Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Du Học Và Những Bài Học Vô Giá!

Tuần trước, tôi đi uống cafe với một em gái tôi tình cờ quen trong một khoá học online. Chúng tôi chọn một quán cafe mặt bàn hướng ra Hồ Tây, phía trên là tán phượng xanh đung đưa nhẹ theo chiều gió. Chúng tôi vừa ngắm mặt Hồ Tây được tưới tắm bởi ánh đèn vàng từ các cột đèn bên đường chiếu xuống, vừa tâm sự đủ thứ chuyện từ nội dung bài học, bộ phim mới nhất trên rạp, những định hướng tương lai, chuyện mèo và chuyện du học. Khi nói đến chuyện du học, bất chợt em hỏi tôi “Có bao giờ chị hối tiếc vì đã đi du học không?”. Chưa bao giờ thoáng nghĩ đến việc đó, tôi hoàn toàn bất ngờ trước câu hỏi này. Nhận ra vẻ bối rối của tôi, em kể tiếp rằng em luôn muốn được đi du học và đang tìm học bổng nhưng em không nhận được sự động viên và ủng hộ từ gia đình. Bố mẹ không muốn em bỏ công việc ổn định đang làm, và khuyên em nên ở nhà lấy chồng, sinh con, tiếp tục công việc nhàn hạ hiện tại. Bố mẹ lo sợ rằng khi học xong, về nước em sẽ phải làm lại từ đầu tất cả. Như vậy liệu có đáng không? Lời khuyên của bố mẹ tác động đến em rất nhiều. Từ một người đầy quyết tâm, em trở nên hoài nghi chính ước muốn của mình. Tôi nhớ cách đây khoảng một năm rưỡi, tôi gửi tin nhắn cho một anh bạn đã từng học ở Mỹ để hỏi về kinh nghiệm apply học bổng tiến sỹ. Câu đầu tiên mà anh nói với tôi là “ô, thế không lấy chồng mà lại đi học à”. Mỗi khi có ai hỏi tôi có nên đi du học không khi đã hai lăm, hai sáu tuổi mà vẫn chưa có gia đình, hoặc khi có ai khuyên tôi nên lấy chồng thay vì đi học, tôi cảm thấy rất kỳ lạ. Rõ ràng “lấy chồng” và “đi học” là hai biến độc lập, không cái nào phụ thuộc cái nào mà 

Tôi luôn tin rằng khi một ai đó muốn phát triển bản thân bằng việc đi học dù ở độ tuổi nào thì đó nên là điều được khuyến khích hơn là bị phản đối. Sống ở một nền văn hoá Á Đông, ta thường hay quan tâm lo lắng đến hình ảnh của mình trong mắt mọi người, ta sợ ta sẽ “lệch chuẩn”. Ta thường quan tâm rất nhiều đến việc người khác nghĩ gì về mình, và đôi khi để những quyết định của mình bị ảnh hưởng bởi người ngoài. Nhưng dần dần tôi học được rằng lời khuyên của người khác chỉ mang ý nghĩa tham khảo, còn quyết định hoàn toàn nằm ở bản thân mình. Vì sao? Vì chắc chắn người khác không có đủ thông tin về bản thân ta như ta: Họ không biết ta thật sự yêu thích gì, ta muốn gì, điều gì mới làm ta vui và hạnh phúc, ta mong muốn gì trong tương lai, ta có những trải nhiệm như thế nào, vân vân và vân vân. Quan điểm của tôi có thể hơi ích kỷ, nhưng tôi tin rằng mọi quyết định trong cuộc đời mỗi người trước hết phải mang lại niềm vui và hạnh phúc cho bản thân người đó. Bạn có thể hi sinh nếu bạn hài lòng với lựa chọn đó, nếu sự hi sinh làm bạn thấy vui và hạnh phúc, còn nếu không nó hoàn toàn cần được xem xét lại! Càng ngày tôi càng nhận ra rằng tình yêu diệu kỳ và lớn lao nhất là tình yêu dành cho chính bản thân mình. Học cách yêu thương bản thân là một quá trình gian nan đầy thử thách bởi thực sự hiểu những ước muốn, và cảm xúc của bản thân thật sự không hề đơn giản. Tôi chợt nhớ đến bài hát “The greatest love of all” của Whitney Houston, trong đó có một đoạn rất hay:

Because the greatest love of all is happening to me

I’ve found the greatest love of all inside me

The greatest love of all is easy to achieve

Learning to love yourself

It is the greatest love of all

Tôi đã nghe bài hát này nhiều lần mà lúc nào cũng nguyên vẹn cảm xúc như lần đầu tiên. Rồi tôi tự hỏi đã bao nhiêu lần tôi để những lời nói của người ngoài, những chỉ trích, nhưng lời đùa cợt vô duyên, những gì người khác nghĩ về tôi ảnh hưởng đến tâm trạng và sự an nhiên trong lòng.

 

Trở lại câu hỏi trên “Tôi có bao giờ hối tiếc khi đi du học không?”. Chắc chắn là không rồi. Và hôm nay tôi xin chia sẻ những bài học tôi đã học được trong quá trình đi du học. Đây là những tài sản vô giá mà tôi sẽ không đánh đổi vì bất cứ điều gì khác!

  1.   Du học dạy tôi tin hãy luôn tin vào mặt tốt của con người

Tôi và một người bạn đến sân bay Heathrow London gần mười hai giờ đêm một ngày giữa tháng chín mấy năm trước. Sau khi lấy hành lý, chúng tôi tìm đường đến khu tàu điện ngầm để bắt tàu về Brighton. Mặc dù đã biết trước rằng Heathrow là sân bay rộng nhất nước Anh, tôi vẫn thấy choáng ngợp trước sự đồ sộ của nó. Để đến được khu tàu điện ngầm, chúng tôi phải đi qua bao nhiêu bậc thềm, thang cuốn, tựa như đi vào một cái mê cung bất tận. Với hai vali to, túi xách và ba lô lỉnh kỉnh, chúng tôi như hai con thỏ lạc giữa một khu rừng rộng lớn, đang tha một đống thức ăn dường như quá sức với cơ thể về tổ để ăn dần cho cả mùa đông. Cứ ngỡ lên được tàu rồi là chúng tôi có thể thảnh thơi, chợp mắt và khi tỉnh dậy là được mùi dịu ngọt của gió biển Brighton chào đón. Nào ngờ tôi bị say tàu, có lẽ là hậu quả của một chuyến đi dài, mất ngủ, đói và lệch múi giờ. Chúng tôi quyết định xuống tàu. Nhưng vừa đặt chân xuống nhà ga, tôi hoàn toàn mất khái niệm về thời gian và không gian. Tôi đang ở đâu thế này? Một nơi bên dưới lòng đất, tối đen và sâu hun hút, xung quanh chỉ lèo tèo một vài bóng người. Cảm giác dừng lại ở một nơi “cảnh vực hư vô” khiến tôi rùng mình. Nhưng tôi mệt đến mức thậm chí không suy nghĩ được gì, chỉ đứng yên một chỗ chờ cơn say đi qua. Bất ngờ một người đàn ông cao, mặc một bộ đồng phục có lẽ là màu đen đến hỏi nếu ông có thể giúp gì chúng tôi. Rồi ông xách giúp tôi hành lý và đưa chúng tôi đi tìm khách sạn. Chúng tôi phải đi một đoạn khá xa, vì ông muốn chọn cho chúng tôi một khách sạn tử tế và không quá đắt đỏ. Nếu không có người giúp đỡ, không biết tôi sẽ phải trải qua đêm đầu tiên ở nước Anh như thế nào nữa. Về đến khách sạn, chúng tôi ngủ một giấc đã đời, và sáng hôm sau bắt Taxi đi Brighton.

Trước khi đến Anh, tôi đã được “cảnh báo” là người London không thân thiện, không cởi mở đâu, họ thậm chí còn thô lỗ và lạnh lùng. Nếu tôi để những định kiến này che mờ mắt thì có lẽ tôi đã cao chạy xa bay khi ông ấy muốn giúp đỡ chúng tôi. Thật sự thì khi ông dẫn chúng tôi đi tìm chỗ nghỉ, đôi lúc tôi cũng có cảm giác gờn gợn, nhưng rồi tôi lại tin vào trực giác của mình “Đây là người mình có thể tin được”.

Tất nhiên bạn cũng sẽ gặp những người làm bạn không ưa. Có đôi lúc bạn sẽ cáu kỉnh muốn tay đôi “cãi nhau” với lũ trẻ con gọi bạn là người Trung Quốc và …đuổi bạn về nước. Hay lắm khi bạn bực mình vì một người lái xe bus nói giọng địa phương không đủ kiên nhẫn trả lời bạn khi bạn nói “Pardon” đến lần thứ 2! Nhưng tôi tin là những người mà bạn không ưa không phải là một mẫu đủ lớn đại diện cho con người nơi đây. Và thậm chí dù họ có làm cho bạn khó chịu đi nữa, lựa chọn có để những người ấy ảnh hưởng đến cảm xúc chung của bạn về nơi này hay không hoàn toàn phụ thuộc vào bạn.

  1.    Du học dạy tôi rằng một cộng một không nhất thiết phải bằng hai

Thật sự, tôi đã gặp khủng hoảng tâm lý sau khi học ở Anh được một, hai tháng. Có lúc tôi còn nghĩ  “hay là Chevening chọn nhầm mình, mình dốt thế sao lại được nhận học bổng”. Dần dần tôi nhận ra rằng sự “khủng hoảng” của tôi đến từ việc tôi luôn tìm kiếm một câu trả lời cụ thể cho mọi câu hỏi được đưa ra. Tôi luôn tự hỏi mình và đã từng hỏi thẳng thầy “Kết luận cuối cùng là gì hả thầy, thế nào mới là đúng? Thế nào mới là sai? Điều này là đúng hay sai?”. Ban đầu câu trả lời của thầy không làm tôi hài lòng “Tuỳ từng trường hợp chứ, lúc này nó có thể đúng, lúc khác nó có thể sai”. Nhưng rồi càng học (không chỉ từ sách vở, mà còn từ những cuộc thảo luận với bạn bè đến từ nhiều nền văn hoá khác nhau), tôi nhận ra rằng kỳ vọng hiểu rõ một sự vật hiện tượng là tốt hay xấu của tôi là không tưởng. Một học thuyết có thể đúng ở giai đoạn này vì hoàn cảnh lịch sử xã hội lúc ấy cho phép nó được thực hiện, nhưng ở một giai đoạn khác nó không còn phù hợp nữa. Và tôi cũng không thể kỳ vọng một chính sách hay chương trình phát triển nào chỉ đem lại điều tốt mà không có những mặt hạn chế. Nghe đơn giản là vậy, nhưng đây là một bài học đầy “đau đớn” đối với tôi. Tôi hoài nghi những niềm tin, và hệ giá trị mà tôi tin tưởng trước đây. Nhưng tôi biết những “đau đớn” ấy là không thể thiếu nếu tôi muốn trưởng thành. Quá trình “learn” và “unlearn” này còn giúp tôi lớn lên rất nhiều về mặt con người. Trước đây tôi thường vội vàng kết luận một ai đó là tốt hay không tốt chỉ dựa vào cách hành xử của họ một hoặc hai lần. Và nếu tôi đã nghĩ một ai đó là không tốt thì rất khó để tôi thay đổi quan điểm của mình. Những bây giờ tôi tin rằng ai cũng có mặt tốt và mặt xấu, chỉ là ta có đủ kiên nhẫn để hiểu và đặt mình vào vị trí của họ mà suy xét hay không thôi. Ngày trước tôi có thể bực bội khó chịu và đôi khi tranh cãi đến cùng để bảo vệ quan điểm của mình. Nhưng rồi tôi dần học cách tôn trọng sự khác biệt. Tôi không thể kỳ vọng mọi người đều suy nghĩ như tôi, chia sẻ các quan điểm và giá trị giống hệt tôi bởi đơn giản mỗi người có một phông văn hoá, gia đình, giáo dục, và quá trình trưởng thành khác nhau.

Tôi vẫn nhớ mỗi lần gặp nhau ở thư viện để nộp bài essays, chúng tôi thường hay đùa nhau “Viết xong luận chưa, kết luận thế nào?”. “Thì context-specific (tuỳ vào hoàn cảnh), không có one-size-fits-all solution (giải pháp phù hợp cho mọi trường hợp), thế chứ sao”. Rồi chúng tôi đều cười!!

  1.    Du học dạy tôi luôn đón nhận những điều bất ngờ

Một lần tôi hỏi cô bạn người Indonesia cùng lớp “Tên cậu hay thật ấy, đây là họ à?”. Tôi vừa hỏi vừa chỉ vào chữ thứ hai trong phần tên trên một mẫu đơn cô ấy đang điền. “Không, vùng của tao, người ta không có họ”, cô trả lời một cách hoàn toàn bình thản. Tôi tròn xoe mắt nhìn cô ấy một cách đầy ngạc nhiên. Họ của một người, đó là điều tôi chưa bao giờ hoài nghi. Chả phải họ là thứ để xác định người đó thuộc về gia đình nào, họ là thứ gắn kết tất cả những người có chung dòng máu chảy trong huyết quản suốt cả chiều dài lịch sử của gia đình ấy hay sao. Tôi buột miệng hỏi “Thật kỳ lạ, nếu vậy khi đặt tên cậu và tên bố cậu cùng một chỗ thì không ai biết được đây là hai người thuộc cùng một gia đình à?”. Để đáp lại sự tò mò của tôi, cô ấy trêu “nhưng mà tớ thấy thế mới là bình đẳng giới ấy, cậu chẳng lấy họ mẹ mà cũng chẳng theo họ bố”. Chúng tôi cùng cười lớn!

Khi ở một chỗ quá lâu, tôi thường quên mất là ngoài kia có nhiều điều thú vị như thế. Hãy đi và cảm nhận!

  1.    Du học dạy tôi yêu những điều nhỏ bé xung quanh

Khi sống ở một đất nước khác trong một thời gian ngắn mà bạn biết rồi đến một ngày bạn sẽ phải nói lời chia tay với nơi ấy, đã bao giờ bạn bạn hình dung vị trí của mình trên mảnh đất ấy chưa? Bạn nghĩ mình là một khách du lịch, một du học sinh, một kẻ hành khất, một người nhập cư, hay đơn giản chỉ là một người Việt Nam đang ở nước ngoài? Còn tôi, mỗi khi lang thang bên bờ biển Brighton hoặc đi bộ quanh khu campus xinh đẹp, tôi luôn cảm thấy mình là một kẻ ở trọ. Tôi ở trọ Brighton, tôi ở trọ nước Anh! Vì biết rằng sẽ có ngày chia xa, tôi muốn tận hưởng hết hương vị, màu sắc, và những nét đặc trưng ở nơi ấy. Đi du học đâu chỉ dạy cho ta những thứ to tát như các học thuyết kinh tế, học thuyết phát triển, phương pháp nghiên cứu, tư duy phản biện, vân vân và vân vân, ta còn có cơ hội hiểu được chính mình, và trân quý những điều nhỏ bé xung quanh. Đôi khi tôi chỉ muốn để các giác quan cảm nhận và lưu giữ những điều giản dị như sự ngọt ngào của một tách cream tea (bao gồm trà và sữa nóng, scones – một loại bánh, kem và mứt) tại một nhà hàng bên bãi biển, màu sắc tươi vui của đám thuỷ tiên khi chớm hè, mùi ngọt nồng của gió biển Brighton, màu xanh của trời hè, màu bạc của nắng, màu đỏ của xe bus đặc trưng Anh, tiếng kêu léo nhéo của lũ Hải Âu, giọng nói trầm bổng lên xuống như hát của một người Anh. Bây giờ mỗi khi nghe một bài hát trong album Hunting Party của Linkin Park, tôi vẫn tưởng tưởng ra căn phòng trọ của mình- một căn phòng nhỏ bé cửa sổ hướng ra khu vườn xanh biếc nơi đôi khi có một vài chú mèo và thỏ đến chơi đùa. Tôi vẫn nhớ mỗi khi mưa tôi sẽ bật Linkin Park thật to, và để tâm trí hoàn toàn thư giãn, trốn chạy khỏi các bài luận, và chồng sách báo cần đọc.

Trong số các địa danh mà tôi đã đến thăm ở Anh, tôi thật sự ấn tượng Isles of Wight. Khi đang viết những dòng này, màu xanh biếc của nước biển, màu rực rỡ ánh bạc của nắng và cảm giác se lạnh của gió ở nơi đây vẫn hiện lên sinh động trước mắt tôi, và cảm giác như vẫn chạm được vào tôi. Khi đi bộ trên triền đồi giáp biển, tôi có cảm tưởng như mình là một nhân vật trong những bức tranh phong cảnh mà tôi đã từng thấy người ta treo ở các quán ăn sang trọng, hay các buổi triển lãm tranh. Tôi không ngừng thốt lên “Đẹp quá”. Tôi thích ngắm những con thuyền nhỏ xíu hiện ra như một chấm nhỏ trên bức tranh phong cảnh non nước hữu tình ấy. Khi ngắm nhìn khung cảnh ấy, tôi tự hỏi “Không biết người đang điều khiển con thuyền kia có thấy cô đơn không?”, “Liệu cảnh đẹp tuyệt điệu kia có phần nào giúp họ tạm quên cảm giác cô độc và những muộn phiền đời thường hay không?”.

“Tôi có yêu Hà Nội không”, câu trả lời là “Có”. Nhưng tình yêu tôi dành cho Hà Nội đã qua thời kỳ trăng mật rồi, tôi không còn hồi hộp, hứng khởi trước những điều bé nhỏ của Hà Nội nữa. Tôi biết Hà Nội chẳng tự dưng rời bỏ tôi, và tôi cũng không bỏ Hà Nội. Hà Nội sẽ vẫn ở đấy chờ tôi về. Chính vì thế tôi đã từng luôn chần chừ. Tôi chần chừ đến một bảo tàng mà tôi luôn muốn đến, tôi chần chừ đến một quán cafe mà tôi biết rất đặc biệt, tôi chần chừ làm nhiều điều với Hà Nội vì tôi biết Hà Nội luôn hào phóng cho tôi cơ hội thực hiện những điều ấy bất cứ khi nào tôi muốn. Nhưng với nước Anh, tôi biết tôi sẽ phải rời xa nàng mà không rõ ngày tái ngộ. Vì thế tôi muốn tận hưởng, muốn ghi nhớ, muốn lưu giữ mọi thứ bằng mọi giác quan. Thật kỳ lạ, nước Anh cũng dạy tôi cảm nhận và yêu Hà Nội sâu sắc hơn. Tôi chợt thấy giờ đây mình cũng yêu ánh nắng dịu nhẹ một ngày chớm hè Hà Nội, mùi hoa sữa nồng nàn của mùa thu, cảm giác se se lạnh sau một cơn mưa dịu dàng bất chợt. Có nhiều điều tôi không thích nơi đây, nhưng đó là quy luật của một mối quan hệ rồi. Biết đâu nếu tôi sống ở Brighton lâu như tôi sống ở Hà Nội, tôi lại chẳng liệt kê được đầy điểm xấu ở nơi đó ấy chứ.

  1.    Du học giúp tôi khám phá ra một khả năng mới của bản thân

Tôi luôn nghĩ rằng tôi không biết nấu ăn. À, thì tôi có thể nấu được những món ăn hàng ngày, nhưng những món phức tạp đòi hỏi sự tỉ mẩn và khéo léo thì tôi thường đầu hàng vô điều kiện. Ấy thế mà thời gian học ở Anh, hoàn cảnh xô đẩy khiến tôi nhận ra rằng nấu ăn cũng thú vị và tôi nấu cũng không đến nỗi quá tệ. Bọn tôi thường hay tổ chức Potluck dinner vào những dịp đặc biệt như khi một đứa chuyển nhà, sau khi thi xong, hay đơn giản là hứng lên thì rủ nhau tụ tập. Bữa tối sẽ được tổ chức ở nhà một đứa nào đó, ai tham dự thì sẽ mang một món đến góp chung. Trong mỗi dịp như thế, tôi thường nghĩ chả nhẽ mình chỉ làm những món bình thường thôi. Thế là tôi lao vào tìm hiểu cách nấu phở, nấu những món thịt bò và gà đặc biệt mà ở nhà tôi chưa bao giờ làm. Lúc hội bạn ăn và tấm tắc khen ngon, tôi càng hăng hái tìm hiểu và khám phá những món ăn mới. Đôi khi là những món đơn giản nhưng tôi cũng phải cách tân một chút, vì nếu nấu theo đúng kiểu Việt Nam sẽ không phù hợp với khẩu vị của bạn bè. Ví dụ món nem. Ở nhà ta thường nấu với thịt lợn nhưng trong hội bạn mỗi đứa một kiểu: đứa thì không ăn thịt lợn, đứa thì không ăn thịt bò, đứa thì ăn chay, đứa thì ăn cay, đứa thì không. Nên tự nhiên tôi lại học được cách làm mới cho những món ăn đơn giản.

Tôi chợt nhớ đến một dịp mà tôi phải nấu nhiều chưa từng thấy. Ở khoa tôi, cứ cách một vài tháng chúng tôi lại tổ chức continent party (tiệc châu Âu, châu Phi, Châu Mỹ, Châu Á). Khi đến tiệc của châu lục nào thì những đứa ở châu lục ấy sẽ tổ chức một bữa tiệc giới thiệu các món ăn ngon, những điều đặc trưng về văn hoá của châu lục ấy. Tiệc châu Á được tổ chức vào cuối tháng tư, vì đó là bữa tiệc cuối cùng nên cả bọn châu Á chúng tôi muốn làm một điều gì đó thật đáng nhớ và đặc biệt. Cả khoa chỉ có tôi và một đứa nữa là người Việt Nam, nhưng chúng tôi vẫn quyết định làm nem rán, và thịt gà cho …gần hai trăm người ăn. Khi nghĩ về thời gian ở Anh, tôi luôn nhớ đến những bữa tiệc như thế này. Nó gắn kết chúng tôi lại với nhau. Dù bây giờ mỗi đứa một nước nhưng có dịp lại rủ nhau tụ họp. Tôi thích nhất là cảm giác có bạn bè ở gần như khắp mọi nước trên thế giới. Khi đi du lịch đến nước nào, tôi biết cũng sẽ có một người bạn sẵn sàng đưa mình đi chơi, giới thiệu cho tôi những chỗ ăn ngon và địa điểm đặc biệt mà một khách du lịch bình thường khó có thể biết được. Và rồi, chúng tôi sẽ hàn huyên ôn lại những kỷ niệm đã có ở Anh. Đúng như những lời chúng tôi đã trao nhau trước khi kết thúc khóa học “This is not the end, this is just the beginning of a friendship”.

Đấy, tôi lại đi lan man khỏi nội dung của phần này mất rồi. Vậy đi du học không chỉ khiến bạn nhận thấy bản thân có thể làm được nhiều điều hơn bạn nghĩ mà bạn còn có thêm bạn bè ở khắp nơi nữa đấy.

6. Du học dạy tôi bớt định kiến

Niềm tự hào dân tộc mãnh mẽ thường khiến người ta đánh giá quá cao dân tộc mình và có những định kiến không hay về các dân tộc khác. Ta càng dễ sa lầy vào định kiến nếu ta ở quá lâu một chỗ và tất cả những gì ta biết về nơi khác là qua một ai đó kể cho ta nghe, qua truyền thông báo chí (vốn chỉ tập trung khai thác những tin giật gân không mấy hay ho ở những nơi khác), hoặc qua sách vở được viết một cách hời hợt một chiều. Tôi cũng đã từng có những định kiến như thế. Nhưng rồi tôi nhận ra những câu kiểu như “Bọn châu Phi thì abcxyz”, “bọn trung đông/hồi giáo thì abcxyz”, “Tây thì ai cũng lịch sự”, “Tây thì ai cũng thông minh”, vân vân, thật sự rất phiến diện. Tôi đã gặp những người Anh vô cùng bất lịch sự, suốt ngày uống rượu bia, chửi bới và tôi cũng từng là nạn nhân của sự vô văn minh ấy. Tôi cũng có rất nhiều bạn là người hồi giáo, người châu phi. Họ đều thông minh, tốt bụng và nhiệt tình. Nghĩ lại những định kiến của mình trước đây, tôi thấy sao mình hẹp hòi và ích kỷ thế nhỉ. Khi ta giữ định kiến về người khác, thì chính bản thân ta cũng trở thành nạn nhân của những định kiến. Một người bạn Hàn Quốc có lần thổ lộ với tôi “Nếu không gặp cậu, thì tớ cũng không thích người Việt Nam đâu”. Rồi bạn ấy kể người ta hay nói dân Việt Nam sang Hàn Quốc toàn ăn cắp, sang Anh thì đi trồng cỏ, bao nhiêu dự án phát triển đổ vào Việt Nam mà nghèo vẫn hoàn nghèo. Thôi ta cứ đi với một tâm trí mở nhất có thể!

Đây là những bài học tôi đã học được trong quá trình đi học. Hi vọng bài viết có thể truyền cảm hứng cho những bạn đang trăn trở tìm học bổng du học. Tôi tin rằng chỉ cần bạn muốn thì chắc chắn bạn sẽ làm được!!

Theo maithanhtruong.net

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

5,393 lượt xem