin rằng có một sự lựa chọn rất đúng đắn và rất nhiều sự lựa chọn tồi tệ. Đó là lý do ta cẩn thận, kén chọn, và lo lắng như thế. Thật ra, Kierkegaard cho rằng ta đang phóng đại sự khác biệt. Ta sẽ không bắt gặp khoảnh khắc quyết định giữa một con đường tuyệt vời và một ngõ ngách u tối, vì tất cả những gì ta lựa chọn thực hất đều tồi tệ theo cách nhất định, vì cuộc sống luôn cần những điều tồi tệ. Ta sẽ luôn chỉ đối mặt với những sự lựa chọn tệ - tại một thời điểm nào đó nó rất bi tráng và đẹp đẽ. Ta không cần quá khắt khe trong việc lựa chọn.

Nỗi tuyệt vọng của Kierkegaard đã được đưa vào trong tuyệt tác của ông, cuốn Either/Or (Có hay Không):

Kết hôn và ngươi sẽ hối hận, không kết hôn, ngươi cũng sẽ hối hận, dù có kết hôn hay không thì ngươi cũng đều hối hận. Cười vào sự ngu dốt của loài người, ngươi sẽ hối hận, than khóc vi nó, ngươi cũng sẽ hối hận; dù khóc hay cười thì ngươi đều hối hận. Tin một người phụ nữ, ngươi sẽ hối hận; không tin cô ấy, ngươi cũng sẽ hối hận… Treo cổ tự sát, ngươi sẽ hối hận; không tự sát, ngươi cũng sẽ hối hận; dù có treo cổ hay không thì ngươi đều hối hận. Đây, thưa các quý ông, chính là điều cốt lõi của triết học.”

Dù ta có chọn gì thì nó cũng sẽ sai sai một tí - vì thế ta không nên đau khổ quá nhiều vì một sự lựa chọn nào đó. Kỹ năng đích thực không phải là luôn cố gắng đưa ra sự lựa chọn tốt hơn, mà là biết cách tạo ra bình yên với những lựa chọn tệ. Ta cứ đinh ninh cuộc sống sẽ tươi đẹp chỉ khi ta bằng cách nào đó có một sự lựa chọn lý tưởng. Nhưng Kierkegaard quả quyết phản đối nhận định ngây thơ này. Ta nên vui vẻ chấp nhận rằng ta không bao giờ có sự lựa chọn lý tưởng. Đó không phải là một lời nguyền. Mọi người đều cần phải đối diện với sự thật khó nhai này.

Cả Winnicott và Kierkegaard đều cho rằng sẽ luôn có vấn đề phát sinh trong mối quan hệ. Nghe có vẻ là một thông điệp đáng buồn. Nhưng hiệu quả của nó thì ngược lại. Nếu sự việc có hơi tệ, rất có thể vì ta đang làm đúng. Chúng đẩy lùi ta ra hỏi lý tưởng vô dụng. Chúng mời gọi ta khiêm tốn hơn khi mong đợi từ một mối quan hệ, không phải để khiến ta không vui, mà là để giúp ta tìm thấy bình yên với thứ duy nhất ta có thể nhận được: một tình yêu không hoàn hảo nhưng chân thành đối với một người có những khuyết điểm và một cuộc sống chứa đựng những rắc rối những vẫn quý giá mà ta cùng chia sẻ với người đó.

 

Người dịch: Thợ săn tiền thưởng

Nguồn: http://www.thebookoflife.org/mate-selection/

Theo tamlyhoctoipham.com

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

711 lượt xem