Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Con Đường Đến Với Tâm Lý Và Ứng Dụng Của Nó

Tất cả chúng ta đều cần bảo vệ bản thân mình khỏi những tổn thương về mặt cảm xúc.

Theo định nghĩa, ranh giới là bất cứ thứ gì có thể đánh dấu một giới hạn nào đó. Những giới hạn tâm lý là điều khẳng định rõ phẩm chất của mỗi cá nhân (personal dignity). Khi chúng ta nói, “Bạn đã vừa vượt quá ranh giới của mình rồi đấy”, thì có nghĩa là chúng ta đang nói về một giới hạn tâm lý đánh dấu sự phân biệt giữa hành vi không gây tổn thương về mặt cảm xúc và hành vi có thể gây tổn thương về mặt cảm xúc.

Tất cả chúng ta đều cần bảo vệ bản thân mình khỏi những tổn thương về mặt cảm xúc. Các cơ chế phòng vệ tâm lý được hình thành từ thời thơ ấu nhằm mục đích phục vụ điều đó một cách vô thức, nhưng đồng thời chúng cũng có khả năng dẫn chúng ta đến hành vi không lành mạnh và không hiệu quả. Những ranh giới (Boundaries), trái lại không giống như những cơ chế phòng vệ tâm lý, mà chúng là những con đường bảo vệ bản thân khỏi những tổn thương về mặt cảm xúc một cách có ý thức và lành mạnh.

Tuy nhiên, một số cá nhân lại gặp khó khăn khá lớn trong việc thiết lập những ranh giới – họ thậm chí tin rằng việc thiết lập những ranh giới là một điều thô lỗ – và sự khó khăn này thường phát sinh từ vấn đề lạm dụng trẻ em. Nhưng hãy có nhận định rõ ràng rằng lạm dụng có thể ở mức độ thấp từ việc điều khiển khống chế cảm xúc lâu dài đến việc lạm dụng tình dục và bạo lực một cách nghiêm trọng. Đối với vô thức, dù thế nào đi nữa, thì bất kỳ một lạm dụng nào dù nhẹ hay nặng nề, đều là một sự xúc phạm đối với phẩm chất cá nhân. Và chính sự xúc phạm này đến phẩm chất cá nhân giải thích cho việc vì sao những người trưởng thành có quá khứ thời thơ ấu bị lạm dụng thường thiếu khả năng thiết lập những ranh giới phù hợp. Vì sao? Có thể nói, việc không có những ranh giới đối với họ là một cơ chế phòng vệ thời thơ ấu. Phần lớn những trẻ em bị lạm dụng nhận biết một cách bản năng rằng nếu bạn cố gắng làm một điều gì đó nhằm phản kháng lại sự lạm dụng đó thì bạn sẽ chỉ nhận được càng nhiều đau đớn hơn mà thôi. Vậy nên việc bỏ qua một bên tất cả những gì liên quan đến chống cự cũng đồng nghĩa với việc giảm bớt tổn thương.

Đáng tiếc là, những sự phòng vệ đã từng giúp bạn rất tốt lúc nhỏ để đảm bảo sự sống còn của bạn lại thực chất có thể khiến bạn suy sụp với sự sợ hãi, dối trá, và tự hủy hoại bản thân khi trưởng thành. Nhưng với sự kiên trì và lòng dũng cảm, thì bất cứ sự phòng vệ tâm lý nào bạn cũng có thể vượt qua.

Thế nên nếu việc thiếu hụt những ranh giới đã khiến bạn phải gặp nhiều rắc rối trong quá khứ, thì cũng đừng nặng lòng nữa, vì vấn đề này có thể được khắc phục.

Bước thứ nhất

Bước đầu tiên bạn sẽ phải làm là việc vượt qua niềm tin “độc hại” rằng bạn không có giá trị gì cả. Giống như bất kỳ đứa trẻ bị lạm dụng nào khác, bạn phát triển niềm tin này nhằm dung túng cho việc thiếu hụt sự chống cự với bạo lực của mình. Nếu bạn có thể thuyết phục bản thân rằng mình không có giá trị gì, thì khi đó bạn có thể dễ dàng biện hộ cho việc không chống cự lại bất cứ điều gì có khả năng hạ thấp giá trị bản thân.

Một phép ẩn dụ đến từ ngành Hàng không để giúp bạn hiểu được giá trị bản thân mình như thế này: Nếu bạn từng bay trên một hãng hàng không thương mại, bạn hẳn đã nghe những đoạn thông báo an toàn khi bắt đầu chuyến bay. Một trong những quy tắc an toàn được nhắc đến liên quan đến vấn đề mặt nạ oxy, sẽ được thả xuống từ ngăn phía trên đầu hành khách khi có sự giảm độ cao xảy ra đột ngột. Trong đoạn lưu ý đó, bạn được cảnh báo rằng hãy đeo mặt nạ của mình trước khi cố gắng giúp người khác.

 Bạn có biết vì sao không? Bởi vì, tại một độ cao lớn thì lượng oxy trong không khí rất ít, và não người chỉ có thể sống sót trong vòng vài giây mà không được cung cấp oxy thôi. Vậy nên, trong khoảng thời gian cần dùng để giúp ai đó đang bối rối và chật vật, cả bạn và người đó đều sẽ có khả năng ngất và chết. Nhưng nếu bạn lập tức mang mặt nạ cho mình, bạn sẽ có lượng oxy cần thiết cho việc sống còn và suy nghĩ một cách rõ ràng, và bạn có thể trở nên thật sự có ích hơn trong việc giúp đỡ những người khác.

Điều quan trọng ở đây chính là: trừ phi bạn chăm lo cho bản thân mình trước, nếu không thì bạn không thể nào giúp được ai khác.

Tuy vậy, hãy ghi nhớ cẩn thận, rằng niềm tin vào việc bạn không có giá trị nào là một niềm tin tiêu cực do chính bản thân bạn tạo ra; vì lẽ đó nên bạn cũng có thể đồng thời tạo ra một niềm tin khác, một niềm tin tích cực để thay thế cái tiêu cực trước đó. Bạn cũng có thể bắt đầu quá trình này bằng cách tự nhủ lặp đi lặp lại với bản thân câu “Tôi không phải là không có giá trị”.

Bước thứ hai

Bước thứ hai của bạn sẽ là việc phải hiểu được rằng, bắt nguồn của những rào cản lành mạnh là tình yêu thương, chứ không phải là nỗi sợ hãi.

Ví dụ như, bạn có thể sẽ thường hay bắt gặp những người được gọi là “tốt”, những người luôn luôn có vẻ như hi sinh bản thân cho người khác. Họ mang đến ấn tượng đầu tiên rằng việc đầu hàng hay thỏa thuận nhượng bộ sẽ thúc đẩy hòa bình, và rằng các ranh giới là ích kỷ – nhưng hầu hết những người này được thúc đẩy bởi một nhu cầu vô thức về việc giữ gìn “hòa bình” bởi vì một nỗi sợ về việc bị tổn thương. Những người như vậy thường đến từ những gia đình có những rối loạn chức năng, và bản thân họ có thể đã vô thức đóng “vai trò gia đình” của một người giữ gìn hòa bình. Họ tức giận với bố mẹ mình, họ cảm thấy tội lỗi vì đã tức giận, và họ sợ bất cứ một xung đột nào có khả năng hé lộ sự thật về sự tức giận của họ. Động lực cho hành vi “tốt” của họ, lúc này đây, là nỗi sợ, chứ không phải là tình yêu thật sự.

Mặt khác, bạn cũng có thể bắt gặp những người biết rõ bản thân mình đang bị tổn thương, và đôi lúc họ sẽ gạt những ranh giới qua một bên như một hành động thể hiện sự nhân ái với người khác. Lấy ví dụ như, nếu có ai đó đẩy bạn ra để lên xe buýt, bạn có thể sẽ quyết định không nói gì cả, vì biết rằng người đẩy bạn để lên xe cũng có thể sẽ phản ứng thù địch nếu bạn nói điều gì đó về hành vi thô lỗ của họ. Trong trường hợp này, bạn có thể gạt những ranh giới sang một bên và miễn cưỡng tha thứ cho hành vi thô lỗ của họ với sự chịu đựng, cầu nguyện rằng một ngày nào đó họ sẽ học được các hành xử nhân ái với người khác. Nhưng cũng những người này có thể sẵn sàng gạt bỏ những ranh giới của họ để có thể bảo vệ tốt bản thân. Ví dụ như, nếu ai đó ở công ty dùng những ngôn ngữ xấu, bạn có thể nói rằng bạn không thích nghe những điều như vậy; và nếu câu chuyện vẫn cứ tiếp tục, bạn có thể đứng dậy và đi khỏi đó.

Vậy nên bạn có thể thấy rằng có một sự khác biệt lớn giữa người có những ranh giới rõ ràng và sẵn sàng bảo vệ bản thân – và người có thể sẵn sàng gạt bỏ ranh giới sang bên cạnh vì lợi ích của người khác nếu cần thiết – và cả người bởi vì sự sợ hãi mà chịu đựng thỏa hiệp với bất cứ điều gì.

Suy cho cùng, hành động xuất phát từ sự sợ hãi sẽ chỉ dẫn đến một cuộc đời bị phí phạm vì nó ủng hộ sự thô lỗ và rối loạn một cách vô thức. Tuy nhiên hành động bắt nguồn từ tình yêu thương có thể mang lại khá nhiều điều tốt đẹp đến với thế giới, thông qua tấm gương cá nhân. Nhưng chỉ với những rào cản lành mạnh thì bạn mới có thể hành động từ tình yêu thương. Vì sao?

 

Sự thiếu hụt những ranh giới:

Sự từ chối dựa trên nền tảng của thù hận

Ừ thì, những ranh giới có một vị trí nền tảng trong cuộc sống. Hãy nhìn xung quanh và bạn sẽ thấy rằng tất cả mọi sinh vật sống đều có lãnh thổ riêng của nó mà trong đó, nó sống và bảo vệ khỏi những sự xâm lược. Những ranh giới có vị trí nền tảng đến mức thậm chí các tội phạm với mục tiêu xâm phạm sự toàn vẹn của người khác cũng có những quan niệm riêng về đạo đức, “những ranh giới” của riêng họ.

Vậy nên, bởi vì những ranh giới có một mục đích cốt lõi trong cộng đồng như thế, nên việc một cá nhân thiếu hụt những ranh giới về nhân cách, tâm lý cũng không hẳn thật sự là một sự thiếu hụt – ít ra, nó không phải là một sự thiếu hụt về cái khái niệm gọi là “sự mất đi” của một thứ gì đó cụ thể. Thay vào đó, sự thiếu hụt này thực chất là một sự từ chối bảo vệ nhân phẩm của chính người đó, và đây là một sự từ chối dựa trên sự thù hận. Tuy nhiên, sự thù hận này có tính chất 2 mặt: nó là sự thù hận dành cho người khác và cũng là sự thù hận dành cho bản thân.

Sự thù hận dành cho bản thân chính là kết quả của việc luôn luôn phải sống trong sợ hãi vì bị ngược đãi hoặc lạm dụng trong thời thơ ấu. Bởi vì không thể nào lý giải được những tổn thương vô tri, nên một đứa trẻ, bằng logic chưa hoàn thiện của thời thơ ấu, đi đến một kết luận “mang tính logic” duy nhất rằng: “Tất cả đều là lỗi của mình”. Tôi chỉ là một con người vô dụng không có giá trị. Tôi đáng bị chỉ trích vì sự vô dụng của mình, và vì luôn luôn tỏ ra quá sợ hãi”. Và từ đây hình thành nên nó: sự thù hận bản thân đến từ nỗi sợ hãi gây ra bởi việc bị lạm dụng.

Nếu bạn không ghét bản thân, thì bạn đã có thể chăm sóc tử tế cho chính mình – và điều đó bao gồm cả việc hình thành những ranh giới lành mạnh để bảo vệ cho phẩm chất của bạn. Hơn nữa, nếu bạn có những ranh giới lành mạnh để bảo vệ phẩm chất của mình thì bạn có thể, như ví dụ trên về mặt nạ oxy, chăm sóc một cách tử tế hơn cho người khác. Như vậy có thể thấy rằng, việc không chăm sóc tốt cho bản thân và cho cả người khác là một sự từ chối dựa trên nền tảng của sự thù hận chính bản thân mình.

Tuy nhiên tất cả sự thù hận bản thân này, dù gì đi nữa, đều xuất phát từ sự thù hận dành cho người khác. Lấy ví dụ như khi một đứa trẻ bị ngược đãi bởi chính cha mẹ của mình, thì đứa trẻ đó sẽ nổi giận với cha mẹ của nó, nhưng, vì cảm nhận được sự nguy hiểm khi nổi giận với người mà trẻ đang phải dựa dẫm vào để có được đồ ăn và nơi ở, trẻ khi đó sẽ che giấu đi sự giận dữ – và căm ghét – bằng cách chuyển nó sang mục tiêu là chính bản thân.

Sự thù hận bị che giấu đó, dù sao đi nữa, cũng sẽ tổn thương người khác và cả chính bản thân bạn. Khi người khác ngược đãi bạn, phẩm chất cá nhân của bạn bị xúc phạm, đúng vậy, nhưng nếu chỉ giữ im lặng và ngầm đồng ý cho sự ngược đãi diễn ra, thì đồng nghĩa với việc bạn đang tước đoạt đi điều chính yếu để hình thành nên sự cảnh báo tinh thần về tội lỗi của họ sau này; thay vào đó, nếu bạn để bảo vệ những ranh giới của bản thân mà lên tiếng về sự ngược đãi đó, thì bạn ít nhất cũng có thể cho người tấn công bạn cơ hội để nhận ra và ăn năn về hành vi gây tổn thương của họ.

Để xây dựng lại những ranh giới lành mạnh, hãy cố gắng dừng việc từ chối bảo vệ những ranh giới. Bạn có thể làm được điều này bắt đầu từ việc từ chối sự ghét bỏ – và điều đó bao gồm cả việc từ chối sự ghét bỏ chính bản thân mình.

Các ví dụ về những ranh giới lành mạnh

Sự từ chối phá luật.

Luật lệ là điều tuyệt đối ở một thành phố, bang, hay đất nước nhất định [1]. Việc phá luật không chỉ là một hành động của sự thù ghét với chính quyền, mà nó còn là một hành động phạm pháp mà kèm theo sau đó là những hình phạt không mấy dễ chịu. Nếu bạn phá luật, thậm chí bởi vì có người khiến bạn làm vậy, thì bạn cũng sẽ là người duy nhất phải trả giá. Để bản thân mình vướng vào những rắc rối như vậy sẽ gây hại đến mọi người.

Sự từ chối bẻ cong quy định.

Không giống như luật, là sự tuyệt đối, những quy định liên quan đến một bối cảnh xã hội cụ thể. Những quy định cho phép mọi thứ hoạt động một cách trơn tru bởi vì mọi người trong một bối cảnh xã hội nhất định đều đồng ý với những điều đó. Những quy định có thể dành cho một trò chơi, một thủ tục văn phòng, cách cư xử trong gia đình, hay thậm chí cho cách ứng xử trong trị liệu tâm lý. Nhưng nếu những quy định bị bẻ cong, khi đó tất cả bối cảnh xã hội sẽ phải gánh chịu thiệt hại – và khiến ai đó phải gánh chịu thiệt hại là một hành động của sự thù hận.

Sự từ chối phản bội lại những giá trị luân lý của bản thân.

Những giá trị luân lý của bản thân cung cấp cho bạn sự hướng dẫn từ bên trong về làm điều gì là sai trái, thậm chí ngay cả khi nó có thể hợp pháp và được những quy định xã hội cho phép. Những giá trị luân lý xuất phát từ cảm nhận trừu tượng về “điều thiện” (“good”), điều mà thỉnh thoảng hay có những yếu tố tôn giáo đi kèm. Nếu bạn phản bội những giá trị luân lý của bản thân, ví dụ như cho phép mình chịu áp lực của việc hành động trái đạo đức, thì nghĩa là bạn ghét “điều thiện”.

Từ chối cho phép ai đó tiếp xúc tình cảm quá gần với bạn.

Chúng ta không sống trong một thế giới của tình yêu thật sự; chúng ta sống trong một thế giới của sự ích kỷ, mà ở đó con người cố gắng thỏa mãn nhu cầu của mình kể cả việc phải trả phí bằng những nhu cầu của bạn. Người ta sẽ cố gắng để khiến bạn “mở lòng” ngay cả khi bạn không muốn, và họ có thế sẽ cố gắng khiến bạn phải “dốc hết nỗi lòng” ngay cả khi nó có thể được dùng để chống lại bạn sau này. Cho phép bản thân bạn phải chịu áp lực như thế này sẽ làm tình yêu trở nên hèn kém.

Từ chối cho phép ai đó tiếp xúc cơ thể quá gần với bạn.

Chúng ta là những sinh vật có thể chất. Cơ thể chúng ta được tạo thành từ xương và thịt. Vì vậy mỗi chúng ta đều có một cơ thể bên ngoài khiến chúng ta khác biệt và góp phần vào việc nhận thức sự tồn tại cá nhân của mình. Cho phép đụng chạm cơ thể khi bạn không muốn bị đụng chạm, hoặc cho phép sức khỏe của mình bị đe dọa (ví dụ như hít khói thuốc hoặc đi chung xe với một người lái xe xay xỉn) sẽ làm linh hồn của bạn trở nên hèn kém.

Những ranh giới trong Trị liệu tâm lý

Cuộc sống đôi khi khiến chúng ta phải có những hành động phản trực giác. Ví dụ như, để lái xe từ nơi này đến nơi khác, bạn có thể sẽ phải lái một đoạn thời gian trên một hướng đi trái ngược với điểm đến. Tâm lý học cũng như vậy, đặc biệt khi làm việc lâm sàng với Tâm lý học của sự vô thức.

Những ranh giới trong trị liệu tâm lý, vì lẽ đó, có thể có những yếu tố phản trực giác kèm theo. Khi một thân chủ yêu cầu nhà trị liệu, thì nhà trị liệu sẽ chứng tỏ rằng anh ấy hoặc cô ấy quan tâm đến thân chủ bằng cách từ chối sự cám dỗ của việc vượt quá những ranh giới nhất định nhằm mục đích hoàn thành những yêu cầu của thân chủ. Đối với thân chủ, sự bảo vệ của những ranh giới có thể cảm thấy hạn chế – thậm chí bối rối – nhưng với quá trình trị liệu tâm lý thì nó là sự thành công khá tốt.

Lời giải thích cho vấn đề này, cũng như hầu hết những vấn đề tâm lý, có thể được tìm thấy trong Tâm lý học phát triển giai đoạn sơ sinh.

Giai đoạn sơ sinh mang theo nó sự kỳ vọng rằng sự thể hiện những nhu cầu sẽ dẫn đến sự đáp ứng các nhu cầu đó. Khi một đứa trẻ khóc, và người mẹ – một người mẹ tốt – sẽ đến và cho đứa trẻ ăn, thay tã, làm giảm cơn đau, hoặc làm bất cứ thứ gì cần phải làm. Suy cho cùng, một người mẹ tốt có thể giải thích được ý nghĩa của bất kỳ tiếng khóc nào.

Khi trẻ sơ sinh bước vào giai đoạn thời thơ ấu, một mục tiêu mới bắt đầu. Thay vì phụ thuộc vào việc được đáp ứng mọi nhu cầu, trẻ học cách làm thế nào để tự đáp ứng những nhu cầu của bản thân. Chúng muốn tự cầm cốc của mình và tự thắt dây giày. Điều này chuẩn bị cho sự phát triển thành một người trưởng thành có trách nhiệm.

Tuy nhiên, trong một gia đình rối loạn chức năng thì rất hiếm khi có sự học tập lành mạnh này. Nếu trẻ sơ sinh bị từ chối sự an ủi của cảm giác được thấu hiểu, chúng sẽ không thể thiết lập mục tiêu cho việc muốn được tự đáp ứng nhu cầu bản thân. Khi không bao giờ cảm thấy được thấu hiểu, trẻ sẽ cảm thấy gánh nặng của việc lúc nào cũng phải tự chăm sóc bản thân. Nghĩa vụ trưởng thành của việc tự đáp ứng nhu cầu dường như sẽ trở thành một lời nguyền.

Trị liệu tâm lý cung cấp cơ hội để học như một người trưởng thành những gì mà họ không được học một cách tự nhiên ở thời thơ ấu. Trong trị liệu tâm lý, thân chủ có thể trải nghiệm sự thoải mái của việc được thấu hiểu. Thân chủ có thể nói về những nhu cầu của họ, họ có thể cảm nhận sự thôi thúc của việc được đáp ứng những nhu cầu đó, và họ có thể ngôn từ hóa nỗi đau của việc không có ai khác đáp ứng những nhu cầu đó. Bằng cách trung thực về nỗi đau này, và cảm nhận được sự thấu hiểu khi bộc lộ chúng, thân chủ khi đó có thể học các thiết lập những mục tiêu mà trước đó cảm thấy áp bức một cách tự tin.

Tuy nhiên, nếu như nhà trị liệu ngầm đồng ý với yêu cầu thỏa mãn những nhu cầu của thân chủ, thì nỗ lực đó sẽ “trẻ con hóa” thân chủ, sẽ áp đảo nhà trị liệu, và sẽ dẫn đến sự thất bại của trị liệu. Khi đó thay vì dạy cho thân chủ sự tự lập trưởng thành, nhà trị liệu sẽ làm hư thân chủ. Một nhà trị liệu mắc phải sai lầm này cho thấy rằng anh ta hay cô ta không thật sự quan tâm đến thân chủ của mình.

Như vậy điều này hé lộ một sự trớ trêu rằng: chỉ khi duy trì những ranh giới thì nhà trị liệu mới thể hiện sự quan tâm thật sự đối với thân chủ.

Tóm tắt

Cuộc sống đôi khi khiến chúng ta phải có những hành động phản trực giác. Ví dụ như, để lái xe từ nơi này đến nơi khác, bạn có thể sẽ phải lái một đoạn thời gian trên một hướng đi trái ngược với điểm đến. Vì vậy nên những ranh giới có thể chứa đựng những yếu tố phản trực giác vì thoạt nhìn thì việc thiết lập những ranh giới có vẻ thô lỗ hoặc độc ác. Nhưng chỉ khi duy trì những ranh giới lành mạnh thì bạn mới có thể thể hiện tình yêu thương thật sự dành cho bản thân mình và cho mọi người.

Ghi chú.

  1. Tuy nhiên, những luật pháp đó mang tính thứ bậc. Nếu luật Liên bang mâu thuẫn với luật của bang, thì luật Liên bang được ưu tiên hơn. Tương tự như vậy, luật Trời (divine law) được ưu tiên hơn luật Liên bang.

Về tác giả:

Raymond Lloyd Richmond, có bằng tiến sỹ về tâm lý lâm sàng và được cấp phép (psy 13274) hành nghề trị liệu ở bang California. Trước khi có bằng tiến sỹ, ông đã học lấy bằng M.A về nghiên cứu tôn giáo và một bằng M.S.E về tham vấn, và một bằng M.S về tâm lý lâm sàng. Ông đã hoàn thành chương trình Sau tiến sỹ về Tâm lý học Sức khoẻ.

Trong quá trình học của ông, ông được dạy về phân tâm học trường phái Lacanian, trị liệu tâm động học, thôi miên và trị liệu nhận thức-hành vi. Kinh nghiệm lâm sàng của ông bao gồm can thiệp khủng hoảng; điều trị về lạm dụng tình dục, thân thể và cảm xúc thời thơ ấu; tổn thương tâm lý và rối loạn stress sau sang chấn PTSD; và điều trị các chứng rối loạn lo âu, rối loạn tâm trạng và loạn thần

Tiến sỹ Richmond đã viết và duy trì một website vì cộng đồng (GuideToPsychology.com) về việc thực hành tâm lý lâm sàng; website này không có quảng cáo.

Lan Quyên dịch

Nguồn: http://guidetopsychology.com/boundaries.htm

Theo tamlyhoctoipham.com

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

3,953 lượt xem