Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Định Kiến – Kẻ Cướp Tương Lai Của Nhiều Tài Năng

“Chúng ta đều là những người tài năng cho đến khi có một ai đó nói rằng mày không thể làm được và bạn cho phép bản thân mình tin vào điều đó.”

Đó chính là tâm sự từ một người bạn của Edward sau khi anh đi du học Mỹ trở về và thấy rằng đây là sự khác biệt rất lớn trong người trẻ Mỹ và người trẻ Việt.

Định kiến là cách mà người khác gán suy nghĩ, áp suy nghĩ lên bạn và dần dần bạn tin vào những điều đó. Đôi khi trong cuộc sống, định kiến lại vô tình định kiến lại thường đến từ những người thân của chúng ta nhất. Đó là lý do mà có rất nhiều tài năng đã bị đánh cướp đi tương lai.

ĐỊNH KIẾN TỪ ĐÂU MÀ RA?

Sao con học dốt thế? Anh con giỏi bao nhiêu thì con kém bấy nhiêu? Sao không được như con nhà người ta? Cô (cậu) không có khả năng thuyết trình đâu? Cậu có học cả đời cũng vẫn dốt… Không khó để nhận ra những câu nói này thường xuyên xuất hiện trong cuộc đời. Một người trưởng thành, một người bạn, một chuyên gia được nhiều người công nhận… buông ra những nhận xét đôi khi rất cảm tính. Khi nghe đi nghe lại nhiều lần từ một người, hoặc nghe đi nghe lại từ nhiều người, dần dần bạn thay đổi niềm tin vào bản thân, hay nói cách khác là đánh mất niềm tin vào chính mình.

Vì sao những cái nhìn tiêu cực ấy thường xuất hiện?

Thông thường là bởi vì sự nhìn nhận phiến diện, cảm tính từ một người đến bạn. Những gì chúng ta nhìn nhận xuất phát từ kinh nghiệm, trải nghiệm, cảm xúc, tính cách của bản thân ta. Nó đúng thông qua lăng kính của ta, chứ nó không phải là chân lý. Dần dần ta hình thành niềm tin vào điều đó, gọi là định kiến.

Cuốn sách Outliers của Malcolm Gladwell (Những Kẻ Xuất Chúng) phân tích rất hay về một số thành công không phải tự nhiên mà có.

Ví dụ trong các liên đoàn thể thao các đội tuyển được phân chia theo độ tuổi và độ tuổi được tính theo cột mốc là ngày 1/1 của các năm. Những đứa trẻ cùng năm sinh sẽ thi đấu với nhau. Nếu vậy thì một đứa trẻ sinh vào cuối tháng 12 sẽ phải thi đấu với một đứa trẻ sinh vào đầu tháng 1 – về bản chất là lớn hơn mình một tuổi. Với những đứa trẻ 8 tuổi phải thi đấu với trẻ 9 tuổi, bản chất 1 năm tuổi đó kéo dài bằng 1/8 cuộc đời của nó là một bất lợi cực kỳ lớn. Bố mẹ, huấn luyện viên của những đứa trẻ 8 tuổi có thể có định kiến về con mình ngay từ khi nó còn rất nhỏ. Và đó cũng là lý do khiến cho các cầu thủ chuyên nghiệp thường có ngày sinh rơi vào 6 tháng đầu năm hơn là 6 tháng cuối năm.

Điều này cũng đúng và tương tự trong việc học. Một đứa trẻ 5 tuổi ngồi cùng lớp với đứa trẻ 6 tuổi có thể bị coi là “có vấn đề” vì khả năng tập trung kém hơn so với sự điềm tĩnh của đứa trẻ hơn nó gần 1 tuổi. Để rồi lớn lên, nó nghĩ rằng mình kém cỏi còn đứa bé kia có thể trở thành sinh viên đại học Harvard danh giá vì lúc nào cũng được khen ngợi là xuất sắc. Hóa ra sự thật hiển nhiên ấy lại xuất phát từ định kiến của người lớn ngay từ khi những đứa trẻ còn rất nhỏ.

Bên cạnh đó, những cái nhìn tiêu cực như chê bai, dè bỉu … thường xuất phát từ sự đố kỵ và lòng tự trọng thấp.

Sự đố kỵ là một loại văn hóa xấu. Ghen tỵ với những gì người khác có mà mình không có. Ghen tỵ về tài năng, ngoại hình, vật chất, trải nghiệm,… dẫn đến việc chúng ta dễ dàng chê bai hoặc định kiến về người khác. Chẳng hạn khi một hoa hậu đăng quang, không thiếu những anh hùng bàn phím “Con nhỏ đó có gì đâu mà hoa với chả hậu? Con này vừa xấu, vừa dốt, thế mà cũng được làm hoa hậu”, hay “Thằng kia thành công là do may mắn”.

Có một nguyên tắc tâm lý gọi là “Kẻ thắng được tất cả”. Trong phần lớn các cuộc thi, người thắng cuộc thường chỉ có một. Một cuộc thi đường lên đỉnh Olympia, giải nhất vô địch được học bổng 35.000$ còn giải nhì được tiền thưởng 20 triệu đồng. Một giải đấu bóng đá vô địch thế giới World Cup 4 năm tổ chức một lần, lẽ dĩ nhiên đội vô địch chỉ có một. Và còn nhiều cuộc thi khác nữa. Chính điều này vừa dẫn đến sự đố kỵ, vừa làm cho những người thất bại bị định kiến vào bản thân mình khi người khác chê bai họ.

Lòng tự trọng thấp thường đến từ những người kém cỏi. Một người có lòng tự trọng thấp, họ thường ghen tỵ với tài năng và thành công của người khác. Bên ngoài có thể họ tỏ ra vui vẻ nhưng bên trong thì ấm ức, hậm hực. Họ chỉ chờ cơ hội để nói xấu sau lưng, chê bai người đó với người khác. Hoặc thậm chí là cố tình không công nhận. Với những người không đủ bản lĩnh, rất có thể những lời nói đó sẽ đánh mất đi tài năng của họ sau này. Những người có lòng tự trọng cao thì ngược lại, họ luôn vui mừng vì thành công của người khác. Bởi vì họ biết rằng khi người khác thành công, họ cũng nỗ lực để thành công và dĩ nhiên tất cả đều cùng tốt đẹp lên rất nhiều.

ĐỊNH KIẾN LIỆU CÓ ĐÚNG?

Năm 1895, Lord Kelvin khi đó là chủ tịch hiệp hội khoa học Hoàng gia Anh, một nhà vật lý, toán học, nhà phát minh vĩ đại người Scotland, giáo sư đại học Glasgow – một người có sức ảnh hưởng lớn đến giới chuyên môn trong lĩnh vực khoa học đã tuyên bố: “Chỉ có chim mới bay được. Tất cả những cỗ máy nặng hơn không khí đều không thể bay được!”. Và dĩ nhiên, có lẽ hàng nghìn nhân tài với hy vọng một ngày nào đó sẽ chế tạo ra được cỗ máy nặng hơn không khí mà có thể bay chắc hẳn đã bỏ cuộc. May thay cuộc đời khi đó có hai anh chàng – có thể vô tình không được nghe câu nói của một giáo sư, hoặc nghe mà lờ đi không tin – vẫn cặm cụi chế tạo máy móc, để rồi năm 1903 – thế giới đã chứng kiến vụ tai nạn hàng không đầu tiên trên thế giới sau khi anh em nhà Wright thực hiện chuyến bay lịch sử và thất bại. Thế nhưng, phần còn lại mở ra sau ngày đó thì lịch sử đã ghi lại bằng việc ngày nay bạn đi du lịch, công tác xa hàng nghìn km chỉ trong vài giờ.

Mỗi người sinh ra sẽ có một sở trường và một tài năng riêng. Chắc chắn sẽ luôn có một điều gì đó bạn làm tốt nhất, và làm tốt hơn những điều còn lại. Nhưng định kiến là thứ làm cho tài năng của bạn bị đánh mất. Chúng ta đang phải sống trong một xã hội mà định kiến quá nhiều. Sự phán xét, sự đố kỵ, sự ghen tỵ luôn chờ đợi để bao vây xung quanh ta. Cho nên, không quan trọng là người khác nghĩ gì về bạn, quan trọng là bạn học cách tin vào bản thân mình như thế nào?

Để biết một người có phải là đang định kiến với mình hay không rất dễ. Chỉ cần quan sát xem, người đó có hay nói xấu sau lưng mình không? Hoặc người đó có biết khen ngợi, giúp đỡ, động viên mình không hay chỉ biết chê bai, bôi xấu, mắng mỏ. Chúng ta cần những người chỉ ra điều mình làm chưa tốt để luôn luôn tiến lên nhưng không phải là người luôn chê bai, đánh mất hy vọng. Một người luôn chỉ khen ngợi cũng không ổn. Điều này làm bạn dễ bị tự sướng, hay còn gọi là ảo tưởng vào bản thân. Người bạn cần trong đời là xuất hiện đúng lúc, nói cả những điều bạn làm chưa tốt và động viên, khen ngợi ngay khi bạn làm tốt. Và đó cũng là điều bạn nên làm với những người xung quanh mình.

Tuy nhiên, mọi thứ vẫn xuất phát từ việc bạn nhìn nhận bản thân mình như nào. Nếu như bạn tin tưởng vào bản thân mình thực sự, và đủ kiên định để vượt lên những khó khăn, bỏ ngoài tai những định kiến thì mọi chuyện chắc chắn sẽ đơn giản hơn rất nhiều.

“Chúng ta đều là những người tài năng cho đến khi có một ai đó nói rằng mày không thể làm được và bạn cho phép bản thân mình tin vào điều đó.”

Theo tamly.blog

 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

479 lượt xem