Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Chuyện Từ Thiện Thời Facebook: Cái Tâm Thật Sự Nằm Ở Đâu?

Đôi khi mở facebook ra, ngập tràn nào hình ảnh thương tâm, kêu gọi giúp đỡ, những comment ủng hộ “Em củng hộ 10 triệu cho cháu X đã gửi chị”, “Cảm ơn chị Y đã ủng hộ 5 triệu cho gia đình chị Z”,… những lời “hò reo” khích lệ, khen ngợi tinh thần bác ái. Những sự giúp đỡ từ khâu chuẩn bị, quá trình đến hậu trường được live stream, đăng ảnh, đăng bài dần trở thành luật lệ. Điều đó có khiến việc từ thiện đó diễn ra một cách hình thức hay không?

Tôi nhớ ngày tôi lớp 7, tôi và mẹ đi theo bà và những người bạn, đem thuốc, quà cho viện dưỡng lão và trẻ mồ côi ở chùa. Chả là bà tôi làm bác sĩ, nhà có phòng khám tư nhân, nên thuốc nào gần hết hạn bà soạn ra đem cho hết, chưa kể những mối quan hệ trong giới y khoa của bà nữa. Rồi thì bánh kẹo, gạo, sữa,… từng thùng từ đâu kéo đến nhà chúng tôi. Hữu xạ tự nhiên hương, cái tâm lành lan tỏa, những người bạn, những người biết đến bà cùng góp sức cho chuyến thiện nguyện này. Xong xuôi tất cả, đoàn xe rong ruổi lên đường. Chúng tôi đến trao quà, hỏi thăm, dọn dẹp, đi thăm chùa, thăm quý sư cô,… Mọi thứ thật tĩnh tại.

Chúng tôi đã có những chuyến đi thật vô tư, thật thư thái, không có những tấm ảnh, video, bài viết để lưu lại mà chỉ “để gió cuốn đi”. Thời gian dành trọn cho việc giao lưu mọi người, quan sát, cảm thận những mảnh đời, học hỏi cách các cụ khắc phục khó khăn như thế nào, hỏi thăm ân cần xem các cụ cần gì lần sao chúng con mang đến, xem các em làm nhang để tạo thu nhập… Đó là chuỗi ngày chúng tôi mở lòng và thấu hiểu.

Khép lại những chuyến đi nơi miền tây nguyên thân thương Ban Mê Thuột, tôi ra Huế học. Tôi biết được nhiều đội, nhóm từ thiện thông qua Facebook, những bài đăng, video, ảnh với nụ cười đầy trìu mến, đáng thương của các em bé được nhận quà… Nhưng nếu tham gia rồi mới biết, đó là một phần kết quả của truyền thông mà thôi. Mọi thứ có hoàn hảo như những gì được phô bày một cách chân thực nhất hay không?

Từ thiện là phải công khai, công khai toàn bộ! Phải chụp hình, quay video, live stream, viết bài… Truyền thông thì mạnh còn nội dung thì thế nào?

“Em muốn vào câu lạc bộ để được phát triển kĩ năng mềm”. Đó hẳn là một trong những điều mà mỗi bạn viết trong thư xin tham gia hay khi phỏng vấn. Thế là ngoài một số hoạt động chính yếu, các bạn sẽ được phát triển kĩ năng TỔ CHỨC SỰ KIỆN, XIN TÀI TRỢ, TRUYỀN THÔNG… Tôi nhấn mạnh điều này bởi vì các kĩ năng đó được rèn luyện thông qua việc TỪ THIỆN. Từ thiện trở thành công việc, là dịp để các bạn rèn dũa kĩ năng mềm của mình, nên tôi dám chắc mọi điều tốt đẹp nhất sẽ được show ra hết (còn những điều chưa tốt có ai tự thừa nhận và kiểm điểm chưa? Cũng đúng thôi “Tốt khoe xấu che” cơ mà). Và công cụ chính yếu ngày nay thường là FACEBOOK. Người ta sẽ chụp ảnh, quay video, live stream, kể về những điều tốt đẹp mà đôi khi làm quá lên.

Hồi cấp 3 tôi thường nhận những khoản tiền nhỏ từ lớp và trường với “danh hiệu” là “Học sinh nghèo vượt khó”. Cảm xúc của tôi khi lên bục và nhận quà, tiền là “Ôi ngại quá, sao không cho luôn chứ lên đây ngại quá. Thôi thì lên nhận nhanh rồi về hix hix”. Những hình thức trao quà, chụp hình không khiến tôi cảm nhận được sự yêu thương, đồng cảm mà lại khiến bản thân tôi cảm thấy mình đang được thương hại. Và thôi thì chịu một tí mà có tiền hehe. À mà tiền thì phải kí nhận sau đó chứ lúc trao thường chỉ trao phong bì tượng trưng thôi. Kí nhận lúc sau mới quan trọng. Cho nên đôi khi tôi không lên sân khấu mà đợi sau đó đến thẳng phòng văn thư để nhận tiền luôn. Thật là khỏe!

Vậy thì các bạn đang chụp ảnh, quay video, live stream cho ai coi và vì lý do gì? Các bạn muốn những mạnh thường quân tin tưởng vào đội, nhóm của các bạn để tài trợ, ủng hộ. Các bạn muốn huy động nguồn tiền. Tôi thì cảm nhận các bạn quá chú trọng đến việc đó, còn cái tâm các bạn đang ở đâu? Các bạn có cảm nhận người được cho cảm thấy thế nào, họ có thể thay đổi được gì cho cuộc sống của họ với chút quà của bạn, họ có thể cảm nhận hết sự quan tâm của xã hội dành cho họ không, có xoa dịu được nỗi buồn tủi về khó khăn hay chỉ nhận vội sự thương hại từ đoàn này đến đoàn khác?

Câu chuyện về người khó khăn cứ như một định nghĩa. Đó là những điều chúng ta không cần được kể cũng biết là họ sắp miêu tả những gì. Nhưng đã có ai cảm nhận tất cả khi làm từ thiện chưa hay chỉ là nhìn bên ngoài thấy áo quần rách rưới, người đầy bệnh tật, nhà cửa lụp xụp…

“Với đặc điểm là học sinh của một ngôi trường xa xôi nhất của xã An Hảo nằm trên đỉnh Núi Cấm, ba mẹ các em hầu hết đều kiếm sống bằng nghề chạy xe ôm, gánh thuê, làm rẫy, … v/v, phần lớn các em đã phải phụ giúp gia đình từ rất sớm, chỉ việc đến trường mỗi ngày cũng đã trở nên khó khăn với các em.”… - Trích thư ngỏ

“Hai tháng hè trôi qua rất nhanh, rồi các em sẽ trở lại với trường lớp, với thầy cô bạn bè. Nhưng… nỗi lo lắng vẫn canh cánh trong lòng khi cuộc sống vẫn còn bồn bề lo toan. Những hoàn cảnh khó khăn vẫn còn rất nhiều xung quanh chúng ta, con đường học lấy kiến thức làm người đó chưa rộng mở chào đón các em.” - Trích thư ngỏ.

“Mùa đông đến, những cơn gió se lạnh, những đợt gió Bấc phả vào người như cắt da cắt thịt. Mọi người ai cũng trang bị cho mình những chiếc áo thật ấm, những chiếc khăn thật dài và những đôt tất thật dày… để chống lại cái lạnh giá của mùa đông. Và ở đâu đó, có những đứa trẻ vùng cao hàng ngày đang phải hứng chịu từng cơn gió buốt, làn da tím tái, co ro ngồi trên lớp học. Bởi những chiếc áo mỏng manh khoác trên người không thể nào đủ ấm, những đôi chân trần tím buốt hàng ngày vẫn phải lội suối đến trường. Ứơc mơ có một chiếc áo ấm để vượt qua được cái lạnh của mùa đông là một điều không dễ đối với người dân nghèo của vùng biên giới này.” - Trích thư ngỏ.

Khi tham gia các chuyến từ thiện, trong lúc chương trình diễn ra, tôi thường hỏi thăm người dân. Nhưng bạn biết đấy, giống như lúc phỏng vấn truyền hình hay báo chí, mọi thứ được nói ra như nội dung có sẵn, muốn tốt có tốt, muốn tội nghiệp sẽ có tội nghiệp. Mọi câu chuyện về hoàn cảnh khó khăn luôn theo đúng hướng của “khó khăn”. Tôi có thể nghe, có thể kể lại với một cảm xúc xót xa, nhưng tôi không thể nào thấu cảm tất cả sự cực khổ đó. Ngay cả một người đứng cạnh hoàn cảnh đó vẫn không thể thấu hết, thì những gì được chụp lại, quay video, live stream vài bài viết được thêm thắt có thể nào diễn tả được hết không (Cái tôi nói là khung cảnh ngay tại sân khấu trao quà nhé. Nhận quà thì ai chẳng vui, chẳng thích. Khi không có người cho quà, cho tiền, lo lấy về mà dùng chứ. Mừng quá đi chứ, ai mà chẳng cười chứ!).

Tôi thấy người ta gom những con người tội nghiệp trong một bức ảnh và kêu gọi sự thương hại thông qua Facebook.

Trong một chuyến đi đến trung tâm bảo trợ xã hội trẻ khuyết tật, sau những phút giao lưu (chơi, nói chuyện, hát hò, chụp ảnh…), tiếp đến là phần tuyên bố, trao quà và chụp hình kỉ niệm. Vâng, đó là “nghi lễ”, họ hối thúc những đứa trẻ ngô nghê, khờ khạo đứng gọn gàng để chụp hình. Họ chia sẻ bức hình đó và kêu gọi giúp đỡ. Tôi không đánh đồng việc quyên góp tiền giúp đỡ là sai. Nhưng khi một người đăng lên facebook, hình ảnh đáng thương được lan truyền từ người này qua người khác, nguồn tiền được dồn lại về trung tâm đó. Nhưng tất cả chỉ là vật chất mà thôi. Bạn có nhớ cậu bé Hạo Anh đã ra sao khi được các mạnh thường quân biết đến và hỗ trợ. Câu chuyện về việc cho cần câu hay cho con cá luôn đáng bàn. Cái tôi muốn nhấn mạnh ở đây là chúng ta hãy cảm nhận hết tất cả rồi mới giúp đỡ. Bạn không hiểu người đó cần gì thì làm sao bạn giúp được. Bạn chỉ cho người ta một ít vật chất và mong người đó sống tốt hơn, thay đổi bản thân. Điều đó có thể không? Với tôi thì không thể. Bởi vì tôi đã từng nhận rất nhiều, từ trường cho đến họ hàng. Khi được cho tiền, tôi cảm thấy vui vì sắp có tiền đóng học phí, có tiền mua đồ,… Nhưng tiền có một cách dễ dàng thì tiêu pha càng dễ. Và sau đó tôi luôn chờ mọi người cho mình tiền, rồi cảm thấy không vui khi lần sau được cho ít hơn lần trước. Lòng tham bỗng chốc trỗi dậy từ khi nào không hay. Sự dựa dẫm và ỷ lại không thể thay đổi người khác theo hướng tích cực được.

Từ thiện là để chia sẻ. Hãy thấu hiểu rồi mới lan tỏa. Đừng đem bề nổi của cá nhân, tổ chức mà hô hào sự chia sẻ của xã hội.

Bạn nói rằng “Tôi thích làm từ thiện vì đó là sự cảm thông, chia sẻ, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn…” Cuộc sống không phải lớp học đạo đức để bạn nói làu làu cho người khác nghe. Thương cảm khác thương hại. Tôi biết ai cũng có tấm lòng bác ác, nhưng hãy lắng nghe và thực hiện đúng những gì trái tim mách bảo. Hết lòng giúp người vì lợi ích của người được nhận chứ không phải hư danh, những nút like hay lời khen trên mạng xã hội. Hãy quan tâm người nhận được cảm thấy thế nào, họ cần gì hơn là vì lợi ích của bản thân (đi chơi, kĩ năng, trải nghiệm, kỉ niệm…).

Từ thiện là điều nhạy cảm vì chúng ta dễ nhầm lẫn sự thương cảm và thương hại, lợi ích giữa người nhận và lợi ích của người cho. Tấm lòng từ mẫn hãy để nó tự “hữu xạ tự nhiên hương”, có hương có hoa ắt ong bướm tìm đến. Đừng tốn quá nhiều thời gian vào việc chứng minh cho người khác thấy chúng ta đã làm những gì, mà hãy tự bản thân chứng minh mình đã làm điều có ích. Quan tâm đến người được nhận cảm thấy gì và thay đổi thế nào mới là từ thiện có ích.

Tác giả: Chôm Chôm

----------

Bạn đam mê và có khả năng viết những bài viết thể hiện quan điểm cá nhân và triết lý sâu sắc? Bạn muốn có thêm thu nhập từ việc viết bài? Bạn muốn thể hiện cá tính và thương hiệu cá nhân?

Dự án viết bài hợp tác giữa YBOX và Kênh 14 là hoàn toàn phù hợp với bạn! Để biết thêm thông tin chi tiết và đăng ký tham gia, xin vui lòng truy cập: https://goo.gl/8MFMrB.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

747 lượt xem