Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Đã Bao Lâu Rồi Ta Không Sống Cuộc Đời Mình?

Hết hạn

   Đêm.

   Tôi kết thúc một ngày của mình bằng việc lấy điện thoại của mình và lướt facebook, như một thói quen, khó bỏ. Tôi giật mình khi thấy gần mười trang báo mạng tôi theo dõi cùng đăng bài về một chàng trai mười bảy tuổi vì bức ảnh selfie của cậu trông giống "nam chính trong truyện ngôn tình". Bạn bè trong listfriend của tôi chia sẻ bài báo đó rất nhiều. Nhấn vào đường link mà một bạn chia sẻ, tôi vào facebook của cậu bạn được nhắc tới, tôi thấy cậu cập nhập trạng thái trên trang cá nhâncuar mình, đại ý xin các trang mạng đừng làm quá lên như vậy. Mấy ngày sau cậu khoá tài khoản facebook của mình.

    Tôi không phải là cậu bạn mười bảy tuổi ấy, nên có lẽ ấp lực mà cậu đang trải qua lúc này tôi không hình dung đầy đủ được, áp lực khi hàng nghìn người khác, hàng nghìn người xa lạ bỗng quan tâm vào cuộc sống của mình... Tôi không biết sau khi những bài báo kia lắng xuống, em sẽ tiếp tục cuộc sống của một nam sinh mười bảy tuổi như thế nào, bạn bè sẽ nghĩ gì về em...Chàng trai mười bảy tuổi ấy chảng biết khi đi qua "tâm bão" có còn là em, là chính em nữa không? Tôi cũng thành thật xin lỗi vì đã đưa câu chuyện của em vào bài viết. Bởi xét đến cùng, tôi cũng chỉ là một người xa lạ với em, với những người trẻ đang rơi vào tình huống như em...

   Tôi tự hỏi mạng xã hội đang làm gì với những người trẻ như em, như tôi...

   Gabriel Garcia Marquez từng nói: "Tất cả mọi người đều có ba cuộc sống: công cộng, riêng tư và bí mật". Song có lẽ khi internet đặc biệt là mạng xã hội phát triển, chúng ta khố có được đầy đủ " ba cuộc sống" như Marquez liệt kê. Công cộng, riêng tư hay bí mật của một người giờ đây có thể được phơi bày, thậm chí phổ biến trên mạng xã hội như một điều hiển nhiên. Ngày ngày, tôi, bạn, chúng ta theo dõi câu chuyện về những người xa lạ, quan tâm thái quá tới đời sống của họ, vô tình làm xáo trộn những cuộc sống ấy mà không hay.

   Với những người trẻ, khi họ trở thành "tâm điểm" chú ý của cộng đồng mạng dù với bất kì lí do nào, họ phải đối mặt với những lời bình phẩm, thậm chí phê phán chỉ trích không đusng sự thật... Và quan trọng, mà theo Edward Blouster là: "Khi một người bị bắt phải sống những giây phút cuộc đời giữa những người khác, khi nhu cầu, ý nghĩ, khao khát, ham muốn hay thoả mãn của anh ta bị công chúng soi mói, anh ta sẽ đánh mất tính các nhân của mình". Cuối cùng, những người trẻ ấy sẽ tiếp tục sống cuộc đời của mình, cuộc đời mình mong muốn hay cố gắng sống cuộc đời của người khác, cuộc đời mà công chúng mong muốn? Lựa chọn của họ sẽ quyết định tương lai của họ, nhưng lại không mấy ảnh hưởng tới công chúng, những người buộc họ lựa chọn. Bởi sau một thời gian, công chúng sẽ đi tìm "tâm điểm" mới cho mình.

   Với những người trẻ, những người theo dõi "tâm điểm", họ hoang mang. Khi thấy một bạn trẻ khác được hàng ngàn người quan tâm nhắc tới chỉ vì một phát ngôn gây sốc, một tai tiếng không tốt đẹp, và đôi khi phản cảm, họ bỗng ngờ vực về những giá trị của bản thân, họ lạc lối không biết đâu là giá trị thực, giá trị ảo. Họ, hoặc đi theo hàng ngàn người đang tung hô chỉ trích "tâm điểm", hoặc "học theo" "tâm điểm" để được biết đến, hoặc tỉnh táo bỏ qua.

      Nhóm thứ nhất, những người chạy theo đám đông tung hô hay chỉ trích phê phán "tâm điểm".

   Trong cuốn "Tâm lí học đám đông", tác giả khẳng định thời đại chúng ta đang bước vào là "thời đại của đám đông", và "đám đông có sức mạnh tàn phá". Khi chạy theo đám đông trên mạng, ta vô tình (có khi cố ý) trở thành kẻ bắt nạt, bóp nghẹt cuộc sống của "tâm điểm", bóp méo tính cách của họ và nhào nặn con người họ như cách ta muốn.

    Nhóm thứ hai, những người trẻ "học theo" "tâm điểm", nhưng đáng buồn chủ yếu là những "tâm điểm" tai tiếng.

   Họ khát thèm cảm giác được biết đến. Họ còn trẻ và thật khó để khước từ cám dỗ từ sự "nổi tiếng" hay "tai tiếng". Đúng như tác giả Đặng Hoàng Giang chia sẻ trong bài viết " Vẻ đẹp của người đứng một mình": "Người ta đánh đổi mọi riêng tư thầm kín để chạy theo một quá trình tự trình diễn vô tận, không có thời điểm hạ màn với mục tiêu tạo tối đa sự chú ý của người khác". Những người ở nhóm thứ hai dần nhoài ra khỏi tầm kiểm soát của gia đìmh, xã hội, họ đánh mất con người thật của mình, mù quáng chạy theo những giá trị ảo. Sau cùng tất cả, những người trẻ ấy không còn gì ngoài một tài khoản mạng xã hội mà ở đó hàng ngàn người hững hờ "like", "comment" những lời bâng quơ hời hợt, vô thưởng vô phạt.

 

    Còn nhóm thứ ba, đó là những người không biết hay chẳng mảy may quan tâm tới "tâm điểm" trên mạng xã hội. Bởi họ hài lòng với cuộc sống hiện tại của mình, họ đơn giản sống cuộc sống của một người bình thường, họ sống cuộc đời của mình. Những người ở nhóm thứ ba, tôi tin họ không dành quá nhiều thời gian lên mạng, họ có nhiều việc cần làm hơn, họ trải nghiệm và sống thực sự! Họ biết cách nhận ra đâu là những giá trị đích thực, những giá trị ảo. Có hai cách: hoặc chờ thời gian, thời gian sẽ nhấn chìm những điều phù phiếm, hoặc sống có bản lĩnh, một bản lĩnh khôn ngoan tự tin đi xuyên qua những giá trị ảo. Họ chọn cách hai.

   Tôi chợt nhớ tới câu hỏi của một người bạn, nếu cuộc đời là một bộ phim, bạn sẽ là ai? Diễn viên chính, diễn viên phụ? Tôi biết câu trả lời của những người ở nhóm thứ ba, họ luôn làm ta bất ngờ: đạo diễn. Phải, chúng ta cần làm đạo diễn cho cuộc đời mình, ta cần sống cuộc đời của mình!

   Tôi là một điều kì diệu!

   Nick Vujicic từng tâm niệm: "Tôi là một điều kì diệu. Bạn cũng là một điều kì diệu." Tôi tin là như vậy. Có thể bạn còn nghi ngờ điều đó nhưng tôi nghĩ chúng ta nên tin vào điều đó.

   Hãy tin rằng mỗi chúng ta là một điều kì diệu, bản thân ta là một giá trị sẵn có!

   Hãy sống cuộc đời kì diệu mà bạn muốn!

   Hãy sống cuộc đời của mình!

Hết hạn

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

436 lượt xem