Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Face Là Khuôn Mặt, Book Là Quyển Sách, Đừng Vô Tình Làm “Khuôn Mặt” Của Mình Trở Nên Xấu Xí Trên Mạng Xã Hội Khi Bạn Không Biết Cách

Người ta càng sử dụng Facebook nhiều thì càng ÍT THỎA MÃN với cuộc sống”. Và ngược lại: “Càng hội nhập vào thế giới thực, bạn càng thấy sống lạc quan hơn”.

Mạng xã hội nói chung, và Facebook nói riêng – đang là một yếu tố tạo nên nhiều sự thay đổi trong cuộc sống của con người. Việt Nam hiện nay có khoảng 35 triệu người dùng Facebook, tức hơn 1/3 dân số của đất nước. Thời nay, người ta kháo nhau rằng “Mười ngày mất nước không bằng một ngày mất net”. Vậy từ góc nhìn tâm lý, vì sao con người ta ngày nay đám đông phụ thuộc vào mạng xã hội? Những kiến thức tâm lý cần biết để mỗi người có kỹ năng cơ bản trong cách sử dụng một thứ tưởng chừng như đơn giản nhưng lại không hề đơn giản là gì? Bài này sẽ phân tích một vài yếu tố.

 

1. FACEBOOK LÀM CHO CÁC MỐI QUAN HỆ VÀ CÁC SỰ KẾT NỐI THAY ĐỔI

Cách đây khoảng 2 thập kỉ, Facebook chưa xuất hiện. Yahoo còn ít thông dụng. Điện thoại cũng như thế. Không có một khái niệm nào về kết nối ảo như ngày nay. Ra đời vào năm 2004, với cái tên ban đầu là The Facebook, giờ đây Facebook trở thành “đất nước” đông dân nhất thế giới. Bỗng dưng, con người được kết nối, thấy mặt nhau, đi vào đời sống của nhau và dường như chúng ta được mời đi thẳng đến phòng khách của người khác, ngồi ở bàn cà phê của họ, ăn trong bếp của họ, và với thời giờ hoặc cũng chẳng cần thời gian, chúng ta còn có thể đi thẳng vào phòng ngủ của họ, để nghe họ kể chuyện. Bây giờ bất kì chuyện gì, cảm xúc gì, vui buồn ra sao, thông tin như nào cũng có thể truyền đi nhanh chóng qua Facebook. Cuộc sống bắt đầu thay đổi, và người dùng Facebook sẽ vẫn còn tiếp tục gia tăng.

2. VÌ SAO NGƯỜI TA NGHIỆN FACEBOOK ?

Về mặt tâm lý, có 2 lý giải tâm lý quan trọng.

Một là nhu cầu được cảm thấy mình quan trọng. Bộ não sẽ thích những gì nó được ghi nhận. Vì sao người ta nghiện mạng xã hội? Đầu tiên, Facebook luôn luôn hỏi bạn bất kì lúc nào bạn xuất hiện rằng “Bạn đang nghĩ gì?”, khi được chia sẻ cảm xúc, những gì mình làm, những gì … liên quan đến chính bản thân từng người, thì họ thỏa mãn nhu cầu được ghi nhận. Và thứ hai, đằng sau mỗi cái avatar, sau những dòng tâm sự, đó là những cái like, những comment,.. đó là sự ghi nhận. Bình thường, một học sinh học dốt – nó sẽ không tự tin dám nói với “cả thế giới” về kết quả học tập. Nhưng giờ đây có Facebook là có một thế giới khác – nơi mà nó được ghi nhận.. Người ta nghiện Facebook là bởi vì ở đó chỉ có like chứ không có dislike. Facebook đã từng có nhiều cuộc họp quan trọng để đưa ra được quyết định rằng họ sẽ nhất quyết không có nút dislike cho người dùng, mà chỉ có like hoặc sau khi like mà không thích thì unlike. Đó là cả một nghệ thuật tâm lý của người làm nên mạng xã hội số 1 thế giới hiện nay.

Lý giải tiếp theo là về tâm lý học hành vi. Con người ta làm một điều gì đó khi nó là thói quen. Có nhiều con số khác nhau, chẳng hạn sau 28 ngày hoặc sau 66 ngày thì một thói quen chính thức hình thành. Người ta vào Facebook mỗi ngày, có những ngày vào nhiều lần, từ việc vào để thỏa mãn cảm xúc cá nhân, người ta bỗng nhiên một ngày nào đó trở thành thói quen, đâm ra “nghiện” và đôi khi vô tình bị lệ thuộc vào nó.

 

3. ĐỪNG LÀM “CÁI MẶT” CỦA MÌNH TRỞ NÊN XẤU XÍ

Face là khuôn mặt, Book là quyển sách. Dịch nghĩa thô sơ như vậy, nhưng có thể hiểu đơn giản mà vô tình lại rõ nghĩa, rằng Facebook là khuôn mặt của chúng ta trong kết nối mạng xã hội. Mà con người ta gặp nhau, thứ nhìn thấy đầu tiên là khuôn mặt, là bên ngoài, rồi sau đó là những gì ta thể hiện qua suy nghĩ, lời nói, hành động. Ở trên Facebook cũng vậy, từ việc chọn avatar, chọn cover, và sau đó là những gì chúng ta chia sẻ, ta like, ta comment, đó chính là những hành động của ta cho người ta thấy con người của ta như thế nào. Cách người khác nghĩ về chúng ta không nằm ở việc ta muốn họ nghĩ gì về mình, mà nằm ở việc ta hành xử như nào cho họ thấy.

Nếu vậy, thì đừng để cảm xúc cá nhân vô tình khiến cho “CÁI MẶT” của mình trở nên xấu xí. Do vậy, dùng Facebook, tuyệt đối không được chọn avatar, cover xấu xí, kinh dị. Tuyệt đối không like, không comment, không post những gì tiêu cực. Không xả cảm xúc bừa bãi trên Facebook. Chúng ta mặc đồ, dĩ nhiên ai cũng phải chọn cho mình những trang phục lịch sự, đẹp, thời trang, chứ đâu ai chọn mặc quần rách, áo rách, bôi đất lên người. Nếu thế, thì Facebook cá nhân cũng phải như vậy.

4. THƯƠNG HIỆU CÁ NHÂN NGÀY NAY CHÍNH LÀ FACEBOOK CỦA BẠN

Dĩ nhiên, thương hiệu cá nhân là một khái niệm vẫn còn chưa phổ biến nhiều. Nhưng để dễ hiểu, thì ở góc độ tâm lý, người xưa hay nói “Trăm năm bia đá thì mòn, nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”. “Bia miệng” ở đây là gì? Chính là sự truyền miệng bất kì điều gì người ta chú ý. Hay “Hữu xạ tự nhiên hương” cũng vậy. Từ xa xưa, cái tốt hay cái xấu, cái gì cũng sẽ đều truyền miệng. Thời nay, tâm lý ấy cũng vẫn thế. Sự khác biệt chính là thay vì chỉ truyền miệng, bây giờ người ta truyền bằng công nghệ. Biết bao nhiêu người, làm sai điều gì đó, khi có một người share thì đằng sau người đó là hàng nghìn friends của họ biết đến, tức thông tin đi theo cấp số nhân. Tương tự như vậy, với việc tốt, thì người ta cũng biết đến theo cấp số nhân.

Mà nghĩ thử coi, hiện tại Việt Nam đã ⅓ dân số sử dụng Facebook, một ngày không xa, một chuyện gì đó có thể khiến cả nước biết đến chỉ sau một đêm nhờ hiệu ứng lan tỏa theo cấp số nhân. Cho nên, Facebook là con dao hai lưỡi, nó vừa tốt mà vừa không tốt. Nó tốt nếu biết cách dùng để tạo thương hiệu cá nhân, tức thể hiện bạn với những điều tốt đẹp. Và nó không tốt nếu bạn chỉ chia sẻ những thứ cảm xúc, những thông tin tiêu cực. Dĩ nhiên, con người không ai hoàn hảo, nhưng các cụ đã bảo “Đẹp đẽ khoe ra, xấu xa đậy lại” – Facebook không phải là nơi mình khoe ra điều không tốt của bạn thân. Nếu có không tốt thì ráng mà nỗ lực cải thiện để thay đổi, chứ không phải là xả trên Facebook.

5. NẾU BẠN MUỐN GIẢM THỜI GIAN SỬ DỤNG FACEBOOK?

Việc quan trọng là phải thấu hiểu tâm lý con người. Chúng ta nhiều khi làm một điều gì đó là do thói quen, là do vô thức. Vì thế, phải tự huấn luyện mình làm một điều gì đó theo ý thức. Có những người bị nghiện Facebook, bây giờ không có cách nào bỏ được. Điều đó đúng, nếu nhìn theo góc độ tâm lý hành vi. Nhưng nó chưa đúng, là bởi vì người đó chưa biết sử dụng đúng phương pháp để giảm thời gian dùng Facebook. Dưới đây là một số ứng dụng tâm lý.

Hành vi con người muốn thực hiện thì phải có yếu tố kích hoạt. Mà kích hoạt việc sử dụng Facebook là gì? Là phải đăng nhập vào tài khoản. Nếu bạn muốn giảm thời gian dùng Facebook, thì phải điều chỉnh ở chỗ làm sao cho việc vào Facebook gặp khó khăn. Cụ thể, bạn bỏ chế độ tự động đăng nhập, và sau đó thay đổi mật khẩu. Hãy hình dung bạn ngồi viết ra một mật khẩu mới dài tới 32 ký tự. Và bạn không thể nhớ nổi nó, thành ra mỗi lần vào Facebook, bạn đều phải nhìn lại mã mật khẩu. Mà cái gì khó thì não bộ ngại. Do vậy, mỗi ngày để vào được Facebook thì bạn cũng phải mất đến 5 phút ngồi nhìn và nhập mật khẩu. Nhưng, điều thú vị là ở đây: khi áp dụng như vậy, lúc này bạn chỉ vào Facebook khi có chuyện thực sự cần thiết.

Điều tiếp theo, tự đặt ra những nguyên tắc cho não bộ. Ví dụ, bạn đề ra nguyên tắc là chỉ vào Facebook sau 12h trưa. Điều đó đồng nghĩa là bạn có nguyên buổi sáng tuyệt vời để làm rất nhiều việc quan trọng, mà thực ra bạn đang giảm được rất nhiều thời gian chết buổi sáng nếu vào Facebook. Để làm được điều này, giả sử buổi sáng bạn đang theo thói quen, rất muốn vào Facebook, hãy kiềm chế, và tự nói thầm “Cố lên, 12h trưa mình sẽ được vào”. Về tâm lý, hiệu ứng này gọi là “trì hoãn sự sung sướng” – và bộ não sẽ làm được, vì sau khi cố gắng trì hoãn, nó sẽ được phần thưởng.

6. THẾ KỶ 21, PHẢI BIẾT DÙNG FACEBOOK

Nếu là người hiểu về tâm lý, thì nhìn việc gì cũng phải trung dung, chứ không được nhìn cực đoan. Và Facebook cũng vậy, không thể nào nói cực đoan rằng Facebook có nhiều điều không tốt, phải bỏ. Ngược lại, ở thế kỷ 21, bạn phải biết dùng Facebook, và phải dùng Facebook hàng ngày. Lý do là gì? Như ở trên giải thích, thì Facebook cá nhân của bạn là cách để bạn tạo dựng thương hiệu cá nhân. Nhưng có lý do còn quan trọng hơn, đó là vì sự phát triển và vì tương lai của bạn. Người ta từng nói: “Sự học ngày nay giống như chèo thuyền ngược nước, không tiến sẽ phải lùi”. Đó là sự thật. Thế giới phẳng là một quyển sách kinh điển, nó nói về việc thế giới bị làm phẳng với thông điệp rằng ngày nay, khi ở trong một thế giới bị làm phẳng thì con người ta cạnh tranh mạnh mẽ hơn, con người ta bình đẳng hơn rất nhiều. Ngày nay, không có bí quyết gì là giấu diếm cả, mà mọi thứ đều có sau vài giây chỉ với cú click chuột trên Google.

Sức mạnh lớn nhất mà Facebook mang lại, đó là SỰ KẾT NỐI. Chính vì lẽ đó, phải tận dụng sức mạnh của nó để phát triển bản thân mỗi ngày. Ngày xưa, bạn rất khó để tìm đến những người giỏi, người thành công để gặp họ, để học hỏi từ họ, để nghe những chia sẻ của họ. Nhưng ngày nay, mọi chuyện đã khác. Chỉ cần follow Facebook cá nhân của họ, và thế là hàng ngày bạn có một thư viện sống khổng lồ rất thực tế trên một thế giới ảo. Nếu vậy thì, nếu Facebook cá nhân của bạn mà ở đó xung quanh bạn bè toàn chia sẻ cảm xúc cá nhân, rồi bị chèn bởi quá nhiều thông tin quảng cáo, group nọ, nhóm kia,..thì thật đơn giản, hãy lập thêm một Facebook mới, và follow những trang, page nào hay, hữu ích, giá trị, tích cực, nhiều năng lượng để hàng ngày vào đọc, vào xem, để phát triển mỗi ngày.

7. VẪN CÒN MỘT NƠI ĐÁNG SỐNG HƠN KHÔNG CHỈ LÀ FACEBOOK

Người ta càng sử dụng Facebook nhiều thì càng ÍT THỎA MÃN với cuộc sống”. Và ngược lại: “Càng hội nhập vào thế giới thực, bạn càng thấy sống lạc quan hơn”. Thời đại này, chúng ta sống cùng Facebook, chúng ta không phủ nhận những giá trị mà Facebook mang lại. Nhưng ở đâu đó trong cuộc sống này – nơi mà thế giới thực thuộc về – vẫn còn nhiều điều giá trị và đáng để sống hơn chứ không chỉ là Facebook.

Về mặt tâm lý, khoa học chỉ ra rằng, nếu như hàng ngày chúng ta được tương tác, được giao tiếp, được chuyện trò với người khác, thì cuộc sống của chúng ta hạnh phúc hơn. Và yếu tố cốt lõi tạo nên hạnh phúc của một người, đó chính là chất lượng các mối quan hệ mà họ có. Có những thứ, có những trải nghiệm, có những cảm xúc mà chỉ trong thế giới thật, bạn mới có thể nhận được. Giống như những gì mà anh bạn này chia sẻ trong video clip bên dưới:

Dĩ nhiên, chúng ta không phải quá cực đoan về chuyện tắt tivi, tắt máy tính, ngưng kết nối. Thế nhưng, thông điệp mà anh ta gửi đến xứng đáng là một thông điệp tuyệt vời. Hãy để Facebook giúp chúng ta, làm cho chúng ta trở nên tốt hơn, làm cho chúng ta kết nối và tạo ra giá trị nhiều hơn, chứ đừng là thứ để chúng ta bị phụ thuộc vào. Vẫn sẽ có những lúc, vẫn sẽ có những khoảnh khắc, mà bạn – cần tạm ngưng kết nối trên thế giới ảo, để sống trọn vẹn trong cuộc sống thật của chính mình.

Theo tamly.blog

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,817 lượt xem