Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[THTT] Chúng Ta Sợ Là Chính Mình Hay Để Xã Hội Này Nhân Bản Vô Tính Những Con Người Giống Nhau?

Xã hội đâu đâu cũng là con người, con người và con người với nhau thì ai là ai và ai là gì với xã hội? Chúng ta đều mang một định danh là thuộc chủng loại cấp cao mang tên loài người, là sự tồn tại bậc nhất về khả năng tiến hóa của sinh vật trong tạo hóa. Chúng ta thường tự tin về giống loài thượng đẳng với ngôn ngữ và khả năng lao động có tri thức và hoạch định là bằng chứng đanh thép nhất. Chúng ta đều sống một cuộc sống, cuộc sống chúng ta giao nhau trên xa lộ chồng chéo của xã hội, chúng ta tạo nên một mạng lưới tương tác và nối kết tạo thành dòng chảy của thời gian khi nó bắt đầu thành hình từ hành động và lời nói của con người. Chúng ta tạo ra ngôn ngữ, hành động của chúng ta là từ trí tuệ, của chính mỗi người hay từ những gì mà ta học hỏi được ở những thế hệ thuộc những kỷ nguyên trước. Nhưng, vẫn là câu hỏi đấy, “chúng ta là ai?”, chúng ta khác gì với chúng ta, ai khác với ai?

Sự thay đổi của con người luôn đánh được dấu mốc ngay ở bất kì sự chuyển mình nào trong cách sống của họ. Ta có thể gọi nôm na nó là sự đổi mới, dù với tôi “định nghĩa” ấy không đủ để nói về tấm vóc ý nghĩa của quá trình này. Hay cũng có thể là từ sự cách tân của lịch sử, không chỉ vì con người đã tự mình tạo dựng một xã hội, một nền văn minh, một lối văn hóa đi vào guồng quay của thời gian và được thay đổi theo trật tự phát triển của họ, mà còn là do những thay đổi từ thế giới xung quanh xảy ra do ảnh hưởng từ hoạt động của con người. Từ trước khi ngôn ngữ và giá trị văn hóa sinh ra thì cội nguồn của nền văn minh đã bắt đầu cùng với tập tục sống, văn hóa sinh hoạt đi đôi với sự khám phá thế giới. Vào thời điểm con người bắt đầu có tri thức, đồng nghĩa với nhu cầu và điều kiện sống như cấp số nhân tăng lên theo tiến hóa chu kì. Họ trở nên hiện đại, văn minh, bắt đầu hình thành khái niệm và hình thức giáo dục. Tư tưởng, triết lý, truyền thống và những giá trị của đúc kết kinh nghiệm từ sử thi giúp con người dần hình thành một mạch chảy tri thức nuôi sống cốt chất cần có bên cạnh xác thể của con người. Trải qua mỗi nền văn hóa hình thành ở địa điểm, mốc thời gian, môi trường sống và những điều kiện xung quanh, con người ở mỗi vùng phát triển theo chiều hướng đa dạng hóa và làm nên một thế giới bao gồm nhiều xã hội phân tán khác nhau. Sự đa dạng đi từ xa xưa, sự phân tầng giai cấp và chủng tộc, và màu da, và ngôn ngữ đi theo bánh xe của nó. Khác biệt hình thành, vì khái niệm đa dạng đó cần đến sự khác biệt, nếu mỗi chúng ta không khác biệt nhau, chúng ta không hề tạo nên được xã hội đa sắc đa chủng như bây giờ.

Ta sẽ bắt đầu đặt câu hỏi: “VẬY TẠI SAO CON NGƯỜI LẠI SỢ MÌNH ‘LẠ’?” Bắt đầu từ rất lâu, những cuộc chiến tranh nổ ra hầu hết đều từ việc tranh giành nhau về lãnh thổ, lương thực, tài nguyên… Nhưng bên cạnh đó, những cuộc nội – ngoại chiến vì sự mâu thuẫn chủng tộc và màu da tồn tại bên trong, sự phân tầng giai cấp và chế độ xã hội dẫn đến sự đấu tranh giành quyền lợi được quy chuẩn bằng kết quả của tri thức con người có được. Nảy sinh trong sự đa dạng văn hóa phân chia theo từng vùng miền lãnh thổ, sự phát triển ở những quốc gia có nền tảng lịch sử khác nhau dẫn đến những giá trị văn hóa tồn tại đi theo cũng khác nhau, ví dụ như ngôn ngữ, tôn giáo, tập tục,… Nói trên diện vĩ mô, ta thấy được đó là vì những xung đột từ sự khác biệt lẫn nhau, từ sự “không hiểu tại sao họ lại khác chúng ta?”, từ sự “mình khác họ nhưng ở một chiều hướng ‘đẳng cấp’ hơn” (ví dụ: những cuộc chiến xâm lược của các nước lớn đối với những nước có sự phát triển chậm hay trì trệ hơn vì cho rằng họ mạnh hơn, giá trị văn hóa của họ ‘vượt bậc’ hơn). Khi quay về thực tại, ở ngay nền vi mô, đó là cuộc sống hiện thời của mỗi cá nhân đang cùng thở dưới một bầu trời và đứng trên cùng một mặt đất, tại sao lại sợ mình khác biệt? Là do sự công kích cá nhân, sự phản đối không công khai hay do những hành động bạo lực có thể gặp phải ở bất kì nơi nào, hoặc có thể đơn giản chỉ là vì những áp lực vô hình từ xã hội, cộng đồng, gia đình?

“So what? You're another person, so of course you look different. What do you need to be ashamed for?”  ― Yana Toboso

Vô tình, những gì đã xảy ra trong quá khứ tạo nên một ảnh hưởng tiêu cực nhất định đến chúng ta bây giờ. Đặc biệt là giới trẻ ngày nay, khi họ đang đứng giữa trung tâm của một mạng lưới văn hóa, kinh tế, thông tin toàn cầu và cả chính trị hợp tác quốc tế, họ được sống trong một thế giới đang ở giai đoạn cao trào của sự bùng nổ công nghệ kỹ thuật và trí tuệ. Nó tạo nên một giao lộ chồng chéo những giá trị được tạo ra bởi thế hệ đang thống lĩnh guồng quay phát triển, và người bước trên giao lộ đó để đi đến ngai vàng tiếp theo cũng chính là người trẻ cùng thanh xuân vô giá của họ. Bạn có nghĩ đến sự “nghẽn mạch thông tin” ở máy móc có thể tương đồng với sự “bội thực tinh hoa” của con người? Họ có quá nhiều cơ hội để khai thác về thế giới xung quanh, tiềm năng quá lớn để học hỏi, tiếp thu và tự hoàn thiện; nhưng hãy cẩn trọng, vì họ vẫn còn trẻ, khả năng vẫn có giới hạn và kinh nghiệm là điều thiết yếu. Họ yếu đuối, vì xã hội dễ tìm ra những người giỏi hơn trong việc khai thác giá trị bản thân, vì có quá nhiều người và chúng ta chỉ là một ai đó.

 

Chain yourself for?

 

Câu hỏi đặt ra: “Giá trị của bạn nằm ở đâu? Xã hội cần bạn là chính mình hay là một ai khác?”

Những tiền lệ đã xảy ra khi sự khác biệt bị chống đối tác động đến ý niệm về việc trở nên như thế nào ở bản thân những người trẻ tuổi, họ không tự tin thể hiện bản thân mình, luôn kìm hãm những giá trị “mới” và “lạ”, và trở thành “thường” hay “hợp thời” nhiều hơn là ‘phá cách, “cá tính”. Chúng ta dần có một xã hội “nhân bản vô tính”.

“Tại sao tôi lại thích con trai. Tôi là con trai mà?”

“Tại sao tôi lại là người đồng tính?”

“Tại sao tôi lại thấp bé quá vậy?”

“Tại sao tôi lại quá to xác và chậm chạp?”

“Tại sao tôi lại là người da màu?”

“Tại sao giọng nói của tôi không phải là giọng người Nam thay vì người Trung?”

“Tại sao họ lại có nhiều bạn bè và được yêu thương như vậy còn tôi thì không?”

 

never enough to be as what they expect.

“Always refuse to be like the others! The more you become similar to the others the more you will be useless because there are already plenty of the others!”  ― Mehmet Murat ildan

Chúng ta liệu có cần những con người giống nhau, hay gọi là những phiên bản được cấp số nhân từ chính bản năng của họ? Khi đề cập đến bản năng ở đây, không đơn thuần chỉ dừng lại ở khả năng tư duy, hành động ăn uống, sinh hoạt cá nhân, hoạt động sản xuất – văn hóa, sự giao tiếp - tương tác và khả năng sinh dục với mục đích duy trì nòi giống vốn có, mà theo riêng suy nghĩ của bản thân, tôi cho rằng nó còn là bản năng “tiền đề là từ tiền đề”. Tức nghĩa, đó là việc chúng ta luôn tạo hình mẫu lý tưởng, từ nhân vật hay một ai đó hoàn hảo trong suy nghĩ của chúng ta, và vô tình hay có chủ đích chúng ta học hỏi, làm theo hay hơn nữa là cố gắng trở nên giống họ vì thước đo cho sự trưởng thành và hoàn thiện cao nhất của mỗi chúng ta là những khuân mẫu đó; đó trở thành một chu kì phát triển về cách con người bắt đầu có ý niệm về hành động mang nghiệm thức của bản thân. Tôi nói đến việc này vì với tôi, điều đó vô tình làm chúng ta trở thành những bản sao của ai đó; có thể trong cuộc sống, khi chúng ta tiếp xúc nhiều hơn với những dạng người khác nhau, tiếp xúc được với xã hội - nơi đã hình thành sự hòa tan giữa các cá tính, một bộ phận có thể tìm được cá tính phù hợp nhất, nhưng cũng có một phận chọn cách trở thành kẻ khác. Tôi tự hỏi liệu tôi có sai khi cho rằng: Con người rất sợ bản thân khác biệt, vì họ cũng sợ chính những sự khác mà họ không có khả năng giải thích hay hiểu được. Bản thân trở nên nổi bật giữa một đám đông, một cộng đồng, một xã hội, đó không phải là điều ai cũng mong muốn, ngay cả bản thân tôi cũng rất e ngại và sợ điều đấy, vì có những áp lực vô hình, nó không cho phép tôi hay cá tính của tôi đứng vững mà đối diện. Bản thân ý niệm được rằng mình khác biệt với những người ta biết xung quanh, việc họ chấp nhận được điều đó và có thể đi tiếp hay không là một thử thách thực sự mà họ sẽ đối mặt với xuyên suốt khoảng thời gian họ bước đi tiếp.

So you're a little weird? Work it! A little different? OWN it! Better to be a nerd than one of the herd!”  ― Mandy Hale

Chúng ta không cần phải trở nên hoàn hảo, nếu bạn thật sự nghĩ đến chuyện đó. Sự hoàn hảo của thế giới, đó là ranh giới và khái niệm mà con người đã đề ra, những chuẩn mực và là đích đến cuối cùng cho mọi quá trình của chính họ. Đồng ý rằng: bạn, tôi và họ đều thuộc chung giống loài; nhưng điều đó không đồng nghĩa hay tương đương với việc tôi phải trở nên như xã hội mong muốn, tôi sẽ phải đi theo lề lối truyền thống mà xã hội đặt ra, thậm chí tôi cũng không cần phải có hay phải đi theo sự phá cách, sự đập vỡ quy tắc mà từng có tiền lệ tồn tại trước đó bởi bất kì ai. Tôi là tôi và bạn cũng vậy. Đó là chính bạn quyết định cuộc đời bạn sẽ đi theo những con đường nào, bạn hành động như thế nào, nói những gì, sống ra sao,…. Tôi cần xã hội chấp nhận mình, nhưng tôi không cần chấp nhận bất cứ ai khác giống tôi hay chấp nhận tôi là một người nào đó không phải mình, tôi muốn được công nhận là chính bản thân tôi và chỉ mỗi tôi. Tất nhiên, điều đó đi đôi với việc tôi sẽ chịu trách nhiệm cho phiên bản của riêng mình. Trở nên khác biệt song song với việc bạn luôn là chính mình, nhưng bạn là chính bạn không có nghĩa bạn phải khác biệt, và bạn là chính mình hay bạn khác biệt không có nghĩa bạn sẽ được chấp nhận hay bạn “đúng”. Ta nói về lựa chọn của mỗi con người.

 

just be yourself and you will shine.

 

Chúng ta luôn có quyền lựa chọn về cách mà bản thân mình được thể hiện và cả người mà bản thân mình sẽ trở thành, chúng ta cần chắc chắn về điều này. Đừng ngại ngùng hay sợ hãi phải sống đúng với bản thân mình, hãy cứ tự do học hỏi, tự do chia sẻ, tự do thể hiện và tự do sửa đổi, ta sẽ tìm được chính bản thân mình ở cách mà chúng ta sống theo lựa chọn của tự chúng ta. Sự tự do, chúng ta nên hiểu về nó một cách đúng đắn theo trí tuệ chúng ta có được, đó không phải là “tôi chỉ cần là tôi và tôi không quan tâm ai cả”, đó là việc bản thân sẽ đón nhận được gì khi cá tính của chúng ta phơi bày và đồng nghĩa với một điều rằng ý kiến trái chiều sẽ xen kẽ nhau tiếp cận. Đến đây thì tôi sẽ ngưng lại câu chuyện về triết lý này, và câu chuyện tiếp theo thì vẫn còn tiếp diễn, dấu chấm này còn tùy thuộc vào bạn sẽ chấm nó ở đâu. Cơ bản, vì quan niệm của tôi luôn là “mỗi người mỗi khác” và “let yourself be your own inspiration”, nên tôi không đưa ra một lời khuyên nào từ khía cạnh cá nhân, tôi đơn giản chỉ là nói lên suy nghĩ của tôi về một thực trạng của giới trẻ mà tôi thấy được, còn việc đón nhận nó, tùy vào bạn sẽ mở cánh cửa hay không!?

“Remember, you are you and only you can be yourself perfectly, but let’s be smart to take lessons from people because you are not perfect, you just work your ass off to be as mostly perfect as you can. Listen, see, think, do and change cleverly.”

“Chúng ta là ai, ai là ai, ta có phải là ta hay không?”

“Being different and thinking differently make a person unforgettable. History does not remember the forgettable. It honors the unique minority the majority cannot forget.”  ― Suzy KassemRise Up and Salute the Sun: The Writings of Suzy Kassem

"Thành công là khi biến mình trở thành duy nhất giữa nhiều lựa chọn khác!" Nguyễn Thanh Tùng  (Sơn Tùng MTP)

Tác Giả: Victisto

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link:https://www.facebook.com/victisto.1417

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

7,587 lượt xem, 7,550 người xem - 7705 điểm