Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Điều Gì Khiến Bạn Dễ Đánh Giá Sai Lầm Về Người Khác?

“Có một sự thật không dễ chịu là hầu hết chúng ta không tạo được ấn tượng theo cách ta muốn. Ta không thể nhìn nhận chính mình một cách khách quan, và cũng không ai làm vậy được. Con người có khuynh hướng bóp méo phản hồi của người khác để phù hợp với quan điểm của họ. Ta biết điều này nhưng lại hiếm khi nhận thấy khi nó xảy ra.” 

(Heidi Grant Halvorson)

Heidi Grant Halvorson là nhà tâm lý học xã hội, nhà nghiên cứu và là một tác giả sách đáng chú ý. Cuốn sách đầu tay cô viết, Succeed, là cuốn sách yêu thích của tôi. Cô mang đến cách nhìn nhận mới mẻ, khác lạ và sâu sắc đối với khoa học của việc đạt mục tiêu.

Mặc dù quyển No One Understands You and What to Do About It (Làm Gì Khi Không Ai Hiểu Bạn) không nổi tiếng bằng Succeed, nhưng nó cũng chứa đựng nhiều kiến thức quý giá. Mục đích của Halvorson trong cuốn sách này là giúp ta hiểu được lý do ta thường bị người khác nhìn nhận sai lệch và cách để ta có thể được nhìn nhận như mình mong muốn. Phải thừa nhận rằng một trong những thách thức mà Halvorson đề cập đến là ta cũng không nhìn nhận bản thân rõ ràng. Việc nhận ra được điều này là cốt lõi của thách thức mà ta phải đối mặt.

Tôi thấy cuốn sách này hữu ích nhất trong việc giúp mình nhận biết được khi nào đánh giá của mình về người khác là có thành kiến. Điều này giúp tôi chú ý hơn đến những thành kiến đang tồn tại và tiềm ẩn của mình và từ đó có sự đồng cảm và đánh giá công bằng hơn với người khác.

Ta Thường Bị Hiểu Lầm

“Như mọi người, bạn rất có thể vô thức có hai giả định sai lầm: thứ nhất, đối phương nhìn nhận bạn khách quan như chính bản thân bạn, và thứ hai là đối phương nhìn nhận bạn như bạn nhìn nhận chính mình.” 

(No One Understands You and What to Do About It, trang 10)

Halvorson khẳng định là rất khó để được đánh giá một cách đúng đắn – ta không phải là những cuốn sách mở – ngay cả khi ta nghĩ rằng mình như vậy. Ta không giao tiếp rõ ràng như ta nghĩ dù bằng lời nói hay ngôn ngữ cơ thể. Điều này đúng ngay cả với những người biết rất rõ ta. Bên cạnh đó, nghiên cứu chỉ ra rằng việc trở nên “dễ được đánh giá” – cho phép người khác nhìn nhận ta một cách toàn diện – sẽ mang đến hạnh phúc và sự điều chỉnh tốt hơn.

Bằng cách liệt kê vô số những thành kiến nhận thức ảnh hưởng đến cách nhìn nhận của mình, ta sẽ dần nhận ra rằng việc mình thường bị hiểu làm là hợp lý. Ta vội vã đưa ra đánh giá mà ít khi xem xét nó có bị thành kiến ảnh hưởng hay không.

Do vậy, ta cũng không ý thức được những sự hiểu lầm của mình về người khác; điều này có nghĩa là ta tin rằng những đánh giá của mình là đúng trong khi thật sự ta có thể hoàn toàn sai. Để nhìn nhận rõ ràng và chính xác hơn, ta cần phải chậm lại và cố gắng nhiều hơn trong việc nhận thức.

Halvorson đưa ra các gợi ý để kiểm soát những thành kiến mà ta nhận thức được và phần lớn các gợi ý liên quan đến việc chú ý nhiều hơn trong giao tiếp và không cho rằng người khác nhìn nhận ta theo cách ta muốn. Và có lẽ công cụ hiệu quả nhất mà ta có để kiểm soát thành kiến là hiểu nó.

Không phải ai cũng có cảm nhận và cách nhìn giống như ta.

Ta Đều Là Những Kẻ “Keo Kiệt” Trong Nhận Thức

“Giống như mọi quá trình phức tạp khác, suy nghĩ của con người cũng là chủ thể của sự đánh đổi giữa tốc độ và sự chính xác. Vội vàng và bạn sẽ phạm sai lầm. Kỹ lưỡng và siêng năng, bạn sẽ mất rất nhiều thời gian… Hầu hết các trường hợp, chỉ cần nắm bắt ý chính là đủ, vì vậy ta chọn tốc độ.”

(No One Understands You and What to Do About It, trang 21)

Là người “keo kiệt” về nhận thức có nghĩa là ta đi rất nhiều “đường tắt” để đánh giá nhanh người khác dựa trên một loạt các quy tắc kinh nghiệm (heuristics) và những giả định. Có quá nhiều điều như vậy, vì vậy tôi sẽ chỉ đề cập đến một vài ý lớn.

Giả thuyết phổ biến nhất dẫn lối nhận thức là khi mọi người nhìn vào bạn, họ sẽ nhìn thấy những gì họ mong đợi. Đây được gọi là thành kiến xác nhận. Nếu họ cho rằng bạn không trung thực, bất cứ điều gì bạn nói hoặc làm sẽ được lọc qua lăng kính đó và sẽ phù hợp với nhận thức vốn có của họ. Điều tương tự cũng diễn ra nếu họ nhìn nhận bạn là đáng tin cậy. Những kỳ vọng này được dựa trên các khuôn mẫu, ấn tượng ban đầu (thường quá vội vã) hoặc việc nhìn nhận bạn giống một người khác mà họ biết.

Những thành kiến ​​khác, chẳng hạn như khuynh hướng cho rằng mình làm gì cũng có ý tốt còn người khác thì không, chỉ khiến ta càng khó được người khác nhìn nhận rõ ràng hơn.

Một cách thức có thể giúp ta vượt qua được điều này và những thành kiến sai lệch ​​khác là nhận ra xu hướng nghĩ rằng người khác nhìn thấy và cảm nhận giống như mình. Càng hiểu rằng điều này là không đúng, ta càng ý thức hơn về những ấn tượng mà ta tạo ra và cố gắng sửa đổi các ấn tượng sai lầm.

Những Lăng Kính Đáng Tin Cậy

“Điều đầu tiên mà người khác sẽ tìm cách xác định về bạn là liệu họ có thể tin bạn hay không – nói chung là xét xem bạn là bạn hay thù.” 

(No One Understands You and What to Do About It, trang 84)

Halvorson gợi ý 3 lăng kính nhận thức quan trọng hình thành nên cách nhìn nhận của ta: sự tin tưởng, sức mạnh và cái tôi.

Sự tin tưởng là điều đầu tiên. Sau đó, lăng kính sức mạnh sẽ xem xét và trả lời câu hỏi “Bạn ảnh hưởng đến tôi nhiều đến mức nào?” Và lăng kính cái tôi hỏi “Bạn có làm tôi cảm thấy không an toàn không?” Tôi khuyên bạn nên nhìn vào tất cả các lăng kính – và ở đây tôi sẽ tập trung vào lăng kính tin tưởng.

Nghiên cứu chứng minh rằng ta tự động đánh giá người khác ở 2 khía cạnh chính – sự ấm áp và năng lực. Sự ấm áp cho ta biết ý định của một ai đó có tốt hay không và năng lực cho ta biết liệu ta có tin rằng họ có thể hành động theo những ý định này hay không. Một lần nữa, lăng kính này ban đầu xuất phát từ thời xa xưa khi con người còn đối mặt với nhiều mối đe dọa đến sự sinh tồn, còn ngày nay nó hoạt động ở mức tâm lý nhiều hơn.

Nghiên cứu cho thấy đáp án cho câu hỏi “Khía cạnh nào quan trọng hơn?” chính là “Cả hai đều quan trọng”. Và điều bất ngờ là nghiên cứu cũng cho biết việc đánh giá bắt đầu bằng sự ấm áp là tốt nhất. Nhận thức được điều này rất quan trọng (và đôi khi khó khăn) đối với các nhà lãnh đạo tổ chức.

Các chiến lược để tăng sự ấm áp bao gồm quan tâm chú ý, thể hiện sự đồng cảm và tin cậy đối phương trước. Để nâng cao năng lực, một trong những công cụ hiệu quả nhất là tiếp xúc qua ánh mắt.

Có thể khó có được sự cân bằng giữa sự ấm áp và năng lực. Đối với những ai vốn không phải người “ấm áp”, Halvorson gợi ý rằng họ có thể tạo cảm giác ấm áp VÀ có năng lực bằng cách thể hiện tính cách mạnh mẽ, công bằng và thành thật.

Một trong những kết luận tôi rút ra từ cuốn sách này và những cuốn sách khác mà tôi đã đọc về thành kiến nhận thức là dù có được ích lợi từ sự hiểu biết về các thành kiến, ta cũng sẽ không bao giờ xóa bỏ được xu hướng đó. Ta sẽ tiếp tục đưa ra những đánh giá dựa trên thành kiến của mình, và được người khác đánh giá dựa trên thành kiến ​​của họ. Đó là cách mà trí óc chúng ta hoạt động. Tôi cũng tin rằng việc hiểu sâu sắc cách những thành kiến này hoạt động sẽ giúp ích cho ta trong việc đánh giá người khác và trong cách ta quản lý chính mình.

Theo ubrand.cool

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

2,443 lượt xem