Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Chưa Biết Thương Mình Sao Biết Thương Người?

Có một câu nói rất quen thuộc rằng bạn phải tự yêu thương bản thân trước khi có thể thật sự yêu thương những người khác, dù đó là bạn đời, gia đình hay bạn bè. Đấy chắc chắn là một câu nói hay, nhưng từ một góc nhìn thực tế, ta hãy thử phân tích và tìm hiểu xem tại sao việc tự yêu thương bản thân trước lại quan trọng đến vậy.

Đầu tiên hãy nghĩ đến những điều bạn không hề thích về bản thân – đó có thể là một phần cơ thể, một phần tính cách, hoàn cảnh hiện tại của bạn hay bất kì điều gì. Bạn xem xét một khía cạnh nào đó của bản thân bằng một góc nhìn hết sức tiêu cực, dù cho có đúng như vậy hay không. Nếu bạn nhận thức không đúng đắn về hình ảnh của bản thân hay hoàn cảnh mà mình đang đối mặt, đó gọi là sự bóp méo nhận thức (cognitive distortion), tuy nhiên rất có thể thật sự có những khuyết điểm mà bạn không thích.

Khi bạn tiếp xúc với những người mình yêu mến, có 3 trường hợp thường xảy ra:

  1. Họ có điều mà bạn không có (ví dụ một ai đó có rất nhiều tiền và bạn thì túng thiếu).
  2. Họ cũng có một khiếm khuyết như bạn (cả hai đều túng thiếu).
  3. Họ đang nỗ lực để đạt được điều mà bạn cũng hằng ao ước; đó có thể là tiền bạc, ngoại hình, tính cách hay bất kì điều gì khác.

Sau đây ta sẽ lần lượt xem xét từng trường hợp trên.

(1) Khi Họ Cũng Có Một Khiếm Khuyết Như Bạn

Nếu người khác cũng có khiếm khuyết giống bạn, 2 trường hợp có thể xảy ra.

Đầu tiên bạn sẽ cảm thấy bản thân được an ủi phần nào vì biết rằng mình không phải là người duy nhất có khuyết điểm đó, rằng một người cũng đang ở trong tình trạng tương tự như mình. Lúc này bạn cảm thấy cuộc sống tươi đẹp hơn đôi chút. Nhưng đồng thời, mỗi lần gặp mặt người đó thì bạn lại nhớ đến chính khiếm khuyết của mình. Do vậy, dù điều này làm bạn cảm thấy khá hơn, nhưng cùng lúc nó cũng khiến bạn cảm thấy tệ hơn.

Vấn đề lớn hơn hết là khi hai người cùng sở hữu một khuyết điểm ngồi lại với nhau, họ thường không cùng nhau cố gắng để vượt qua nó, mà thay vào đó lại than thở và phàn nàn rằng cuộc sống không công bằng. Họ củng cố những suy nghĩ tiêu cực của nhau, và tuy việc này có thể giúp họ giải tỏa căng thẳng trong thời gian ngắn, nhưng về lâu về dài nó chỉ khiến họ thêm đau khổ và bất mãn mà thôi.

Đây giống như một vòng xoáy tiêu cực. Bạn ghét điều gì đó ở mình và nó làm bạn khó chịu. Bạn gặp một người có khuyết điểm tương tự. Cả hai cùng than vãn về khuyết điểm của bản thân mà chẳng biết làm gì khác. Bạn sẽ càng chú tâm hơn vào khuyết điểm đó, và những suy nghĩ tiêu cực càng chiếm nhiều thời gian lẫn tâm trí của bạn hơn. Hậu quả là bạn càng cảm thấy tệ hơn và ít yêu thương bản thân mình hơn. Bạn hoàn toàn không thể sống một cuộc đời tích cực với một tư tưởng tiêu cực.

Điều buồn cười là nếu người đó cũng có cùng khuyết điểm với bạn nhưng họ lại không thật sự khó chịu vì nó (nói cách khác là họ không ghét khuyết điểm ở bản thân mình), thì mối quan hệ giữa hai người thường không thể bền vững. Đó là trường hợp thứ hai: Bạn bắt đầu ghét bản thân mình nhưng họ thì không. Bạn bắt đầu thấy bối rối, và rồi hoặc là quan điểm của người đó làm bạn bừng tỉnh và cũng bắt đầu yêu thương bản thân, hoặc bạn không bao giờ muốn gặp lại họ nữa.

Khi bạn ghét điều gì đó ở bản thân và một người bạn yêu mến cũng có cùng khuyết điểm đó:

Bạn và người đó rất có thể sẽ cùng kể lể và phàn nàn, điều này khác xa một mối quan hệ yêu thương và quan tâm lẫn nhau.Nếu họ không ghét điều đó ở bản thân như bạn, thường sẽ xuất hiện sự mâu thuẫn giữa những quan điểm của cả hai, và tình cảm của bạn dành cho họ phai nhạt dần. Bạn muốn được than vãn và giải tỏa những cảm xúc bức bối, nhưng họ không lắng nghe. Điều này càng làm bạn đau khổ hơn.Quan điểm của họ có thể khai sáng cho bạn và bạn bắt đầu thấy yêu thương bản thân giống như cách họ yêu chính họ. Trong trường hợp này, yêu thương trong bạn sẽ chứa chan hơn – tình yêu thương bạn dành cho chính mình và cả cho những người khác. Nhưng điều này hiếm khi xảy ra.

(2) Khi Họ Có Điều Mà Bạn Không Có

Một trường hợp khó khăn hơn rất nhiều là khi người mà bạn yêu mến có được điều mà bạn thiếu thốn và căm ghét về bản thân mình. Mỗi khi gặp mặt, họ lại khiến bạn nhớ đến khuyết điểm của mình và cảm thấy ganh tỵ; sự chán ghét xâm chiếm trái tim bạn và những ý nghĩ tiêu cực kéo đến. Thay vì tập trung vào tình cảm và xây dựng một mối quan hệ tốt đẹp với ai đó, bạn lại để sự tiêu cực áp đảo và kìm hãm mối quan hệ.

Điều khó khăn là những chuyện này thường xảy ra một cách vô thức, và bạn không hề hay biết. Bạn nghĩ rằng mình đang mừng cho người yêu hay bạn bè vì họ có những thứ mà bạn không có, nhưng một cách vô thức, bạn đang chán ghét họ vì họ “tốt hơn” mình. Khi bạn đè nén cảm xúc và lừa dối bản thân, ngay cả khi vì lý do tích cực là để duy trì quan hệ tốt đẹp với ai đó, con quái vật trong hình hài những suy nghĩ tiêu cực vẫn lớn dần lên trong bạn, và nó sẽ tấn công vào thời điểm bạn ít ngờ tới nhất.

Thông thường sẽ có một điều gì đó khiến bạn khó chịu về người đó, hoặc bạn trở nên cộc cằn, gắt gỏng và xét nét hơn về người mà mình yêu mến. Bạn bắt đầu tìm kiếm những khuyết điểm của họ hoặc làm cách nào đó để mình trở nên vượt trội hơn họ ở các phương diện khác, và còn nhiều vấn đề khác nữa. Điểm mấu chốt là: Thay vì bạn sở hữu một mối quan hệ tốt đẹp thì mọi thứ bỗng trở nên tệ đi, chỉ bởi vì bạn ghét một điều gì đó ở chính mình.

Cách khắc phục rất dễ, song cũng rất khó. Một là bạn phải bắt đầu chăm chỉ trui rèn bản thân để đạt được điều mà mình đang thiếu vốn khiến bạn chán ghét. Người mà bạn yêu quý và đồng thời không có khiếm khuyết giống bạn có thể giúp bạn làm điều đó (nếu cũng yêu quý bạn thì chắc chắn họ sẽ giúp). Hai là bạn toàn tâm toàn ý tha thứ và chấp nhận con người mình. Nếu không, các mối quan hệ của bạn không sớm thì muộn cũng sẽ trở nên cực kì căng thẳng, thiếu vắng tình cảm, sự thấu hiểu và tôn trọng lẫn nhau; và đôi khi bạn còn chẳng biết tại sao.

(3) Khi Họ Nỗ Lực Để Đạt Được Điều Mà Bạn Cũng Ao Ước

Trường hợp thứ ba là người mà bạn yêu quý phấn đấu để đạt được điều mà bạn cho là mình cũng đang thiếu sót. Điều này sẽ thôi thúc bạn bắt đầu một quá trình tương tự để xóa bỏ khuyết điểm của mình. Chuyện vốn nên là như thế, nhưng nó lại hiếm khi xảy ra, đặc biệt là khi bạn ghét khuyết điểm của mình đến nỗi không đủ tin tưởng bản thân có thể xóa bỏ nó.

Đó là lý do tại sao chán ghét bản thân thật sự được xem như một loại cảm xúc cực kì tiêu cực. Nó lấy đi của ta khả năng lựa chọn một cách có lý trí, khả năng hành động và ganh đua tích cực trong khi vẫn duy trì một mối quan hệ lành mạnh với những người mà ta yêu quý. Nó khiến ta phán đoán thiếu chuẩn xác và bóp méo thực tế rằng không ai trên đời là hoàn hảo và tất cả mọi người đều có điểm mạnh lẫn điểm yếu, có cơ hội lẫn thách thức.

Đó cũng là chuyện thường xảy ra khi người mà bạn yêu quý bắt đầu cố gắng đạt được điều bạn đang thiếu. Bạn cố ngăn họ lại, cản trở họ bằng mặc cảm tội lỗi và những lời nói tiêu cực, cố ép họ quay trở về với những thói quen và hành vi cũ. Lý do là bởi bạn không chỉ lo sợ người mình yêu mến sẽ đạt được điều mình không có, mà còn sợ mình sẽ mất họ vì điều đó. Một lý do khác đó là bạn không tin tưởng vào bản thân, vì bạn không thể tin mình nếu ghét điều gì đó ở mình.

Tình huống điển hình là khi một ai đó bắt đầu luyện tập và ăn uống lành mạnh hơn nhiều so với trước đây, tất cả bạn bè bắt đầu châm chọc họ, rủ họ đi ăn pizza, uống bia, v.v. Ngay cả người yêu của họ cũng bắt đầu cư xử tương tự. Lý do là vì nỗ lực của họ nhắc những người khác nhớ rằng mình không có đủ ý chí để làm điều tương tự hoặc lo sợ sẽ đánh mất người bạn/người yêu của mình, bởi mức độ gợi cảm của họ sẽ tăng lên theo những múi cơ mà họ rèn luyện được.

Hãy Tha Thứ Và Yêu Thương Bản Thân Mình

Một chuyện rất đáng buồn là đôi khi ở mức độ nào đó, những người thật sự chán ghét khuyết điểm của bản thân không phải tác nhân duy nhất gây nên tình trạng này. Thường thì là do gia đình họ tan vỡ, họ có quan hệ không tốt với cha mẹ và trải qua những chuyện khủng khiếp trong thời niên thiếu, hoặc do giáo viên của họ luôn khắt khe và không bao giờ hài lòng về họ; hoặc cũng có thể họ quá khác biệt với phần còn lại của xã hội đến mức cảm thấy không ai chấp nhận mình. Đó là cách họ hình thành những nhận thức sai lệch và là lý do người ta bắt đầu ghét một điều gì đó ở chính họ.

Tuy nhiên, đến một lúc nào đó bạn sẽ phải chịu trách nhiệm về những suy nghĩ và cảm xúc của bản thân. Dùng quá khứ để biện minh hay thương xót bản thân là hoàn toàn vô ích và cực kỳ phí năng lượng. Bạn phải nỗ lực và liên tục phát triển bản thân, nhưng không phải bằng những cảm xúc chán ghét chính mình hay người khác chỉ vì bạn không thích hay yêu quý điều gì đó ở mình. Bạn phải nỗ lực liên tục phát triển bản thân bằng những cảm xúc tích cực của tình yêu thương, óc sáng tạo, sự cộng tác, sự nhẫn nại và lòng can đảm.

Càng có nhiều vấn đề với bản thân, bạn càng ít yêu quý và phát sinh nhiều vấn đề với những người xung quanh, ngay cả với những người gần gũi nhất. Đơn giản thế đấy. Càng có nhiều vấn đề, bạn càng cảm thấy khó chịu với người khác bằng cách này hay cách kia.

Nếu bạn đang phải ăn kiêng theo một thực đơn cực kì nghiêm ngặt và một người bạn yêu quý lại có bộ gien tốt cho phép họ ăn bất kì thứ gì mình muốn, bạn sẽ khó chịu mỗi khi thấy họ ngốn đầy sô-cô-la trong miệng. Điều này khiến bạn không thoải mái và ngăn bạn thật sự yêu thương họ.

Nếu bạn không có nhiều tiền và bạn của bạn lại sống phung phí, mua hàng tá những thứ bạn không thể mua nổi và huênh hoang về số tiền họ kiếm được, sớm muộn gì chuyện đó cũng sẽ khiến bạn khó chịu. Hi vọng là họ không phải giàu có nhờ tiền thừa kế, nếu không thì chắc chắn bạn sẽ càng thêm khó chịu vì nó nhắc bạn nhớ rằng cuộc sống này vốn không công bằng.

Đó là lý do tại sao bạn phải học cách tha thứ cho bản thân và chấp nhận con người mình. Bạn càng có ít vấn đề với bản thân và càng hài lòng về chính mình dù cho mình có hoàn hảo hay không, thì tình yêu thương trong bạn càng tràn đầy. Tôi biết nói dễ hơn làm, nhưng dưới đây là một vài gợi ý để bạn có thể bắt đầu yêu thương bản thân:

  • Viết ra tất cả những điều làm bạn tự hào về bản thân và đọc nó mỗi sáng khi thức dậy. Hãy đọc trước hoặc sau khi tắm và bạn sẽ cảm thấy sẵn sàng cho một ngày mới tốt đẹp.
  • Viết ra tất cả những điều làm bạn cảm thấy biết ơn cuộc sống và đọc nó mỗi ngày trước khi đi ngủ.
  • Chỉ ganh đua với chính mình. Hãy so sánh bản thân giữa hiện tại và 5 hay 10 năm về trước, đồng thời vẫn giữ trong đầu một hình ảnh rõ ràng về mình trong tương lai.
  • Liệt kê tất cả những điểm mạnh của bản thân. Những điểm mà bạn thực sự nổi trội có thể giúp nâng cao sự tự tin và làm bạn cảm thấy tự hào về bản thân hơn.
  • Nếu bạn ghét điều gì ở một ai đó, hãy phân tích xem bạn thật sự chán ghét phần nào về bản thân. Đó là một cách hay để bắt đầu thấu hiểu chính mình.
  • Nếu bạn biết mình ghét một điều gì đó ở bản thân, hãy nghĩ xem mối quan hệ nào đang bị nỗi chán ghét ấy cản trở, chỉ vì người khác có được điều bạn không có hay họ đang nỗ lực để đạt được nó. Hãy nhớ rằng, một cách vô thức, có thể bạn đang ngầm cản trở một mối quan hệ chỉ để bảo vệ bản thân mình.
  • Khi người khác đang trong quá trình phấn đấu để đạt được điều mà bạn cũng mong muốn, hãy đảm bảo rằng điều đó thúc đẩy bạn cùng phấn đấu với họ. Hãy vui vẻ vì mình vừa có thêm bạn đồng hành.
  • Khi người khác sở hữu thứ gì đó bạn hằng mong muốn, hãy học hỏi từ họ càng nhiều càng tốt. Bạn có thể sẽ học được cách làm của họ. Nếu họ được kế thừa những thứ ấy, hãy đảm bảo rằng bạn sẽ phấn đấu hơn trong cuộc sống để những đứa con của bạn sau này cũng được thừa kế như vậy. Hãy động não xem liệu có cách nào khác để họ có thể giúp được mình hay không. Ví dụ, nếu một người thân thiết với bạn được thừa kế một gia tài, họ có thể là nhà đầu tư tiềm năng cho ý tưởng kinh doanh của bạn.
  • Học hỏi từ những người không bị ảnh hưởng bởi những khuyết điểm tương tự. Hãy học cách họ tha thứ cho bản thân và chấp nhận thực tế.
  • Biết sự khác nhau giữa những chuẩn mực, kì vọng và quan niệm trong cuộc sống.
  • Hãy tập kiên trì, nhẫn nại, vị tha, và dùng những cách giải quyết lý trí để loại bỏ sự sai lệch trong nhận thức. Nếu bạn có thể phấn đấu để đạt được điều mình đang thiếu, thì hãy phấn đấu đi thay vì chỉ tự thương thân. Nếu vì một lý do nào đó mà bạn thật sự không thể đạt được nó, hãy học cách chấp nhận.
  • Nếu bạn không thể làm điều đó một mình, hãy tìm kiếm sự trợ giúp. Tôn giáo, tín ngưỡng, liệu pháp tâm lý và rất nhiều công cụ khác ngoài kia đang sẵn sàng giúp bạn phát triển tình yêu thương dành cho chính mình và cho những người xung quanh. Cuộc sống đơn giản là quá ngắn ngủi cho việc chán ghét – dù là chán ghét bản thân hay người khác.

Tác giả: Blaz Kos

Nguồn: ubrand.cool

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

487 lượt xem