Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Facebook Có Làm Bạn Rơi Vào Trạng Thái Trầm Cảm?

“FOMO”, hay Chứng sợ lạc hậu (nguyên văn: Fear of Missing Out) là một trong những hiện tượng được các nhà tâm lí học đề xuất vài năm trước, cho rằng đây là mối nguy hại mà người dùng Facebook có nhiều khả năng rơi vào. Tưởng tượng một tối thứ Bảy nọ, bạn đang ở một mình và quyết định “lướt web” một chút để biết bạn bè mình đang làm gì và phát hiện ra họ đang tiệc tùng mà không có bạn. Khao khát được vui chơi với thế giới ngoài kia, bạn bắt đầu tự hỏi tại sao chẳng ai chịu mời mình đi mặc dù bạn tự thấy mình khá là hòa đồng với nhóm bạn nhỏ đó. Lẽ nào có điều gì mà những người đó không thấy hài lòng ở bạn? Bạn đã lỡ mất bao nhiêu dịp để hòa mình với xã hội chỉ vì nhóm bạn của bạn không muốn có bạn ở bên? Để rồi, bạn thấy mình càng lúc càng suy diễn nhiều thêm cho đến khi lòng tự trọng dường như đang trôi dạt xa khỏi bạn hơn với từng ý nghĩ về chuyện bị bỏ rơi.

 

Cảm giác bị cô lập luôn là một nhân tố tiềm tàng dẫn đến Hội chứng Trầm cảm và lòng tự trọng hèn mọn từ rất lâu, nhưng chỉ có mạng xã hội ngày nay mới có thể cân đo đong đếm số lần người ta bỏ tên bạn khỏi danh sách mời mọc. Nhận thấy những nguy cơ đó, Học viện Nhi khoa Hoa Kì đã đề xuất một cảnh báo rằng Facebook có thể làm mầm mống Rối loạn khí sắc ở trẻ em và thanh thiếu niên, mà đa số là hậu quả của sự bị chối bỏ về mặt xã hội. Tính đích xác của cảnh báo này, theo tiến sĩ Tak Sang Chow và Hau Yin Wan năm 2017 của Đại học Shue Yan, Hồng Kông, là còn nhiều nghi vấn. “Trầm cảm Facebook” có thể chẳng hề tồn tại, thậm chí còn đi ngược lại với những suy đoán ban đầu, đem đến cho con người một cuộc sống dễ hài lòng hơn.

Tác giả bài viết cũng chỉ ra rằng, mối quan hệ giữa Facebook và Hội chứng Trầm cảm khá phức tạp và khó giải thích. Cá tính của một người có thể cũng là một nhân tố quan trọng góp phần vào tính hỗn tạo của những nghiên cứu trên. Tùy theo cá tính của bạn mà thái độ của bạn đối với những dòng trạng thái mà bạn bè bạn đăng lên cũng khác biệt hơn so với những người khác. Thay vì cảm thấy bị tổn thương hay cô lập khi bạn bắt gặp bạn bè mình đăng về bữa tiệc mà bạn không được mời tới, bạn lại thấy vui mừng cho họ vì họ đang có một khoảng thời gian tuyệt vời, dù không có bạn ở đó để vui vẻ cùng họ. Mặt khác, nếu bạn không thể chắc chắn rằng nhóm bạn ấy có quý mình đến vậy hay không, bạn sẽ tiếp cận bài viết đó với thái độ hơi hướm tiêu cực hơn và thấy mình bị cô lập rõ rệt.

Các tác giả Hồng Kông nêu trên cho rằng nét tâm lý bất ổn là một nhân tố quan trọng dẫn đến chứng lo âu kinh niên hay cảm giác bị xâm nhập bởi những điều không an toàn. Vài nghiên cứu trước đó đã chỉ ra vai trò của sự rối loạn hệ thần kinh trong việc thúc đẩy người dùng Facebook thể hiện bản thân một cách tích cực hơn, kể cả về ngoại hình. Những người bất ổn ở một cấp độ cao hơn có xu hướng “lội feed” để đọc về người khác hơn là tự đăng một dòng trạng thái về bản thân mình. Sự ganh tị và tự so sánh về đẳng cấp trong xã hội cũng là hai đặc tính tâm lý học liên quan đến Facebook và liên hệ mật thiết với những trải nghiệm không mấy tốt đẹp mà người ta có thể gặp phải trên Facebook. Ngoài tính tâm lý bất ổn, tiến sĩ Chow và Wan còn muốn nghiên cứu vè hai đặc tính nói trên và tầm ảnh hưởng của chúng lên mối quan hệ giữa Facebook và Hội chứng Trầm cảm.

 

Một khảo sát online về vấn đề nêu trên đã được thực hiện với số người tham gia trên toàn thế giới (người trưởng thành) là 282, từ độ tuổi 18 đến 73 (với mức trung bình là 33 tuổi), với hai phần ba trong trong đó là nam giới, gồm nhiều chủng tộc khác nhau (51% là người da trắng). Họ được yêu cầu hoàn thành một loạt những câu hỏi tiêu chuẩn về sự liên quan giữa cá tính và chứng Trầm cảm. Khi được hỏi về tần suất sử dụng Facebook và số lượng bạn bè mình có, những người tham gia khảo sát còn cho biết mức độ tự so sánh xã hội cũng như việc họ có cảm thấy ghen tị với người dùng Facebook khác đến ngưỡng nào. Ước tính về mức độ tự so sánh xã hội, người tham gia thường đưa ra những câu trả lời như: “Tôi thường so sánh bản thân mình với những người dùng Facebook khác khi đang ‘lội newsfeed’ hay ‘đào mỏ’ ảnh của người khác.” và “Tôi thấy bị áp lực bởi cư dân mạng Facebook với hình thể tuyệt đẹp.” Còn trong khảo sát về tính ganh tị cho thấy: “Thật không công bằng khi có những người lại được hưởng vui thú suốt ngày.”

Quả thực là có những người dùng Facebook một cách quá thường xuyên, với tổng thời gian trực tuyến trung bình là 100 phút mỗi ngày trên thang từ 0-600. Tuy nhiên, rất ít người trong số đó dành ra hơn hai tiếng mỗi ngày để lăn chuột qua những bài viết và ảnh chụp của bạn bè họ. Những người có số lượng bạn bè lớn, trung bình là 316 người trong danh sách bạn bè; phần lớn (khoảng 2/3 số người tham gia khảo sát) có số bạn bè trong danh sách là hơn 1000. Con số bạn bè trong danh sách lớn nhất lên tới 10001, nhưng trong số những người tham gia khảo sát có vài người thậm chí còn chẳng có ai trong friend list của mình. Những báo cáo này cho thấy mức độ bất ổn về tâm sinh lý, mức độ tự so sánh xã hội, tính ghen tị và chứng Trầm cảm ở mức giữa của thang điểm được áp dụng.

Câu hỏi trọng tâm có lẽ là liệu việc sử dụng Facebook và Hội chứng Trầm cảm có liên quan với nhau theo một cách ‘tích cực’ nào đó không. Phải chăng những người dành ra hơn hai tiếng mỗi ngày trên trang mạng xã hội này dễ mắc phải Trầm cảm hơn những người ít “lướt web” hơn không? Câu trả lời, theo như tác giả của nghiên cứu nói trên (tiến sĩ Chow và Wan), là một lời phủ định thẳng thừng: “Không hề;”, và họ kết luận rằng: “Ở thời điểm này, còn quá sớm để các nhà nghiên cứu cũng như các chuyên gia có thể kết luận rằng việc sử dụng Facebook có nguy cơ cao dẫn đến hậu quả khôn lường về sức khỏe tâm lý” (tr.280)

Nói như vậy không có nghĩa là những người bất ổn về tâm lý cấp độ cao không gặp phải nguy hại về sức khỏe tâm lý. Những người thường rơi vào trạng thái lo âu hoặc mắc chứng Lo âu kinh niên hay có tính hay lo lắng nói chung là những người có nguy cơ cao bộc phát triệu chứng bệnh Trầm cảm. Do đây chỉ là một nghiên cứu sơ bộ, các tác giả của nó chú thích rằng khả năng cao những người thường rơi vào trạng thái lo âu đã mắc bệnh Trầm cảm ngay từ đầu rồi mới bị ám ảnh bởi mạng xã hội. Mối tương quan được nhắc đến trước đây không thể giải thích nguyên do trong nghiên cứu này.

Dẫu vậy, qua góc nhìn khách quan của các tác giả nói trên, không có lí do gì để toàn cảnh xã hội ngày nay bỗng phải kinh hãi bởi việc sử dụng Facebook. Những gì mà họ (người dân) được tiếp cận là hệ quả của sự kích động thái quá trước những báo cáo truyền thông tổng hợp từ tất cả những sinh hoạt ‘online’ (trong đó bao gồm trò chơi điện tử) và thói đưa đẩy vấn đề theo hướng tiêu cực của giới báo chí ngày nay. Khi người ta đã đi tới kết luận rằng bất kì hoạt động trực tuyến của cư dân mạng nào cũng đều mang hướng tiêu cực thì kết quả của các nghiên cứu khoa học lại bị bóp méo để tuân theo kết luận trên. Đối với trò chơi điện tử mà nói, cách tiếp cận thiếu tính khách quan đó không chỉ làm hạn chế các điều tra mang tính hàn lâm mà còn làm ngơ trước những lợi ích cho tâm sinh lý mà chúng đem lại cho người dùng mạng.

Vậy nên, nếu có khi nào lại rơi vào trạng thái FOMO, ban hãy nhớ đến nghiên cứu của các nhà khoa học Hồng Kông nói trên và tự hỏi tại sao mình phải cảm thấy bị bỏ mặc đến vậy. Hãy thư giãn một chút, nhìn ngắm lại những bức hình từ những lần bạn hòa mình vào với hội bạn thân, và hãy tận hưởng những kí ức êm đẹp đó, bạn nhé?

 

 

Người dịch: Assche

Nguồn: Is Facebook Making You Depressed?

Theo Whypsy

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

688 lượt xem