Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Đừng Cố Tỏ Ra Hạnh Phúc

Nếu bạn cố tỏ ra mình là một người rất “cool”, bạn sẽ không bao giờ “cool”. Nếu bạn phải cố gắng để hạnh phúc, thì bạn cũng sẽ không bao giờ hạnh phúc. Có lẽ vấn đề chỉ đơn thuần ở chỗ chúng ta đang cố gắng thái quá.

Hạnh phúc, cũng giống như những cảm xúc khác, ở chỗ nó không phải là thứ gì đó bạn có thể “đạt được” mà thực ra phải sống nó như một thứ bản năng. Ví dụ lúc bạn đang điên tiết vì mấy thằng nhóc nhà hàng xóm, bạn khó có thể nhận thức được tình trạng “đầu bốc hỏa” của mình. Bạn sẽ không thể nghĩ “Mình có đang tức giận hay không? Mình làm điều này có đúng không nhỉ?”. Không, máu bạn vẫn đang bận sôi, lửa vẫn đang cháy trong đầu bạn. Bạn trực tiếp “sống” trong ngọn lửa của sự giận dữ đó. Bạn chính là cơn giận của bạn. Và sau đó thì cơn giận tiêu đi.

Một người tự tin sẽ không tự hỏi liệu mình có phải là người tự tin. Tương tự , một người hạnh phúc sẽ không cần tự hỏi liệu mình có hạnh phúc. Vì đơn giản họ hạnh phúc.

Điều này có thể được hiểu là hạnh phúc không phải là cái đích ta có thể “đạt được” hay “đạt đến” mà nó thực ra là “tác dụng phụ” của các chuỗi những sự kiện, trải nghiệm cuộc sống của chúng ta. Điều này rất dễ nhầm lẫn, nhất là khi hạnh phúc đang trở thành một khái niệm được marketing như mục đích sống của con người. Hãy mua sản phẩm X và bạn sẽ hạnh phúc. Hãy học môn Y và sống hạnh phúc. Hãy uống thuốc Z bạn và vợ bạn sẽ “vui”. Nhưng bạn không thể mua hạnh phúc và cũng không thể đạt được hạnh phúc. Hạnh phúc đến rất tự nhiên. Và nó chỉ đến khi mà cuộc sống của bạn đi vào quỹ đạo do bạn tạo ra.

HẠNH PHÚC KHÁC VỚI NIỀM VUI HAY KHOÁI LẠC

Mặc dù rất nhiều người trong chúng ta điên đảo đi tìm kiếm hạnh phúc, thực ra chúng ta chỉ đang đi tìm niềm vui, hay khoái lạc (pleasure): ăn ngon, mặc đẹp, cải thiện đời sống tình dục, xem TV xem phim nhiều hơn, mua ô tô mới, thác loạn với bạn bè, đi mát-xa toàn thân, giảm được 5 cân, trở nên nổi tiếng, đi du lịch bất cứ đâu mình muốn, ngồi trên bãi biển nhấp margarita, vân vân và vân vân.

Cảm giác vui thì cũng là một cảm giác tuyệt vời, nhưng nó vẫn không phải là hạnh phúc. Niềm vui có liên quan đến hạnh phúc, nhưng nó không phải là nguyên nhân khiến ta hạnh phúc. Hãy hỏi bất cứ người nghiện ma túy nào về quá trình họ theo đuổi “niềm vui mới” đã thành ra đến đâu. Hỏi một người đang trải qua nỗi đau mất người thân xem nếu bạn cho họ tất cả những thú vui kể trên, liệu họ có ngay lập tức trở nên hạnh phúc?

Bản thân tôi đã cho mình cơ hội được đi đây đó, khoảng 8 quốc gia trong châu Á, nhưng chắc chắn 6 trong số 8 lần đi đó luôn luôn có điều gì khiến tôi cảm thấy không thỏa mãn, và không thực sự hạnh phúc như mình tưởng tượng ban đầu. “Khi đặt chân đến biển chắc mình sẽ phải reo lên phấn khích. Ôi và cả món tôm hùm đang chờ mình nữa!” Không, chưa có bãi biển nào và cũng chưa có con tôm nào khiến tôi phấn khích theo cái cách tôi lập trình sẵn cho mình.

Tháng 4 vừa rồi có một ngày gọi là “Ngày nhân danh ẩm thực Pháp trên toàn thế giới”. Các nhà hàng nổi tiếng trên các thành phố lớn trên toàn cầu có đầu bếp người Pháp nấu các món Pháp để tung hô ẩm thực của đất nước này. Tôi đã rủ bạn trai mình đến InterContinential (Hà Nội), “Fuck that! Let’s eat that 1 million VND dinner.”. Bữa tối đó trọn gói là 1 triệu/người, bữa đắt nhất cho một người tôi từng ăn trong 25 năm qua. Không gian đẹp đẽ, ánh nến lung linh, tôi nhìn anh, anh nhìn tôi, tôi chớp chớp, anh chu chu (mỏ), gan ngỗng béo ngậy nếu chỉ tả “ngon” thì đảm bảo con ngỗng nó sẽ sống dậy để giết bạn vì đánh giá thấp sự hy sinh của nó, 6 món thì món gì cũng NGON “sầu thiên thu”! Tôi vui và hài lòng với số tiền mình bỏ ra để mua kinh nghiệm ẩm thực đó, nhưng tôi không hạnh phúc.

Khoái lạc là một thứ thần thánh được dựng lên. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người chỉ tập trung năng lượng vào những thú vui, khoái lạc mang tính vật chất và bề nổi sẽ trở nên hay lo lắng, cảm xúc thiếu ổn định và kém hạnh phúc về lâu về dài. Khoái lạc là mức hời hợt nhất trong các mức độ thỏa mãn cuộc sống, vì vậy nó cũng là cái dễ đạt được nhất. Niềm vui, khoái lạc được marketing và bán cho chúng ta như một sản phẩm. Chúng ta phụ thuộc vào định nghĩa của người khác. Nó là công cụ chúng ta dùng để gây tê và đánh lạc hướng bản thân mình. Niềm vui và khoái lạc, mặc dù cần thiết nhưng chưa đủ. Còn có điều gì đó khác.

HẠNH PHÚC KHÔNG BẮT ÉP CHÚNG TA PHẢI HẠ THẤP KỲ VỌNG CỦA MÌNH

Gần đây người ta hay nói rằng con người đang trở nên kém hạnh phúc hơn bởi chúng ta đều quá ảo tưởng về bản thân mình và lớn lên với những lời tán thưởng rằng chúng ta là những “thiên thần ‘pé pọng’, là ‘tục tưng’ của mẹ” đặc biệt và là duy nhất, và có khả năng thay đổi thế giới này. Bạn bè trên Facebook thì liên tục cố gắng cho chúng ta thấy cuộc sống của họ thì tuyệt vời đến dzời. Mọi áp lực vô hình biến cuộc sống thành một cuộc thi, nơi chúng ta luôn nghĩ rằng mình chưa hạnh phúc và phải cố gắng để hạnh phúc như…người ta.

Xin lỗi, nhưng hạnh phúc không đơn giản chỉ là một cái status nói rằng “Tôi hạnh phúc”.

Ví dụ, một anh bạn của tôi gần đây bắt đầu đầu tư mạo hiểm. Anh ấy đốt hết tiền tiết kiệm mong sẽ cứu vãn được việc kinh doanh, nhưng thất bại. Giờ đây anh ấy hạnh phúc hơn bao giờ hết, hơn tất cả những trải nghiệm khác trong cuộc sống. Việc kinh doanh thất bại ấy đã dạy cho anh ấy những bài học về những gì anh ấy MUỐN và KHÔNG MUỐN trong cuộc sống và cuối cùng đã đưa đẩy anh ấy đến với công việc hiện tại mà anh ấy rất thích. Anh ấy có thể tự tin nhìn lại trải nghiệm của mình và tự hào vì mình đã cho bản thân mình một cơ hội, thay vì từ bỏ và hối hận với những suy nghĩ “nếu như”, “giá mà”. Và điều đó còn có thể khiến anh ta thấy khổ tâm bất hạnh hơn bất cứ sự thất bại nào.

Tôi liên tục nhận được những câu hỏi về cuộc sống ở Hàn Quốc trong 6 năm du học, về văn hóa Hàn Quốc và con người Hàn Quốc. Vâng, cả 3 thứ đó tôi đều chẳng thích thứ nào. Nhưng tôi biết ơn đất nước Hàn Quốc. Tôi biết ơn khoảng thời gian 6 năm, có thể nói quan trọng nhất trong cuộc đời. Văn hóa, con người Hàn Quốc và con người tôi tôn trọng những giá trị rất khác nhau. Trong 6 năm, tôi đã có lúc thử thành người Hàn, cố hòa nhập với người Hàn chỉ để phát hiện ra rằng tôi không muốn trở thành một trong số họ. 

Nhưng thử hỏi nếu tôi không bước ra khỏi giới hạn an toàn của mình, liệu có bao giờ tôi có cơ hội biết được cái mình THÍCH và KHÔNG THÍCH, MUỐN và KHÔNG MUỐN, CẦN và KHÔNG CẦN là gì? Hàn Quốc đã làm một nhiệm vụ xuất sắc, đó là giúp tôi hiểu ra những thứ tôi KHÔNG THÍCH, KHÔNG MUỐN và KHÔNG CẦN. Điều này là một thành công rất lớn đối với tôi, không khác gì việc tìm ra cái mình THÍCH, MUỐN và CẦN.

Không đạt được kỳ vọng của bản thân không có nghĩa là không hạnh phúc. Việc thất bại và vẫn đánh giá cao trải nghiệm thất bại thực ra mới là phần nền móng cho hạnh phúc.

Văn hóa của chúng ta đang đánh giá quá cao những thứ chúng ta MUỐN, thứ chúng ta THÍCH mà quên đi thực tế rằng biết những gì chúng ta không MUỐN, không THÍCH cũng quan trọng tương đương. Người ta suýt soa khi nghe những câu chuyện tình yêu đầu và cũng là tình yêu cuối, kiểu “một phát ăn ngay”, coi rằng cô gái hay chàng trai đó thật may mắn. Còn ai hẹn hò chục người mới “kiếm” được tấm chồng/vợ thì bị coi là long đọng lận đận đường tình duyên!?

Nếu bạn nghĩ bạn sẽ làm việc với mức lương $100,000 1 năm và lái một chiếc Porsche ngay sau khi tốt nghiệp, thì tiêu chuẩn về thành công của bạn đang bị bóp méo và hết sức nông cạn. Bạn đang nhầm lẫn giữa khoái lạc và hạnh phúc.

Niềm vui của cuộc sống không phải là việc có lương $100,000/năm, mà là việc chúng ta cố gắng đạt đến mốc lương  $100,000/năm, và sau đó đạt đến mốc $200,000/năm, và tiếp tục như thế.

Tương tự với niềm vui của hẹn hò, cái kết tinh của nó không phải ở việc bạn “đậu vào bến bờ” nào đó, “đầu bạc răng long” với ai đó, mà là ở chỗ bạn tìm được người khiến cho bạn và chính người đó trở thành một phiên bản tốt hơn, chấp nhận khi mối quan hệ không tốt đẹp và đồng ý cho nhau cơ hội mới, với người mới. Đáng lẽ ra người ta phải tung hô các cuộc ly hôn y như cách người ta tung hô đám cưới, tôi thực sự nghĩ thế.

Hãy đặt những kỳ vọng cao hơn. Kéo dài quá trình bạn đạt kỳ vọng của mình hơn. Nằm trên giường với một danh sách những việc cần làm dài hàng mét và mỉm cười với cơ hội bạn tự trao cho bạn. Tự đặt cho mình những tiêu chuẩn và thưởng thức những thất bại không tránh khỏi. Thất bại là điều cực kì tự nhiên. Học hỏi từ chúng. Sống với chúng. Hãy để cho mặt đất nứt ra và đá đổ sụp quanh bạn, bởi đó là dấu hiệu của sự phát triển lặng thầm dưới lòng đất, qua những VẾT NỨT.

HẠNH PHÚC KHÔNG PHẢI SỰ TÍCH CỰC

Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng biết một người quen nào đó luôn luôn tỏ ra hạnh phúc một cách lạ thường, bất kể ở hoàn cảnh nào hay tình trạng nào. Người này có thể là một người rối loạn chức năng nhất mà bạn biết. Trốn tránh những cảm xúc tiêu cực dẫn đến sự đào sâu và tích tụ những cảm xúc tiêu cực và rối loạn cảm xúc.

Một thực tế đơn giản: đời không đẹp như mơ. Việc có thể hỏng tanh bành. Chúng ta có thể bị người ta chọc, bị người ta quấy nhiễu. Chúng ta gây ra lỗi lầm và những cảm xúc tiêu cực xuất hiện. ĐIỀU ĐÓ HOÀN TOÀN BÌNH THƯỜNG! Những cảm xúc này rất cần thiết để duy trì sự cân bằng và tính ổn định của hạnh phúc. Tôi không muốn gọi chúng là “tiêu cực” đâu vì rõ ràng chúng có những lợi ích và giá trị nhất định, nhưng mà ngôn ngữ có hạn chả biết gọi là gì.

Thể hiện cảm xúc tiêu-cực như thế nào? 1) Thể hiện ở mức chấp nhận được và một cách lành mạnh và 2) thể hiện bằng cách nào đó mà nó gắn với những giá trị của bạn.

Ví dụ rất đơn giản như sau, một trong những giá trị của tôi là kiên quyết nói không với bạo-lực. Vì vậy, ngay cả khi tôi có tức giận với ai đó, tôi thể hiện sự tức giận của mình nhưng tôi cũng đồng thời giới hạn bản thân mình để không cho họ một cú đấm giữa mặt. Trừ mấy người có nhọt ở mông, ngồi trong ô-tô và ra sức bim-bim đằng sau xe đạp của tôi thì tôi sẵn sàng dẹp sang bên giá trị của mình.

Có rất nhiều người tự hướng bản thân mình theo hướng “luôn luôn tích cực”, là một cục pin 2 đầu “luôn dương”, và thử lắp cục pin này vào xem có vật gì chạy được không? Họ theo chủ nghĩa “tích cực mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh”. Tôi cũng đã từng theo chủ nghĩa này, sau khi nhận ra rằng đi ngược lại tự nhiên của mình thực sự mệt mỏi.

Tôi cho rằng hiện tượng “nghiện” tích cực này là kết quả sau rất nhiều nỗ lực của các nhà ma-két-ting. Người ta nói đến “hạnh phúc” một cách điên cuồng, những khuôn mặt cười tràn ngập ti-vi, thị trường sách self-help (bồi dưỡng kĩ năng bản thân) thì luôn muốn người đọc cảm thấy như họ đang thiếu hoặc “què cụt” ở phần hay giá trị nào đó. “Cuốn sách thay đổi cuộc đời bạn”. “Hãy đọc tôi và bạn sẽ đạt được cái A, cái B, cái dù, cái ô”, vv..v.

Chúng ta thực sự là những con người siêu lười. Chúng ta luôn muốn đạt kết quả trong mọi lĩnh vực một cách nhanh chóng mà không phải bỏ chút công sức nào.

Và chính việc nhận ra điều này đã đẩy tôi đến suy nghĩ cái gì thực sự khiến chúng ta hạnh phúc…

HẠNH PHÚC LÀ QUÁ TRÌNH BẠN TRỞ THÀNH CON NGƯỜI THEO LÝ TƯỞNG CỦA BẠN

Hoàn thành một cuộc chạy marathon sẽ khiến chúng ta hạnh phúc hơn việc ăn một cái bánh sô-cô-la. Đầu tư kinh doanh nho nhỏ cái gì đó với bạn bè, trải qua khó khăn để kiếm được tiền sẽ khiến chúng ta hạnh phúc hơn việc mua một cái máy tính mới.

Điều thú vị nhất đó là cả hai việc trên đều cực kì khó-chịu và yêu cầu chúng ta phải đặt kỳ vọng của mình và khả năng thất bại ở mức cao. Tuy vậy, đó vẫn có thể những khoảnh khắc hạnh phúc và ý nghĩa nhất trong cuộc đời chúng ta. Chúng liên quan đến nỗi đau, sự đấu tranh, thậm chí những cơn giận, hay nỗi tuyệt vọng, nhưng một khi đã trải qua những điều đó, chúng ta nhìn lại và bỗng dưng cảm thấy cay mắt.

Tại sao?

Bởi vì chỉ có những hoạt động mất công tốn sức như vậy mới có thể giúp chúng ta trở thành con người lý tưởng của chính mình. Đó là sự theo đuổi không ngừng để đến gần hơn với con người thật của mình, con người mà chính mình có thể yêu quý mình, và trong quá trình đó hạnh phúc sẽ dần dần xuất hiện, bất kể việc bạn trải qua những khoái lạc hời hợt hay sự đau khổ, bất kể cảm xúc tích cực hay tiêu cực. Đó là lí do vì sao có những người lại thấy hạnh phúc trong chiến tranh và có người lại rầu rĩ ở đám cưới. Đó là lí do vì sao có người lại thích làm việc và có người rất ghét tiệc tùng. Những tính cách họ đang sống với không hòa hợp với con người mà họ muốn trở thành. Trong khi kết quả cuối cùng thì không thể đánh giá con người đó.

Bản thân việc chạm đích trong một cuộc chạy marathon không khiến chúng ta hạnh phúc. Mà đó là việc bền bỉ vượt qua khó khăn để cán đích. Bản thân những thứ như danh vọng, tiền bạc từ công việc kinh doanh không làm chúng ta hạnh phúc, mà là quá trình vượt qua những trở ngại trong kinh doanh để giữ nó phát triển.

Con người lý tưởng của tôi không cần ăn bữa tối 1 triệu 7 ngày 1 tuần. Con người đó thích về nhà sau một ngày bận rộn, chạy vào bếp làm một đĩa salad thật đơn giản và co chân xem ti-vi. Và cái làm con người đấy hạnh phúc đó là sự trưởng thành từ một đứa không thích bếp núc, đến một ngày tự ngồi khâu từng đường kim mũi chỉ cho hai cái bắc nồi, háo hức vì đã có bếp riêng rồi đến việc mua đủ 10 loại gia vị để nấu ăn.

Đây là lí do vì sao việc cố sống hạnh phúc sẽ chỉ khiến bạn càng thêm bất hạnh. Bởi việc cố gắng để hạnh phúc thể hiện rằng bạn chưa sẵn sàng sống với con người mình muốn, bạn chưa nhận thức được về giá trị của mình và chấp nhận chính mình, hay bạn chưa có những phẩm chất hay tính cách bạn hằng mong muốn. Nói tóm lại, nếu bạn đang thực sự “diễn” đúng bản chất của mình, bạn nghiễm nhiên sẽ không cần phải cố để hạnh phúc.

Hạnh phúc không ở bên trong con người bạn. Hạnh phúc chỉ xuất hiện khi bạn quyết định theo đuổi cái ở bên trong con người bạn.

Vì vậy hạnh phúc cũng rất mong manh và phù du. Bất cứ ai sau khi đạt được mục đích trong cuộc sống họ đề ra cho bản thân nhận ra rằng họ cảm thấy không hạnh phúc hơn hay bất hạnh đi, và thấy rằng hạnh phúc chỉ đâu đó ngay ngoài kia, chỉ chờ ta xuất hiện. Và cuộc sống sẽ luôn có ai đó nói với bạn rằng “Hãy làm thêm một cái này/ mua thêm một thứ này…“ để hạnh phúc hơn. Bạn sẽ luôn nghĩ mình cần thêm “một thứ gì đó”. Chúng ta mơ trở thành nhạc sỹ, và khi ta thành nhạc sỹ, ta lại mơ trở thành nhà văn. Trở thành nhà văn rồi, ta lại mơ thành nhà biên kịch.

Cái quan trọng không phải là chúng ta đạt chạm đến được những nút thành công, mà là việc chúng ta không ngừng nghỉ “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” để hướng mình tới những mục đích đó, từ ngày này qua ngày khác, tuần sang tuần, năm sang năm. Đích sẽ luôn đến rồi đi, và chúng ta sẽ luôn theo đuổi con người lý tưởng của chính mình, theo cách của mình.

Theo tamlyhoctoipham.com

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,395 lượt xem