Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Đối Diện Với Sự Thay Đổi

Những ngày này, một trong những người bạn mà tôi yêu thương đang đối diện với những thay đổi lớn lao trong cuộc sống của bạn. Tôi may mắn được là một trong số ít những người lắng nghe bạn tâm sự về những vấn đề bạn đang gặp phải, và được bạn tin tưởng nhờ hướng dẫn cách vượt qua khó khăn. Áp dụng những kĩ thuật tôi đã học được từ coaching và những kinh nghiệm của chính tôi khi sống, làm việc và kết hôn ở nước ngoài, tôi cùng bạn từ từ tháo gỡ từng vấn đề – những vấn đề khiến bạn căng thẳng đến mức một vài dấu hiệu trầm cảm đã bắt đầu xuất hiện. Đến hôm nay, tôi đã có thể yên tâm phần nào rằng cuộc sống của bạn đang dần ổn thỏa hơn, nhưng chính lúc này, thời điểm mà đáng lẽ bạn phải cảm thấy thoải mái nhẹ nhõm nhất, thì bạn lại kể với tôi, “Mình vẫn thấy rất lo lắng. Mình sợ sự thay đổi này sẽ không được như ý muốn.”

Bạn thân mến, thay đổi chưa bao giờ là dễ dàng. Chúng ta là những sản phẩm của thói quen, của những niềm tin cố hữu, những định kiến khó lay chuyển. Thay đổi là mối đe dọa cho những thói quen và niềm tin đó của chúng ta, về cách chúng ta nhìn ra thế giới, về cách chúng ta nhìn nhận, đánh giá, và cảm thấy về chính chúng ta. Dù người ta có hứa hẹn với bạn rằng sự thay đổi đó sẽ tốt đẹp đến đâu, và bạn có muốn tin điều đó đến thế nào, sự nghi ngờ vẫn tồn tại ở một góc sâu kín nào đó trong lòng bạn. Để rồi, khi một điều gì đó đi sai hướng, một vấn đề gì đó nảy sinh, sự nghi ngờ đó giống như thằng hề đáng sợ sẽ bật ra từ trong hộp, “Ha! Ta đã bảo mà!” Một phút chùn chân, và bạn sẽ khao khát được quay ngược thời gian, trở về thời điểm những thay đổi chưa diễn ra. Nhưng biết làm thế nào! Thay đổi không chỉ là một điều khó khăn, nó còn là một điều không thể đảo ngược nữa.

Để tôi kể cho bạn nghe một câu chuyện của tôi. Ngày cuối cùng của tháng 8 năm nay, tôi thi đậu bằng lái xe ô tô. Đây là bằng lái đầu tiên mà tôi có (tôi chưa bao giờ lái xe máy trên đường phố ở Việt Nam), và cũng phải thi hai lần mới đậu, nên với tôi đó là một điều rất ý nghĩa. Hôm nay mang xe đi cất vào gara vì hai tuần sắp tới chúng tôi sẽ không ở nhà, tự dưng lòng tôi xốn xang một chút khi nhận ra việc chỉnh vô lăng, đạp chân ga, nhìn gương chiếu hậu, hay đỗ xe đã diễn ra với tôi thật tự nhiên và bản năng: tôi biết lái xe thật rồi.

Nhưng để có được chiếc bằng lái này quả thực không hề đơn giản. Khó khăn không nằm ở quá trình tôi học (dù học lái xe cũng khá căng thẳng), mà là quãng thời gian tôi đi đến quyết định rằng mình cần phải học. Nếu bạn hỏi chồng tôi, bạn sẽ biết anh đã mất bao nhiêu thời gian và sức lực để thúc tôi học lái xe. Bốn năm học đại học, tôi chẳng bao giờ nghĩ mình sẽ ở lại Mỹ, hoặc sẽ có một chiếc xe để lái, nên tôi chẳng bao giờ chịu học lái và thi bằng. “Cần gì chứ, đằng nào mình chẳng về Việt Nam. Nếu có ở lại đây mình cũng sẽ sống ở thành phố lớn, ngày ngày đi xe bus hoặc tàu điện ngầm, thế là được chứ gì.” Tôi đã không biết rằng, những suy nghĩ này là một cách tôi viện cớ để né tránh thử thách.

Sự thật là mỗi khi có một thử thách xuất hiện trong cuộc sống, né tránh thường là phản ứng đầu tiên mà tôi có.Tôi sẽ tìm những cách xử lý vấn đề sao cho ít phải thay đổi cuộc sống hiện tại của mình nhất – mặc kệ hậu quả về sau có thể là gì. Tôi đã tìm nhiều cách để né chuyện học lái xe: viện cớ sẽ không cần dùng bằng lái, viện cớ sẽ không có xe, viện cớ nộp hồ sơ thi tốn tiền và mất công, viện cớ sẽ có bạn trai/chồng chở mình. Đây cũng chính là những cớ tôi viện đến khi không chịu tập xe máy và thi bằng. Và bạn có thể tưởng tượng ra những lí do tương tự để tôi né tránh việc tập thể dục, chuyện đầu tư tài chính, hoặc gần gũi nhất là chuyện viết blog này.

Khi đã đọc thêm nhiều sách và suy nghĩ sâu hơn về vấn đề, tôi hiểu được rằng tâm lý né tránh này là một tâm lý khá phổ biến. Con người thường yêu thích sự an toàn và ngại thay đổi. Mọi thay đổi ở một góc độ nào đó đều có ảnh hưởng đến cách chúng ta nhìn nhận bản thân, dù là tốt lên hay xấu đi. Và bạn có lẽ sẽ nghĩ “Nhưng thay đổi theo hướng tích cực thì tại sao lại né tránh?” Tôi sẽ trả lời bạn rằng, vì tôi thích tôi của ngày hôm nay, lúc này, ngay bây giờ. Nếu thay đổi, biết đâu sự thoải mái dễ chịu này sẽ biến mất? Cho dù có tốt lên thật, liệu có đáng để tôi từ bỏ cảm giác thoải mái trong vùng an toàn của tôi bây giờ không?

Ví dụ nhé, bạn có bao giờ nghĩ, một người béo thì nên giảm cân? Chắc bạn sẽ có rất nhiều lí do để chỉ cho một người rằng họ nên giảm cân, đúng không? Và chính bản thân người đó cũng có thể nêu ra được một vài động lực để họ bắt đầu ăn kiêng và tập thể thao: trở nên khỏe mạnh hơn, cân đối hơn, hấp dẫn hơn, v.v.. Giáo sư của tôi có một khách hàng là một người thừa cân, và anh ta cũng hiểu được rất rõ những lợi ích mà giảm cân mang lại. Nhưng một trong lí do anh ta đưa ra để giải thích cho việc anh ta chưa giảm cân, đó là: “Tôi sợ sẽ mất đi hình ảnh anh chàng béo vui vẻ của mình.” Không thay đổi dễ dàng hơn rất nhiều so với thay đổi.

Trong cuốn “The Subtle Art of Not Giving a F*ck” (tạm dịch: “Nghệ thuật kệ cha chúng nó”), tác giả Mark Manson có đề cập đến vấn đề này:

“There’s a certain comfort that comes with knowing how you fit in the world. Anything that shakes up that comfort—even if it could potentially make your life better—is inherently scary.”

Tạm dịch: “Có một sự thoải mái nhất định đi cùng việc biết rằng bạn hòa nhập với thế giới như thế nào. Bất kì điều gì làm xáo trộn sự thoải mái đó – kể cả khi nó có thể làm cho cuộc sống bạn tốt lên – cũng vô cùng đáng sợ.”

Với bản thân tôi, học lái xe là một sự thay đổi lớn. Nó như một mốc đánh dấu rằng cuộc sống của tôi từ giờ sẽ gắn bó với nước Mỹ nhiều hơn. Nó khiến tôi có cảm giác Việt Nam trong tôi đang mờ đi dần. Nó làm tôi sợ đánh mất đi hình ảnh về tôi: một người yêu môi trường và nỗ lực hạn chế thải CO2 ra không khí. Nó làm tôi khó chịu khi nghĩ đến việc tôi sẽ dần dà trở thành một người Mỹ như rất nhiều người Mỹ thực dụng: lái xe rất nhiều, lười vận động, xa cách với người khác. Và nó cũng làm tôi sợ: nếu tôi lái xe kém cỏi, nếu tôi bị chồng cười chê, và (nỗi sợ này rất thật) nếu tôi gây tai nạn thì sao? Nghe thật buồn cười, phải không? Nhưng đã là nỗi sợ thì chẳng bao giờ logic cả. Sợ hãi là cách não bộ và bản năng bảo ta chùn bước, ngừng lại, quay về với những gì chúng ta đã quen thuộc với.

Tôi không có cách nào để triệt tiêu nỗi sợ này. Tôi ước tôi có thể bảo bạn một công thức gì đó để vượt qua sợ hãi. Nhưng tôi không biết. Tôi đã mất tới gần 5 năm để đấu tranh với nó. Bạn có muốn nghe lời khuyên từ một người mất chừng ấy thời gian chỉ để đi đến quyết định học lái xe hay không?

Tôi thậm chí còn đã tức chồng tôi, tức cuộc sống ở Mỹ, vì đã “ép” tôi phải thay đổi. Tôi giận, nổi cáu. Nhưng mãi sau này, tôi mới hiểu vì sao tôi giận: tôi biết rằng điều chồng tôi khuyên (và lo lắng cho tôi) là đúng. Chính vì nó quá đúng, quá hợp lý, nhưng nó lại đi ngược với những gì tôi thầm nhủ, nên tôi mới giận dữ. Tôi giận dữ với chính mình vì đã không hiểu và làm được điều đơn giản đó.

Tôi còn “mặc cả” với chồng tôi rất nhiều. Lần đầu tiên là khi tôi biết điều luật ở bang Maryland nơi chúng tôi sống có nhiều điều khoản quy định vừa tốn tiền vừa tốn công cho người mới thi lấy bằng (phải trả $300 để học 10 tiếng lý thuyết bắt buộc, phải tập lái đủ mấy chục giờ mới được đi thi, và phải cầm bằng thực hành tận 1 năm trước khi đổi thành bằng chính thức). Tôi mặc cả với chồng rằng khi tôi chuyển lên Philadelphia – thành phố nơi tôi học cao học, thuộc bang Pennsylvania – tôi sẽ thi lấy bằng, vì điều luật của bang này dễ dàng hơn ở Maryland (chỉ cần thi permit và thi lấy bằng, mất $30 cả thảy). Đến khi chuyển tới Philadelphia, tôi lại mặc cả rằng giấy tờ của tôi đang có vấn đề, và tôi bận học hành ở môi trường mới, nên tôi chưa thể thi permit (giấy phép cho một người có thể bắt đầu học lái xe) được. Rồi đủ các lý do trên trời dưới biển khác, những lý do rất nhỏ nhặt, rất dễ giải quyết, nhưng với tôi lại vô cùng hợp lý để trì hoãn lại việc thi permit. Ơn giời, rốt cuộc cũng đến một ngày đầu năm nay, tôi rủ được hai người bạn thân ở Philadelphia đi đến trụ sở để thi. Cả ba chúng tôi đều đậu permit ngày hôm đó, và quá trình học lái xe với tôi chính thức bắt đầu sau 4.5 năm ở Mỹ.

Vào tháng 6, khi chúng tôi lên kế hoạch đưa bố mẹ hai đứa sang Mỹ chơi, đó là lúc tôi hiểu mình phải biết lái xe, và phải có bằng lái trước ngày bố mẹ sang. Lái xe là cách duy nhất tôi có thể đưa bố mẹ đi đây đó trong lúc chồng tôi đi làm. Lái xe cũng là cách tôi có thể san sẻ gánh nặng với chồng tôi trong chuyến đi đường trường 16 tiếng cả đi và về từ Baltimore tới thác Niagara Falls nổi tiếng mà chúng tôi chuẩn bị. Và lái xe là cách thể hiện tình cảm và sự quan tâm của tôi dành cho chồng: tôi muốn anh được thoải mái ngồi ở ghế kế bên người lái, nghe nhạc, nói chuyện, và ngắm cảnh vật bên đường, như cái cách anh vẫn luôn làm với tôi. Xa hơn nữa, sau này khi có con, tôi muốn mình có thể lái xe đưa con đến trường và đón con về mà không phải nhờ đến ai khác cả. Một bà mẹ luôn muốn dạy con mình sống tự lập mà lại không thể lái xe sao? Hừm, nghe không ổn chút nào.

Tôi dùng động lực đó để học. Mỗi ngày tập lái, tôi lại nghĩ đến việc bố mẹ mình sẽ được đi chơi vui thế nào. Tôi nghĩ đến chuyện chồng tôi được uống rượu bia khi đi chơi với bạn bè vì tôi sẽ là người không uống và lái xe đưa anh về (chúng tôi chưa bao giờ, và sẽ không bao giờ, lái xe khi có chút cồn nào trong người). Tôi nghĩ đến việc tôi sẽ vui như thế nào khi tôi biết lái xe – và thực tế là mỗi ngày khi tôi tiến bộ lên một chút lại là một ngày vô cùng ý nghĩa.

Bên cạnh đó, tôi tập đối diện với những nỗi sợ vô hình của mình về sự thay đổi. Tôi nhận diện, gọi tên từng nỗi sợ, chỉ ra cho mình rằng có những nỗi sợ khá vô lý, và có những nỗi sợ có thể giải quyết được. Và quan trọng nhất, tôi chỉ ra cho mình rằng, học lái xe không làm thay đổi bản ngã của tôi, nó chỉ làm cho hình ảnh của tôi đa màu đa sắc hơn. Thay đổi nhấn mạnh nhiều điều tôi đã biết về bản thân mình, và chỉ ra cho tôi thêm những góc nhìn mới về tôi: độc lập hơn, giỏi lái xe hơn tôi nghĩ, và tự do hơn.

Khi bạn biết rằng mình có thể làm tốt một điều gì đó, bạn sẽ có xu hướng làm việc đó nhiều hơn, và cảm thấy tự hào về mình hơn. Càng làm nhiều hơn, bạn sẽ càng nâng cao kĩ năng và kiến thức của mình, và lại càng giỏi hơn nữa. Đó là một vòng xoáy ốc tích cực mà tôi tin rất quan trọng đối với sự thay đổi. Khi bạn biết rằng bạn đang làm tốt trong việc đối diện với sự thay đổi, hãy khen ngợi và tưởng thưởng cho nỗ lực của bạn. Với tôi, tôi tự khen ngợi mình mỗi ngày khi tôi lái xe tốt hơn ngày hôm trước. Khi tôi đưa được bố mẹ đi trung tâm mua sắm – một con đường tôi chưa đi bao giờ và có một khúc cua khá khó – và đưa bố mẹ về nhà an toàn, cùng với việc được bố chồng tôi khen rằng tôi lái tốt, đó lại tiếp tục là một cảm giác vui khó tả nữa. Khi tôi lần đầu tiên lái một chiếc xe 7 chỗ đi trên đường cao tốc, có những lúc chạy đến 100 km/h, và nhận được sự động viên từ cả gia đình ngồi trong xe, tôi lại tự khen ngợi mình. Nhận diện những lúc mình làm tốt cũng quan trọng không kém việc kiểm điểm những lỗi sai mà mình còn mắc, vì bên cạnh việc bạn muốn mình tốt hơn trong lần tới, bạn còn phải biết bạn đã làm tốt đến mức nào nữa. Khi bạn đối diện với thay đổi bằng những suy nghĩ kiểu như “Mình đang làm rất tốt,” “Mình sẽ có thể làm tốt hơn,” “Thay đổi không đáng sợ như mình nghĩ, vì giờ đây mình đang cảm thấy rất hài lòng với hiện tại,” mọi thứ sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn.

Trong cuốn sách tôi đọc về Coaching, có một chương sách thảo luận về cách hướng dẫn khách hàng đối diện với sự thay đổi. Cuốn sách dùng mô hình Kübler-Ross để diễn giải về sự thay đổi, mặc dù mô hình này được tạo ra đầu tiên với mục đích diễn tả quá trình đối mặt với đau thương của những người phải mất đi một người thân yêu (chị Chi Nguyễn, một blogger mà tôi yêu thích, có viết một bài rất hay về quá trình này). Mô hình này rất hợp lý để áp dụng cho việc đối diện với thay đổi, vì thay đổi rốt cuộc cũng là một quá trình mà một điều gì đó sẽ phải mất đi, nhường chỗ cho một thứ khác mới mẻ hơn.

Càng soi chiếu, tôi lại càng cảm thấy mô hình này giúp tôi hiểu mình hơn, và mạnh mẽ đối diện với cuộc sống hơn. Hai năm nay, tôi đối diện với nhiều sự thay đổi: hai người thân yêu ra đi khi còn quá trẻ, thay đổi môi trường học, môi trường sống, đối diện với áp lực xây dựng sự nghiệp và xây dựng cuộc sống hạnh phúc cho bản thân. Những gì tôi vừa chia sẻ với bạn về quá trình tôi học lái xe, cũng phần nào phản ánh các bước trong quá trình này:

  • Tiên lượng về sự đau khổ/thay đổi sẽ diễn ra (bước này thường không được tính trong mô hình Kübler-Ross, nhưng lại được sử dụng trong sách về Coaching của tôi)
  • Từ chối đối diện với sự thật
  • Giận dữ vì phải thay đổi, trút giận lên người khác hoặc một điều gì khác
  • Thương lượng để không phải thay đổi, hoặc để giữ cho mình chút kiểm soát nào đó
  • Tuyệt vọng vì không thể kiểm soát được sự thay đổi
  • Chấp nhận sự thay đổi một cách từ từ, bắt đầu nhìn hiện thực với con mắt khách quan hơn, thậm chí là tích cực hơn*

Không phải ai cũng sẽ trải qua tất cả các bước kể trên, theo trình tự kể trên, hoặc thậm chí là có những cảm xúc như vậy. Tôi không muốn ép bạn phải đi theo một lý thuyết nào đó. Đối với tôi, có một lý thuyết để mình soi chiếu giúp cho tôi hiểu nhiều hơn về những gì mình đang trải qua, và hiểu rằng tôi không hề đơn độc với những cảm xúc và suy nghĩ của mình. Có rất nhiều người khác ngoài kia đang trải qua những thay đổi trong cuộc sống của họ, dù lớn hay nhỏ, và có những trải nghiệm rất tương đồng với tôi.

Viết bài này, tôi không muốn tôn vinh hoặc cường điệu hóa giá trị của sự thay đổi. Nếu bạn không muốn thay đổi, đó là quyết định của bạn. Tôi đã từng là người tin rằng mọi sự thay đổi là tốt và cần thiết, và chúng ta phải luôn luôn thay đổi, luôn luôn làm mới bản thân và cuộc sống của mình, phải đẩy mình ra khỏi vòng tròn an toàn và khám phá chính mình. Nhưng bạn biết không, tôi đã học được rằng thay đổi là điều rất khó khăn, có thể gây ra rất nhiều tổn thương, và cực kì không dễ chịu. Tôi cũng hiểu ra rằng dù một người có vẻ ưa mạo hiểm, thích phiêu lưu và sự thay đổi đến đâu, họ cũng luôn có trong mình một niềm tin cố hữu nào đó, một định kiến nào đó chưa bao giờ bị thử thách, một sự thay đổi nào đó họ luôn né tránh. Nên tôi học cách phán xét ít đi, quan sát nhiều hơn, và luôn tự nhủ rằng khi một ai đó sẵn sàng cho sự thay đổi, họ sẽ thay đổi. Tôi tự nhắc mình không bao giờ nhìn vào những câu chuyện về cuộc sống của một ai đó, đặc biệt là qua Facebook, và lí tưởng hóa cuộc sống của họ mà lãng quên rằng ai trong số chúng ta cũng đang có những trận chiến của riêng mình, nơi chúng ta nhọc nhằn, vật vã đương đầu với những thay đổi, những khó khăn trong cuộc sống.

Chúc bạn can trường và bình an trong trận chiến của chính bạn.

Theo alicecao.net

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,524 lượt xem