Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Review Phim Get Out (2017) Lớp Áo Hợp Thời

“Đen đang là mốt” là câu thoại thâu tóm toàn bộ tinh thần của Get Out, bộ phim kinh dị đầu tay của đạo diễn Jordan Peele​. Nó đúng, và hợp thời thế, không chỉ trong phim mà còn ngoài đời thật. Đây là tác phẩm khoác lên được lớp áo hiện thực xã hội, vào thể loại thường chỉ dùng để hù dọa. Nó tái hiện lại mối quan hệ “da đen – da trắng” được thể hiện trong suốt chiều dài lịch sử, đôi lúc khá sâu sắc, và thỏa mãn được các yếu tố giải trí hành động và hài hước cần thiết. Đó là lí do cho doanh thu 158 triệu đôla, chỉ với 4.5 triệu kinh phí, giúp Peele trở thành đạo diễn da màu đầu tiên có phim đầu tay đạt hơn 100 triệu đôla.

Get Out có mở đầu như một phim tâm lí xã hội về nạn phân biệt chủng tộc. Một cặp đôi khác màu da quyết định về thăm gia đình cô gái vào dịp cuối tuần. Chàng trai da màu Chris (Daniel Kaluuya​) có vẻ không thoải mái lắm, nhưng cuối cùng vẫn bị bạn gái Rose (Allison Williams​) thuyết phục. Chờ đợi Chris là điều đúng như anh lo sợ: Một gia đình da trắng sử dụng người hầu da màu, và sự phân biệt hiển hiện trong các cử chỉ của họ. Nhưng có điều gì đó kì lạ hơn ở gia đình này, mà Chris mơ hồ cảm nhận được. Không chỉ là việc bà mẹ biết thuật thôi miên hay cậu con trai điên loạn, hay điện thoại của anh thường bị rút dây sạc, hay những người hầu hành động vô cùng kì quặc… Có gì đó khác, đáng sợ hơn, nguy hiểm hơn, đang chờ đợi anh. Nhất là khi những người họ hàng bỗng từ đâu nhất loạt tìm về.

Rất khó để nói về thứ đáng giá của phim, là “lớp áo khoác” kia, mà không tiết lộ đôi chút nội dung. Do chính Jordan Peele biên kịch, bộ phim có được lớp nền khá vững chắc về tâm lí, ở cả người da đen và da trắng, đặt trong mối quan hệ phức tạp giữa họ suốt chiều dài lịch sử. Sự phức tạp này chia làm nhiều cấp độ. Peele mở màn ở cấp độ đơn giản nhất, là sự cam chịu của người da màu trước các cảnh sát da trắng, trong cảnh xe của Chris và Rose tông phải một con nai (Peele sử dụng hình tượng đầu nai một cách khá kinh điển trong phim này – biểu tượng của “con mồi”). Không khó để gợi ta nhớ đến thực tế ở Mĩ hiện tại, với các vụ cảnh sát da trắng lạm quyền để hành hạ, thậm chí sát hại người da màu. Muốn yên thân, họ thường phải nhẫn nhịn. Ở các cấp độ tâm lí tiếp theo, là việc người da trắng sợ hãi người da màu, vì sự ưu việt của họ. “Với gen của anh, nếu luyện tập thật sự, anh sẽ là một con thú,” gã em trai nói với Chris. Trong phim, có chi tiết về việc một người da màu từng khiến Hitler bẽ mặt vì chiến thắng người Đức trong cuộc đua Marathon. Và cuối cùng, là việc người da trắng “muốn” được như họ.

Điều Peele muốn diễn tả, trong bộ phim này và trong lịch sử, là hiện thực về việc người da trắng từng “sử dụng” người da màu, như động vật hoặc như dụng cụ lao động. Ngay cả khi họ biết rằng, bằng mắt quan sát hay thậm chí nhìn sâu vào tâm hồn nhờ thôi miên, người da màu cũng là con người, có cảm xúc và biết đau đớn. Trong phim, nỗi đau của Chris là một ngày mưa ảm đạm quá khứ. Bất kì ai trong chúng ta cũng sẽ có một ngày mưa như thế. Nhưng vì lợi ích của mình, người ta từng sẵn sàng lờ đi điều đó, đến hàng trăm năm. Tương tự là gia đình nhà Armitage.

Nói thế không có nghĩa Get Out là một phim xuất sắc. Trong giới hạn thể loại, việc thêm thắt được nhiều lớp nền là điều đáng khen, nhưng không phải tất cả. Giống như The Sixth Sense(1999) hay The Others​ (2003), đây là kiểu phim mà sự hài lòng của người xem phụ thuộc rất lớn vào việc có đoán ra được cú twist cuối cùng hay không. Ngoài ra, còn là việc cú twist ấy “như thế nào”. Với tôi thì Get Out chưa hẳn đột phá ở cả hai điều này. Nếu so sánh với một phim tương tự về ý tưởng là The Skeleton Key​ (2005), phần kịch bản không đánh lạc hướng và “giấu mánh” tốt bằng, hơi thiếu thốn các chi tiết và khả năng. Sự thật, Get Out giống như một phim đối lập hoặc mang tính phản pháo với Skeleton Key. Phần dẫn truyện của Peele có được độ chắc tay nhất định, phần nhiều đến từ việc anh “học hỏi”lại từ các phim trước đó. Từ cách sử dụng tiêu bản đầu nai gợi đến Psycho​ (1960) hay The Cabin in the Woods​ (2009), cách dùng bản nhạc cũ từ thập niên 30 Run, Rabbit, Run giống như cách Stanley Kubrick​ làm với Singing in the Rain, hay phần hành động đã mắt nhất trong phim nhắc ta về Quentin Tarantino​ với Django Unchained​ (2012)… Đôi lúc các trường đoạn của Get Out cũng hơi bị kéo lê hơn cần thiết, vì không có nhiều chi tiết để kể.

Nhưng bù lại, đây lại là tác phẩm tạo ra được sự cuốn hút, hồi hộp, và biết cách để đẩy cao trào đúng lúc, đúng chỗ, chuyển mượt mà qua các tiểu thể loại trong dòng kinh dị, từ tâm thần cho đến máu me. Gọi là dồn tài lực hợp lí, tương tự những phim rùng rợn kinh phí thấp rất khá gần đây như 10 Cloverfield Lane​ (2016) hay It Follows​ (2015). Phim cũng được hỗ trợ bởi dàn diễn viên tròn vai. Tôi không nhận ra anh chàng Daniel Kaluuya trong Sicario (2015), phần nhiều bởi vai diễn lần này nghiêm túc hơn và đòi hỏi tâm lí hơn. Khung hình Chris với nước mắt chảy dài, được chọn để quảng bá, là khá hiếm và lạ trong dòng phim này. Diễn xuất của Kaluuya đủ sức để khiến ta chú ý vào nhân vật. Nhiều người khác hẳn sẽ thích hình tượng da màu hài hước quen thuộc của LilRel Howery, trong vai anh bạn cảnh sát sân bay Sid, giúp phim dễ thở hơn. Peele cũng lợi dụng nhân vật này để “kể tội” người da trắng từng hành hạ da màu bệnh hoạn thế nào. Các nhân vật phụ cũng khá ấn tượng, như vai người mẹ do diễn viên kì cựu Katherine Keener thủ vai, hay người chủ phòng tranh của Richard Herd.

Một nhân vật không thú vị, nhưng diễn xuất thì thú vị, là cô bạn gái Rose do Allison Williams thủ vai. Khuôn mặt và biểu cảm của cô khiến tôi nhớ đến Keira Knightley ở những năm đầu. Không có gì nhiều để nói về Rose, kiểu nhân vật ta đã gặp nhiều đến mức cũ mèm, và chán ngay khi sự thật hé lộ. Nhưng đây lại là người khiến tôi thấy đáng sợ nhất phim, hơn cả các cảnh hù dọa hay bí mật cuối cùng. Vì giống như Chris, tôi cũng có cảm tình với cô bạn gái dễ thương và biết quan tâm ở đầu phim, diễn xuất của Allison thuyết phục được tôi. Và điều đáng sợ nhất, không phải là một ngày bạn bỗng nhận ra một ai đó thân thuộc bỗng không còn nữa, hoặc trở thành một người khác? Nói vui thì có lẽ các ông chồng là người hiểu điều này nhất.

Cái kết của Get Out không thỏa mãn tôi lắm, khi trở lại là một phim thị trường dễ dãi bình thường. Sau khi tìm hiểu, thì ra ban đầu Peele đã tiếp cận một cái kết khác, nặng nề và làm bật được lớp nền về phân biệt chủng tộc. Nhưng anh đã thay đổi để phù hợp với số đông khán giả hơn. Do đó, Get Out bị hạ từ “có thể xuất sắc” xuống hàng “khá”. Nhưng sự đánh đổi khá xứng đáng: Rất nhiều tiền và tương lai tươi sáng cho bộ phim kế tiếp dành cho vị đạo diễn mới 38 tuổi.

 

Nguồn: Hoài Nam- 35mm.vn 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

5,588 lượt xem