Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

“Cuộc Đời Này Vốn Không Công Bằng”, Đó Là Chân Lý Đến Cả Cố Thủ Tướng Lý Quang Diệu Hay Bill Gates Cũng Phải Học Cách Chấp Nhận

"Cuộc sống vốn dĩ không công bằng. Hãy tập quen dần với điều đó!"

Trong bài phát biểu tại diễn đàn sáng tạo 21 Asahi, Tokyo năm 1992, cố thủ tướng Lý Quang Diệu từng đặt vấn đề: "Người ta cho rằng tất cả đàn ông và đàn bà đều bình đẳng và nên được bình đẳng… Nhưng bình đẳng có thực tế hay không? Nếu không được thì việc cứ bám lấy bình đẳng chắc chắn dẫn tới suy thoái."

Ông cho rằng con người sinh ra vốn đã không bình đẳng. Họ phải cạnh tranh rất nhiều. Lý Quang Diệu cho rằng nhiều thể chế trong lịch sử đã thất bại, bởi vì họ tìm cách dàn đều lợi nhuận. Khi đó không ai làm việc chăm chỉ nữa, nhưng tất cả mọi người đều muốn được càng nhiều càng tốt, nếu không nói là nhiều hơn so với người khác.

"Ban đầu tôi cũng tin rằng mọi đàn ông và đàn bà đều bình đẳng… Giờ tôi biết rằng đó là điều khó có khả năng xảy ra nhất bởi vì hàng triệu năm đã trôi qua trong quá trình tiến hóa, con người tản mát khắp nơi trên bề mặt Trái đất này, bị cách ly với nhau, phát triển độc lập, có sự pha trộn khác nhau về chủng tộc, dân tộc, khí hậu, thổ nhưỡng… Đây là điều tôi đã đọc được và tôi kiểm nghiệm so với quan sát của mình", ông nói về điều mình chiêm nghiệm được trong suốt thời gian dài.

Trong bất kỳ xã hội nào, cứ 1.000 đứa trẻ ra đời, có một tỉ lệ gần như là thiên tài, một tỉ lệ ở mức trung bình và một tỉ lệ là những đứa khờ khạo. Chính những đứa trẻ thiên tài và trên trung bình mới quyết định hình thức của những gì sắp đến. Lý Quang Diệu phân tích thêm: "Chúng ta muốn một xã hội công bằng. Chúng ta muốn dành cho tất cả mọi người các cơ hội bình đẳng. Nhưng, trong sâu thẳm tư duy của mình, chúng ta chẳng bao giờ tự mình quyết định rằng hai con người bình đẳng với nhau về thể lực, về động cơ, về mức độ tận tụy và về năng lực bẩm sinh."

Dẫn nguồn quan điểm từ một cuốn sách của Fredrick Hayek, cha đẻ Singapore cho rằng có tình trạng thiếu sáng suốt của những bộ óc xuất chúng, kể cả Albert Einstein, khi họ tin rằng một bộ não siêu việt có thể nghĩ ra một hệ thống tốt hơn và mang lại "công bằng xã hội" cao hơn so với những gì quá trình tiến hóa lịch sử, hoặc chủ nghĩa Darwin trong kinh tế, có thể đem lại qua nhiều thế kỷ.

Thế nhưng không một cường quốc nào, không một tôn giáo nào, không một hệ tư tưởng nào có thể chinh phục được thế giới, hoặc biến đổi nó theo ý của mình. Thế giới quá đa dạng. Các chủng tộc, văn hóa, tôn giáo, ngôn ngữ và lịch sử khác nhau đòi hỏi những lộ trình khác nhau để đi tới dân chủ và thị trường tự do. Các xã hội trong một thế giới toàn cầu hóa – được gắn kết qua lại nhờ vệ tinh, truyền hình, Internet và du lịch – sẽ ảnh hưởng và tác động lẫn nhau.

Thật tình cờ 16 năm sau, trước khi về hưu Bill Gates cũng đưa ra 10 lời khuyên dành cho người trẻ trên con đường khởi nghiệp và đầu tiên cũng là về công bằng, bình đẳng: "Cuộc sống vốn dĩ không công bằng. Hãy tập quen dần với điều đó!".

Rõ ràng bạn không có lựa chọn về cách, thời điểm mình xuất hiện trên thế giới. Lớn lên một chút, bạn cao 1m50 và cũng không có lựa chọn nào để thành 1m70 như cô bạn ngồi cùng bàn. Hay đế khi đi làm bạn cũng không có lựa chọn để sếp quý và tin tưởng như anh bạn đồng nghiệp ngồi bên.

Nếu hiểu quan điểm của Lý Quang Diệu hay Bill Gates bạn sẽ dễ dàng chấp nhận sự bất công trong cuộc sống như một quy luật hiển nhiên và có cách để thích ứng với nó. Khi đã học được cách thích nghi, nỗ lực cố gắng trong phạm vi năng lực của bản thân bạn sẽ dễ dàng đạt được mục tiêu và cuộc sống nhẹ nhàng hơn.

Theo cafebiz

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

329 lượt xem